Dặn lòng thôi lăng xăng

Đây chính là lời tự hứa tự khắc không lăng xăng nữa để lo tu.

Trước khi đi sâu vào nội dung, chúng tôi dẫn một đoạn kinh Phật dạy: “Ta không thấy một pháp nào mau lẹ như tâm. Nó giống như khỉ vượn, một tay buông, một tay bắt, tâm không chuyên định”.

Đức Thế Tôn nói chưa từng thấy một pháp nào mau lẹ như tâm của mình. Tâm này là vọng tâm, tức tâm vọng tưởng điên đảo, không phải tâm thật.

Có thể nói, suốt hai mươi bốn giờ, chúng ta thường sống với vọng tâm lăng xăng điên đảo ngược xuôi đó. Đức Phật ví nó cũng như khỉ vượn, tay này bắt, tay kia buông, không dừng được một phút giây nào hết.

Kiểm lại trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, quả thật lời Phật nói không sai.

Vì thiếu trí tuệ, chúng ta không nhận ra những vọng tưởng loạn động kia hư giả, nên chẳng những không khắc phục được mà còn chạy theo nó. Theo đó mà ngôn hạnh, tư tưởng và hành động của mình vấp phải sai trái, tạo nghiệp không tốt.

Chiếu theo luật nhân quả, hễ tạo nghiệp thì phải chịu quả báo, do đó chúng sanh thọ khổ không có ngày thôi.

Nói đến đây ta càng ghi nhớ thâm ân của các bậc thiện hữu tri thức, nhất là các bậc thầy đã trực tiếp chỉ dạy cho mình con đường thoát khỏi nỗi khổ trầm luân.

Nhờ các Ngài hướng dẫn chúng ta mới biết cách dừng vọng tưởng, không chạy theo ngoại trần, làm chủ được mình.

Bởi nghĩ đến thâm ân này nên ta phải tự hứa với lòng mình “đừng lăng xăng nữa”. Nói thế đâu có nghĩa là dừng được ngay.

Hễ ngồi lại là nghĩ chuyện trên chuyện dưới, chuyện tốt chuyện xấu, chuyện thương chuyện ghét… trăm ngàn chuyện.

Nếu là chuyện mình thích thì muốn ôm giữ, muốn được, nếu là chuyện mình không thích thì muốn xua đuổi.

Tóm lại, trong hai mươi bốn giờ, làm việc, ăn, nghỉ, tiếp xúc, chúng ta đều bị cái thương ghét chi phối hoàn toàn, không làm chủ được.

Cho nên Phật dạy, chúng ta phải quyết định cho sự tu học của mình là làm sao tự chủ được những vọng động đó.

Trước hết ta phải lắng nghe các bậc thầy chỉ dẫn pháp tu, sau đó áp dụng những chỉ giáo trên vào bản thân, nỗ lực khắc phục vọng tưởng của mình. Phật đã nói tâm ta như khỉ như vượn, rất khó điều phục.

Bởi vậy có nhiều Phật tử tu đã lâu, nhưng rồi cũng than: “Thưa Thầy, sao con tu hoài không hết vọng tưởng?”

Tại sao như thế? Vì chưa quyết nên dễ quên.

Ví dụ mình tự hứa sẽ làm chủ, không chạy theo các cảnh nữa, đó là lúc bình thường. Nhưng sáng nay vừa nghe người thân bị tai nạn, ta cuống cuồng lên, chẳng còn nhớ gì đến tự chủ hay không tự chủ.

Chuyện tu hành chi cũng gác qua, lo chạy trước cái đã. Thế là xong, thua một keo nữa.

Nên biết việc tu học không phải dễ, rất khó, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm, định tỉnh, sáng suốt, công phu mới gắn bó với lời Phật dạy được.

