Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 19/04/2023, 10:26 AM

Đạo Phật là 'kim chỉ nam' trong tôi 

Hiện tại, tôi chấp nhận mọi khó khăn, nghịch duyên đến với mình, xem đó như là một thử thách cần vượt qua để trưởng thành và phát triển của mình. Thời gian sắp tới, tôi sẽ học hỏi, nghiên cứu và áp dụng những pháp môn Đạo Phật của để tập trung tu sửa bản thân thật tốt.

Con thuyền lênh đênh nơi đại dương bao la hay một người thám hiểm rừng sâu luôn cần phương tiện, công cụ để xác định phương hướng. Đó có thể là ngọn hải đăng, la bàn, bản đồ, dựa vào vị trí các chòm sao… Tương tự, đối với con người, tôi cho rằng cũng rất cần tìm kiếm một “kim chỉ nam” cho mình. Nhờ đó, mỗi người sẽ có trí tuệ để sống đúng đắn, biết lựa chọn thái độ, hành xử phù hợp cũng như chuyển hoá những khổ đau, phiền não thành an lạc, tự do và hạnh phúc trong thân tâm. Trải qua nhiều biến cố, thử thách, tôi nhận ra Đạo Phật chính là “kim chỉ nam” của mình trong cuộc sống.

Gia đình bên ngoại tôi có truyền thống theo Phật giáo. Tôi thường nghe mẹ kể về ký ức ngày xưa bà cố ăn chay trường và mỗi ngày tụng kinh niệm Phật. Tiếp nối mối duyên lành ấy, bà ngoại và các dì của tôi cũng quy y trở thành Phật tử, ăn chay, phóng sanh, ấn tống kinh kệ, làm từ thiện… . Do vậy, từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc với khá nhiều kinh sách và pháp thoại Phật giáo. Ẩn sâu trong tâm thức tôi là cảm giác rất tin tưởng và thấm thía thông điệp được truyền tải, gửi gắm trong các câu chuyện về luật nhân quả.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ba mẹ tôi không theo Đạo Phật, chỉ đề cao chuẩn mực đạo đức làm người và thờ cúng ông bà tổ tiên. Tôi được ba mẹ dạy dỗ rằng cần hướng thiện, không được làm tổn hại người khác. Mang theo hành trang là những lời dạy của gia đình, tôi bước vào đời như đa số bạn bè đồng trang lứa, cũng bị cuốn vào vòng xoáy của học hành, sự nghiệp, các mối quan hệ tình cảm… Điểm đáng tiếc là trong suốt khoảng thời gian dài không được gia đình bồi đắp và bản thân tự trau dồi, tôi bắt đầu lãng quên và rời xa Phật giáo.

Từ đó, nếu gặp chuyện vừa lòng vừa ý mình thì tôi thích thú, hào hứng, còn khi gặp chuyện bất như ý thì cộc cằn, bực bội, đổ lỗi cho người khác, hoàn cảnh, môi trường xung quanh và tự dằn vặt, trách móc chính mình. Nếu có ai bất đồng quan điểm thì tôi không quan tâm, chỉ cho rằng bản thân đúng, mãi cố ve vuốt, chạy theo cái tôi cực đoan. Dần dần, tôi rơi vào trạng thái chơi vơi, mất đi đường hướng cho cuộc đời, chìm trong những vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu và ảnh hưởng đến sức khoẻ rõ rệt.

Năm 2020, tôi may mắn có cơ duyên được tham gia khóa học "Thanh Lọc Thân Tâm" của Thầy Thích Tâm Thành. Được nghe Thầy giảng về cách chăm sóc sức khỏe thông qua các quy luật của vũ trụ và triết lý Đạo Phật, tôi dường như nhận thức được mình cần phải làm gì để tự chữa lành cho bản thân và trở thành một phiên bản tốt hơn mỗi ngày.

Năm 2021, tôi quyết định quay về bên trong, tu sửa bản thân, tìm về với thế giới tâm linh và học thuyết Phật giáo để sống với con người thật của mình. Thật trùng hợp, Đạo Phật cũng cho rằng “Thành đạo là nhận ra và hằng sống với con người chân thật chính mình”. Đối với tôi, Phật giáo không những là tôn giáo mà còn là hệ thống tư tưởng triết học, giúp thực tập hoá giải bớt đau khổ, muộn phiền và thanh lọc, giúp tâm bình an hơn mỗi ngày. Tôi rất thích theo dõi pháp thoại của Thiền sư Minh Niệm cũng như nghiền ngẫm những bài chia sẻ của Thầy Viên Minh. Thông qua đó, tôi chiêm nghiệm ra bản chất của cuộc sống là “vô thường, khổ, vô ngã”, nhận diện rõ nét được “tham, sân, si”. 

Theo tôi, “tham, sân, si” là ba thứ kịch độc luôn tìm ẩn trong tâm. Nếu không nhận diện được bản chất và học cách kiểm soát, chúng ta sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của chúng. Vì một khi “tham, sân, si” khởi lên thì có khả năng cao sẽ thiêu cháy nhân cách đạo đức, sự sáng suốt, mạng sống của bản thân và những người khác.

Sau khi dành thời gian ở một mình và quan sát tâm, tôi hiểu được nguyên nhân của những lo lắng, nỗi sợ của bản thân. Từ nhỏ, tôi đã biết mình muốn gì, có khả năng gì và thường xuyên đặt câu hỏi: “Tại sao?” Nếu đó là những việc xã hội, truyền thống, ba mẹ, bạn bè nói phải làm…, bên trong tôi sẽ có thắc mắc, phản biện lại liệu điều đó có đúng và phù hợp với mình không. Hầu như lúc nào tôi cũng lên kế hoạch cho mọi chuyện rõ ràng, chi tiết để hướng mục tiêu của mình. Tôi còn mong muốn kiểm soát mọi chuyện trong cuộc sống, không để cho ai điều khiển hay làm ảnh hưởng đến quyết định, lựa chọn của mình. Vì vậy, trước đây tôi rất tự tin, tự hào về quan điểm và lối sống mà bản thân theo đuổi. 

