Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 22/04/2023, 07:57 AM

Đạo Phật có trong mỗi con người

Tôi vẫn còn nhớ những năm tháng tuổi thơ với kỉ niệm vào mỗi ngày rằm, mùng một khi bà lên chùa lễ Phật. Đứa trẻ hôm nào, là tôi, cứ ra nơi đầu ngõ ngóng dáng còng với bộ áo nâu lộ ra sau khúc cua, nơi có rặng tre xanh mát.

Tôi như thấy được mùi trầu cay nồng lan theo gió, chạm vào cánh mũi tôi, và tôi biết bà đã về. Có lẽ đó chỉ là sự tình cờ, bởi vì thường thì trong khoảng thời gian đó là bà sẽ từ chùa làng đi về, đúng lúc tôi ra đứng ngóng. Nay đã gần 40 tuổi, tôi vẫn nhớ như in phẩm oản là lộc chùa bà đưa thơm mùi gạo nếp, nhớ cả nụ cười để lộ hàng răng đen nhánh.

Tôi không phải là người theo đạo Phật và ít khi tới chùa. Như bao nhiêu người khác, tôi chỉ đến thắp hương lễ Phật vào dịp đầu xuân để cầu cho mình và gia đình một năm an vui, hạnh phúc. Mỗi lần ngước lên nhìn mắt Phật, lòng tôi lại thấy thanh thản. Tôi nhận thấy ở nơi Phật là cả một miền từ bi, nhân ái khiến cho tâm mình hướng tới những điều trong sáng, thiện lương. Trong làn khói hương thơm ngát thoảng vào hồn tôi một miền bao dung mênh mông. Chắp tay cúi lạy bậc tôn kính, chợt thấy mình nhỏ nhoi và mờ nhạt quá trong cõi nhân sinh này. Giữa chốn linh thiêng tôi như thấy sáng của đạo Phật soi tới giúp chúng sinh nhận ra rằng mình cần phải tu tập và sống tốt đẹp hơn.

Tôi đã hiểu đạo Phật bằng những điều bình thường, những việc có ngay trong đời sống hàng ngày của mỗi chúng ta.

Tôi đã hiểu đạo Phật bằng những điều bình thường, những việc có ngay trong đời sống hàng ngày của mỗi chúng ta.

Rồi tôi cũng năng lên chùa. Đó là quãng thời gian tôi thấy lòng trĩu nặng ưu phiền bởi cảm thấy luôn bức bí, không thỏa mãn vì cuộc sống có nhiều điều chưa được như ý muốn. Lên chùa, tôi thắp nén hương lễ Phật rồi ngồi riêng một góc, im lặng để suy xét lại mình. Tôi dần dần tĩnh tâm, gạt bỏ mọi buồn phiền, âu lo và toan tính để tìm đến những sự thanh thản. Và từ ấy tôi bắt đầu tìm hiểu về đạo Phật. Từ ấy tôi được khai sáng, thấy bao điều vi diệu nhưng cũng lại thật sự ngỡ ngàng bởi ngộ ra rằng những điều có trong đạo Phật sao mà gần gũi đến vậy. Những điều ấy tưởng chừng khó lòng thực hiện, ấy vậy mà lại dễ vô cùng. Đạo Phật có ngay ở những việc làm bình thường, nhỏ bé nhất nhưng dễ mấy ai đã nhận ra được?

Đạo Phật thật sự gần gũi với tôi. Hãy khoan nói đến những điều cao siêu, bởi đã có biết bao bài viết, những công trình nghiên cứu, những thuyết giảng của các nhà sư. Tôi đã hiểu đạo Phật bằng những điều bình thường, những việc có ngay trong đời sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Trước hết, tôi thấy được đạo Phật luôn hướng con người tới những việc thiện, lòng yêu thương đồng loại và tất cả chúng sinh. Và mỗi chúng ta có thể thực hành đạo Phật mỗi ngày, với cái tâm trong sáng của mình.

Tôi thấy đạo Phật có trong chính tôi. Đó là khi tôi chỉ cho một người đi xe máy quên gạt chân chống xe, ngăn ngừa nguy cơ tai nạn cho người ấy. Tôi đã nhận lại một lời cảm ơn và một nụ cười. Tôi vui, niềm vui nho nhỏ ấy lan ra khắp thân thể làm cho lòng tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng, khoan khoái. Đó là việc mua rau cho một cụ già, trong khi mấy mớ rau ấy không xanh non bằng rau của những người bán rau bên cạnh, bởi tôi biết được cụ già ấy nghèo, khó khăn, già yếu hơn những người kia. Tôi đọc được điều ấy qua ánh mắt như van lơn, vẻ mặt khắc khổ khi cụ rụt rè mời tôi mua rau. Điều ấy đã chạm vào lòng chắc ẩn của tôi. Thế là tôi nhận lại một sự thanh thản trong hồn bởi chợt thấy ánh mắt cụ già một niềm sung sướng, niềm sung sướng của cụ già ấy chỉ là bán hết mấy mớ rau khi còn sớm chợ. Đạo Phật có ngay trong sự thành thật của tôi, lúc tôi trả lại một trăm nghìn đồng mà người chủ cửa hàng quần áo trả nhầm tiền cho mình. Có người đã nói với tôi là dại dột, người ta trả nhầm chứ mình có ăn cắp hay gian lận đâu. Tôi cười. Họ đâu biết được rằng, tuy tôi không được hời một trăm nghìn nhưng tôi lại có được sự thanh thản và hạnh phúc bởi biết mình không phải là người tham lam…

Thế đấy, đạo Phật với tôi chỉ là những điều tương tự như tôi đã kể ở trên trên. Làm được những điều như thế là ta đã tìm cho mình được niềm vui, sự thanh thản để tâm luôn trong sáng không bị những tà niệm, u mê tăm tối xâm lấn. Từ đó ta sẽ biết yêu quý chính bản thân mình, để rồi yêu thương, bao dung với người khác.