Phật dạy:

“Tâm cũng như thế, tư tưởng trước tư tưởng sau chẳng đồng, tâm xoay chuyển mau lẹ. Thế nên tất cả những người tu hành đều biết rằng, kẻ phàm phu không thể quán sát tâm ý, chỉ người tu mới thường hàng phục được tâm ý, khiến cho nó đi theo con đường tốt đẹp”.

Ở đây hợp pháp lại, Phật nói tâm chúng ta cũng như thế, tư tưởng trước tư tưởng sau chẳng đồng.

Nghĩa là trong từng phút giây, tư tưởng thay đổi liên tục, vì nó là cái vọng động nên không thể đứng yên.

Kinh Lăng Nghiêm nói vọng tưởng là bóng dáng của tiền trần rớt lại trong tâm ta.

Phật nói chỉ người biết tu mới hàng phục được tâm và hướng tâm đi theo con đường tốt đẹp.

Theo lời dạy của đức Phật, trước nhất chúng ta phải hàng phục được tâm vọng động.

Đây là một pháp tu chánh yếu, quan trọng.

Dù mỗi ngày ta có làm bao nhiêu việc mà tâm vọng động chưa hàng phục được, thì cũng bị nó dẫn đi tạo nghiệp như thường.

Chúng sanh lẩn quẩn trong luân hồi là vì thế, không biết chừng nào mới dừng được.

Chỉ người quyết tâm tu, công phu thâm hậu mới có năng lực hàng phục được tâm vọng động.

Tất cả dấy niệm vọng tưởng điên đảo, chúng ta buông đi, bố thí đi, đừng dính mắc, đừng chạy theo nó nữa.

Điều này không khác với đức Phật dạy phải hàng phục tâm. Tuy nhiên chúng ta chưa thể một lúc thực hiện rốt ráo được.

Vì vậy từng bước ta hướng tâm về con đường tốt đẹp để dần dần thay đổi, quán chuyển, tu tập cho hoàn chỉnh.

Trong công phu, chúng ta tập trung làm chủ ở niệm thứ hai cũng đã khó khăn rồi, huống gì ở niệm đầu, thường là thua thôi. Bởi vì mình còn lao lự, lăng xăng ngược xuôi quá.

Chỉ khi nào ta nhập định, hoàn toàn tỉnh sáng, mới làm chủ được ở niệm thứ nhất.

Các Thiền sư sống làm việc, tất cả sinh hoạt đều không ngoài công phu tu hành, duy nhất một việc đó thôi, nên các Ngài mau sáng đạo, chóng thành tựu việc lớn.

Ta đọc thiền sử của các Thiền sư, vào đầu nói chuyện gì thì nói, tựu trung cũng chỉ chỗ đó, sáng được việc lớn, nhận ra và sống với ông chủ của mình, không có gì khác hơn.

Còn chúng ta đang ngồi tu, nhưng nghe ai nói đến tên mình là tự động đi theo liền, không đợi ai dẫn cả.

Chúng ta có bệnh dễ quên việc chính của mình, mà lại là bệnh nặng nữa chứ. Tu như vậy bao giờ mới thành tựu?

Trích trong: Đuốc Thiền.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Có 2 thái độ không thích gì

Phật giáo thường thức 09:44 11/12/2024

Con khó thích được thứ gì lâu dài, con chỉ thích được một thời gian rất ngắn rồi con lại cảm thấy chán, con khó có thể tập trung lâu dài vào một thứ gì, cũng vì thế mà nhiều lúc con cảm thấy lạc lối, con không rõ mình thích gì. Con thấy mọi thứ không có ý nghĩa...

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?

Phật giáo thường thức 09:11 11/12/2024

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.

Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?

Phật giáo thường thức 08:00 11/12/2024

Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.

Quy y Tam bảo tại nhà được không?

Phật giáo thường thức 18:00 10/12/2024

Việc làm lễ quy y tại tư gia có được không? Lễ quy y chỉ có một mình thầy truyền quy giới có đúng không?

Xem thêm