Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 29/08/2018, 20:10 PM

Đạo Phật với con người (P.2)

Sự học hỏi quả là sự quan hệ của đời người, thời công phu của nó cũng không phải là kém quan trọng.

3. Biết học hỏi

"Nỗi khổ bị thiêu đốt trong ba đường dữ, nỗi khổ của con lạc đà, con lừa phải chở nặng, nỗi khổ đói khát áp bức của loài quỷ đói chưa gọi là khổ. Si mê không học, không biết hướng đi mới gọi là khổ". (Kinh Sa Di Thập Giới)

Sự học hỏi rất quan hệ đến đời sống của loài người.

Đức Phật dạy: "Làm đau thương không gì hơn buồn. Bắn tên hại người không gì bằng ngu si. Không thể lấy sức mạnh gì trừ diệt được hai nỗi khổ ấy, chỉ có học nhiều mới có thể trừ diệt được. Người mù sẽ nhờ học mà có mắt. Người tối sẽ nhờ học mà sáng suốt. Nhờ học mới có thể chỉ đường cho mọi người. Có học như đem mắt cho người mù. Vậy, phải rời bỏ ngục ngu si, xả lòng kiêu mạn và sự an hưởng giàu có, chuộng học nghe nhiều mới gọi là nhóm họp công đức".

Sự học hỏi là điều rất quan hệ của đời người. Không học, không khác chi khách hàng hải không có kim chỉ nam. Bao những cảnh đồi phong, bại tục, bao những nỗi thương lòng xót ruột, bao những mối buồn rầu, lo lắng, đã làm đau thương đến con người, đau thương lây cho cả xã hội loài người, phần lớn đều do thiếu sự học hỏi, hay là sự học hỏi không được áp dụng vào mục đích chính đáng.

Sự học hỏi quả là sự quan hệ của đời người, thời công phu của nó cũng không phải là kém quan trọng.

Có công mài sắt có ngày nên kim

Con người không phải tự nhiên mà có, tất nhiên sự học không phải tự nhiên mà thành và chắc chắn nó phải đòi hỏi ở sự gắng công bền chí của chúng ta trong tất cả mọi trường hợp:

* Học hỏi nơi nhà trường

Nhà trường là một nơi rèn luyện thân tâm con người. Nơi đó, có những sự tổ chức chu đáo, có những bậc sư phạm đủ tài ba, hiểu tâm lý, thay cha mẹ chúng ta để rèn đúc cho chúng ta cả về thể dục, trí dục và đức dục, ngõ hầu làm cho thân tâm chúng ta mỗi ngày một tăng tiến.

* Tự mình học hỏi

Hoàn cảnh và điều kiện nhiều khi không cho chúng ta đạt tới mục đích mong muốn. Không tới mục đích, không phải là chúng ta thôi hẳn, mà chúng ta vẫn phải học, học bằng sách báo, học bằng việc làm, nếu chúng ta có chí hướng về sự học.

* Học hỏi xã hội

Chúng ta không thể suốt đời đóng vai trò học mãi, mà có ngày chúng ta phải ra đời gánh vác việc xã hội. Gánh vác việc xã hội, đứng giữa xã hội, xã hội là cả một trường học to lớn. Trong đó có đủ tất cả mọi màu sắc học hỏi, tùy ý mình lựa chọn. Lựa chọn để học, học để làm, làm để thí nghiệm sự học, học để lãnh đạo cho việc làm. Làm, cho học, học, làm là luật tắc quyết định cho sự tìm hiểu và hành động. Nghĩa là: "Suốt đời chúng ta vẫn học".

* Cần học tất cả

Với sự học hỏi, chúng ta phải nhìn xa trông rộng, phải học đến nguyên lý của nó. Và, phải học tất cả theo như cổ nhân đã nói: "Thấy người hay, người giỏi ta phải cố gắng học hỏi cho bằng. Thấy người dở, người xấu, ta phải cố gắng học hỏi để xét nét tâm ta". Nghĩa là, không cứ điều hay điều dở, việc phải, việc trái, chúng ta đều phải học hỏi. Học hỏi để tiến tới, học hỏi để sửa chữa, mà hậu quả là hướng về lẽ phải, về chân lý. Dùng chân lý làm đuốc sáng cho công việc, cho đời sống hợp nghĩa sống.

