Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 29/11/2022, 13:15 PM

Cúng dường Ngài Xá Lợi Phất, 7 năm sau đắc quả vị A La Hán

Ông biết Ngài đến khất thực, nhưng vì nghèo túng, không có gì để cho, ông lánh mặt. Ngày khác, Trưởng lão lại đến, ông cũng trốn, chỉ mong có được món chi cúng cho Ngài. Chẳng bao lâu ông được toại nguyện.

Chuyện bắt đầu tại Vương Xá, nơi sinh sống của Bà-la-môn Mahàsena, bạn của Bà-la-môn Vangata (cha của Ngài Xá-lợi-phất). Trưởng lão Xá-lợi-phất một hôm đi khất thực, thương hại Mahàsena nên dừng chân trước cửa nhà ông.

Ông biết Ngài đến khất thực, nhưng vì nghèo túng, không có gì để cho, ông lánh mặt. Ngày khác, Trưởng lão lại đến, ông cũng trốn, chỉ mong có được món chi cúng cho Ngài. Chẳng bao lâu ông được toại nguyện.

Số là, trong một buổi tụng đọc, ông nhận được một bát cháo và một mảnh vải nhỏ. Nhớ đến Trưởng lão, ông muốn cúng cho Ngài. Trưởng lão đang thiền định, xả thiền và thấy Bà-la-môn, bèn khoác y ôm bát, đến nhà thì thấy ông đang đứng đó.

Ông Bà-la-môn hài lòng, tiến đến đảnh lễ, chào mừng thân mật, mời vào trong nhà rồi lấy bát cháo của mình trút vào bát của Trưởng lão. Ngài chỉ nhận phân nửa cháo và lấy tay che bát lại. Nhưng ông khẩn khoản:

- Tôn giả! Ðây là một chút cháo, hãy ban cho tôi phước lại đời sau chớ không phải đời này. Tôi muốn cúng hết, không chừa lại.

Trưởng lão nhận hết cháo, ăn ngay tại chỗ. Ðợi Ngài dùng xong, Bà-la-môn dâng miếng vải nói:

- Tôn giả! Tôi cũng xin đạt được chân pháp như Ngài. Trưởng lão hứa khả:

- Sẽ được vậy, Bà-la-môn!

Rồi Ngài đứng lên, trở về Kỳ Viên. Trường hợp người Bà-la-môn đúng y như câu "Cúng dường dù đang nghèo túng đều làm tâm người an vui vượt bậc". Sau đó ông cảm thấy rất đỗi hoan hỷ, đầy ân tình với Trưởng lão.

Mười hạt thóc cúng dường thoát cảnh nghèo khổ

1

Vì cảm tình với ngài Xá Lợi Phất, và công đức cúng dường, chết đi ông Bà-la-môn đầu thai vào bụng vợ một thí chủ của Trưởng lão sống ở Xá-vệ.

Ngày khi biết mình mang thai, bà vợ cho chồng biết, và được săn sóc chu đáo, tránh những thức ăn quá nóng, quá lạnh hay quá chua. Bà ước được mời đến nhà năm trăm Tỳ-kheo do Trưởng lão Xá-lợi-phất dẫn đầu, dâng chỗ ngồi, cúng cháo sữa và cơm liên tục; ngoài ra chính bà sẽ được khoác y vàng, ôm bát vàng, ngồi vòng ngoài hội chúng, và được chia ăn phần cơm dư thừa của số đông Tỳ- kheo như thế. (Ðó là dấu hiệu con bà sinh ra sẽ thành Tỳ-kheo trong Tăng đoàn dưới sự lãnh đạo của Phật).

Bà được như ý. Sau mười tháng bà sinh một bé trai. Trước và sau khi sinh, thỉnh thoảng bà lại chiêu đãi năm trăm Tỳ-kheo do ngài Xá-lợi-phất dẫn đầu với cháo mật, sữa và cơm.

Vài năm sau, tại buổi chiêu đãi vào ngày sinh nhật đứa bé, gia đình mặc cho nó y phục đẹp đẽ sau khi tắm nó từ sáng sớm, đặt nó vào giường thật lộng lẫy và đắp lên mình chiếc mền trị giá một trăm ngàn đồng.

