Thứ, 11/02/2019, 07:56 AM

Cúng sao, giải hạn có đúng với Phật pháp không?

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong giáo lý nhà Phật không có việc cúng sao giải hạn, nhà Phật không khuyến khích việc này.

>Những giáo lý Phật giáo nên đọc

Cúng sao, giải hạn không có trong giáo lý đạo Phật

Bài liên quan

Các nhà tu hành cho rằng trong giáo lý nhà phật không có việc cúng sao giải hạn. Đối với phật giáo, không có ngày xấu, ngày đẹp, sao xấu, sao tốt như nhiều người lầm tưởng.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, khẳng định trong giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt cũng như ngày tháng đẹp, xấu trong năm. Phật giáo luôn lên án các hành vi mê tín dị đoan trong đó có cúng sao giải hạn, xem bói, xem ngày tốt xấu…

Đức Phật có dạy (trong kinh Tiểu bộ, tập 4, HT. Thích Minh Châu dịch):

“Chờ đợi các vì sao

Kẻ ngu hỏng điều lành,

Ðiều lành chiếu điều lành,

Sao trời làm được gì?”.

Trong quyển "Mê tín, chánh tín", HT.Thích Thanh Từ có nói:

“Lệ cúng sao hạn, thật là lạc hậu lỗi thời, sao là những hành tinh cách xa chúng ta bao nhiêu ngàn cây số. Nó là cái gì mà chúng ta phải cúng! Tục lệ các chùa quê, vào ngày mùng chín tháng Giêng là cúng sao Hội. Người Phật tử nào không gửi tên cúng sao, xem như năm ấy không được bảo đảm an ninh. Song người chủ cúng sao cho quý vị, có bảo đảm an ninh chưa? Có lẽ quý vị ấy quên ghi tên mình trong bài sớ cúng sao chớ gì? Thật là vô lý, đạo lý nhân quả Đức Phật dạy rành rành trong kinh, mà người ta bất chấp. Thân tổng báo của chúng ta có lẫn lành với dữ, khi nhân lành đến thì hưởng quả lành, khi nhân dữ đến thì chịu quả dữ, không thể chạy trốn được. Chỉ có tạo nhân lành nhiều, khi quả dữ đến sẽ nhẹ đi hay giảm bớt”.

Cảnh tượng người dân ngồi tràn từ trong ra bên ngoài cổng một ngôi chùa để vái vọng vào trong. Ảnh: Internet

Cảnh tượng người dân ngồi tràn từ trong ra bên ngoài cổng một ngôi chùa để vái vọng vào trong. Ảnh: Internet

Mỗi dịp đầu năm mới, hàng vạn người dân lại đổ về các ngôi chùa để làm lễ dâng sao giải hạn. Họ đứng tràn ra cả đường phố, thi nhau vái vọng, cầu khấn thần Phật với niềm tin sẽ hóa giải được các vận hạn trong năm.

Hiện nay, những lời truyền từ câu chuyện của thế giới tâm linh như “Sao Thái Bạch quét sạch cửa nhà”, “nam La (sao La Hầu), nữ Kế (sao Kế Đô)”, “49 chưa qua, 53 đã đến”…  đã len lỏi sâu vào đời sống nhân dân, đem đến cho con người nỗi sợ hãi, xen lẫn lo âu. Thay vì dành thời gian làm việc, tuân theo các quy định của pháp luật, nhiều người quẳng tiền bạc và thời gian vào những cuộc “mặc cả” với thánh thần. Các hoạt động cúng, lễ, bói toán, dâng sao giải hạn diễn ra vô cùng sôi động vào dịp đầu năm mới.

Bài liên quan

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong giáo lý nhà Phật không có việc dâng sao giải hạn, nhà Phật không khuyến khích việc này.

Tục dâng sao giải hạn là những tồn tại từ lâu đời trong dân gian. Nó nằm trong nghi lễ của Lão giáo, tức là Lão Tử của Trung Quốc. Hay nói cách khác, nó thuộc về Tam giáo đồng nguyên (xuất hiện từ thời Lý), theo Lão giáo nó dung nạp vào trong nhiều ngôi chùa.

Tục này đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người, nhất là người dân Việt Nam. Họ tin rằng, mỗi một năm có một vì sao chiếu mệnh. Có 9 sao, trong đó có: Thái dương, Thái Âm, Mộc đức, Vân hớn, Thổ tú, Thủy diệu, La hầu, Kế đô, Thái bạch.

Trong 9 ngôi sao có sao tốt, có sao xấu. Năm nào sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật... gọi là vận hạn. Trước đây chỉ có đình, đền thực hiện nghi thức này. Sau này, Phật giáo tiếp nhận dưới nghi thức làm lễ cầu an cho gia đình quý phật tử được an lạc, hạnh phúc.

