Đạo đức Phật giáo từ điểm nhìn giới không sát sanh
Thực hành giới không sát sanh là chúng ta đang nuôi dưỡng tâm từ, vô tham, vô sân, vô si.
Vấn đề đạo đức được xem như là đồng nhất giữa các bộ phái Phật giáo, dù là trước đây, trong thời kỳ Phật giáo chia làm nhiều bộ phái khoảng 100 năm sau khi Phật nhập Niết-bàn, hay là hiện nay, giữa Phật giáo Bắc truyền và Phật giáo Nam truyền. Có thể khẳng định, sống theo năm giới, mười thiện là yêu cầu sơ đẳng nhất mà cũng là căn bản nhất của người con Phật.
Năm giới mọi người đã biết: 1. Không sát sinh mà lại phóng sinh, tôn trọng sự sống của muôn loài. 2.Không lấy của không cho mà lại bố thí. 3. Không tà dâm mà sống theo nếp sống trong sáng, chánh hạnh. 4. Không nói dối, lúc nào cũng nói lời chân thật. 5. Không uống các chất say, lúc nào cũng ăn uống điều độ, giữ gìn thân thể khỏe mạnh, trí óc sáng suốt tỉnh táo. Có thể xem năm giới, năm quy tắc sống xứng đáng với con người, với loài người như là loài sinh vật cao cấp của hành tinh này. Ngay chỉ qua giới thiệu đại khái, chưa đi sâu vào phân tích chi tiết, chúng ta có thể thấy những quy tắc đạo đức Phật giáo, nếu được mọi người chấp hành nghiêm túc, sẽ đem lại cho cá nhân và xã hội hạnh phúc và an lạc, giảm bớt cho cá nhân và xã hội bao nhiêu khổ đau và tổn thất.
Điểm đáng nói trong năm giới, giới không sát sanh được Đức Phật thiết lập đầu tiên, có vị trí và vai trò hàng đầu trong năm giới. Có thể xem giới không sát sanh là cơ sở, cội nguồn để xác lập đạo đức, sự nhân cách con người. Các giới còn lại hình thành và đi vào sự vận hành trong đời sống thực tiễn khi cá nhân người đó phải biết tuân thủ thực thi giới không sát này. Do đó, nó không chỉ có giá trị nhân văn cao trong thiết chế của một xã hội an bình mà nó còn là nền tảng, chuẩn bị để chúng ta vươn tới niềm an lạc xuất thế, cho đến cái tối thiện, cảnh giới hạnh phúc vĩnh hằng là Niết-bàn.
Thiên tai, động đất, sóng thần có phải do chiêu cảm của việc sát sinh?
Một người thực thi giới Không sát sinh, tức là người đó quý trọng sự sống dưới mọi hình thức, dù là đối với súc vật và cây cối. Đối với đạo Phật, giết hại súc vật một cách không cần thiết, hủy hoại thảo mộc một cách vô tổ chức là một tội lớn. Cho nên, hành trì giới này không chỉ tạo ra sự an lành cho chính mình mà còn đem lại sự bình an cho những người xung quanh, nhất là đảm bảo một môi trường sống hòa bình, trong lành. Hay nói cách khác, lòng từ được hóa hiện trong mỗi trái tim biết yêu thương và quý trọng sự sống. Tại đây, sự tham lam, sân hận, si mê, sự băng hoại đạo đức về trộm cướp, tà dâm, không tôn trọng sự thật, buông thả trong say sưa sẽ giảm thiểu và đi đến đoạn trừ.
Lòng từ, lòng bi của đạo Phật mở rộng, bao trùm tất cả mọi loài hữu tình, lớn hay nhỏ, xa hay gần, thấy được hay không thấy được: “Ở đây, vị Tỷ-kheo an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy với phương thứ hai, cũng vậy với phương thứ ba, cũng vậy với phương thứ tư. Như vậy, cũng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận không sân. Với các tâm bi, hỷ, xả, vị Tỷ-kheo cũng làm như vậy” (Trung bộ III – Kinh A Na Luật, 284).
Ý tứ của đoạn văn trên là trong việc tu tập lòng từ, chúng ta cần làm cho lòng từ trải rộng khắp cả bốn phương trời, vô lượng, vô biên, không có phân biệt trú xứ và đối tượng. Ở đây, cần nói rõ là người Phật tử coi trọng sự sống khắp nơi, sự sống dưới mọi dạng, dù là dạng côn trùng hay là dạng con người. Và ở đây, đạo Phật khác với các tôn giáo khác, thường xem con người là trung tâm của vũ trụ, và tất cả mọi loài hữu tình tồn tại là để cung cấp thịt cho con người. Ở Ấn Độ, với sự ra đời của đạo Phật, tục lệ giết hàng trăm trâu bò cho các tế đàn dần dần được hạn chế và tiến tới xóa bỏ. Thay vào đó, lần đầu tiên trên thế giới, người ta xây dựng các nhà thương cho súc vật.