Tuy nhiên, khi soi chiếu dưới triết lý Phật giáo, thực chất tôi đang bị bản ngã cùng tam độc “tham, sân, si” dẫn dắt và chi phối. Vì khi có chuyện bất như ý xảy ra, bên trong tôi sẽ dấy lên cảm giác khó chịu, đau khổ. Để vơi bớt đi những sự bất an này, tôi bắt đầu thực tập quan sát các pháp - sự kiện, hiện tượng bên trong và ngoài thân. Đồng thời, tôi tự nhắc nhở bản thân rèn luyện giữ chánh niệm, không nghĩ về quá khứ, không lo lắng đến tương lai, cũng không phán xét, suy diễn các pháp hiện tại bằng kinh nghiệm trước đây, chỉ nhìn sự vật hiện tượng “như nó đang là”.

Đến một ngày, trong tâm tôi khởi lên sự “Buông”, không còn muốn mọi chuyện diễn ra theo sự sắp xếp của mình và sống xuôi dòng chảy, kể cả những chuyện bất như ý. Nhờ vậy, tôi thấm thía câu nói: “Buông bỏ là một loại trí tuệ, người muốn hạnh phúc phải biết buông bỏ”. Mọi thứ xảy ra đều có lý do sâu xa, việc gì đến sẽ phải đến. Tôi không còn cố chấp, bám dính vào các mục tiêu cụ thể đã đề ra, thay vào đó là cảm thấy hài lòng với giây phút hiện tại. Tôi cũng không còn kháng cự với các sự việc, hiện tượng đến với mình mà tùy duyên thuận pháp.

Tôi khá thích câu nói của Oprah Winfrey: “Hãy biết ơn những gì bạn có, bạn sẽ có nhiều hơn. Nếu bạn tập trung vào những gì bạn không có, bạn sẽ không bao giờ có đủ”. Nếu truy cầu thân tâm an lạc, thay vì cứ chăm chăm tập trung bám víu vào những điều bất như ý, tôi sẽ biết ơn và trân trọng những gì đang hiện hữu quanh mình.

Hiện tại, tôi chấp nhận mọi khó khăn, nghịch duyên đến với mình, xem đó như là một thử thách cần vượt qua để đúc kết bài học trong hành trình trưởng thành và phát triển của mình. Thời gian sắp tới, tôi sẽ học hỏi, nghiên cứu và áp dụng những pháp môn Đạo Phật của để tập trung tu sửa bản thân thật tốt. Tôi có thể khẳng định chắc nịch, Đạo Phật chính là “ánh sáng cuối đường hầm” và trở thành kim chỉ nam soi đường chỉ lối trong tôi. 

Tuy hiểu rằng con đường giác ngộ của bản thân còn xa lắm, nhưng tôi vẫn sẽ cố gắng rèn  nội lực thật vững vàng, bồi dưỡng trí tuệ và sẽ trao gửi thật nhiều tình yêu thương đến mọi người xung quanh. Để từ từ tạo thật nhiều duyên lành, kết nối bản thân mình đến con đường chuyển hoá được tham, sân, si trở thành thành giới, định, tuệ; vô minh trở thành khai minh, trí huệ; hỷ, nộ, ái, ố trở thành từ bi hỷ xả; năng lượng ái dục trở thành năng lượng yêu thương muôn loài, muôn người và cuối cùng, bản ngã trở thành vô ngã. 

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Nguyễn Khắc Ngọc Phượng Châu; địa chỉ: Phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Thí dụ bảo châu trong áo

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:37 11/05/2023

Pháp Hoa cửu dụ bao gồm: thí dụ nhà lửa, thí dụ con nghèo của phú ông, thí dụ dược thảo, thí dụ hóa thành, thí dụ bảo châu trong áo, thí dụ viên bảo châu trong tóc, thí dụ thầy thuốc chữa bệnh cho con, thí dụ người thợ gốm và thí dụ người mù từ thuở nhỏ.

Lá thư gửi chính tôi ở tương lai

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:15 11/05/2023

Bản thân yêu quý! Thời gian gần đây tớ đã nhận phải rất nhiều phiền não từ chính gia đình nhỏ của mình. Tớ vớ phải một anh chồng gia trưởng, vũ phu. Tớ đi làm bị người khác bắt nạt. Tớ về nhà công việc chất đống. Thu nhập tớ không đủ trang trải cho gia đình nhỏ của mình.

Hạnh Di Lặc

Đạo Phật trong trái tim tôi 08:29 11/05/2023

Vậy làm cách nào để tâm ta an lạc, hoan hỷ? Đó chính là học hạnh tùy hỷ của Phật Di Lặc. Tùy hỷ là từ bi và hỷ xả. Tu tập chánh pháp, rèn luyện lòng từ, không nổi tâm sát sanh, đấy là từ bi.

Phật luôn trong đời

Đạo Phật trong trái tim tôi 13:12 10/05/2023

Mỗi cuối tuần hay nửa mùa hè, con được ba mẹ cho về ông bà nội. Tuổi nhỏ vô tư chưa biết rõ Phật pháp, duy chỉ nhớ rõ kí ức mỗi buổi sớm mai mặt trời chưa thức, trong cái se lạnh đầu hôm và cơn ngủ mơ màng, con nghe tiếng bà pha trà, thắp hương, tụng kinh ở bàn thờ Phật.

Xem thêm