Như thế, nếu chúng ta sống một đời sống có học hỏi, dùng học hỏi làm dẫn đường, thì chúng ta lo gì không thành một người có đủ tư cách làm người nhập thế hay xuất thế. Chúng ta lo gì không biết hướng đi chân chính, không có thể giúp đỡ hay chỉ dẫn hướng đi cho người. Chúng ta lo gì không có thể sáng suốt trước mọi vấn đề thắc mắc. Và, không thể mặc nhận được như lời đức Thích Ca nói: "Người ta là người trượng phu, há ta không thành người trượng phu hay sao?".

Vậy chúng ta có thể cương quyết nhắc lại rằng: "Nhất định xả kiêu mạn, bỏ sự an hưởng giàu có, chuộng học nghe nhiều, diệt trừ ngu si, đem lại sự lợi ích cho mình và người".

4. Biết suy nghiệm

"Không có gì là nên hẳn và cũng không có gì là không nên hẳn" (Luận Ngữ).

"Chớ tuyên bố điều gì mà không có chứng minh được một cách giản dị và quả quyết" (Pasteur).

* Sự thật là sự thật

Đức Phật dạy: "Đừng vội tin tưởng một điều gì mà điều đó thường nghe nhắc nhở đến luôn. Đừng tin tưởng điều gì mà điều đó là một tập tục đã qua của ngàn xưa để lại. Đừng tin tưởng những điều sáo ngữ hay bất cứ một điều gì mà người ta thường nói đến nhiều quá. Đừng tin tưởng bất cứ điều gì, dù cho điều đó là bút tích của Thánh nhân xưa để lại bảo ta phải tin. Đừng tin tưởng điều gì, dù điều ấy ở dưới mãnh lực của ông thầy hay nhà truyền giáo. Tất cả những sự thật, theo suy nghiệm riêng của anh và sau khi xác nhận rõ ràng, phù hợp với lẽ phải, tạo thành hạnh phúc riêng cho anh và hạnh phúc cho tất cả mọi loài, thì chính đó là sự thật và anh cố gắng sống theo sự thật ấy".

Đấy là một nguồn tin tưởng không bị cục hạn hay áp bức dưới một hình thức nào mà chúng ta có thể gọi vắn tắt là "tự do tin tưởng". Có tự do tin tưởng mới có một giá trị, một kết quả xứng đáng và viên mãn theo với sự thật trong sự mong muốn của chúng ta, nghĩa là chúng ta muốn một việc gì được thành tựu, chúng ta phải được toàn quyền tự do về suy nghĩ, kinh nghiệm và lựa chọn.

* Suy nghĩ

Có suy nghĩ mới phát sinh được nhiều sáng kiến. Có sáng kiến mới đem lại cho công việc làm có một đường lối rõ rệt và tỉ mỉ. Chúng ta muốn cấy một ruộng lúa, trước nhất chúng ta phải suy nghĩ về thời tiết, về cách làm và về giống lúa như thế nào?

* Kinh nghiệm

Có kinh nghiệm mới thực hiện được sự suy nghĩ ấy bằng việc làm. Do việc làm mới đem lại cho chúng ta nhiều bài học đượm nhuần màu sắc của thắng, bại, hay, dở, hư, thực. Chúng ta đã phát khởi ra ý muốn cấy lúa, tất nhiên ý muốn ấy phải được đáp lại bằng cày bừa, cày bón và gặt hái.

* Lựa chọn

Có lựa chọn, chúng ta mới nhận chân được giá trị của nó và cố gắng thực hành giá trị ấy sau khi đã suy nghiệm xác đáng. Ruộng lúa khi đã được thu hoạch với một kết quả khả quan do sự đúng thời và thích hợp. Thế là chúng ta đã nắm chắc được thắng lợi. Thắng lợi ấy lại sẽ là một kết quả hơn nữa cho chúng ta trong những mùa sắp tới. Và, có thể đem thắng lợi ấy chỉ dẫn cho những bạn điền cùng suy nghiệm và đem lại thắng lợi như mình.

Cho nên nhà triết học Aristote cũng phải công nhận: "Cứu cánh là do ý muốn mà ra. Nhưng phương tiện để đi đến cứu cánh đó lại do sự suy xét, kinh nghiệm và chọn lọc. Bởi vậy, những hành động tương quan với những phương tiện kia phải được làm theo với sự chọn lọc có suy nghĩ và hợp với ý muốn riêng của mình".

