Thứ ba, 11/02/2020, 10:01 AM

Cụ ông 90 tuổi theo đạo Phật, bán đậu phộng dạo để làm từ thiện

“Tôi theo đạo Phật, ăn chay trường. Cứ thấy người ta đói rách là thấy tội tội, thương thương. Nếu không giúp họ, tôi thấy mình có tội dữ lắm, vậy là nghĩ đến chuyện làm việc thiện, cũng là để tích chút đức cho đời”, cụ Bình kể một cách rất thân tình với chúng tôi.

> Những câu chuyện gieo mầm thiện cho đời

Hằng ngày, cụ Lưu Bình (90 tuổi, ngụ P.Quyết Thắng, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) rong ruổi khắp các đường phố để bán đậu phộng luộc. Số tiền kiếm được, cụ làm từ thiện.

Cụ Bình chuẩn bị đậu phộng luộc trên chiếc xe đạp cũ để đi bán lấy tiền làm từ thiện. Ảnh: Đức Nhật

Cụ Bình chuẩn bị đậu phộng luộc trên chiếc xe đạp cũ để đi bán lấy tiền làm từ thiện. Ảnh: Đức Nhật

20 năm bán đậu phộng

Chúng tôi đến thăm nhà cụ Bình vào một ngày đầu năm mới. Bên chén trà đãi khách, cụ Bình quấn điếu thuốc rê ngồi hút. Cụ bảo còn mỗi cái tật xấu này là chưa bỏ được. Ngược dòng thời gian, cụ Bình kể rằng mình quê Bình Định. Những năm 1970, cụ đưa cả gia đình lên Kon Tum lập nghiệp. Vợ chồng cày thuê cuốc mướn để nuôi 7 người con khôn lớn. Hơn 20 năm trước, do tuổi cao, không thể cầm cuốc được nữa nên cụ Bình chuyển qua bán đậu phộng dạo.

Ngày nào cũng vậy, từ 7 giờ sáng ông cụ dắt xe ra khỏi nhà đi bán đậu đến giữa trưa mới về. Đến 18 giờ, cụ lại tiếp tục dắt chiếc xe đạp rong ruổi khắp các tuyến phố, ngả đường, quán nhậu, quán cà phê để bán đậu, đến khuya mới về nhà. “Tôi theo đạo Phật, ăn chay trường. Cứ thấy người ta đói rách là thấy tội tội, thương thương. Nếu không giúp họ, tôi thấy mình có tội dữ lắm, vậy là nghĩ đến chuyện làm việc thiện, cũng là để tích chút đức cho đời”, cụ Bình kể một cách rất thân tình với chúng tôi.

Số tiền ngày đêm đội mưa, đội nắng đi bán đậu phộng tích cóp được, cụ nhắm ai khó khăn thực sự thì tìm đến tận nơi để giúp đỡ. Đó là những người nghèo không may bị tai nạn, hay những người đang cần tiền chữa bệnh, thuốc men…

Vui khi giúp người nghèo

Cách đây khoảng 7 năm, thấy nhiều người vào bệnh viện có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí không đủ tiền mua thức ăn, cụ nghĩ ngay đến cách làm tủ bánh mì từ thiện để huy động thêm nhiều người tham gia. Cụ bỏ tiền thuê đóng một tủ kính rồi đặt gần Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum.

Hằng ngày, cụ mua khoảng 100 ổ bánh mì rồi phát cho các bệnh nhân nghèo. “Coi bộ mà nhiều người cần dùng lắm đó. Ngày nào cũng như ngày nào, tủ bánh mì hết ráo. Tôi vui lắm khi giúp được những người khốn khó hơn mình. Tôi duy trì tủ bánh mì được hơn 6 năm. Gần đây nhiều người tham gia ủng hộ bánh mì quá nên tôi rút về đi làm việc khác thiết thực hơn. Một năm trở lại đây, tôi mua gạo chuyển cho bếp cơm từ thiện ở gần bệnh viện. Tầm 2 - 3 ngày, tôi lại mua 10 kg gạo rồi chở đến bếp cơm”, ông cụ kể.

Nhìn vào chiếc xe đạp cũ đang để trước hiên nhà, cụ nói rằng đó là “bảo bối” giúp cụ làm ra tiền để duy trì công việc giúp đỡ người nghèo khó trong 20 năm qua.

Mỗi ngày rong ruổi, cụ Bình bán đậu phộng lãi được 100.000 đồng, đó là số tiền cụ làm từ thiện. Cũng có hôm, nhiều người biết cụ làm từ thiện nên gửi thêm chút tiền giúp đời. Cụ đều vui vẻ nhận, số tiền này khi thì cụ mua gạo đem đến bếp cơm từ thiện, khi thì cụ gói ghém trao cho một hoàn cảnh khó khăn nào đó trong bệnh viện. Số tiền tuy nhỏ nhưng có thể giúp những cảnh đời vượt qua cơn khốn khó.

