Mẹ tôi và câu niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát”
Mẹ tôi cầu Bồ tát không vì mình (vô ngã) mà chỉ vì mọi người, con cháu, người thân...Mẹ tôi tin “chắc như đinh đóng cột” vào sự linh ứng của Bồ-tát Quán Thế Âm.
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát là nam hay nữ?
Mẹ nhất quyết: bất cứ ai, hễ gặp bất trắc, tai nạn khổ đau mà thành tâm niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm thì Ngài sẽ cứu độ cho tai qua nạn khỏi; nếu không được ngay thì sớm muộn mọi sự cũng hanh thông tốt đẹp! Mẹ tôi nhắc nhở con cháu và mọi người quen lạ nên thành tâm cầu nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm! Và câu niệm “Nam-mô Đại từ Đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ-tát” đã nhập tâm và theo mẹ tôi suốt cho đến cuối đời.
Linh ứng chăng? Thật ra, hồi đó tôi không mấy quan tâm, và cũng như mọi người trong nhà, tôi cho là mẹ “mê tín”. Lên trung học, được tiếp cận mớ kiến thức nhà trường với sách báo, phim truyện…, tôi lại càng nghi ngờ điều mẹ tin, cho là thiếu cơ sở khoa học.
Trong những năm đầu thập niên 50-60, trào lưu triết học phương Tây thịnh hành; triết lý hiện sinh như là mốt được giới trẻ học sinh, sinh viên hâm mộ tôn sùng. Mặc dầu hiện sinh là gì, phần đông chúng tôi cũng còn lờ mờ nhưng đã ảnh hưởng và để lại dấu ấn sâu đậm trong nhận thức, suy tư, nếp sống thanh niên thời bấy giờ, nhất là giới trẻ có học. Tôi, một đứa nhà quê về phố học, cũng như phần đông thanh niên thời đó, muốn giũ bỏ cái lốt quê mùa bằng cách tập tò học đòi “mốt trí thức” với cặp kính trắng và những quyển sách triết của Albert Camus, J. Paul Satre luôn lè kè bên mình. Hiện sinh, vấn đề thời thượng mà ở bất cứ đâu - vỉa hè, sân trường, nhà ga, bến xe, quán cà-phê... cũng đem ra bàn cãi, tranh luận; và với thái độ hoài nghi, họ thẳng thừng bác bỏ những gì mắt không thấy, tai không nghe. Bản thân tôi cũng không ngần ngại gạt qua một bên điều mẹ tin, coi thường lời mẹ dặn, tự cho là “mọi sự được mất, thành bại ở đời đều do số phận cả. Linh ứng chỉ là sự ngẫu nhiên, trùng hợp, tình cờ”.
Bước vào đời trước bao nghịch cảnh phũ phàng và thất bại đắng cay, tôi hoang mang không còn biết tin vào đâu. Nhiều người cho hoàn cảnh sướng khổ đều do số phận cả. Nhưng số phận do đâu? Tôi băn khoăn tự hỏi! Tại sao người xinh đẹp, giàu có, hạnh phúc; kẻ lại xấu xí, bất hạnh, khổ đau? Người cho là do trời hay thượng đế quyền năng an bài. Như thế tại sao đều là con người và là con cái thượng đế mà kẻ của cải thừa mứa, người lầm than đầu tắt mặt tối? Như thế có bất công? Có quan niệm cho là nghiệp… thì chuyển được chăng, ai cứu? Có thể nào đặt cược đời mình vào niềm tin mơ hồ và tôi nghi ngờ điều xác tín về sự mầu nhiệm. Trong khi không ít trường hợp tôi đã mở to mắt kinh ngạc trước những kỳ diệu mà mớ kiến thức khoa học của tôi chịu bó tay không tài nào lý giải! Thật ra, những lúc cùng đường bế tắc, tôi cũng cầu nguyện (tất nhiên thầm kín không ai hay) nhưng có bao giờ tôi được đáp ứng.