* Tự nơi mình

Trên đây đã cho chúng ta biết: trước khi chúng ta tin tưởng một điều gì, một việc gì, phải trải qua bao thứ lớp của suy nghĩ và kinh nghiệm. Nhưng, sự suy nghĩ, kinh nghiệm ấy, phải tự mình định đoạt, vì "một sự tin tưởng mà không phải tự mình xác nhận, không phải là tin tưởng".

Nếu được thế, chắc chắn chúng ta cũng biểu đồng tình và hăng hái thực hành như tư tưởng của nhà triết học Descartes đã diễn tả: "Tôi cầm bằng như giả dối hết thảy những điều gì chỉ có vẻ thực mà thôi. Tôi tập cho không bao giờ tôi quá tin vào những điều gì chỉ do luân lý và tập quán dẫn dụ".

"Chỉ có ngọn đèn dẫn đường cho chúng ta tới chỗ thành tựu được đó là ngọn đèn của kinh nghiệm".
 
5. Biết lập nghiệp

"Trước phải tập nghề nghiệp sau mới được của cải" (Kinh Thiện Sinh).

* Xây dựng đời sống chân chính

Đức Phật dạy: "Trước hết phải học nghề nghiệp, phương tiện để gom góp của cải. Sau khi có của, nên chia làm bốn phần: một phần mình tiêu dùng, hai phần để làm ăn, còn một phần cất đi để giúp đỡ mình và người khi nghèo thiếu".

Có thân phải có sống. Có sống phải có vật giúp cho sự sống, tức là phải có nghề nghiệp để tạo ra vật ấy, mặc dù sự tạo ấy do trí thức hay lao lực. Nói rõ hơn chúng ta phải có một nghề nghiệp để lập thân, để bảo vệ sự sống và truyền tiếp sự sống trên cơ sở chân chính.

* Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

Thật thế nghề nghiệp không từ chối chúng ta, chỉ sợ chúng ta từ chối nghề nghiệp. Nghề nghiệp là một công phu rèn luyện chạy dài từ thời gian này đến thời gian khác và phải dốc bao tinh thần, năng lực vào đó. Nghề nghiệp chỉ là một lẽ đương nhiên, không phân biệt sang trọng hay đê hèn, mà chỉ bao hàm trong ý nghĩa "sống" tuỳ theo sở thích của chúng ta. Và, hẳn có một hậu quả tương đương với năng lực và sở thích ấy.

Trước khi lập thân, điều kiện cần yếu của chúng ta là phải có một hay nhiều nghề nghiệp tinh thạo trong các ngành như: công chức, canh nông, thương mại, công nghệ, kỹ nghệ v.v...

Do nghề nghiệp ấy, chúng ta có những nguồn lợi tức dồi dào và chân chính để gây dựng thành gia nghiệp có tổ chức. Một gia nghiệp biết xử sự và phân phối hợp lý. Nghĩa là nguồn lợi tức ấy được đặt để đúng chỗ, không quá xa xỉ hay tiết kiệm và thường biết hướng về sự lợi ích cho mình, sự lợi ích chung cho người khi túng thiếu. "Nếu có thể làm giàu được bằng cách lương thiện, hợp đạo thì chúng ta cũng nên làm giàu".

Như thế vấn đề lập nghiệp đạo Phật dạy chúng ta rất tinh tế. Đạo Phật dạy chúng ta: "Có thể buôn bán làm nghề nuôi sống, nhưng phải đong đầy, đo đủ, không được dối người". Và, "Nếu làm thầy thuốc phải làm có hiệu nghiệm, pháp thuật còn kém thì không nên đem ra dùng". Được thế nó sẽ đem lại cho chúng ta sống một đời an vui vĩnh viễn. Nó đem lại cho chúng ta một tinh thần tự chủ, một tinh thần tổ chức, một tinh thần thân ái với tất cả.

Nhưng trước khi bắt tay vào công việc, Kinh Trường A Hàm cũng không quên nhắc nhở và mong mỏi ở nơi chúng ta: "Nuôi mạng mình bằng cách chính đáng".

