Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 07/05/2023, 15:56 PM

Đạo Phật hình thành lối sống trong tôi

Tôi là một người không tôn giáo. Tuy vậy, nếu ai đó hỏi tôi, tôn giáo nào gần gũi nhất, có ảnh hưởng nhất đến mình thì tôi không ngần ngại trả lời ngay rằng đó chính là Đạo Phật.

Quê tôi hầu như làng nào cũng có một ngôi chùa nên chùa làng thật gần gũi đối với chúng tôi. Từ thuở bé tôi đã theo bà lên chùa. Chùa làng tôi có tên chữ là Già Sơn Tự, thường gọi là chùa Chúc Núi. Ngôi chùa tuy không lớn nhưng thật cổ kính, không khí luôn trong lành, mát mẻ. Mỗi khi lên chùa, được nghe tiếng chuông ngân hòa vào tiếng chim hót trong vườn tôi thấy lòng mình bình yên đến lạ, dường như những mệt mỏi, những bon chen của cuộc sống thường ngày đều tan biến hết.

Bà tôi bảo, chùa làng mình thiêng lắm các con ạ. Các con lên chùa không được đùa nghịch, ăn mặc phải đàng hoàng ngay ngắn, ăn nói phải nhẹ nhàng, đi đứng phải giữ chừng mực, không được chạy nhảy lung tung đâu nhé. Tôi để ý, khi bắt đầu một bài khấn dù ở chùa hay ở nhà bà đều bắt đầu bằng câu: "Con nam mô A Di Đà Phật!". Từ đó tôi tin rằng tất cả những việc mình làm, những gì mình nói, những suy nghĩ của mình trời Phật đều biết cả. Vậy nên phải sống làm sao cho thật tốt, tránh làm điều xấu kẻo trời Phật trách phạt.

dao-phat

Đạo Phật gần gũi với tôi bởi trong các câu chuyện cổ tích thường có một cụ già hiền từ, râu tóc bạc phơ, hiện lên giúp đỡ người nghèo, những người thật thà, chân chất nhưng hay phải chịu những thiệt thòi trong cuộc sống, điển hình nhất là trong truyện Tấm Cám. Cụ già ấy chính là ông Bụt, một cách gọi khác của Phật. Bụt luôn xuất hiện đúng lúc, là điểm tựa cho những mảnh đời éo le, bất hạnh, diệt trừ cái ác, làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Lứa tuổi 8X như chúng tôi có lẽ không ai là chưa từng xem bộ phim Tây Du Ký kể về cuộc hành trình đi Tây Trúc thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng. Theo tôi đó là bộ phim thật hay, giúp tôi và nhiều người hiểu biết hơn về Đạo Phật. Tôi nhớ rất rõ một chi tiết trong phim. Khi Tôn Ngộ Không mới tìm thấy một động đá trên núi Hoa Quả Sơn thì được lũ khỉ trong đàn suy tôn là Mỹ Hầu Vương. Sau đó cả "vương quốc" khỉ ăn mừng lễ lên ngôi của Mỹ Hầu Vương thì một con khỉ đang vui vẻ nhảy múa, hát ca lại... lăn ra chết. Cả vương quốc khỉ buồn thương và sợ hãi, "rồi tất cả chúng ta ai cũng phải chết như vậy thôi". Từ đó Tôn Ngộ Không quyết đi tầm sư học đạo, cố gắng tìm thuốc trường sinh để có thể cứu mình và con dân của mình. Đó là một chi tiết rất đắt trong bộ phim, nó nói lên khát vọng được sống "trường sinh bất tử" là khát vọng lớn lao đã có từ lâu của loài người.

Nói đến đây tôi lại nhớ về tuổi thơ của mình cùng những người bạn thời chăn trâu, già có, trẻ có. Lũ trẻ con chúng tôi thường chạy nhảy chân sáo, vui đùa thỏa thích bên triền đê. Chiều tối, khi mặt trời xế bóng, mọi người cùng lùa đàn trâu bò về nhà. Lẫn trong những tiếng trẻ con vui đùa, tiếng móng trâu bò gõ xuống mặt đê gập ghềnh, hơn một lần tôi nghe thấy tiếng thở dài của một cụ già: "Mình già mất rồi, ước gì bây giờ mình mới bé như bọn trẻ thì tốt biết bao". Tôi hiểu ý cụ. Cụ muốn trẻ lại như chúng tôi chứ không đơn thuần là chỉ nhớ về kí ức tuổi thơ của mình. Khát khao được sống "trường sinh bất lão" cũng là khát khao cháy bỏng của con người. Cụ chỉ mong được trẻ lại thêm một lần mà đâu có được.

Có một ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nhiều người biết đến, trong đó có những ca từ:

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

Chọn những bông hoa và những nụ cười...

Nhạc phẩm bất hủ ấy như nhắc nhở mỗi người cần chủ động, sống vui, sống khỏe mỗi ngày với một tâm thế luôn hướng tới những điều tích cực giữa cuộc sống còn nhiều khó khăn này. Đó là một tâm thế rất lạc quan trước cuộc sống. 

Nhưng "đời là bể khổ", liệu con người chúng ta có thật sự chọn được cho mình một niềm vui mỗi ngày không? Có người đã từng hỏi rằng "phải chăng tình đời là vòng dây oan trái, nếu vì tình yêu Lan có tội gì đâu sao vướng vào sầu đau?" (Chuyện tình Lan và Điệp), hay một người khác: "Chuyện hôm qua như nước chảy về Đông/ Mãi xa ta không sao giữ được/ Hôm nay lại có bao chuyện ưu phiền làm rối cả lòng ta/ Rút dao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh/ Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm!" (lời thơ trong phim Bao Thanh Thiên).

