Đã tin Phật sao còn tin vào ngày giờ tốt xấu?
Đi chùa, mẹ vẫn còn tin vào xem ngày tốt xấu khi có công việc phải đi xa, khi xây cất nhà cửa?
Hỏi:
Mẹ tôi là một Phật tử khá thuần thành. Mẹ mỗi ngày đều đến chùa tụng kinh, mỗi nửa tháng đều đi dự lễ sám hối và nghe quý thầy thuyết giảng. Ở nhà mẹ cũng thường nghe các băng đĩa tụng kinh và thuyết giảng của quý thầy. Mẹ cũng hay bố thí, cúng dường, đối xử tốt với mọi người. Tuy nhiên có một việc là mẹ vẫn còn tin vào xem ngày tốt xấu khi có công việc phải đi xa, khi xây cất nhà cửa.
Khi mua sắm giường ghế, hoặc các vật dụng mới… mẹ vẫn tin vào thước tấc tốt xấu. Mong quý Báo có nhận định về vấn đề này. Làm sao để mẹ tôi tin sâu Nhân quả và thực hành đúng theo những lời Phật dạy?
Đáp:
Một trong những đặc điểm của người Phật tử Việt hiện nay là có một bộ phận không nhỏ vừa tin Phật lại vừa tin Khổng, Lão cùng các tín ngưỡng dân gian khác. Nguyên nhân là ảnh hưởng sự dung thông Tam giáo (Phật-Khổng-Lão) từ thời Lý-Trần vẫn còn in dấu đậm nét trong tâm thức Phật tử Việt.
Mặt khác, Phật tử Việt luôn bao dung, tùy duyên, chung sống hài hòa mà không đối kháng hay loại trừ các tập tục, tín ngưỡng dân gian như một số tôn giáo khác. Cũng rất có thể vì chưa thiết lập được chánh kiến trọn vẹn vững vàng nên không quán triệt mọi điều thuần theo Chánh pháp.
Vì thế, một gia đình Phật tử khá thuần thành, có tham gia tu tập và các hoạt động Phật sự tại chùa, có duyên thân cận với chư Tăng (Ni) đồng thời vẫn tin tưởng vào ngày giờ tốt xấu, phong thủy cát hung khi khởi công làm nhà, khai trương hay cưới hỏi, tang ma…, là chuyện khá bình thường. Điều đáng nói là, không ít chư Tăng (Ni) là người chủ sự coi xem cho Phật tử. Thậm chí, vị nào xem phong thủy giỏi, coi xem hay, bấm phán linh… rất được Phật tử kính trọng, thân cận.
Trước hết, về phía chư Tăng (Ni), hầu hết các vị được học hành đều biết rõ việc coi xem và các ‘thuật’ nói chung vốn không phải là Chánh pháp, là học thuật phương Đông pha trộn tín ngưỡng dân gian. Nhưng vì người đi chùa (trong đó phần lớn là Phật tử) chưa đầy đủ chánh kiến nên phương tiện coi xem để quy hướng họ trở về Chánh pháp. Mặt khác, bởi nhu cầu coi xem của Phật tử khá cao, nếu không đáp ứng thì có nguy cơ Phật tử bỏ chùa, nên hầu hết các vị trụ trì dù không tin nhưng vẫn gượng làm. Một số ít vị xuất gia vì thiếu am hiểu Chánh pháp, lại chạy theo ‘lợi dưỡng và cung kính’ nên quyết tâm đi học và ‘hành nghề’ xem coi như các thầy bói-tướng-pháp-phong thủy chuyên nghiệp. Có một bộ phận Tăng (Ni) mạnh mẽ nói không với việc xem coi vì phi Chánh pháp nhưng xem ra không ảnh hưởng nhiều đến nhận thức cố hữu của số đông Phật tử hiện nay.
Trước đây, xem coi nói chung bị chính quyền và xã hội liệt vào mê tín dị đoan nên những ai có nhu cầu (người coi và người đi coi) đều dè dặt, kín đáo. Những năm gần đây, các hiện tượng này được dịp phất lên như diều gặp gió với những danh xưng rất khoa học, mỹ miều như là Đông phương học, phong thủy học… Những người hành nghề cũng vậy, không phải ‘thày’ bói-tướng-pháp-phong thủy bình dị như xưa mà là những ‘chuyên gia’ như nhà Đông phương học, nhà phong thủy học, nhà ngoại cảm, chiêm tinh gia… nghe rất rổn rảng và hoành tráng. Trong bối cảnh, nhà nhà và người người đều xem coi, dần hình thành nên một tập tục ‘có kiêng [coi xem] ắt có lành’, tác động không nhỏ đến đời sống Phật tử và toàn xã hội.
