Cửa mở và một chút hư không, một chút đầy...
Trần Việt Phương bàng bạc Phật tánh một cách tự nhiên, Phật tánh mà như không Phật tánh. Bởi, Phật tánh ở con người ông chính là tinh thần dân tộc Việt Nam ta.
Nhà thơ Trần Việt Phương (1928 - 2017), tên thật là Trần Quang Huy, ông là một nhà thơ hiện đại nổi tiếng của Việt Nam. Tập thơ “Cửa mở” của ông, xuất bản vào năm 1970, được đánh giá là một hiện tượng thơ, một sự kiện văn học, một sự kiện xã hội vào thời điểm đó.
Sau 2 tuần phát hành, tập thơ đã được bán hơn 5.300 bản. Ông từng nhiều năm làm Thư ký riêng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng bí thư Lê Duẩn, Cố vấn kinh tế Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải…
Rất lâu sau Cửa mở (1970) Việt Phương mới in Cửa đã mở (2008). Và sau đó, hầu như năm nào ông cũng cho ra lò những tập thơ mới: Bơ vơ đông đảo (2009), Cỏ dọc đường trần (2009), Nhặt nắng trong sương (2011), Sống (2012), Lan (2013)và Nắng (2013).
Nhà báo Tạ Thị Ngọc Thảo (TTNT): Thưa ông, ông là người mà, từ trẻ, đã đi theo cách mạng, xin ông vui lòng cho biết người làm cách mạng có một đời sống tâm linh không?
Nhà thơ Trần Việt Phương (TVP): Tôi làm cách mạng từ trẻ nhưng chưa bao giờ thuộc tầng lớp lãnh đạo cách mạng. Theo tôi hiểu, hiện nay có những quan niệm khác nhau về tâm linh là gì và có vai trò như thế nào. Xin không đi vào những vấn đề ấy. Tôi chỉ nghĩ rằng người nào cũng có tâm linh và có đời sống tâm linh, dẫu có tự biết rõ như vậy hay không. Người làm cách mạng nói chung là một người tỉnh thức, nên có một đời sống tâm linh mà tự mình biết rõ.
Năm 16 tuổi, khi bắt đầu làm cách mạng, do trải nghiệm chừng nào cuộc sống trên phố hè Hà Nội và do học văn học Pháp, tôi biết khái niệm linh hồn và đã có cảm nhận thực tế về linh hồn. Càng làm cách mạng lâu hơn, tôi càng thấy tầm quan trọng sâu xa của đời sống tâm linh đối với con người và xã hội người.
- Ông có những kỷ niệm gì gần gũi với nhà Phật?
- Tôi là con thứ tư trong một gia đình có 7 con của một công chức bậc thấp thời trước, chồng là giáo viên tiểu học, vợ vốn là người bán rau, sau khi lấy chồng thì ở nhà làm nội trợ và nuôi dạy con. Từ năm 10 tuổi đến năm 16 tuổi, đến khi đi làm cách mạng, tôi là bạn hàng ngày của nhóm thiếu niên, thanh niên dân nghèo đầu đường xó chợ ở chợ Hôm và phố hè Quận Hai Bà, Hà Nội.
Suốt 6 năm ấy, trong tôi có một người học sinh trường Bưởi (tôi chỉ dành rất ít thì giờ cho việc học), và có một đứa trẻ đầu đường xó chợ trong phần lớn thời gian của mỗi ngày, mỗi đêm. Một lần cùng bạn đầu đường xó chợ đi qua nhà tôi ở phố Mai Hắc Đế, gần chợ Hôm, tôi chỉ vào nhà mà bảo: “Nhà tao đây”, thì dẫu đó là căn nhà một tầng xoàng xĩnh, các bạn tôi đều nghĩ rằng tôi là đầy tớ, ngày xưa gọi là “thằng nhỏ”, vừa xin được vào hầu hạ trong nhà ấy, chứ không thể nghĩ tôi là con chủ nhà.
Kỷ niệm và bài học đầu đời thấm thía của tôi, theo tôi suốt đời, là từ một gia đình nghèo, ngày càng sa sút, từ bạn đầu đường xó chợ, từ Văn hoá phương Tây, đặc biệt là chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Pháp.
Tôi đã được gặp nhiều người Phật, đặc biệt là trong dân nghèo.
