Cung kính bậc phạm hạnh nền tảng của giải thoát
Nếu không xác định đúng về giá trị của người tu sẽ đưa đến nhận thức sai lầm, hành xử thiếu tôn kính đối với những bậc đáng kính. Đức Phật đã khuyến cáo những ai không cung kính các bậc phạm hạnh thì khó tiến tu trên đường đạo.
"Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Tỳ-kheo nên thực hành hạnh cung kính và khéo quán sát, kính trọng các bậc phạm hạnh. Nếu Tỳ-kheo nào không thực hành hạnh cung kính, không khéo quán sát, không kính trọng các bậc phạm hạnh, mà pháp oai nghi đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Pháp oai nghi không đầy đủ mà học pháp đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Học pháp không đầy đủ mà giới thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Giới thân không đầy đủ mà định thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Định thân không đầy đủ mà tuệ thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Tuệ thân không đầy đủ mà giải thoát thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Giải thoát thân không đầy đủ mà giải thoát tri kiến thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Giải thoát tri kiến thân không đầy đủ mà Niết-bàn đầy đủ, điều đó không thể xảy ra.
- Nếu Tỳ-kheo nào thực hành hạnh cung kính và khéo quán sát, kính trọng các bậc phạm hạnh nên pháp oai nghi đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Pháp oai nghi đầy đủ nên học pháp đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Học pháp đầy đủ nên giới thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Giới thân đầy đủ nên định thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Định thân đầy đủ nên tuệ thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Tuệ thân đầy đủ nên giải thoát thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Giải thoát thân đầy đủ nên giải thoát tri kiến thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Giải thoát tri kiến thân đầy đủ nên Niết-bàn đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Tập tương ưng, kinh Cung kính [I], số 49)
Tu hành phạm hạnh là pháp trang nghiêm
Lời bàn:
Bậc phạm hạnh là người tu theo Chánh pháp, có giới hạnh, đầy đủ luật nghi, khiêm cung, hòa đồng, hoan hỷ. Trong cộng đồng người tu, khá nhiều người là bậc phạm hạnh đích thực nhưng hình thức bên ngoài rất bình thường, giản dị, đôi khi còn quê mùa, dân dã.
Người nông cạn hời hợt hoặc quá xem trọng danh xưng và sắc tướng thường không nhận ra, thậm chí xem thường những bậc chân tu khả kính này.
Pháp thoại này Thế Tôn đã răn nhắc, nếu trên đường tu mà không thực hành hạnh cung kính và chẳng khéo quán sát, không kính trọng các bậc phạm hạnh thì pháp oai nghi không đầy đủ. Khi oai nghi không đầy đủ thì học pháp, giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, Niết-bàn không thể xảy ra. Ngược lại, nếu người tu thực hành hạnh cung kính và khéo quán sát, kính trọng các bậc phạm hạnh thì pháp oai nghi đầy đủ. Khi oai nghi đầy đủ thì học pháp, giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, Niết-bàn chắc chắn xảy ra.
Thánh cách hay nhân cách đích thực của người tu là Giới - Định - Tuệ. Phẩm vị của người tu tùy thuộc vào sự thành tựu ít phần, nhiều phần hay viên mãn Giới-Định-Tuệ chứ không phải do giáo phẩm, chức vụ, địa vị trong đạo hay ngoài đời.
Nếu không xác định đúng về giá trị của người tu sẽ đưa đến nhận thức sai lầm, hành xử thiếu tôn kính đối với những bậc đáng kính. Đức Phật đã khuyến cáo những ai không cung kính các bậc phạm hạnh thì khó tiến tu trên đường đạo.
Vì vậy, muốn tiến tu cần phải nhận thức đúng giá trị cốt lõi của người tu để kính trọng. Mặt khác, cần khéo quán sát để tùy thuận, phục tùng, khiêm hạ và cung kính với tất cả mọi người dù mình ở bất cứ vị trí nào.
Nếu tu học mà không thấy tự ngã mình ngày càng lớn để diệt trừ, thấy mình cao người thấp rồi thiếu kính trọng, chỉ thấy vỏ cây mà không thấy được lõi cây… thì dẫu có làm ông to bà lớn cũng chỉ đứng ngoài cửa đạo mà thôi.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Không đắm nhiễm thì sống vui
Lời Phật dạy 12:25 23/11/2024Hạnh phúc thế thường chủ yếu vẫn quẩn quanh nơi thọ lạc, sự thỏa mãn các giác quan. Người có phước thì sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý luôn tiếp xúc với sáu cảnh trần sắc đẹp, thanh hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái, cảnh trong tâm (pháp trần) vừa ý, đẹp lòng.
Đức Phật dạy về bốn hạng người không nên xem là bạn?
Lời Phật dạy 18:00 22/11/2024Người nào bạn càng gần gũi, người ấy càng có ảnh hưởng đến bạn.
Thân bệnh mà tâm không khổ
Lời Phật dạy 08:20 22/11/2024Già bệnh là một sự thật của thân này, ai rồi cũng phải trải qua. Hiếm hoi mới có người già mà ít hay không bệnh. Vấn đề là, làm sao khi thân già bệnh mà tâm bớt khổ hoặc không khổ?
Đánh mất sơ tâm
Lời Phật dạy 17:15 21/11/2024Với người hảo tâm xuất gia, tâm ban đầu khi đến với đạo thật đẹp đẽ, trong veo. Họ nhàm chán sinh tử cùng với những não phiền, nhiễu nhương của đời sống thế tục mà quyết chí ra đi.
Xem thêm