Một vấn đề nữa cần chú ý trong giới sát sinh của đạo Phật là tội sát sinh chỉ được xem là tội, và tạo ra quả báo tương ứng, khi có đủ các điều kiện như sau: 1) Có một loài hữu tình có mặt, là người hay là súc vật. 2) Người giết biết rằng đó là một loài hữu tình. 3) Người giết có dụng ý giết. 4) Hành động giết, bằng phương tiện thích hợp. 5) Hành động giết thật sự xảy ra, và một loài hữu tình đã bị giết, đã bỏ mạng.Nếu vắng một trong năm điều kiện trên, thì dù cho có một loài hữu tình bị bỏ mạng, nhưng đó chỉ là một sự cố, không đem lại quả báo xấu gì cho người ngộ sát.
Giá trị của việc không sát sinh trong cuộc sống
Mục 4 ghi: Hành động giết bằng phương tiện thích hợp. Đạo Phật phân biệt có tất cả 6 phương pháp và phương tiện giết: 1) Giết bằng chính bàn tay mình. 2) Ra lệnh cho người khác giết. 3) Giết bằng súng, ném đá, đánh gậy v.v… 4) Giết bằng chôn sống. 5) Giết bằng ma thuật. 6) Giết bằng bùa chú.Dù là giết bằng phương pháp hay phương tiện khác nhau, nếu năm điều kiện của tội cố sát có đầy đủ, thì đó là phạm giới sát, và kẻ phạm tội nhất định bị quả báo xấu hoặc trong đời hiện tại hoặc là trong một đời sau.
Kẻ phạm tội sát thường bị lương tâm cắn rứt lâu dài, sau khi mệnh chung sẽ phải đọa vào các cõi ác, và nếu được sanh lại làm người thì thường bị tàn tật bẩm sinh, xấu xí, không ai ưa, nhát gan, không bạn bè, hay bệnh tật, có địa vị xã hội thấp hèn, buồn chán ảo não.
Khi phân tích một hành vi đạo đức hay là phi đạo đức, như trong trường hợp tội sát sinh, đạo Phật thường phân tích cụ thể hành tướng của tội: những điều kiện xảy ra tội, phương tiện và phương pháp phạm tội, nguyên nhân nội tâm dẫn đến phạm tội (trong trường hợp tội sát sinh là lòng sân giận, và thiếu lòng từ), cuối cùng kết quả, hay là quả báo xấu của tội ác trong đời này và đời sau.
Để triệt bỏ đến tận gốc khả năng phát sinh tội sát, đạo Phật còn chỉ bày cho chúng ta những phương pháp tâm lý rất hữu hiệu để khắc phục, hạn chế tiến tới xóa bỏ hẳn tâm sân và tu tập lòng từ, lòng bi đối với mọi người, mọi chúng sanh. Phật tử được khuyến khích đọc và nghĩ nhớ các đoạn kinh Phật nói về lòng từ, những điều tốt lành đến với ai có tu tập lòng từ, có tâm từ. Đây cũng là một trong nhiều phương pháp đoạn trừ lòng sân giận. Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, khi lòng từ đưa đến tâm giải thoát được tu tập, phát triển, hành trì nhiều, trở thành như cỗ xe, như nền móng, được an trú, củng cố và hành trì đúng đắn thì có 11 điều lợi”. 11 điều lợi ấy là gì? 1) Ngủ yên giấc. 2) Ngủ dậy an lành. 3) Ngủ không mộng mị. 4) Mọi người thân thiết với mình. 5) Mọi loài hữu tình đều thân thiết với mình. 6) Được chư Thiên che chở. 7) Lửa, thuốc độc và vũ khí không hại được mình. 8) Tư tưởng dễ tập trung. 9) Phong độ bình thản. 10) Chết tỉnh táo. 11) Nếu không tiến cao hơn nữa, thì ít nhất cũng tái sinh lên cõi trời Phạm thiên.