Tôi vẫn còn nhớ hồi nhỏ từng nghe ông nội nói: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”. Cứ ngỡ cái câu nói ấy khiến cho người nghe hình dung ra sự tu thật gian nan, chắc trở, bởi phải qua ba cửa ải mới tới được cửa chùa và đạo Phật. Nhưng bây giờ tôi mới thấy được cái sâu sắc, thấm thía và cũng thấy việc hướng tới đạo Phật, hay tu chùa nếu không trải qua những điều ấy thì không thể chạm được tới những điều trong triết lí nhà Phật. Thật vậy, “tu tại gia” chính là việc mình hoàn thiện bản thân, làm tròn hiếu đạo với ông bà, cha mẹ. Chính là việc tu tâm, dưỡng tính, biết bao dung, nhân ái ngay chính trong gia đình để đến khi “tu chợ” (đối đãi với mọi người ngoài xã hội) không vướng vào những sân hận, ganh ghét đố kỵ để cuộc sống tràn đầy ánh sáng của nhân tâm, những điều thánh thiện. Và khi có được những điều ấy, trước cửa Phật lòng người mới an nhiên, tự tại để tiếp thu và đi tới những điều căn cốt của đạo Phật với bao điều kỳ diệu, nhiệm màu.

Tôi chợt nhớ tới hình ảnh của một số người rất siêng năng lên chùa. Và tôi có quen vài người trong số ấy. Chẳng biết họ lên chùa cầu xin những việc gì và khi chắp tay lễ Phật thì tâm họ có được thanh tịnh hay không? Nhưng tôi biết ngoài đời họ là kẻ buôn gian bán lận, đặt điều, tham lam và lòng đầy đố kỵ. Tôi cũng biết có người dùng mọi thủ đoạn để tranh đoạt chức tước, bòn rút của công... lòng họ đầy những ham muốn vật chất. Tôi hiểu rằng, những người ấy cho dù có đều đặn lên chùa, cầu xin bao nhiêu thì Phật cũng chẳng bao giờ độ trì cho họ, họ không hiểu gì về đạo Phật mà chỉ có lòng tham và sự ích kỷ. Vậy thì họ lên chùa lễ Phật nào có ích gì?

Tiền nhân có câu: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Như vậy từ khi được sinh ra trên cõi đời này mỗi chúng ta đã có sự lương thiện và đạo Phật dường như vốn đã có ở mỗi con người. Với tôi, điều đó hoàn toàn đúng, chỉ là chúng ta có giác ngộ để tu dưỡng và thực hành đạo Phật hay không mà thôi. Nhìn ra nhân loại thấy chiến tranh, chết chóc đau thương vẫn không ngừng diễn ra, xét lại cũng bởi lòng tham của con người mà ra. Tôi ao ước giá như chữ Thiện, tình yêu thương con người trên khắp địa cầu này lớn hơn lòng tham thì cái ác sẽ không có cớ hành hoành và chiến tranh đã không sảy ra. Ôi, giá như ánh sáng của đạo Phật soi sáng khắp nhân loại thì cuộc sống sẽ chỉ có yên vui, hạnh phúc và buồn đau, hận thù sẽ dần tiêu tan. Tôi mãi ước mong như thế.

Và với tôi, đạo Phật luôn có ở trong mỗi người.

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Lê Minh Hải; địa chỉ: xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Thư gửi Thế Tôn: “Dù thế nào, con vẫn vững bước đi trên đường này”

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:16 28/04/2024

Con biết là “một cánh hoa đào rơi không làm cho sự có mặt của cây hoa đào suy giảm”, “sự biểu hiện hay ẩn tàng của hình tướng con sóng không làm suy giảm sự có mặt của đại dương”.

Thí dụ bảo châu trong áo

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:37 11/05/2023

Pháp Hoa cửu dụ bao gồm: thí dụ nhà lửa, thí dụ con nghèo của phú ông, thí dụ dược thảo, thí dụ hóa thành, thí dụ bảo châu trong áo, thí dụ viên bảo châu trong tóc, thí dụ thầy thuốc chữa bệnh cho con, thí dụ người thợ gốm và thí dụ người mù từ thuở nhỏ.

Lá thư gửi chính tôi ở tương lai

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:15 11/05/2023

Bản thân yêu quý! Thời gian gần đây tớ đã nhận phải rất nhiều phiền não từ chính gia đình nhỏ của mình. Tớ vớ phải một anh chồng gia trưởng, vũ phu. Tớ đi làm bị người khác bắt nạt. Tớ về nhà công việc chất đống. Thu nhập tớ không đủ trang trải cho gia đình nhỏ của mình.

Hạnh Di Lặc

Đạo Phật trong trái tim tôi 08:29 11/05/2023

Vậy làm cách nào để tâm ta an lạc, hoan hỷ? Đó chính là học hạnh tùy hỷ của Phật Di Lặc. Tùy hỷ là từ bi và hỷ xả. Tu tập chánh pháp, rèn luyện lòng từ, không nổi tâm sát sanh, đấy là từ bi.

Xem thêm