Thấy Trưởng lão Xá Lợi Phất, đứa bé nhận ra đây là thầy mình, nhờ thầy mà được vinh dự như thế này. Và khi người ta ẵm nó lên đi thọ giới, nó lôi theo chiếc mền, ý muốn dâng cúng Trưởng lão. Mọi người không hiểu, kéo tay nó ra, nó khóc thét, họ đành để yên. Khi cúi lạy Trưởng lão nó mới chịu buông tay cho mền rớt xuống chân Ngài. Gia đình hiểu ý thưa:

- Tôn giả! Xin nhận quà dâng của đứa bé và truyền giới cho tôi tớ Ngài, kẻ đã lễ kính Ngài với chiếc mền đáng giá một trăm ngàn đồng.

Trưởng lão hỏi:

- Ðứa bé tên gì?

- Xin lấy phần sau tên của Ngài.

- Vậy nó tên Tissa.

Upatissa chính là tên của Trưởng lão thuở xưa còn ở nhà.

Mẹ cậu bé quyết định không xen vào ước nguyện của con. Vào những ngày lễ tiếp theo, như ngày chia phần ăn, xỏ lỗ tai, nhận y phục và cạo tóc, mẹ cậu vẫn tiếp tục chiêu đãi năm trăm Tỳ-kheo do Xá-lợi-phất cầm đầu, với cháo mật, sữa và gạo.

Ðược bảy tuổi, cậu bé bảo mẹ muốn đi tu với Trưởng lão. Bà mẹ hoan hỷ, mời Ngài đến nhà thưa ý định của cậu bé và xin phép dẫn cậu bé đến tinh xá chiều hôm đó. Và bà đã đến tinh xá với nhiều phẩm vật dâng cúng, rồi giao con trai cho Trưởng lão. Ngài dạy câu:

- Tissa, đời tu sĩ là một đời gian nan, muốn ấm thì bị lạnh, muốn mát thì bị nóng, ai đi tu cũng phải nhọc nhằn, còn con thì mảnh khảnh.

- Bạch Tôn giả! Con có thể làm bất cứ việc gì Ngài sai bảo.

- Tốt lắm!

Ngài dạy cậu thiền quán về năm yếu tố đầu của thân, chú tâm vào sự bất tịnh của thân, và cho cậu xuất gia.

Ðể mừng con được kết nạp vào Tăng đoàn, cha mẹ Tissa ở lại tinh xá bảy ngày và dâng cúng tăng chúng chỉ cháo mật, sữa và gạo, không món nào khác. Các Tỳ-kheo xầm xì không thể nào ăn hoài mỗi thứ cháo mật, sữa và gạo. Chiều thứ bảy cha mẹ Tissa ra về, và ngày thứ tám cậu tân Sa-di đi theo các Tỳ-kheo khất thực.

Dân trong thành Xá-vệ biết tin, chờ Sa-di để dâng cúng. Họ lấy năm trăm miếng vải may nệm lót bát và sớt năm trăm bát cúng dường khi gặp Sa-di trên đường. Ngày hôm sau họ đến khuôn viên tinh xá cũng cúng dường giống như thế. Vậy là Sa-di nhận một ngàn bình bát với nệm lót, chú dâng tất cả lên Tăng chúng. (Ðây là phước báo do kiếp trước làm Bà-la-môn cúng mảnh vải). Vì vậy các Tỳ-kheo gọi chú là Pindapàtadàyaka Tissa, tức thí chủ của Tissa.

Lại một hôm, trời lạnh, chú đi quanh tinh xá, thấy các Tỳ-kheo đang sưởi ấm chỗ này, chỗ nọ, cả trong phòng giữ lửa. Chú ngạc nhiên hỏi thăm sao không quấn mền mà phải sưởi như thế. Các Tỳ-kheo cho biết Tissa nhiều công đức có thể kiếm ra mền, còn họ thì không. Chú bèn cho loan tin khắp tinh xá ai cần mền thì đi theo chú để nhận, cũng chẳng cần suy nghĩ lấy mền ở đâu ra cho các Tỳ-kheo.

Một ngàn vị đã theo chú đi từng nhà ngoại thành, và nhận được năm trăm mền. Vào thành người ta mang mền vải cho chú từ bốn phía. Một chủ tiệm có năm trăm mền trải trước mặt, một người đi ngang thấy bèn khuyên ông giấu đi. Chủ tiệm hỏi kỹ lại:

- Chú Sa-di nhận mền ra sao? Như quà tặng hay thế nào?

- Như quà tặng.