- Ông là nhà chính trị, ông là hội viên Hội nhà văn, và ông còn là một nhà thơ - trong thơ ông cũng đượm chất cách mạng. - Tập thơ “Cửa mở” của ông thể hiện điều đó. Ông có thể chia sẻ điều gì đã thôi thúc ông viết những vần thơ khí khái và đẹp đẽ như thế?
- Thơ của tôi là ước vọng và chừng nào thực tế cuộc đời tôi, là cách tôi hiểu, tôi quan hệ với con người, với cuộc đời, với sự sống.
- Ông luôn có những câu thơ mà người đọc, nếu là Phật tử, sẽ suy qua lĩnh vực khác. Ví dụ, hai câu thơ trong bài thơ “Ai”: “Ta giãy giụa trong vòng xoáy sinh tồn/ Chỉ mong một môi trường không ô uế”. Có bao giờ ông nghĩ, tư tưởng Phật giáo có thể góp phần lớn tạo ra môi trường không ô uế đó?
Tôi nghĩ rằng triết học Phật góp phần rất to lớn tạo ra môi trường sống lành mạnh, từ bi.
Theo sự tìm hiểu còn rất sơ lược và có thể có chỗ sai lầm của tôi đã nhiều năm rồi về lịch sử triết học, tinh thần, tâm linh của Ấn Độ, từ thời Vedi khoảng hơn 9000 năm trước Giê-xu, qua thời Bà-la-môn chừng 1500 năm trước Giê-xu, đến thời Phật hơn 500 năm trước Giê-xu, tôi còn nhớ lại như sau :
Buddha trong tiếng Sanskrit có nghĩa là người tỉnh thức, người đã tự khai sáng, nghĩa ấy dần dần rộng thêm ra, nói về người đại ngộ, gặp được niết bàn (Nirvana) ngay trong mình, trở thành người đại hạnh, người đã đến được nơi tận cùng cần đến. Sakyamuni (Thích ca mâu ni) có nghĩa là người hiền triết (muni) thuộc lớp người Sakya, là lớp tinh hoa của đẳng cấp tinh hoa, vốn tên là Gautama. Sakyamuni là một người hiền triết thuần khiết, nhưng không phải người duy nhất. Chỉ riêng ở Ấn Độ, trước và sau Gautama, có nhiều người hiền triết thuần khiết. Ở khắp các thời và khắp các nước trên thế giới, những người hiền triết thuần khiết càng nhiều hơn.
Điều đặc biệt của Gautama là sau khi đại ngộ, Gautama đã dành 45 năm, từ năm 35 tuổi đến năm từ trần 80 tuổi, để đi tuyên đạo, truyền đạo và hành đạo, trở thành người sáng lập Phật giáo. Một trong những chỗ sáng giá của Phật giáo nguyên thủy là chống lại tư tưởng và tinh thần phân chia đẳng cấp quá nặng của Bà-la-môn, tự tôn Bà-la-môn là đẳng cấp thượng đẳng.
Có một chi tiết trong đời Gautama tôi rất thích: Sau khi rời gia đình quyền quý ra đi, cùng với 5 bạn đường sống đời khổ hạnh, ở đáy của xã hội, chịu mọi đau thương, cực nhọc, vừa sống điêu đứng vừa suy ngẫm, chiêm nghiệm, đến cuối năm thứ 5, Gautama thấy ra rằng khổ hạnh và ép xác như vậy không phải là con đường chân chính để đến nơi cần đến, nên đã bỏ, không tiếp tục như thế, và bị 5 người bạn cho là phản bội. Nhưng chính nhờ sự thấy ra ấy, cũng là một sự ngộ quan trọng, mà 1 năm sau, Gautama đại ngộ khi ngồi suy ngẫm dưới một gốc cây bồ đề. (tôi dùng những từ của tôi: "suy ngẫm", "chiêm nghiệm", chắc không phải từ nhà Phật).
Về triết học, theo cảm nhận có tính chất cá nhân của tôi, sự đại ngộ của Gautama có thể tóm tất là: Cùng một lúc, Gautama thấy tất cả, nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy, cảm thấy tất cả, cái tất cả ấy thật sự là tất cả, bao gồm tất cả sự người trên trái đất, và rộng lớn hơn đến vô cùng, tất cả sự sống trong tất cả các vũ trụ, vũ trụ này và các vũ trụ khác, đồng thời cùng một lúc, Gautama thấy tất cả là không có gì.
