Tiếng chuông hoài thức
Tiếng chuông chùa vang xa từng nhịp, từng nhịp nối theo nhau bay vào không gian sâu thẳm. Mỗi tiếng chuông như một linh hồn biết rung động, biết cảm hoá và biết yêu thương. Cây bồ đề ngoài kia vừa nghe tiếng chuông ngân cũng bừng tỉnh, mở to mắt lá, xào xạc gọi nhau thức dậy đón bình minh.
Những con chim khướu ríu rít hót vang gọi ông mặt trời thức dậy. Trong không gian mơ màng, trong trẻo, yên ắng ấy Thuỷ lần thức dậy, bật toang cửa sổ, hít hà một hơi thật sâu và chậm để mang hết cả hương, cả hoa, cả âm thanh, màu sắc ngoài kia vào cơ thể của mình. Một tiếng chuông lại vang lên, trầm ấm, nhẹ nhàng và du dương. Thuỷ hướng đầu về Tam Bảo cúi đầu và thầm niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, sáng nào Thuỷ cũng làm điều ấy không phải vì sự quen thuộc mà vì lòng tôn kính Chư Phật đến tận cùng. Tiếng chuông đưa Thuỷ về kí ức của những ngày xưa, kí ức của cái nôi sự sống, kí ức của tuổi thơ cùng huynh đệ, đại chúng tu tập và sẻ chia…
Ngày ấy, vào tháng tư năm 1993 ở vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ, trong một gia đình nghèo có một cô bé con chào đời, cô bé tên là Thuỷ. Nghe kể lại, trong những năm đó cuộc sống thật khó khăn, bố Thuỷ bị liệt nửa người, mẹ Thuỷ mất sức vì mới sinh con. Trong nhà còn có hai chị em Huyền – Linh, Huyền là chị cả lên bảy, Linh cũng thành anh hai ở tuổi lên năm. Cuộc sống khốn khó dựa vào sự cưu mang của hai bên gia đình nội ngoại và bà con lối xóm. Khi Thuỷ biết ngồi thì là lúc mẹ đi làm, ba chị em tự trông lấy nhau.
Hàng xóm sang chơi giờ vẫn kể, chiều chiều bên gốc tre già kẽo kẹt có cô chị mặt mày lấm lem, nhem nhuốc một tay cầm chiếu, tay kia cắp em bên sườn, chị đến búi tre thì sải chiếu cho em ngồi chơi, kể cho em nghe những câu chuyện hôm nay chị học được. Chú trâu nhà ai buộc cạnh bên hai chị em nằm lim dim, im thin thít, ruồi bâu không vẫy, hình như chú cũng say sưa với những câu chuyện tuổi học trò của chị. Mảnh chiếu chị ngồi vừa bằng đúng cái người mi nhon bé nhỏ của cô học trò lớp một, chiếu cũng vểnh mép lên nghe chị kể những câu chuyện li kì. Bao ngày tháng cứ như thế trôi qua, ngày Thuỷ ở nhà họ hàng với anh, chiều bên chị, tối về với mẹ, bố dần dà cũng đỡ nhưng vẫn còn yếu nhẹt. Thế mà có ai ngờ đứa bé còm nhom ấy lại trở thành chú tiểu. Thuỷ ở với thầy trong ngôi chùa yên ả từ năm lên ba. Trong chùa có rất nhiều sư già, sư bác và huynh đệ. Thuỷ gần nhất với cụ Bé – một Phật tử tại gia gầy gầy be bé, chấp tác liền trong chùa.
Cụ Bé đã gần tám mươi nhưng cụ vẫn nhanh nhảu và giúp sư bác cùng quản chúng đâu ra đấy. Lứa tuổi lít nhít như Thuỷ đứa nào đứa nấy luôn sợ cụ Bé bằng phép, từ oai nghi cho đến tế hạnh luôn lấy cụ làm mẫu. Thuỷ làm sao quên được những ngày trồng khoai, trồng sắn dây, trồng lạc cùng Thầy và cụ. Mỗi chỗ khệnh khạng của Thuỷ, Thầy hoặc cụ lại dúi thêm vào một cây, luống rau vẫn lên đều đặn xanh tốt. Thuỷ chịu trách nhiệm khoá cổng ban tối và mở ra vào ban sáng. Có hôm Lâm Thuỵ xong, Thuỷ buồn ngủ quên béng, sớm tờ mờ vội chạy ra cổng khoá vì sợ bị mắng, thì chao ôi đã thấy cổng khoá từ bao giờ. Không biết Thầy hay cụ Bé, người luôn bù đắp những khiếm khuyết thời thơ dại của Thuỷ!
Năm Thuỷ lên lớp năm, Thuỷ đã thỉnh những hồi chuông đầu tiên, tiếng chuông non nớt, gầy, nhỏ, rời rạc mà nhanh tan, lẫn vào trong biết bao cơn ngủ gật chiều. Thuỷ thèm làm sao một góc nhỏ để nằm ngủ gụi, dẫu Phật đấy, thánh đấy nhưng mọi thứ nghiêm trang bên trong ngôi Tam Bảo chẳng thể nào ngăn cản một cơn buồn ngủ miên man của tuổi lên mười. Thuỷ vẫn còn là đứa trẻ ham chơi, vẫn còn mơ mộng, hồn nhiên, lười biếng.