- Nếu thế thì tôi muốn cho thì cho, còn không thì thôi. Anh đi đi.

Người kia đi rồi, chủ tiệm vẫn không hết băn khoăn: "Có của để ngay tầm mắt người, nếu không cho cũng đáng hổ thẹn, nhưng nếu cất đi chắc cũng không bị trách móc. Trong năm trăm mền này có hai cái trị giá một trăm ngàn đồng đáng cho ta giấu cất".

Thế là chủ tiệm xếp giấu cất. Chú Sa-di dẫn một ngàn Tỳ-kheo đến ngay tiệm. Ông chủ thấy chú sinh lòng quý mến, thầm nhủ "Ta cho cả trái tim ta còn được, huống hồ mấy cái mền". Thế là ông lôi luôn hai cái mền tốt để hết dưới chân chú, đảnh lễ và thưa:

- Tôn giả! Xin cho tôi được chia phần chân pháp mà Ngài đã thấy. Sa-di Tissa hứa khả cho ông.

Vậy là chú nhận tất cả một ngàn chiếc mền và giao hết cho Tăng đoàn. Do đó các Tỳ-kheo gọi chú là Kambaladàyaka Tissa, người tặng mền.

(Ngày đặt tên, chú bé tặng Trưởng lão một cái mền, lên bảy tuổi thành Sa-di nhận được một ngàn cái. Chỉ có Tăng đoàn của Phật mới từ một món cúng dường nhỏ đưa đến quả phúc lớn như thế).

Ở Kỳ Viên họ hàng của Tissa thường đến thăm hỏi. Chú thấy mình khó tu, nên đảnh lễ Thế Tôn xin đề tài thiền quán, rồi lấy y bát rời tinh xá, đi xa khoảng hai mươi dặm.

Dọc đường Tissa gặp một ông lão tại cổng làng, nhờ ông chỉ đường, chú đến trú tại một tu viện dành cho tăng sĩ ẩn cư trong rừng. Ông lão, vì mến mộ chú, dặn ngày mai vào làng khất thực, rồi quay về báo cho dân làng biết, họ gọi chú là Vanavàsika Tissa, tức người ở rừng. Tissa vào làng được dân chúng mang phẩm vật tới cúng dường và đảnh lễ, ai cũng đứng lại mãi ngắm chú không muốn về.

Họ cúi lạy dưới chân chú thỉnh cầu ở lại trong ba tháng, họ sẽ quy y Tam bảo, giữ năm giới và thực hành bổn phận Tám ngày chay. Chú nhận lời, chúc họ hạnh phúc và hết phiền não. Chú đều đặn đến đó khất thực, qua hai tháng chú chứng A-la-hán cùng các thần thông.

Bây giờ Giới sư của chú là Trưởng lão Xá-lợi-phất sau mùa nhập hạ vừa làm lễ Tự tứ xong, đảnh lễ Thế Tôn và xin đi thăm Tissa. Phật chuẩn y. Tôn giả cho Trưởng lão Mục-kiền-liên hay. Thế là cả hai, mỗi vị dẫn đầu năm trăm Tỳ-kheo cùng lên đường. Tất cả các vị Ðại đệ tử khác như Ðại Ca-diếp, A-na-luật, Ưu-ba-li, Phú-lâu-na.., mỗi vị dẫn năm trăm Tỳ-kheo cùng đi theo, tổng cộng tất cả là bốn mươi ngàn Tỳ-kheo.

Họ đến ngay ngôi làng đó, hỏi thăm. Một cư sĩ nhìn ra tám mươi vị Ðại đệ tử, đầu tiên là vị "Thống soái của niềm tin" là Ngài Xá-lợi-phất. Họ vui mừng bảo nhau mang nào giường, ghế, ngọa cụ, đèn và dầu. Rồi xếp hàng sau các Trưởng lão, họ cùng vào tu viện ẩn cư. Sa-di Tissa nhận ra Tăng đoàn, đỡ lấy y bát của vài vị Ðại trưởng lão và làm bổn phận thường lệ với các Ngài.

Xếp đặt chỗ cho các Trưởng lão và cất y bát xong thì trời tối. Xá-lợi-phất bảo các cư sĩ về nghỉ. Họ xin được nghe pháp vì từ lâu không nghe. Trưởng lão bảo Tissa thuyết. Họ đồng thanh bảo Tissa không biết nói gì trừ hai câu cầu "Cầu quý vị được hạnh phúc! Cầu quý vị hết phiền não!" Trưởng lão bèn hỏi lại chú:

- Sa-di! Làm thế nào người ta có thể được hạnh phúc? Có thể hết phiền não? Hãy giải thích.

