Thứ tư, 08/05/2024, 09:37 AM

Dáng người Khất sĩ

Bước chân trầm vững khoan thai như nhắc nhở chúng ta chậm lại, thưởng thức từng khoảnh khắc hiện tại tươi mát. Từng bước thắp lên ánh sáng chánh pháp, từng bước thổi ngọn gió thanh lương vào thế gian nóng bức. Ta bà thành lạc quốc.

Bát cơm ngàn nhà

Có lần, Đức Phật bảo A-nan: “Đã đến giờ, ông nên vào thành khất thực”.

Trước khi A-nan rời đi, ngài dặn thêm: “Ông đã ôm bát thì phải y theo nghi thức của chư Phật đời quá khứ.”

A-nan thắc mắc: “Thế nào là nghi thức của chư Phật đời quá khứ?”

Thế Tôn gọi lớn: “A-nan!”

A-nan: “Dạ”.

Thế Tôn mỉm cười: “Ôm bát đi.”

Câu chuyện thật thú vị! Mỗi khi nhìn thấy bóng người Khất sĩ ôm bình bát như người mẹ đang nâng niu một sinh linh bé bỏng trong bụng, lòng tôi phát khởi những trìu mến và kính ngưỡng vô ngần khi tưởng tượng đến bức tranh sinh động của Tăng đoàn thời Đức Phật còn tại thế: bóng áo vàng hiện ra giữa đường làng uốn lượn, dưới cội cây rừng vắng an nhiên. Cảm giác như mình vừa được về tắm trên dòng sông tinh khiết nguyên thủy.

                        Những buổi sáng trên con đường thiên lý

        Êm như mơ đoàn khất sĩ trì bình…

Ngôi Tam Bảo cao quí vô thượng, thì Tăng chính là chất keo kết nối tinh thần từ bi và giải thoát của chư Phật với chúng sanh. Khất thực là phương tiện thiện xảo vừa đủ nuôi thân giả tạm để tìm cầu chân lý và cũng vừa để tha phương tùy duyên hóa đạo.

Người Khất sĩ vừa nhận lại vừa cho, vừa học vừa dạy. Bỏ cái tôi, cái của tôi xuống, người Khất sĩ hiện ra với đầy đủ tình thương vô ngã vị tha và dũng khí từ bỏ tham luyến trần gian.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Ngài Duy Ma Cật cũng nói: “Nơi ăn mà bình đẳng thì nơi pháp cũng bình đẳng. Chẳng luận sang hèn, dơ sạch. Đó là viên thành vô lượng vô biên công đức của chúng sanh.”

“Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Kỳ vi sinh tử sự

Khất hóa độ xuân thu”.

Hai câu thơ đầu cũng là mở đầu cho cuộc đời khất sĩ. Ta nhớ lại cảnh tượng người trai trẻ Tất-đạt-đa, một đêm nhẹ nhàng vén màn nhìn vợ, hôn con lần cuối rồi bỏ lại sau lưng ngai vàng cung gấm rồi lặng lẽ ra đi, một mình trơ trọi, hành trang vỏn vẹn chỉ có lòng thôi thúc giác ngộ mạnh mẽ. Từ đó, băng mình trên con đường “cô thân vạn lý” để lên non tìm đạo Bồ-đề.

Tôi bỗng nhớ câu thơ:

“Mở ra tam tạng kinh

Ta ngồi đọc một mình

Trăng sao soi từng chữ

Giữa đất trời lặng thinh”.

                    (Huyền Không - “Tụng Kinh”)

Từ ngữ “một mình” có nhiều nghĩa. Về mặt hình tướng thì là một thân một mình, cô thân độc mã, là lang thang không nhà, … Nhưng thực ra, còn có cả đất trời vũ trụ tinh hà. Hơn thế, nó là sự buông bỏ, một trạng thái không còn bám víu vào một thứ gì khác.

Như Thiền sư Basho trong những chuyến du hành vô định của mình, cũng xem vũ trụ và ánh trăng là nhà đấy thôi:

Quán bên đường

Các du nữ ngủ

Trăng và đinh hương….

Và cho đến những điểm dừng cuối cùng vẫn gói trọn trong càn khôn vũ trụ:

Đau yếu giữa hành trình

Chỉ còn mộng ta phiêu lãng

Trên những cánh đồng hoang.

Trong Kinh Trung Bộ, khi có người thỉnh cầu Đức Phật tóm tắt toàn bộ giáo pháp của Ngài ngắn gọn trong một câu thì Ngài nói: "Sabbe dhamma nalam abhinivesaya” nghĩa là “không bám víu vào bất cứ điều gì”.

Người khất sĩ buông xuống tất cả, với nguyện ước duy nhất:

"Kỳ vi sinh tử sự

Giáo hóa độ xuân thu".