6. Biết vụ thực, thường xuyên và trung đạo

"Nếu làm được thì nói, không làm được thì đừng nói suông".
"Làm việc chưa xong không nên nửa chừng thôi nghỉ"
(Bột Kinh)

"Có hai điều thái quá cần xa lánh, một là đời buông lung theo ngũ dục, hai là ăn ở theo lối khổ hạnh... Như Lai tìm được con đường đi giữa để mở mắt mở trí cho người" (Lời Phật dạy).

* Vụ thực

Vụ thực là một chương trình có giá trị khi nào "tri, hành hợp nhất". Ông Flaubert nói: "Dù người ta muốn nói gì đi nữa cũng chỉ có một tiếng là làm sao điều đó hóa ra có sinh khí". Đơn giản thay lời nói ấy, nó bao hàm đầy đủ ý nghĩa của một lời nói phải biến thành sự thật.

Kinh Đại Ai nói: "Lời nói và việc làm phải hợp với nhau, không nên ôm lòng tự đại". Đạo Phật không bao giờ muốn lời nói sẽ đem lại một kết quả trống không. Đạo Phật rất chú trọng vào việc làm, vì đạo Phật là Đạo hoạt động. Hoạt động đúng theo sự nhận xét và tùy ý chọn lọc. Đã tùy ý chọn lọc, nên không bao giờ muốn thu công về mình và chỉ có thể nói là: "Lẽ đương nhiên của sự vật như thế" (Pháp nhĩ như thị).

Việc đời cũng thế. Nói để làm, làm để đáp lại lời nói. Một việc rất nhỏ có kết quả còn hơn một chương trình vĩ đại không đâu. Một người hi vọng thành người phải làm đúng như hi vọng ấy, tất nhiên nó sẽ đem lại một kết quả như kết quả của một nhà quân sự Tây phương nói: "Tôi có một điều đáng mừng là không bao giờ tôi thất vọng".

Nhưng phải cố gắng...

Từ lời nói đến việc làm, từ việc làm trở lại lời nói, không phải là sự dễ dàng trong thời gian ngắn ngủi, mà nó sẽ có nhiều sự khó khăn trong thời gian lâu dài, mới đem lại cho sự thành tựu, nếu chúng ta có tính kiên nhẫn theo đuổi nó. Vì thế, đức Phật luôn luôn khuyên chúng ta: "Có làm việc gì nửa chừng không nên bỏ dở".

Và, cần biết theo lẽ trung bình...

Không nên nửa chừng bỏ dở, dĩ nhiên đó là một lý thuyết được đặt ra một cách cụ thể. Nhưng chưa chắc đã được cụ thể hóa trên thực hành. Vì thực hành khó tránh khỏi những trở lực sẽ đem đến thất bại do lười quá hay siêng quá, cương quá hay nhu quá... Khế Kinh nói: "Người làm việc, phải như người gảy đàn. Nếu dây trùng tiếng, dây căng tiếng gắt. Chỉ làm sao sợi dây trung bình, tiếng mới hay và êm dịu". Nghĩa là trên con đường hoạt động muốn bảo đảm cho công việc đạt tới kết quả phải thực hành bằng cách trung đạo. Tức là không bắt buộc thân thể quá khắc khổ, không bổ dưỡng thân thể quá sung sướng, không vội vàng, không chậm trễ, không quá siêng năng, không quá biếng nhác, không nghiêng nặng về lý trí, không ngả nhẹ về tình cảm v.v...

Như thế chúng ta nhận thấy bất cứ một công việc gì, một sự nghiệp gì, muốn tới thành công, nó đều đòi hỏi ở chúng ta lời nói song song với việc làm. Việc làm căn cứ vào lòng bền bỉ, trí sáng suốt, biết áp dụng một cách trung bình và chân chính.

Trên sự thật sẽ cho chúng ta bài học ấy, nếu chúng ta muốn thành công hay không muốn thành công.

7. Biết nhân quả

"Khi những điều kiện giống nhau được thực hiện ở hai khoảng thời gian khác nhau, ở hai chỗ khác nhau thì những hiện tượng giống nhau lại tái phát, chỉ khác ở chỗ nó đã chuyển đi trong không gian và thời gian thôi" (Painlevé).

"Trồng dưa được dưa, trồng mận được mận".

Đức Phật dạy: "Bất cứ nghiệp lành hoặc nghiệp dữ mà ta đã tạo, chính ta phải mang lấy trong ngày mai".