Chú thưa:

- Dạ, vâng!

Rồi cầm quạt đủ màu, chú lên pháp tòa thuyết giảng nghĩa lý kinh điển từ cạn đến sâu, là con đường đưa đến mức tối cao là quả vị A-la-hán, như cơn mưa rào rơi xuống không ngớt trên bốn châu, giảng rõ ý nghĩa của các bài kinh trong năm bộ A Hàm, và phân tích những thuộc tánh của con người như đức Phật đã trình bày, đó là Năm uẩn, Tứ đại, Căn và Trần. Chú nói tiếp:

- Chư Tôn giả! Hành như thế sẽ trở thành A-la-hán được hạnh phúc! Hành như thế sẽ trở thành A-la-hán hết phiền não. Ai không thoát khỏi phiền não sẽ hệ lụy với những thứ khác, đau khổ ở địa ngục và ở chỗ khác.

Trưởng lão khen ngợi:

- Tốt lắm, Sa-di! Ông đã giải thích kinh điển rất hay, giờ hãy ca ngâm!

Sa-di vâng lời. Bình minh hôm sau, các thí chủ của Sa-di chia ra hai nhóm. Kẻ thì chê bai:

- Thật chưa thấy ai xử tệ như ông này. Làm sao mà ông ta thuyết pháp được như thế, khi ở tu viện đây đã lâu như ở với cha mẹ mà chẳng đọc một câu pháp nào cho thính chúng có mặt nơi đây.

Người thì khen tặng:

- Chúng ta quả có phước, tuy chưa biết phân biệt giữa thiện và ác, nhưng biết phục vụ một vị thánh thiện như thế, để bây giờ nghe được pháp từ kim khẩu của Ngài.

Thế Tôn quan sát thế gian thấy thí chủ của Trưởng lão Vanavàsì Tissa chia thành hai nhóm bực bội và hoan hỷ như thế, người bực bội sẽ bị đọa địa ngục, nên Ngài muốn đến đó để họ hòa thuận với đệ tử của Phật, và như thế sẽ thoát khỏi phiền não.

Dân làng trước đó đã dựng một lều, chuẩn bị xúp, gạo.., xếp chỗ ngồi và chờ Tăng chúng nơi Tissa đến khất thực.

Ðến giờ đi khất thực, chư Tỳ-kheo hỏi Tissa có đi cùng không. Tissa xin đi sau, khi đến giờ thích hợp. Ðoàn Tỳ-kheo liền đắp y, mang bát lên đường vào làng.

Ðức Thế Tôn đắp y tại Kỳ Viên và trong chớp mắt xuất hiện, dẫn đầu trước Tăng chúng. Dân làng mừng rỡ reo lớn khi thấy đức Phật xuất hiện. Họ sung sướng dâng tòa ngồi cho Tăng chúng với Phật ngồi ở trước và cúng dường xúp với thức ăn cứng.

Sa-di vào làng trước khi Phật cùng Tăng đoàn dùng bữa xong. Họ cung kính dâng thức ăn. Sa-di lấy đủ phần cần dùng rồi đến Thế Tôn dâng bình bát, Phật nhận bình bát đưa qua Trưởng lão Xá-lợi- phất, bảo:

- Hãy xem, Xá-lợi-phất, đây là bình bát của Sa-di ông. Trưởng lão nhận bình bát, trao trả Sa-di bảo:

- Hãy ngồi vào chỗ thường lệ và thọ thực đi!

Dân làng hầu hạ Phật với Tăng chúng xong, Phật hồi hướng theo lời họ thỉnh cầu:

- Phước may cho các ngươi, vì Sa-di đến nhà mà các ngươi được đặc ân gặp Xá- lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ca-diếp.. tám mươi Ðại đệ tử. Cũng chỉ vì Sa-di này mà Ta đến đây. Các ngươi thật đại phước đã trông thấy Phật!

Dân làng cũng nhận thấy họ thật may mắn được hân hạnh thấy một Sa-di được chư Phật và chúng Tăng chiếu cố đến thế, được cúng dường vị Sa-di ấy như thế.