Sát sinh ắt nhận quả báo nghèo hèn
Do đó, nếu không đoạn trừ được lòng sân, thì chúng ta không thể hưởng được 11 điều lợi ích, như Phật đã nói. Phật tử hãy ghi lòng tạc dạ các câu kệ sau đây trong kinh Pháp cú: “Nó mắng tôi, đánh tôi/Nó thắng tôi, cướp tôi/Ai ôm hiềm hận ấy/Hận thù không thể nguôi”(kệ 3). “Nó mắng tôi, đánh tôi/Nó thắng tôi, cướp tôi/Không ôm hiềm hận ấy/Hận thù khắc tự nguôi” (kệ 4).“Với hận diệt hận thù/Đời này không có được/Không hận diệt hận thù/Là định luật ngàn thu”(kệ 5). “Lấy lòng từ thắng sân giận/Lấy bố thí thắng gian tham/Lấy thiện thắng không thiện/Lấy chân thắng hư ngụy”(kệ 223)…
Phật còn chỉ bày cho chúng ta năm phương pháp cụ thể để đoạn trừ lòng sân giận, nảy sinh nơi chúng ta, mỗi khi gặp người phiền hà chúng ta, não hại chúng ta. “Này các Tỷ-kheo, có năm phương pháp đoạn trừ lòng sân giận, hoàn toàn đoạn trừ lòng sân giận, nảy sinh ở một tu sĩ. Năm phương pháp đó là gì? 1) Hãy nghĩ tới người nào hại mình, với lòng từ. 2) Hãy nghĩ tới người ấy với lòng bi. 3) Hãy nghĩ tới người ấy với niệm xả. 4) Hãy quên người ấy đi, như là không gặp người ấy. 5) Hãy nhớ lời Phật nói: “Người là chủ nhân của nghiệp, cũng là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa…” (Trung bộ III – Kinh Tiểu nghiệp phân biệt).
Đúng như vậy, khi một người đến làm phiền hà ta, não hại ta… thì đó là nghiệp do chính họ tạo ra và họ rồi phải chịu quả báo của nghiệp đó. Đáng lẽ, ta không giận họ mà còn phải thông cảm với họ, với lòng bi và lòng từ. Nếu ta sanh lòng sân giận, thì tức là ta cũng tạo nghiệp (dù chỉ là nơi ý), và ta cũng phải hứng lấy quả báo của nghiệp đó.
Nói chung lại, khi chúng ta thực thi giới không sát sanh là chúng ta đang nuôi dưỡng tâm từ, tức là nuôi dưỡng tâm vô tham, vô sân, vô si. Điều đó cũng có nghĩa các giới không lấy của không cho, không tà dâm, không nói sai sự thật, không uống các chất say sẽ tự nhiên giảm thiểu và đi đến từ bỏ. Đối với mỗi hành vi thiện hay ác, người theo đạo Phật giữ giới đều đi sâu phân tích nguyên nhân của nó, mổ xẻ cặn kẽ hành tướng của nó, dự báo những hậu quả của nó ở đời này và đời sau, và điều quan trọng hơn là chỉ bày những phương pháp rất cụ thể để đoạn trừ hành vi ác, và bồi dưỡng, phát triển hành vi thiện. Làm được vậy, chắc chắn, đạo đức Phật giáo góp phần dựng xây một cuộc sống an bình, nội tâm an tịnh sẽ luôn hiện hữu trong mỗi người.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thành kính hướng về kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo mùng 8 tháng 12 Âm lịch
Kiến thức 11:21 01/01/2025Khi những cơn gió đông bắt đầu thổi, khí trời trở nên se lạnh, cũng là lúc trong lòng mỗi người Phật tử đều nao nức đón chào một sự kiện trọng đại, đồng thời hân hoan chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc, đó chính là ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo, mùng 8 tháng 12 âm lịch.
Với người đang trả quả báo, nên giúp hay không?
Kiến thức 07:25 31/12/2024Có người đặt vấn đề, nếu ai đó trong quá khứ lỡ làm ác, tạo nghiệp xấu, không biết tu tập để chuyển hóa, đến khi quả báo chín muồi thì phải nhận lấy báo ứng không lành. Trong nhân gian có nhiều người cho rằng, nên để người đó chịu khổ để trả quả báo, nếu cứu họ thì quả báo xấu ấy sẽ về mình. Vậy chúng ta phải ứng xử như thế nào cho đúng?
Phước cao nhất là vượt qua mọi thăng trầm của cuộc sống
Kiến thức 05:57 30/12/2024Không phải mình tu học hay làm phước với hy vọng sẽ được gặp toàn chuyện tốt đẹp, hay để trở thành con người hoàn hảo, mà là để mình có đủ sức mạnh, đủ trí tuệ, đủ đạo đức để vượt qua mọi thăng trầm của cuộc sống.
Bảy ý nghĩa ngày Phật thành đạo
Kiến thức 12:40 29/12/2024Sự kiện Phật Thành đạo có ý nghĩa lớn lao, là ngày trọng đại trong niềm hân hoan của Phật tử nói riêng và đạo Phật nói chung: Ngài chính thức Chuyển pháp luân bánh xe Chánh pháp, đem đạo từ bi, trí tuệ và giải thoát để dẫn dắt chúng sanh hướng về nẻo giác.
Xem thêm