Đây là nói về định lý nhân quả, một định lý làm cho chúng ta quyết tâm theo đuổi sự nghiệp, theo đuổi công việc, mà nó có thể trả lời cho chúng ta biết rằng: "Có làm thì có ăn, có nguyên nhân thì có kết quả".

* Nhân quả

Nhân là nguyên nhân, là năng lực phát động. Quả là kết quả, là sự hình thành của năng lực phát động. Nhân quả là một định luật tất nhiên, nêu rõ sự tương quan, tương duyên giữa nhân và quả. Phàm đã có tác động tất nhiên phải có kết quả hình thành, phản ứng nguyên nhân ấy. Như đi học thì biết chữ, cấy gió thì gặt bão v.v...

"Tất cả những hiện tượng của đời sống vật chất và cả đời sống tinh thần rất hợp lý: Cái quả kết thành là do ở cái nhân. Hễ ít nhân thì ít quả"

Như thế chúng ta biết rằng tất cả sự vật hiện tại đều là kết quả trực tiếp hay gián tiếp của nghiệp nhân, không phải ai sinh, không phải tự nhiên sinh, chỉ do sự tương quan, tương duyên của nó mà thôi.

* Mối tương quan…

Đứng về phương diện tương quan của nhân quả chúng ta thấy:

A. Một nhân không thể sinh ra quả, mà phải được sự giúp đỡ của nhiều nhân khác. Như cây lúa không những chỉ do hạt lúa tạo thành mà phải có các nhân khác giúp đỡ hạt lúa mới nẩy mầm thành cây mà phát triển tồn tại.

B. Nhân nào quả ấy, không bao giờ nhân quả mâu thuẫn nhau. Người học đàn chỉ biết đàn, chứ không thể biết vẽ. Người làm việc lợi ích, thì bao giờ cũng được kết quả tốt, chứ không thể có kết quả xấu.

C. Trong nhân có quả, trong quả có nhân. Nghĩa là chính trong nhân hiện tại chúng ta thấy quả vị lai và chính trong quả hiện tại chúng ta đã tìm được nhân quá khứ. Hạt nhãn hiện nay sẽ là cây nhãn, quả nhãn của ngày mai. Quả nhãn hiện nay là hạt nhãn của ngày đã qua.

* Mối tương duyên...

Đứng về phương diện tương duyên của nhân quả, chúng ta thấy nhân quả chỉ là một chuỗi dây liên lạc từ vô thủy tới vô chung, nên có thể:

Tạo nhân được kết quả ngay nhất thời, như đánh tiếng chuông liền nghe thấy tiếng ngay.

Tạo nhân đời này kết quả ngay đời này. Như trồng lúa chừng 6 tháng đã có kết quả.

Tạo nhân đời trước đời này mới kết quả. Tạo nhân đời này đời sau mới kết quả.

Tạo nhân từ các đời trước đời này mới có kết quả. Tạo nhân đời này các đời sau mới kết quả.

Do đó chúng ta thấy nhân quả là một định lý tất nhiên. Định lý ấy cho chúng ta thấy rõ sự thật về lời nói, ý nghĩ và việc làm hàng ngày của chúng ta không thể tiêu tán theo thời gian, mà nó sẽ đáp lại một kết quả của ngày mai hoặc đau buồn hay sung sướng, hoặc đen tối hay xinh tươi, tùy theo hành nghiệp của chúng ta. Định lý ấy đã cho chúng ta thấy sự hưởng thụ dù tốt đẹp hay xấu xa của chúng ta hiện tại cũng là sự trình bày khách quan của nghiệp nhân ở quá khứ. Cho nên con người là đấng Chúa tể. Con người là tự định đoạt, tự tác thành đời sống của con người chứ không ai có quyền thưởng phạt. Định lý nhân quả của đạo Phật đem lại cho chúng ta một tin tưởng mạnh mẽ vào nơi chúng ta, khiến chúng ta không chán nản lùi bước trước những trở lực trong công việc làm.

"Chúng ta cố gắng tạo nhân lành để hưởng quả tốt và mở rộng chân trời giải thoát để giác ngộ cho chúng sinh".

8. Biết tri túc

"Ta thà giữ đạo chịu nghèo hèn mà chết chứ không chịu vô đạo được giàu sang mà sống" (Kinh Lục độ Tập).