Do đó, những người trước đây bực bội liền sinh tâm hoan hỷ, những người đã hoan hỷ thì càng hoan hỷ hơn. Cuối lời hồi hướng nhiều người chứng quả Dự lưu, Nhị quả và Tam quả. Rồi Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng lên, ra về. Dân làng tiễn Phật một đoạn đường.

Dọc đường, đi bên cạnh Sa-di, Thế Tôn hỏi tên những nơi trước đây ông già cư sĩ chỉ cho chú. Sau cùng, mọi người đến chỗ chú đã ở. Phật leo lên đỉnh một ngọn núi và nhìn thấy đại dương, liền hỏi chú:

- Tissa! Khi chú đứng trên đỉnh núi và nhìn theo hướng này, chú thấy gì?

- Bạch Thế Tôn, con thấy đại dương.

- Chú nghĩ gì khi nhìn đại dương?

- Bạch Thế Tôn con nghĩ rằng, nước mắt con đã khóc vì phiền muộn còn nhiều hơn nước bốn đại dương.

- Khéo nói lắm, Tissa! Ðúng thế, nước mắt chú đã khóc khi phiền muộn còn nhiều hơn nước bốn đại dương.

Nói xong Thế Tôn đọc kệ:

Nước bốn biển vẫn còn ít ỏi,

So lệ người muôn thuở đổ tuôn,

Vì buồn rầu, đau khổ điên cuồng,

Sao thế bạn, buông lung chi mãi?

Và Ngài hỏi tiếp:

- Tissa, chú ở đâu?

- Trong hang núi này, bạch Thế Tôn.

- Chú nghĩ gì khi ở đây?

- Bạch Thế Tôn, con nghĩ rằng, không biết bao nhiêu lần con đã chết và xác nằm trên đất này.

- Hay lắm! Hay lắm! Tissa, đúng vậy. Không có chỗ nào mà không có chúng sinh nằm xuống và chết đi.

Rồi Thế Tôn đọc chuyện Bổn Sinh Upasalhaka, trong quyển hai như sau: Mười bốn ngàn xác thiêu ở đây,

Của thổ dân Upasàlhakas,

Không chỗ nào, không có người chết.

Ở đâu có đạo pháp chánh chơn,

Thì chúng sinh không bị não hại,

Người người tự tri túc, điều phục,

Chỗ thánh nhân vui sống an nhàn,

Cõi bất tử, vắng mặt thần chết.

Thế Tôn sắp đi, hỏi chú muốn đi theo hay quay lại. Chú trả lời tùy theo ý thầy của chú. Ngài Xá-lợi-phất hiểu ý đệ tử, bảo chú hãy ở lại nếu muốn. Sa-di bèn đảnh lễ Thế Tôn, Tăng đoàn và quay gót. Thế Tôn trở về Kỳ Viên.

Tại Pháp đường có tiếng bàn tán về Sa-di Tissa, từ khi sinh ra, chiêu đãi cúng dường, đi tu rồi nhận thức ăn, bát với nệm lót, mền. Ở đây nhiều lợi dưỡng, nhưng chú từ bỏ hết, vào rừng, chẳng đem theo bất cứ món ăn nào được mang đến. Tissa thật đã làm một điều khó khăn! Thế Tôn đến, nghe thế bèn dạy:

- Ðúng vậy, các Tỳ-kheo! Có một con đường dẫn đến lợi dưỡng, một con đường dẫn đến Niết-bàn. Có bốn hình phạt mở cửa cho Tỳ-kheo nào sống trong rừng và hành những phạm hạnh khác cốt để được lợi dưỡng. Những Tỳ-kheo nào đi trên đường dẫn đến Niết-bàn, bỏ hết danh tiếng và lợi dưỡng có được, vào rừng phấn đấu, tu tập sẽ chứng quả A-la-hán.

Và Phật đọc Pháp Cú:

Khác thay duyên thế lợi,

Khác thay đường Niết bàn.

Tỳ-kheo, đệ tử Phật,

Hãy như vậy thắng tri.

Chớ ưa thích cung kính,

Hãy tu hạnh viễn ly.

 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?

Tư liệu 15:36 02/11/2024

Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?

Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng

Tư liệu 15:06 02/11/2024

Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.

Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm

Tư liệu 08:10 01/11/2024

Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.

Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa

Tư liệu 13:20 29/10/2024

Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.

Xem thêm