Tuy thế, khi liên hệ hoàn cảnh gia đình mình với bạn bè đồng song đồng lứa, tôi không khỏi giựt mình tự hỏi sự may mắn do đâu có? Sinh ra và lớn lên trong gia đình đông con ở một vùng quê nghèo, anh em tôi đều được học hành, tuy không đến nơi đến chốn nhưng có được chút hiểu biết giắt lưng đối với thời bấy giờ không là chuyện dễ. Nhất là khi phải đối diện trước tình huống sống chết chỉ trong gang tấc, mạng sống như chỉ mành treo chuông…, trong sâu thẳm lòng tôi bỗng vuột ra lời cầu nguyện chí thành và tôi đã vượt qua hiểm nguy. Sức mạnh kỳ diệu nào đã thúc đẩy thực sự tôi không thấy, không hay biết nhưng là sự thật không thể chối cãi! Và trải bao biến cố chiến tranh tù tội chết chóc xảy đến, bạn bè đứa chết hay mất người thân, đứa nhà cửa tan nát phải tha phương cầu thực, gia đình tôi vượt qua và anh em tôi may mắn sống sót và được an lành. Điều đó đã đặt ra cho tôi câu hỏi về trải nghiệm tâm linh của mẹ. Vì không nhờ “phước phần” từ niềm tin tâm linh mẹ tưới tẩm làm sao anh em tôi có nơi nương tựa để đứng vững? Và trong cuộc sống đầy bất trắc, bao sự việc đến với tôi hay trực tiếp chứng kiến đã đánh thức tôi quay về giọt nước cam-lồ-cứu-khổ-Quán-Thế-Âm mà mẹ hằng tin sâu và ân cần trao lại con cháu mà có lúc chúng tôi vô tình cho là mẹ mê tín.
Những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống khó khăn, không những tiền bạc thiếu thốn mà thì giờ cũng eo hẹp, việc đi lại không dễ dàng nên có thương cha mẹ, nhớ anh em bạn bè cũng chịu. Suốt năm qua tôi không về thăm nhà nên khi được tin mẹ mất, tôi bối rối không biết phải làm sao. Tình hình xe tàu khó khăn, tiền bạc thiếu hụt lấy gì xoay xở! Đang loay hoay tìm cách tháo gỡ, bỗng lời mẹ năm xưa thôi thúc. Tôi thắp nén hương đứng giữa trời đất thành tâm khấn cầu Bồ-tát Quán Thế Âm gia hộ cho tôi được về kịp để lo đám tang mẹ! Và tôi giữ mãi câu niệm suốt đêm.
Hạnh nguyên và sám hối Quan Thế Âm
Bốn giờ sáng, tôi đã có mặt ở bến xe xếp hàng mua vé. Nhưng đến bảy giờ có thông báo “Vé đã bán hết từ chiều hôm qua!”. Mọi người đều tỏ ra bức xúc, tức giận… nhưng cuối cùng đều tản mác! Tôi đánh bạo vào ngay phòng vé năn nỉ, nhưng vô ích. Quay ra, tôi thở dài ngồi xuống bậc cấp chờ một cơ may. Một chuyến xe tăng cường, biết đâu? Bỗng một người đàn ông trông quen quen đến bên tôi cười bảo: “Anh có vẻ bồn chồn, hẳn có việc cần, tôi thì chưa vội!”. Đặt tấm vé vào tay tôi rồi ông vội bỏ đi ngay. Tôi trố mắt ngạc nhiên! Là sự thật? Nhưng tấm vé đã sờ sờ trên tay. Tôi mừng quá, vội nhảy lên xe. Ngồi xuống ghế, tôi mới sực nhớ mình chưa trả lại tiền vé và cũng không một lời cảm ơn. Tôi đứng lên định bước xuống nhưng xe đã chuyển bánh và nhìn quanh chẳng thấy bóng dáng người đó đâu! Tôi moi óc, cố lục lọi trí nhớ xem là ai? Sao có chuyện kỳ lạ vậy?
Về đến nhà, chị tôi cho biết, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của quý thầy và quý bác trong khuôn hội nên mọi việc đã đâu vào đấy. Câu hỏi về người đàn ông cứ theo tôi mãi, cho đến khi mọi việc xong xuôi, tôi đến chùa thăm thầy và được thầy khai mở.Tôi thay mặt gia đình đến chùa lễ Phật, cảm tạ ơn thầy. Thầy ân cần bảo: “Chỉ là Phật sự, gia đình không nên quá bận tâm chuyện ơn nghĩa. Phật dạy cách tốt nhất đền đáp ơn Tam bảo là giúp đỡ mọi người!”. Thấy thầy tỏ vẻ cởi mở, tôi mạnh dạn nêu câu hỏi thắc mắc bấy lâu. “Thưa thầy, nhiều người cho rằng hễ ai gặp bất trắc khó khăn hoạn nạn, cầu Bồ-tát liền được cứu độ, nhưng có người cầu mà chẳng bao giờ được đáp ứng, như thế nghĩa là sao?”.