Năm Thuỷ lên lớp tám, tiếng chuông đã rõ ra từng tiếng, từng tiếng chững chạc… nghe hơi lanh lảnh mà vang rất xa. Thuỷ không còn bị những cơn buồn ngủ bao vây, cũng chẳng bị những trò chơi cám dỗ. Bên ngoài ô cửa chùa nho nhỏ tròn tròn theo kiểu kiến trúc cổ xưa, cạnh quả chuông đồng đại hồng chung nặng hơn một ngàn ký, không còn thấp thoáng bóng ai nhỏ thó, gầy gầy thi thoảng tựa vào bậc cửa dõi theo…
Năm Thuỷ lên lớp mười, những tiếng chuông trong trẻo, êm ái, vững vàng, đều đặn vang xa. Tiếng chuông thanh thoát, động mà rất tĩnh. Những hôm Thuỷ có tâm sự buồn, Thầy chỉ nghe qua tiếng chuông mà tâm sự với Thuỷ cả tối. Tiếng chuông như người bạn tâm tình, như người thân yêu có lúc cưng nựng bảo ban, có khi lại dập dồn khuyên bảo. Nếu ai hiểu tiếng chuông nghĩa là hiểu lòng mình, tự mình có những bài học chân chính. Cụ bé là một minh chứng, cụ đã theo tiếng chuông về chùa. Từ một người con gái lầm lỡ cụ đã trở thành một người Phật tử chân chính. Cụ đã ở chùa mấy mươi năm liền, chứng kiến bao đổi thay và tự tay chăm sóc bao đời chú tiểu.
Năm Thuỷ vào lớp mười hai, Thuỷ đã có lần khóc nghẹn. Mỗi chiều thỉnh chuông là mỗi lần đối diện với ban vong, cũng là mỗi lần đối diện với cụ Bé. Cụ bây giờ chỉ còn là di ảnh. Đôi mắt cụ vẫn dõi theo Thuỷ, dõi theo mỗi tiếng chuông chùa trầm ấm vang xa. Cụ đã hoá thân vào mỗi tiếng chuông để gọi ban mai thức dậy, để nhắc Thuỷ điềm tĩnh, kiên trì trên mỗi bước đi. Mỗi tiếng chuông là một lời thúc giục “tu đi con, tu đi nhanh lên kẻo sắp hết một ngày rồi”. Ai ai cũng đinh ninh Thuỷ xuống tóc, ai cũng tin rằng một cô bé sáng trong từ nhỏ sẽ ngộ được giáo lý mà theo chân tăng nguyện tu hành. Thế mà độp một cái Thuỷ xin về quê. Bộ áo nâu sờn, vại cà, gốc mít cùng các huynh, các đệ và tất cả những kí ức tuổi thơ vẫy chào cô bé. Hình như chẳng có ai níu chân Thuỷ ở lại, hay là Thuỷ vô tâm vô tình quá mà không biết được.
Thoảng theo làn gió có tiếng chuông ngân dài, bất giác trên đôi mắt Thuỷ lăn dài những giọt nước mắt mặn đắng. Người ta đồ rằng Thuỷ phải lòng ai hay là con nhỏ có bầu rồi cũng nên. Thuỷ không trả lời ai cũng chẳng giải thích điều gì. Một cô bé mười tám tuổi đã đủ trưởng thành để bước đi. Ngày Thuỷ đi, Thầy đưa cho Thuỷ một mảnh giấy nhỏ, dặn Thuỷ cất kĩ sau này khúc mắc hãy mở ra xem. Boong…oong…tiếng chuông chùa lần nữa vang lên, dùi nện vào chuông mà lần này Thuỷ cảm như có ai đang nện vào mình những cái thúc mạnh chừng đến nghẹt thở. Rồi mười năm sau người ta vẫn không thấy Thuỷ lấy chồng. Đột nhiên một ngày Facebook Thuỷ có tấm ảnh đen ngòm với một dòng trạng thái: “Vĩnh biệt bố yêu”. Lướt xuống những bình luận, người tinh ý thấy một bình luận dài gần hết màn hình điện thoại, không có ai nhớ được hết bình luận ấy là gì, chỉ thấp thoáng còn lại một câu “…Ông bà thật quá kiên cường, căn bệnh ung thư đã đeo đẳng hai vợ chồng suốt mười năm, hẳn là gia đình đã rất vất vả…”. Người ta mơ hồ nhận ra điều gì ở Thuỷ, nhưng đã chẳng quan trọng gì nữa, vạn sự tuỳ duyên. Đám thứ xong xuôi, người làng cũng chẳng còn thấy Thuỷ ở đâu, người ta bảo với nhau rằng trong ngăn bàn của Thuỷ, có một mảnh giấy nho nhỏ với nét chữ cứng cáp vẻn vẹn một dòng: “Nơi đây luôn là nhà của con. Thầy tin con sẽ trở về.”
*Bài dự thi được gửi từ tác giả Trần Thị Thanh Thuỷ; địa chỉ: Thôn Ngọ Khổng, xã Châu Minh, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”
Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.
Cuộc đời màu nhiệm của cô gái 9x Hà thành
Đạo Phật trong trái tim tôi 12:00 05/10/2024Tôi biết tác giả Thanh Cầm qua một nhóm những người yêu văn chương và rất ấn tượng với những truyện ngắn em viết cho thiếu nhi. Ngôn từ đẹp, cách xây dựng nhân vật gần gũi và nội dung luôn mang những thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn.
Xem thêm