* Người ta biết an phận là sung sướng

Kinh Di Giáo nói: "Muốn khỏi khổ não, nên quán tưởng "tri túc" (biết đủ). Phép "tri túc" là chỗ an ổn của sự giàu sang, sung sướng. Người "tri túc" nằm trên đất cũng thấy sung sướng. Người không "tri túc" ở cõi Thiên đường cũng không vừa ý. Người "tri túc" tuy nghèo mà giàu. Người không "tri túc" tuy giàu mà nghèo. Người không "tri túc" thường bị năm món dục vọng sai xử, khiến người "tri túc” thường thương xót tới.

* Ham muốn của con người

Lòng ham muốn của con người không biết đâu là cùng tận, không có một quy phạm nào làm ranh giới cho nó: "Nấc thang hoạn lộ chưa thể dừng nghỉ khi người công chức chân còn bước, tay còn dài, tuy rằng họ biết là năng lực không đủ hay nguy hiểm. Tấm biển thương trường chưa thể nhạt màu khi người buôn bán thế còn to, mưu còn giỏi, mặc dù họ biết tài sản quá thừa và giả dối. Đại điền chủ chưa nới tay thu nhận văn tự, tính lợi hoa màu, bớt sén lương soạn, nhân công, khi mà gia đình họ đã thừa sung sướng, chung quanh bao kho thóc đã mục nát. Đại xí nghiệp chưa thôi đi tìm tòi nguyên liệu, hùn vốn công ty, bóc lột thặng dư giá trị khi mà gia nghiệp họ quá sức giàu sang, ngổn ngang những hàng hóa sẽ đổ đi. Ái tình, sắc đẹp chưa thể thoả mãn dục vọng khi cặp mắt của con người nhìn xa ngoài bản vị..."

Nghĩa là dục vọng của con người không có một bờ bến nào đúng như lời Ngài Mạnh Tử đã nói: "Nếu tính tới lợi trước mà xét tới nghĩa sau, thì lợi ấy chưa chiếm được hết chưa chán". Như thế muốn cứu vãn lại hoàn cảnh ấy chỉ còn một giải pháp "tri túc" là có thể dừng chân dục vọng, đem lại sự thăng bằng cho nhân loại.

* Tri túc

Tri túc là sẵn sàng thực hành theo với địa vị và hoàn cảnh của mình. Giàu và sang ai chả muốn, lẽ không nên được mà được, không ham. Nghèo và hèn ai chả chán, lẽ không đáng chịu mà phải chịu, cũng đành".

- Với phương pháp ấy, có phải làm ngừng trệ sự tiến hóa của con người không? Không, vẫn tiến, tiến mạnh và tiến tới thành công. Vì muốn tiến bộ, con người phải cần có sức lực và tinh thần. Sức lực và tinh thần của con người nếu đem cung cấp cho dục vọng trong trường hợp lạc quan chỉ là phá sản và trụy lạc. Nếu đem cung cấp cho thất vọng trong trường hợp bi quan chỉ là chán nản và tuyệt mệnh. Trái lại con người tri túc biết theo địa vị và hoàn cảnh mình thì không vui, không buồn, tất nhiên sức lực, tinh thần vẫn được mạnh mẽ. Sức lực, tinh thần mạnh mẽ, sự tiến bộ sẽ tiệm phát và quyết tới kết quả mỹ mãn không thể nào chối cãi được.

Cho nên tri túc là phương thế tiến thủ chứ không phải để chờ đón lấy thất bại trong im lặng". 

Lùi để tiến "phải chăng là chiến lược, chiến thuật của nhà quân sự vẫn áp dụng theo phương pháp ấy, mà chúng ta thường được nghe nói.

Vậy tri túc là một đường lối dạy cho con người biết phương pháp làm người và muốn thành công rực rỡ trên trường đời. Tri túc đã biết, đã làm, thân tâm sẽ được bình tĩnh trước mọi hoàn cảnh. Tri túc không phải là mồi thơm ngon để cho mọi vật cám dỗ. Người tri túc không phải là người ngây ngô, để nhiều ngả đường làm mù quáng, trái lại là người rất mạnh mẽ, đủ làm chủ được mình, hướng dẫn được người trên con đường về tươi sáng.

Tri túc đủ mãnh lực bảo vệ một đời sống thanh cao và an lạc.

Thích Tâm Châu (còn tiếp)

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm