Thứ sáu, 03/02/2023, 14:27 PM

Đạo Phật trong tôi

Tôi vốn không phải là một người yêu thích Phật pháp ngay từ ban đầu, hay nói đúng hơn, tôi đã từng cảm thấy rất khó chịu về Đức Phật, chỉ bởi vì lý do đơn giản rằng tôi thấy những lời dạy của Đức Phật rất thiếu tính thực tế.

Đức Phật khuyên con người ta nên sống tốt, từ bi rộng lượng, nhưng cuộc đời này mọi người thường bon chen kèn cựa nhau từng tí một để kiếm ăn, ai cũng muốn mình được lợi ích nhiều nhất có thể, nếu không như thế thì lấy tiền đâu ra để đảm bảo cho cuộc sống bộn bề trăm thứ phải lo, vậy nên tôi thấy rằng, nếu như sống theo lời Phật dạy, thì bạn hẳn sẽ là người thiệt thòi, nhu nhược và rất khó tồn tại trong xã hội hiện đại.

Đức Phật trong tôi lúc ấy là một người thánh thiện, là đại diện cho ánh sáng, nhưng cuộc đời này vốn chứa đầy sự tối tăm và tiêu cực, vậy nên những gì Phật dạy rất mâu thuẫn với nhận thức của tôi khi đó, kiểu như việc sống thánh thiện là điều không phù hợp với đời. Nhưng rồi mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi tôi quyết định dành thời gian để đọc cuốn sách: Đường Xưa Mây Trắng, có nội dung về cuộc đời của Bụt – là chính Đức Phật theo cách gọi của tác giả Thích Nhất Hạnh. Thực tế thì ban đầu tôi cũng không hứng thú lắm với tựa sách như vậy chút nào, nhưng vì tôi được người trong gia đình đã đọc qua chia sẻ lại rằng, cuốn sách này tuy nhìn dày như vậy, nhưng lạ thay khi đọc thì lại thấy rất nhanh hết. Vốn là một người có sở thích làm rõ những điều mơ hồ và kì lạ, nên tôi quyết định thử đọc nó để tự kiểm chứng.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Tôi thích cách mô tả về Phật của thầy Thích Nhất Hạnh bởi 2 yếu tố, thứ nhất, ông khác với những người khác, đã gọi Phật là Bụt như một danh xưng thay thế, để cho mọi người thay đổi quan niệm về Phật, vì người Việt Nam có xu hướng cứ nghe tới chữ “Phật” là liền liên tưởng đến “thần Phật”, kiểu bị thần thánh hóa lên xong sẽ nghĩ là nếu mình cầu xin thì sẽ được thần Phật chiếu cố ban phước. Thứ hai, câu chuyện của Đức Phật không mang màu sắc hư cấu bí hiểm, mà Phật ở đây được thầy Nhất Hạnh mô tả như một con người bình thường, trải qua quá trình tu luyện đã xây dựng được trí tuệ và lòng trắc ẩn, và Phật dùng chính phương tiện đó để giúp đỡ mọi người biết cách sống thế nào cho bớt khổ sở, chứ không hề nhắc đến phép thần thông hay những trải nghiệm phi thường nào đó.

Ý tôi không phải là những phép thần thông ấy không tồn tại, mà là cách thầy Nhất Hạnh chia sẻ về Phật theo hướng giản dị, gần gũi, bình thường, điều ấy có nghĩa là thầy quan tâm đến cảm nhận của người đọc, tránh không để người đọc có cảm giác kì lạ và e sợ Đức Phật. Vì thực tế nếu chúng ta thấy ai đó có phần “khác người” thì chúng ta sẽ cảm thấy sợ họ, chứ không tung hô họ như cái cách chúng ta vẫn thường tự tưởng tượng nếu như bản thân ta có những khả năng thần kì nào đó và phô diễn nó.

Và thứ hai, đó là câu chuyện Đức Phật chạm trán với kẻ giết người Angulimāla, điều này thực sự đã khiến tôi cảm động. Vì với riêng tôi, đây giống như câu chuyện về hai thế lực bóng tối và ánh sáng đối đầu nhau. Đức Phật đại diện cho phe ánh sáng, còn Angulimāla là hiện thân của bóng tối. Với người bình thường, họ sẽ tìm cách bảo vệ bản thân khỏi bóng tối và sự xấu ác, tiêu cực. Nhưng Đức Phật lại lựa chọn làm ngược lại, tiếp tục tiến về phía trước và không có nhu cầu bảo vệ chính mình khỏi nguy hiểm (đây cũng là một trong số những đặc điểm của người thực sự đã giác ngộ, họ không còn cái Tôi, cho nên nhu cầu tự vệ về mặt tâm lý và bảo vệ tính mạng của họ cũng không còn nữa). Cuộc đối thoại giữa 2 người mới chính là điều đặc biệt, Đức Phật không hề dùng quyền lực để trấn át Angulimāla trong lúc nói chuyện, thực sự tôi không thấy có chút năng lượng bạo lực nào kiểu như thế trong Đức Phật, kể cả khi Angulimāla hăm dọa và thể hiện sự ngông cuồng hung hăng của anh ta. Tất cả những gì Đức Phật làm là sử dụng trí tuệ, nhưng cũng không phải kiểu trí tuệ để thể hiện ta đây hiểu biết, mà là để nhắc nhở Angulimāla nhớ về Sự thật. Sự thật thì anh không phải là quái vật hay kẻ điên rồ, anh là một người có nhiều đau khổ, vì vậy nên anh đã tự làm tổn thương bản thân và giết hại những người khác, nhưng bất chấp việc anh đã làm những điều xấu xa như thế nào, thì bản chất tốt trong anh vẫn ở đó và chúng không bị vấy bẩn (về sau tôi hiểu rằng bản chất tốt này chính là Phật tính, và tính chất của nó vốn là sự nguyên bản thuần khiết) anh hoàn toàn có thể thay đổi cách sống tiêu cực của mình, và đã có Đức Phật ở đây dang tay giúp đỡ anh.

Tôi muốn bạn thử đặt bản thân vào Angulimāla cho dù chỉ một chút để hiểu được cảm giác của anh ta, bởi vì một kẻ sát nhân như anh chắc chắn trăm phần trăm là cả xã hội sẽ có xu hướng căm ghét, sợ hãi và xa lánh, chứ đừng nói đến việc quan tâm để ý tới (à, thực ra thì người ta cũng có để ý và quan tâm tới anh, nhưng là để đề phòng và bỏ chạy khỏi anh, chứ không phải vì sự yêu mến), nhưng đây chính Đức Phật, là một bậc vĩ nhân tối tôn đệ nhất, lại quyết định trao cho một con người đáng khinh như anh sự lắng nghe, sự thấu hiểu và quan tâm một cách đầy bao dung, đồng thời sẵn lòng giúp đỡ Angulimāla như thể anh ta là một người bình thường tay chưa nhúng chàm, bất kể anh có lựa chọn việc quay đầu là bờ và đồng ý nghe theo con đường tu luyện của Đức Phật hay không, thì Đức Phật đã đối xử chân thành với anh trước.

Điều này làm tôi thực sự rất ấn tượng, và tôi đã thay đổi cảm nhận về Đức Phật từ lúc đó, sau khi đọc xong câu chuyện ấy, tôi nhớ rằng mình đã phải tạm gấp sách lại và ngồi suy ngẫm một lúc lâu trong im lặng. Vì tôi nhận ra sức mạnh thực sự không phải là sử dụng quyền cường để kiểm soát hay ép buộc, mà là sự nhẹ nhàng, mềm mỏng với đầy trí tuệ sâu sắc, chính những phẩm chất ấy của Đức Phật đã chạm vào bên trong Angulimāla, khiến anh ta tâm phục khẩu phục, và từ đó anh chọn thay đổi.

Để kết thúc bài viết này, tôi muốn nói về Đạo Phật theo cảm nhận cá nhân của chính tôi – hay nếu bạn thích, thì là trong trái tim tôi. Đạo Phật với tôi hoàn toàn không phải là một tôn giáo, mà Đạo Phật nghĩa là - những lời giảng dạy của Đức Phật, những lời giảng này cũng không phải là những đạo lý hay lời khuyên răn sáo rỗng, mà mục đích là để hướng người ta đến việc thực tập thiền, quay về với Phật tính – phần nguyên bản bên trong mỗi người, từ đó sống một cuộc đời chứa đầy bình an, hạnh phúc và niềm vui, không phải sống chịu đựng tủi nhục đau đớn khốn khổ nữa. Thực tế thì không biết có bao nhiêu lời được cho là của Đức Phật đã nói ra, nhưng có thể sự thật không phải vậy. 

Và cuối cùng, tôi thấy Đức Phật là sự hiện thân của 2 phẩm chất tối cao quý nhất, đó là Trí tuệ (Wisdom) và Tình yêu (Love) cùng hòa quyện cùng nhau. Hiểu theo cách này, Phật không phải là một cá nhân hay một vị thần, mà là những phẩm chất, điều vốn có bên trong mỗi con người chúng ta, chỉ cần chúng ta biết cách quay trở về với chính mình, thì ta sẽ tìm thấy nó, tìm thấy bản chất cốt lõi của chúng ta – chính là những phẩm chất, trong sáng, thuần khiết và tốt đẹp. 

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Tạ Ngọc Quý; địa chỉ: Tòa nhà T06 Times City số 458 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thần lực của lời di chúc

Đạo Phật trong trái tim tôi 12:15 20/12/2024

Đời người trăm năm, không gì ngoài sinh tử. Sinh thì lo sinh kế, Tử thì lo hậu sự lúc ra đi.

Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai

Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024

Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?

Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024

Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.

Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy

Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024

Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.

Xem thêm