Con người ta buồn vì phải già, buồn vì sẽ phải chết (hai cái khổ trong Sinh, Lão, Bệnh, Tử), buồn vì phải chứng kiến người thân qua đời, vì tình yêu trắc trở (ái biệt li khổ)... Thì ra chi tiết trong bộ phim Tây Du Ký cùng với hình ảnh cụ già có mong ước được trở lại tuổi thơ, lời than thở về vòng dây oan trái, về sầu đau hay những chuyện ưu phiền... đã được Đức Phật đúc kết lại từ trước đó rất lâu, gọi chung là Khổ Đế, một trong Tứ Diệu Đế - giáo lí căn bản nhất của Đạo Phật.

Tôi biết về Tứ Diệu Đế khi đi tìm hiểu về nỗi khổ của con người. Những lúc rảnh rỗi tôi thường lên mạng nghe bài giảng của các thầy Thích Nhất Hạnh, thầy Thích Nhật Từ, thầy Thích Trúc Thái Minh... Tôi như vỡ òa trong hạnh phúc khi giải đáp được nhiều thắc mắc của cuộc sống mà bấy lâu nay chưa có lời đáp. Thì ra, Tứ Diệu Đế chính là bốn chân lý kì diệu, màu nhiệm về khổ, nguồn gốc của khổ, diệt khổ và con đường diệt khổ. Chỉ có cách tìm hiểu về Tứ Diệu Đế con người mới có thể giác ngộ, thoát khỏi vô minh và tu tập để đạt đến giải thoát, an lạc hoàn toàn, đạt được cảnh giới niết bàn ngay trong thời khắc hiện tại của cuộc sống.

Quay trở lại với nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, những lời ca trong đó lạc quan quá chăng? Đức Phật nói "đời là bể khổ", ngài đã bi quan quá chăng? Chắc chắn không phải vậy! Trịnh Công Sơn là một người am hiểu Đạo Phật và ông đã từng tâm sự: "Tôi đang cố gắng quên Phật giáo như một tôn giáo. Tôi muốn đó là một thứ triết học siêu thoát mà ai cũng cần phải học, ngay cả những người thuộc tôn giáo khác. Mỗi người phải nỗ lực để xây dựng cho bằng được một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản thân thành một tượng đài vững chắc. Nó sẽ giúp ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống khác đi...Tôi không quan niệm tìm đến với Phật mà là trở về với Phật tính trong cõi riêng mình...Tôi ngồi, Phật sẽ tràn ngập tôi và tôi sẽ tràn ngập Phật...Với tôi, Phật giáo là một triết học làm cho ta yêu đời hơn chứ không phải làm cho ta lãng quên cuộc sống". 

Tiếng chuông chùa làng vẫn rơi trên mái ngói nâu trầm hòa vào tiếng chim ríu ran gọi bạn. Những kí ức về bà, về tuổi thơ lại hiện lên trong tâm trí tôi. Tôi thấy mình may mắn khi được cùng bà lên chùa từ rất sớm và thấy mình thật gắn bó với chùa làng, với Đạo Phật. Đạo Phật đã cho tôi biết dần rời bỏ tham, sân, si..., biết về luật nhân quả, biết từ bi, biết hiểu và thương yêu con người hơn... Mong rằng ngày càng có nhiều người hiểu biết về Đạo Phật và tôi cũng sẽ vui hơn nếu bài viết của mình góp được một chút hương thơm trong vườn hoa Phật giáo diệu kỳ.

*Bài viết được gửi từ tác giả: Nguyễn Chí Diễn; địa chỉ thường trú: Thôn Thần Chúc, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Thí dụ bảo châu trong áo

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:37 11/05/2023

Pháp Hoa cửu dụ bao gồm: thí dụ nhà lửa, thí dụ con nghèo của phú ông, thí dụ dược thảo, thí dụ hóa thành, thí dụ bảo châu trong áo, thí dụ viên bảo châu trong tóc, thí dụ thầy thuốc chữa bệnh cho con, thí dụ người thợ gốm và thí dụ người mù từ thuở nhỏ.

Lá thư gửi chính tôi ở tương lai

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:15 11/05/2023

Bản thân yêu quý! Thời gian gần đây tớ đã nhận phải rất nhiều phiền não từ chính gia đình nhỏ của mình. Tớ vớ phải một anh chồng gia trưởng, vũ phu. Tớ đi làm bị người khác bắt nạt. Tớ về nhà công việc chất đống. Thu nhập tớ không đủ trang trải cho gia đình nhỏ của mình.

Hạnh Di Lặc

Đạo Phật trong trái tim tôi 08:29 11/05/2023

Vậy làm cách nào để tâm ta an lạc, hoan hỷ? Đó chính là học hạnh tùy hỷ của Phật Di Lặc. Tùy hỷ là từ bi và hỷ xả. Tu tập chánh pháp, rèn luyện lòng từ, không nổi tâm sát sanh, đấy là từ bi.

Phật luôn trong đời

Đạo Phật trong trái tim tôi 13:12 10/05/2023

Mỗi cuối tuần hay nửa mùa hè, con được ba mẹ cho về ông bà nội. Tuổi nhỏ vô tư chưa biết rõ Phật pháp, duy chỉ nhớ rõ kí ức mỗi buổi sớm mai mặt trời chưa thức, trong cái se lạnh đầu hôm và cơn ngủ mơ màng, con nghe tiếng bà pha trà, thắp hương, tụng kinh ở bàn thờ Phật.

Xem thêm