Thầy rót nước mời uống rồi ân cần giải thích. Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ. Cuộc đời, nói chung chúng sanh trong cõi Ta-bà nhiều khổ đau gặp hoàn cảnh tai ương hoạn nạn do căn cơ sai biệt nên để cứu độ hết thảy, chư Phật và chư Bồ-tát đã thị hiện nhiều thân tướng khác nhau. Đặc biệt Bồ-tát Quán Thế Âm thị hiện tướng Thiên thủ thiên nhãn; năng lực vô biên mầu nhiệm được khái quát, cụ thể hóa bằng ngàn tay ngàn mắt. Ngàn tay nói lên khả năng sẵn sàng cứu độ hết thảy, ngàn mắt biểu lộ năng lực nhìn xa trông rộng, khắp nơi không đâu không thấy! Do đó bất cứ ở đâu và lúc nào Bồ-tát cũng có mặt, sẵn sàng đáp lại tiếng kêu cứu thống khổ những ai gặp ách nạn!
Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn, Phật dạy Bồ-tát Quán Thế Âm tùy yêu cầu cứu độ mà thị hiện nhiều hình tướng khác nhau. Chúng sanh bao nhiêu loài với nỗi khổ, niềm đau thì Ngài thị hiện bấy nhiêu thân tướng tương ưng để cứu độ hết thảy. Nhưng nói thế không phải thế mà là thế; nghĩa là không phải ai cầu cũng được đáp ứng. Trí tuệ đạo Phật đòi hỏi hiểu lời Phật dạy như là phương tiện khế lý, khế cơ… tùy căn cơ chủng tánh mà tiếp nhận ý nghĩa cao thấp sâu cạn không đồng.
Ý nghĩa Quán Thế Âm phải được hiểu qua biểu tượng “Quán là quán xét, soi xét, lắng nghe; Thế là thế gian, là cuộc đời này; Âm là âm thanh tiếng kêu, tiếng nói”. Từ đó, Bồ-tát không nhất thiết phải là bậc cao siêu ở cõi xa lạ mà bất kỳ ai, có thể chỉ là một người bình thường, nếu biết lắng nghe để cảm thông với nỗi khổ niềm đau, chia sẻ niềm vui, đem lại sự an lạc cho người đều là Bồ-tát... Do khả năng hạn chế, năm giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý căn) nhiều sự việc, hiện tượng con người không thể thấy nghe nhận biết… Những điều không thể suy luận nghĩ bàn, đạo Phật gọi là “bất khả tư nghì” cần phải được thực chứng. Như người uống nước muốn biết nước nóng lạnh, mùi vị ra sao thì phải ngụm vào miệng chứ không thể nắm bắt cảm nhận qua ai đó! Dân gian thường nói “thần giao cách cảm”nghĩa là tinh thần đã giao thì cách xa mấy cũng cảm, trái lại thần không giao tức tâm không đồng, không thông làm sao cảm!
Với niềm tin sâu sắc vào sự linh ứng Bồ-tát Quán Thế Âm, mẹ tôi cầu không vì mình (vô ngã) mà chỉ vì mọi người, con cháu, người thân (vị tha) bởi tương thích với tần số vô ngã, vị tha của hạnh nguyện cứu khổ nên mẹ cầu tất ứng. Còn chúng ta trái lại cầu mà nghi ngờ, so đo với cái tâm hẹp hòi vị kỷ thì cầu sao ứng!À, thì ra người đàn ông đã giúp tôi ở bến xe… Tôi chợt hiểu và cũng chỉ mình tôi cảm nhận, tôi có nói cho một ai đó họ cũng không tin vì không thể hiểu.
Mầu nhiệm và gần gũi thay Bồ-tát Quán Thế Âm, đơn giản chỉ cần biết lắng nghe để san sẻ nỗi khổ niềm đau, đem lại niềm vui dù nhỏ nhoi cho người thân, bạn bè, người chung quanh bằng một lời khuyên, lời an ủi động viên chân tình…việc bình thường ai cũng có thể làm và trở thành vị Bồ-tát. Hãy thực tập hạnh lắng nghe để cuộc đời vơi bớt khổ đau và tràn đầy niềm vui.Tôi chợt nhận ra niềm tin thâm sâu của mẹ và ý nghĩa lời mẹ dặn.
Từ bi, tình thương, Bồ Tát trong mỗi người
Theo Giác Ngộ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Tư liệu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tư liệu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Tư liệu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Bay qua miền hạnh phúc
Tư liệu 17:30 18/11/2024Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.
Xem thêm