Trên đây là nhận định về hiện tượng số đông Phật tử chuộng xem coi, tiếp theo là một số giải pháp căn cứ vào thực tiễn. Khách quan mà nói, Phật giáo không phủ nhận tính khoa học của các chuyên ngành như Đông phương học, phong thủy học… Trong một chừng mực nào đó, người Phật tử cũng vẫn có thể ứng dụng một số tri thức và kinh nghiệm có tính khoa học của các chuyên ngành này. Vấn đề cốt tủy là, người Phật tử cần phải tin hiểu sâu sắc về Nhân quả-Nghiệp báo, sâu hơn là quán chiếu để nhận rõ tính chất Duyên sinh-Vô thường-Vô ngã của vạn pháp. Khi Phật tử nắm được vần đề cốt tủy của giáo pháp, thành tựu chánh kiến và chánh tín rồi thì không cần coi xem, hoặc cũng có thể vận dụng phương tiện coi xem trong tinh thần “tùy duyên mà bất biến”.
Cụ thể, hiện tại và tương lai của chúng ta phản ánh rõ nét Nhân quả-Nghiệp báo của chính chúng ta. Thượng đế, thần linh, các đấng siêu nhiên, tinh tú không (thể) can thiệp vào tiến trình Nhân quả-Nghiệp báo này. Nên tự thân mỗi Phật tử cần chuyển nghiệp, tạo nhân lành là việc làm thiết yếu nhất để kiến tạo tương lai tươi đẹp. Tin chắc nhân thế nào thì quả thế nấy, cần gì coi xem! Chỉ nương tựa chính mình, không cầu xin, không dựa dẫm, không an phận với số mệnh… vì không ai có thể giúp chúng ta tốt đẹp lên ngoại trừ nỗ lực hướng thiện của chính chúng ta.
Quan trọng là cần nhận rõ lý Duyên sinh. Không một pháp nào có vai trò tuyệt đối quyết định sự thành bại, được mất, hơn thua... mà các pháp phải nương tựa vào nhau, tương tác lẫn nhau. Vậy thì, người Phật tử vì nhiều nguyên nhân khách quan, vẫn có thể ứng dụng Đông phương học, phong thủy học trong một vài phương diện đời sống nhưng ý thức rất rõ nó chỉ là một nhân duyên để góp phần dẫn đến thành công mà thôi, hoàn toàn không có tính quyết định. Bởi lẽ chủ đạo của vấn đề vẫn là Nhân quả-Nghiệp báo.
Tóm lại, người Phật tử cần học tập giáo pháp để thành tựu chánh kiến và chánh tín. Chánh kiến càng rõ ràng thì chánh tín càng vững chắc. Sau đó có thể vận dụng tinh thần phương tiện tùy duyên, uyển chuyển và linh động trong một số trường hợp để thiết lập cuộc sống bằng ánh sáng tuệ giác, luôn nhẹ nhàng, tự tại, an vui.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thần chú Phổ Hiền Bồ tát (tiếng Phạn và tiếng Việt)
Phật giáo thường thức 15:30 16/12/2024Trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, phẩm thứ 28 – Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát – Ngài Phổ Hiền có nguyện với Phật về 500 năm sau có ai thọ trì Kinh Pháp Hoa, ngài sẽ cỡi voi trắng đến hộ trì, không cho ma, quỷ đến não hại.
Cốt tủy của Phật giáo
Phật giáo thường thức 14:30 16/12/2024Chúng sinh sống trong cảnh trầm luân bị các khổ ràng buộc, phiền não bủa vây tất cả đều do sự tham ái, chập thủ mà ra. Trong sự bức thiết đó, giáo lý Tứ Thánh Đế như một phương thuốc hay để chữa lành.
Làm sao đối mặt với cơn sân giận để không tạo nghiệp ác?
Phật giáo thường thức 13:39 16/12/2024Thưa Thầy, dạo gần đây sự an vui của con không được lâu dài như trước, mà dễ sân với những người sai trái. Lúc quan sát cơn giận con thấy nó khủng khiếp lắm.
Sự tích Phật A Di Đà
Phật giáo thường thức 11:49 16/12/2024Phật A Di Đà nguyện đưa mười phương chúng sanh, suốt đời vị lai, vào cõi An Lạc, lên đường Niết bàn. Khiến cho họ giáo thọ nhau, độ thoát nhau. Người trước dẫn người sau mãi mãi.
Xem thêm