Tất cả là không có gì, và không có gì là tất cả. Tôi hiểu rằng câu trên đây là sự tóm lược thô thiển, thiếu sót, và có thể sai, triết học rất sâu xa, phong phú của Ấn Độ thời Phật, với đóng góp của nhiều nhà triết học Ấn Độ xuất sắc, mà người ta gọi chung là triết học Phật.
Về kinh Phật, tôi có một kỷ niệm: Đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du, tôi gặp một bài tôi rất thích, trong đó có một đoạn ý là Nguyễn Du từng đọc nhiều kinh Phật, nhưng thấy chưa được rõ ràng, cho đến khi nhận ra rằng:
"Tài tri vô tự thị chân kinh"
(Tạm dịch: Mới biết rằng không có chữ là chân kinh)
Trong bài ấy, tôi đặc biệt thích hai câu :
"Nhân liễu thử tâm nhân tự độ
Si tâm quy Phật, Phật sinh ma"
(Tạm dịch : Người tự biết lòng mình thì người tự cứu
Si tâm quy Phật, Phật sinh ma)
Tôi đã nghĩ đến bài ấy khi tôi viết :
"Sáng đi quanh Hồ Gươm xem mua bán
Đêm khuya về thơ chữ Hán Nguyễn Du
Hà Nội phố nhoáng nhoàng và thanh thản
Hương a còng lãng mạn đẫm mùa thu"
Tôi thường nghĩ rằng: Sống tử tế, lương thiện, giản dị, chân thành, vị tha, sống hướng tới cái đúng, cái đẹp, cái tốt, sống phấn đấu phát hiện và thực hiện cái mới, cái sáng tạo là sống Phật, tuy không hề nghiên cứu triết học Phật, cũng không hề theo Phật giáo. Có nhiều lúc, tôi muốn viết “triết học phật”, chứ không phải “triết học Phật”. Ở đây, Phật là danh từ chung, không phải danh từ riêng.
- Einstein, nhà bác học của thế kỷ 20, có viết: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Triết học Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó” (Helen Dukas và Banesh Hoffman (bt.), “Albert Einstein - Bình diện nhân văn”, NXB Đại học Princeton, 1954). Ông nghĩ sao về nhận định này?
- Einstein là người từ trẻ tôi đã rất ngưỡng mộ, vô cùng ngưỡng mộ, về trí tuệ, khoa học và nhân cách. Tuy nhiên, trong câu nhận định này của Einstein, từ nhận thức và trải nghiệm của mình, nếu được phép, tôi xin thay "tôn giáo" bằng "niềm tin", và thay " triết học Phật giáo" bằng "triết học Phật".
- Trong những buổi cơm của ông với đồng sự nơi làm việc hoặc dự tiệc chiêu đãi cấp cao, tôi tình cờ chứng kiến, người phục vụ dọn cho ông một ít thức ăn riêng. Tôi thật sự ngạc nhiên khi biết, đó là những món chay. Tại sao ông ăn chay?
- Trong bữa cơm gia đình cũng như bữa ăn nơi làm việc hoặc ở những buổi chiêu đãi, tôi vẫn ngồi chung mâm với mọi người, nhưng có vài món chay (nếu nhà bếp được báo trước là có tôi ăn chay). Những bữa ăn khác, nếu không có món chay thì tôi chọn những món như đậu phụ, lạc và rau, có sẵn trong buổi ăn chung. Trước những món ăn từ động vật, dù được chế biến giỏi, dù được nhiều người ăn khen ngon, tôi không có hứng thú thưởng thức, cũng không bao giờ thèm ăn.
Tôi ăn chay từ nhỏ, trong khi cha mẹ và các anh chị em tôi đều ăn mặn. Thật tình tôi cũng không hiểu vì sao. Sau Cách mạng Tháng tám 1945, vào bộ đội, đồng bào ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cho bộ đội cơm ăn với cá, thịt, tôi chỉ ăn với muối; sau đó thì có canh cà chua rừng nấu xuông, loại cà chua nhỏ như hạt mít, và các loại rau rừng. Đi công tác nước ngoài tôi cũng ăn chay, bạn bè quốc tế thường dò hỏi anh em trong đoàn “tôi theo đạo Phật hay là đạo Hồi?”. Tôi ăn chay không thấy thiếu, không thấy yếu, nhưng cũng không thấy khỏe thêm ra, chỉ thấy dễ chịu, thoải mái. Ăn chay, tôi chỉ ăn được những món tự nhiên, không ăn được món chay giả mặn.
Từ khi tôi đứng tuổi và hàng ngày vẫn phải làm việc nhiều, vợ tôi lo, nếu không có đạm động vật thì tôi sẽ không đủ sức và bà tập cho tôi ăn đạm động vật. Tôi xin vợ tôi, nếu làm đạm động vật thì hãy cố làm mất đi cảm giác thịt của loài vật, như món ruốc (thịt chà bông) thì ruốc gần như thành bột, và tôi chỉ ăn được đạm động vật do chính tay của vợ tôi làm. Thế nhưng, sức ăn đạm động vật của tôi rất kém, chỉ dùng được vài bũa, rồi ăn chay lại, cứ thế…
- Thưa ông, hình ảnh mẹ, và vợ trong thơ của ông rất xúc động, phải chăng đó là những người luôn truyền tình yêu thương năng lượng cho ông?
- Mẹ tôi là người đã truyền cho tôi tình yêu thương con người, sự khiêm cung nhún nhường và điều tâm niệm về cách sống: "Khi trong đời có một người phải nhận phận hẩm hiu, phải chịu thiệt thòi, đau đớn, thì hãy luôn luôn nhớ rằng người ấy là mình". Mẹ tôi đã từ trần cách đây 68 năm. Trong cuộc sống hiện nay, tôi vẫn thường gặp và thầm nói chuyện với mẹ tôi, ban ngày và ban đêm.
Vợ tôi năm 2011 này đã 78 tuổi, cách đây 60 năm là học sinh của tôi ở trường sư phạm, từ 56 năm nay là người yêu, người vợ, người bạn tri kỷ thân nhất, người học sinh cũ, người em, người chị của tôi; từ nhiều năm nay là người mẹ của các con tôi, người bà của các cháu tôi. Vợ tôi luôn luôn là chỗ dựa tinh thần và hậu phương tình cảm của tôi.
- Từ thời “khi xưa ta bé” ông có hay theo Mẹ đến chùa?
- Tôi học triết học Phật, và có từng đến thăm một số chùa Phật giáo, một số nhà thờ Thiên chúa giáo, một số nhà thờ Hồi giáo, như đến thăm những kiến trúc và những cảnh quan đẹp, trang nghiêm, thanh tịnh. Tôi hoàn toàn không biết và không theo các nghi thức Phật giáo. Riêng tiếng mõ, nhất là vào hoàng hôn và đêm khuya, thì tôi thấy đánh theo bất cứ cách nào, miễn là chậm rãi, đều thấm thía và sâu xa triết học.
- Xin chân thành cảm ơn ông, và chúc ông thân tâm an lạc.
“Nguyện ngày an lành, đêm an lành,
Đêm ngày sáu thời được an lành;
Tất cả các thời đều an lành.
Xin đức từ bi thường gia hộ”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Jun Phạm: "Tôi thích truyện tranh và đọc về Phật giáo"
Phỏng vấn 11:25 17/12/2024Đối với ca sĩ Jun Phạm, các cuốn sách như những người bạn đã đồng hành cùng anh từ khi còn là cậu bé đến khi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng.
Á hậu Hạnh Nguyên chuyển hóa nội tâm nhờ sách về Phật pháp
Phỏng vấn 09:37 12/12/2024Á hậu Hạnh Nguyên chia sẻ về hành trình ăn chay đến tìm hiểu Phật pháp, thói quen đọc 5-20 trang sách mỗi ngày, cùng những tác động từ sách Phật pháp đến tư duy, cách sống và công việc.
Đỗ Thành Tín: “Âm thanh có khả năng giúp kết nối, hồi sinh…”
Phỏng vấn 11:39 11/12/2024Đỗ Thành Tín, chuyên gia chuông xoay, nghệ sĩ và là người tổ chức liveshow “Thanh âm mùa tái sinh” diễn ra vào lúc 12h ngày 12/12 sắp tới tại TP.HCM…
Trò chuyện với một người trẻ tập "thiền động", yêu cây
Phỏng vấn 15:56 07/12/2024Ở Đà Nẵng, có một bạn trẻ vô cùng yêu cây, mơ góp sức mình cho màu xanh đất mẹ - vị Bồ-tát từ bi nuôi dưỡng vạn loài. Đó là nhiếp ảnh gia 9x Đặng Công Lợi. Anh là chủ nhân của Fanpage “Thành phố màu xanh” và một kênh Vlog lan tỏa lối sống xanh.
Xem thêm