Các nhà tu hành cho rằng trong giáo lý nhà Phật không có việc cúng sao giải hạn. Ảnh: Internet

Các nhà tu hành cho rằng trong giáo lý nhà Phật không có việc cúng sao giải hạn. Ảnh: Internet

Đại đức Chúc Phú với bài viết “Khảo sát về tín niệm cúng sao giải hạn” có nêu rõ nguồn gốc của tục cúng sao:

“Bà-la-môn giáo là một tôn giáo đa thần (ở Ấn Độ). Trăng sao đối với người Bà-la-môn là những vị thần có năng lực đặc biệt. Trong vô vàn những vì tinh tú, trăng sao, thì niềm tin vào chín vị sao, Phạn ngữ gọi là Navagraha, Trung Hoa dịch là Cửu diệu, là một tín niệm có lịch sử hình thành rất sớm, có cơ sở lý luận rõ ràng và hiện còn được tiếp tục duy trì tại một số khu vực ở Ấn Độ.

Theo cách hiểu xưa nay, khi bàn về thờ tự trăng sao, cụ thể là tín niệm cúng sao giải hạn, phần lớn đều cho rằng đó là một tín niệm có nguồn gốc từ Trung Hoa. Tuy nhiên, căn cứ theo William Monier, William Edward Soothill, thì tập tục phụng cúng các vì sao cũng như quan điểm về chín vị sao (Cửu diệu) vốn có mặt từ lâu trong triết học về thiên văn và ngành chiêm tinh của Ấn giáo.

Đức Phật đã chỉ rõ: Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu. Nghiệp có thể thay đổi. Con người hoàn toàn có thể làm chủ vận mạng của mình, thông qua những nỗ lực chuyển hóa bản thân mà không phải cầu xin một vị thần thánh, hay phụng cúng một vì tinh tú nào. Đó là một trong những điểm khác biệt căn bản giữa Phật giáo và các triết phái tư tưởng tôn giáo khác tại Ấn Độ nói chung và Bà-la-môn giáo nói riêng”.

Đức Phật đã từng căn dặn:

“Môn đệ của ta sẽ không ếm bùa chú,

không giải mộng, không chiêm tinh,

không đoán lành dữ từ tiếng thú kêu,

không làm phép chữa bệnh, hay trị vô sinh”.

(trích "Tuvataka Sutata" - Kinh Lối đi nhanh chóng).

Mong mọi người luôn vững đạo tâm, tìm hiểu thấu rõ hơn pháp Phật, để hạn chế niềm tin lệch lạc.

Hạn là do con người tạo ra

Theo PGS-TS, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, việc dâng sao giải hạn này suy cho cùng chỉ là hình thức để con người trốn tránh những tai họa do chính mình gây nên. Khi con người không tu thân, làm những việc sai trái, buôn gian bán lận thì chẳng thần thánh nào giúp giải được hạn.

Bài liên quan

Đại đức Thích Bản Quyền, trụ trì chùa Phước Long (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cho rằng trong kinh sách nhà phật không nói đến nghi lễ cúng sao giải hạn cho phật tử. Đối với phật giáo, không có ngày xấu, ngày đẹp, sao xấu, sao tốt như người ta lầm tưởng.

Đại đức Thích Bản Quyền cho biết phúc lộc hay tai họa đều tuân theo luật nhân quả do con người tạo ra. Nếu làm việc thiện sẽ gặp điều lành, làm việc ác gặp quả báo. Cúng giải hạn chỉ là nhu cầu tâm linh để lòng được bình an.

Phật ở tại tâm, khi chúng ta có sự tôn kính, thành tâm thì nơi nào cũng có thể cầu nguyện, không bắt buộc phải đến chùa. Đôi khi người dân có những suy nghĩ trái với giáo lý nhà phật, nghe tên một ngôi chùa thiêng, họ kéo nhau đến đó cúng bái.

Dâng sao giải hạn suy cho cùng chỉ là hình thức để con người trốn tránh những tai họa do chính mình gây nên. Ảnh: Internet

Dâng sao giải hạn suy cho cùng chỉ là hình thức để con người trốn tránh những tai họa do chính mình gây nên. Ảnh: Internet

Cúng sao giải hạn là mê tín dị đoan: "Dù dâng sao giải hạn, đi chùa cầu cúng nhưng làm việc phạm pháp thì thần thánh nào cứu được", Đại đức Thích Bản Quyền.

Bài liên quan

Còn Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Trụ trì chùa Quán Sứ, Phó chủ tịch thường trực hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo thì cho rằng sao xấu, sao tốt từ tâm con người mà ra. Nếu làm việc xấu thì có mang lễ lạt đi giải cũng không được. Vấn đề cốt lõi là người dân phải biết tu tâm.

Mỗi con người trồng cây quả ngọt thì mình sẽ được hưởng quả ngọt. Trồng cây quả chua tất nhiên phải hưởng quả chua. Tương tự, mình làm việc tốt chắc chắn sẽ hưởng phúc, còn làm việc xấu sẽ chuốc tai họa. Không có sao và cũng không thể giải được sao.

Thượng tọa Thích Nhật Từ đã từng nhấn mạnh đạo Phật luôn chống lại những tập tục mê tín, dị đoan. Nhưng hiện nay vẫn còn một số cư sĩ phật giáo tiếp tay cho mê tín như các tập tục cúng sao, tổ chức xin xăm, cúng sao, xem tướng, xem ngày giờ tốt xấu. Việc này cần phải bị cấm.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo

Kiến thức 22:01 22/12/2024

Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.

Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết

Kiến thức 15:00 22/12/2024

Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…

Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn

Kiến thức 10:57 12/12/2024

Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?

Kiến thức 09:11 11/12/2024

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.

Xem thêm