3 thế hệ cùng làm từ thiện

Cứ thế, trong 20 năm qua, cụ đã thắp lên bao hy vọng cho những hoàn cảnh khó khăn, cho những mảnh đời bất hạnh. 20 năm bán đậu phộng, cụ Bình không nhớ số tiền mình ủng hộ là bao nhiêu, không nhớ đã giúp đỡ bao nhiêu người. Cụ chỉ nhớ những người đồng hành cùng cụ trong công việc bán đậu làm từ thiện, gọi họ là “những người tốt khác”. Niềm hạnh phúc lớn nhất đối với cụ Bình là những người con, cháu của cụ đều chung tay giúp đời.

Cụ Bình chia sẻ: “Tôi già rồi, buôn bán cũng không được nhiều như trước. Thế nhưng xung quanh vẫn còn nhiều người tốt, thấy tôi bán đậu làm từ thiện nên họ thấy mặt là mua ngay. Giờ đây, mấy đứa con, cháu trong nhà cũng theo ba, theo nội mà làm việc thiện cứu đời. Nghĩ đến chuyện con cháu mình làm việc thiện là thấy vui rồi”.

Ông Lưu Văn Đức (60 tuổi, con trai cụ Bình) bảo khi biết ba có ý định đi bán đậu phộng dạo làm từ thiện, cả gia đình đều ủng hộ. Đối với ông, chỉ cần ba vui vẻ, khỏe mạnh là được. Thấy ba vất vả buôn bán, mỗi ngày ông đều phụ ba luộc đậu, chở ba đi làm từ thiện. Có những hôm gặp cảnh đời éo le quá, ông Đức bỏ tiền túi giúp đỡ họ qua cơn nguy kịch.

Còn Lưu Thị Phước (20 tuổi, cháu nội cụ Bình) cho biết, hiện mình đang là thành viên Ban Chủ nhiệm CLB tình nguyện khoa y, Trường đại học Y Dược TP.HCM. Phước và các bạn thường xuyên tổ chức những hoạt động ý nghĩa như phát quà cho các bé thiếu nhi ở Bệnh viện Nhi đồng 2, cho những bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM...

Cụ Bình sống với con trai, kinh tế gia đình chỉ ở mức trung bình. Việc cụ bán đậu phộng làm từ thiện thì phường và nhiều người dân đều biết. Nhiều người biết việc làm tốt đẹp của cụ nên gặp cụ là mua ủng hộ. Ngoài ra, cụ Bình cũng có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội. Hằng năm, vào các dịp lễ, cụ ủng hộ nhiều suất quà để tặng cho hộ nghèo của phường. Việc làm của cụ rất đáng tuyên dương.

Bà Phạm Thị Tố Loan,

Phó chủ tịch UBND P.Quyết Thắng, TP.Kon Tum

*BBT đã chỉnh sửa lại title

Nguồn: Báo Thanh Niên

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Đưa tạng chàng trai chết não đi 3 miền để ghép cứu người

Gieo mầm thiện 09:30 03/12/2024

Trong 24 giờ đợi bác sĩ đánh giá chết não, chàng trai 18 tuổi chuyển biến nặng tưởng chừng tử vong, song đã giữ được nhịp tim đến cùng dưới sự hỗ trợ của máy móc để hiến tạng cứu 7 người.

Chùa Tường Nguyên khởi công xây dựng 2 cầu bê-tông nông thôn tại tỉnh Hậu Giang

Gieo mầm thiện 05:20 02/12/2024

Ngày 1-12, Đại đức Thích Minh Phú, Phó Thường trực Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) tổ chức khởi công xây dựng công trình cầu nông thôn tại tỉnh Hậu Giang.

Chùa Bồ Đề - mái ấm nơi cửa Phật

Gieo mầm thiện 10:20 01/12/2024

Chùa Bồ Đề ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) là nơi cưu mang những mảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian. Đây không chỉ là nơi tu hành đạo Phật mà còn là mái ấm của những em nhỏ có hoàn cảnh éo le.

Tình nguyện vá đường, hiến máu sau lần sẻ chia ở chùa

Gieo mầm thiện 18:09 30/11/2024

Trong 14 năm qua, Phạm Văn Hiếu cùng nhóm tình nguyện đã lặng thầm "vá" hàng ngàn ổ gà tại các tuyến đường trong ngoài thành phố. Không những thế, anh còn hiến máu, hiến tiểu cầu hơn 80 lần và vận động được hàng trăm cùng người tham gia. 

Xem thêm