Chỉ với đôi chân trần, vì lợi lạc cho chư Thiên và loài người, Đức Phật đã hành trình suốt từ Bắc Ấn đến Nam Ấn, có lúc độc hành, đôi khi cùng đại chúng. Ngài luôn khuyến tấn các đệ tử phải đi để giáo hóa, để đưa tất cả trở về với giáo pháp chơn như, giáo pháp của từ bi, bình đẳng, giải thoát. Nhưng Đức Phật lại bảo Angulimàla rằng: "Như Lai đã dừng lại lâu rồi!" khiến kẻ đang say máu giết người này bàng hoàng thức tỉnh, xuất gia theo Phật và cuối cùng đạt quả vị giải thoát.

Đối với bậc giải thoát, không có nhị biên giữa đi và dừng. Dừng là dừng mọi bất thiện pháp và đi thì mỗi bước chân chư vị đều nhiếp đủ cả tam tụ tịnh giới: Luật nghi giới, Thiện pháp giới, Nhiêu ích hữu tình giới.

Trong cuộc sống đời thường bận rộn, ta thường bị một áp lực thúc đẩy đi về phía trước bằng những bước chân trĩu nặng lo âu, thấp thỏm và sợ hãi. Trái đất của chúng ta có biết bao nhiêu nẻo đường tuyệt đẹp. Bao nhiêu ngõ trúc quanh co, bao nhiêu đường lúa thơm tho, bao nhiêu bìa rừng xanh mát, bao nhiêu lối đi đẹp mầu lá rụng, nhưng ít khi ta thưởng thức được cũng bởi lòng ta không thanh thản, bước chân ta không thanh thản.

Đức Phật xuất hiện cách đây hơn 2600 năm, và Tổ sư Minh Đăng Quang thể hiện tinh thần hoằng dương chánh pháp cách nay gần 70 năm. Suốt hàng ngàn năm nối tiếp hóa độ chúng sinh đến cõi Niết-bàn…

“Từ ngày trước bao người giong ruổi

Nay chốn này đến buổi chúng ta”.

Niết-bàn và thế gian cách xa vạn vạn khoảng cách. Nhưng Niết-bàn cũng thật gần, đó là khi Tổ sư hướng ta đặt Niết-bàn vào ngay trong lòng ta. Và để có được Niết-bàn vượt qua kiếp phù sinh lăn tròn trong vòng luân hồi, người đã quyết tâm dũng mãnh ra đi…

Dấn thân lên Thất Sơn như ngày xưa Trần Nhân Tông tìm nơi non thiêng Yên Tử. Đêm tham thiền tĩnh tọa, sáng mang bình bát đi khất thực hóa duyên…

Một bát cơm ngàn nhà

Một thân ngàn dặm xa

Riêng vì sự sinh tử

Độ nhận tháng ngày qua.

Bằng những bước đi an lạc như đang vân du trên cõi Tịnh, người khất sĩ vun trồng hiện hữu đầy tỉnh thức, bồi đắp ý tình thân của mình trong lòng chúng sanh. Vị khất sĩ đặt chân trên mặt đất như một vị quốc vương trang trọng in dấu triện son trên tờ chiếu chỉ, có thể làm trăm họ thái bình, thấm nhuần mưa móc. Bước chân trầm vững khoan thai như nhắc nhở chúng ta chậm lại, thưởng thức từng khoảnh khắc hiện tại tươi mát. Từng bước thắp lên ánh sáng chánh pháp, từng bước thổi ngọn gió thanh lương vào thế gian nóng bức.

Cõi ta-bà thành lạc quốc. Con đường đất đỏ hai bờ cỏ xanh, bụi dại, lũy tre, giếng nước, bến đò cũng như thênh thang đại lộ mười hai làn xe chạy, ngõ hoang hẻm chật, tiền sảnh khách sạn năm sao, thùng rác cống ngầm, trạm xe buýt… đâu đâu cũng rực sáng bình an khi thấp thoáng bóng áo vàng. An lạc đơm quả tim người như hoa sen trổ bông trên ao thất bảo Tây phương. Im lặng cũng chợt thơm hương chiên đàn xông ngát quốc độ mười phương.

Đó có phải là cái mật hạnh của một vị Bồ-tát như nhà thơ Tô Thùy Yên đã nói:

“Đi về một bóng trên đường lớn,

Thơ chẳng ai đề vạt áo phai...”.                   

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn

Kiến thức 10:57 12/12/2024

Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?

Kiến thức 09:11 11/12/2024

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.

Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?

Kiến thức 08:00 11/12/2024

Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.

Trước khi tụng Kinh, trì chú, nên đọc nghi thức như thế nào?

Kiến thức 09:15 04/12/2024

Thực ra mỗi tông môn, thậm chí mỗi chùa sẽ có cách thức khác nhau, nên Nghi thức sau chỉ mang tính tham khảo. Đạo hữu nào thấy phù hợp có thể áp dụng, xong bạn cần hiểu đây không phải quy định bắt buộc, thậm chí không có nghi thức khai Kinh chú thì vẫn cứ trì tụng không vấn đề gì.

Xem thêm