Đạo thầy trò trong Phật giáo (II)
Trong kinh đức Phật dạy, cái gì nói được cái đó làm được, cái gì làm được cái đó nói được. Làm được dẫn đến nói được không phải là chuyện dễ. Nói thuộc về nghệ thuật, làm thuộc về kinh nghiệm và quyết tâm cộng với phương pháp. Cho nên đức Phật thừa nhận giữa cái nói cần phải đi theo bằng cái hành.
3. Khát ngưỡng cầu học không chán
Ở đây nói về thái độ học tập. Tri thức là vô tận, con đường đến tri thức cũng rất nhiều. Mỗi thầy cô giáo là một con đường giúp ta trải nghiệm các khía cạnh tri thức. Cùng một chương trình đào tạo, cùng một sách giáo khoa được ấn định nhưng phương pháp sẽ giúp học viên có khát ngưỡng để học, và điều này lệ thuộc vào kỹ năng được huấn luyện cũng như kỹ năng sáng tạo của từng người.
Ngày nay, giáo viên được trang bị nhiều phương tiện kỹ thuật số; thuyết trình, giảng dạy với sự hỗ trợ của máy phóng ảnh, âm thanh minh họa, giúp người học dễ dàng theo dõi nắm bắt, và nhớ bằng sự ghi chép ngắn gọn có hệ thống của bản thân, điều đó cũng truyền cảm hứng cho việc học. Khát ngưỡng được học, cầu học không chán trở thành động lực cho người giảng dạy sẵn sàng cống hiến thời gian, tâm huyết kiến thức của mình. Học trò nào có cảm hứng học tập như vậy, dù lớp chỉ lác đác vài học viên, thầy cô giáo vẫn truyền trao một cách nhiệt tình.
Giáo dục đại học ở nước ngoài có một số khoa hiếm học viên đăng ký. Đó thường là những khoa khó. Dĩ nhiên trường phải bù lỗ cho những ngành học như thế, nhưng người ta vẫn sẵn sàng duy trì vì kiến thức đấy không thể bị tuyệt chủng giống như các loài sinh vật quý. Ngành càng khó, như leo núi càng cao, ôxy càng loãng, khách bộ hành càng ít, đó là quy luật hiển nhiên. Để có được những giáo sư đầu ngành, giỏi ở những lĩnh vực vừa nêu lại càng hiếm. Trường phải đề ra chính sách đãi ngộ với chế độ lương bổng và tiền thưởng cao nhằm thu hút giáo sư, giảng viên giỏi về lãnh vực hiếm này. Do đó khát ngưỡng cầu học là yếu tố quyết định cho một lớp học thành công.
4. Kính thuận những điều thầy dạy
Nghĩa là ta có thái độ nể trọng kiến thức mặc dù đôi lúc những kiến thức ấy, ta đã hiểu, đã nắm bắt thông qua sự tìm tòi, nghiên cứu trước tại thư viện trường hoặc internet. Rất nhiều trường nổi tiếng có hoạt động liên thư viện, từ một trường ở bang này với một hoặc nhiều trường ở bang khác. Liên thư viện còn được áp dụng ở một số trường lớn giữa quốc gia này với những quốc gia khác, nhằm giúp giới sinh viên có cơ hội tiến sâu, tiến xa trong lĩnh vực chuyên môn mà tại nơi mình đang học, do những điều kiện về tài chính, nhà trường chưa trang bị; hoặc có thể những tài liệu quí hiếm này thuộc về dạng không còn tái bản. Việc chia sẻ đó chỉ bằng cách nối kết liên thư viện.
Dân gian có câu, “cung kính bất như phụng mệnh”, chúng ta có nể trọng thầy cũng không gì bằng cách ta ứng dụng lời dạy được tiếp thu để làm giàu đời sống tri thức và làm giàu đời sống văn hóa của chính ta.
Đại học Nalanda của Phật giáo đại thừa tại Ấn Độ, cách Bồ Đề đạo tràng khoảng 80km, được xây dựng vào thế kỷ thứ V, là trường đại học đầu tiên trên thế giới. Đại học này đã được trùng tu hai lần, lần thứ nhất vào thế kỷ thứ VII, lần thứ hai vào thế kỷ thứ IX. Đến cuối thế kỷ thứ XII bị Hồi giáo đập phá nát và đốt cháy thư viện chín tầng. Thời gian cháy thiêu rụi cả thư viện kéo dài đến sáu tháng. Ngài Đường Huyền Trang đã đến học tại đây sáu năm, vào đầu thế kỷ thứ VII và có khoảng năm năm làm giáo sư lỗi lạc của đại học Nalanda này. Vài chục năm đầu, số lượng sinh viên của trường là mười ngàn, số lượng giáo sư giảng viên là một ngàn năm trăm. Tỷ lệ về giáo sư và sinh viên như thế là quá tốt trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Diện tích của trường nằm trên chiều dài 15km và chiều rộng 10km. Cho đến hiện nay, người ta khai quật chỉ một phần mười diện tích vừa nêu. Tất cả sinh viên đã ở đây học từ năm thứ nhất đến lúc ra trường hoàn toàn miễn phí về nội trú. Chính phủ đạo Phật lúc bấy giờ tài trợ cho chương trình như quy mô vừa nêu. Để được nhập học, sinh viên phải trải qua mười kỳ thi trắc nghiệm vấn đáp. Bốn cổng của đại học Nalanda có bốn giáo sư lỗi lạc làm công tác phỏng vấn và đánh rớt rất cao. Tỷ lệ đậu chỉ khoảng năm phần trăm, và không có chuyện đút lót. Các giáo sư của trường Nalanda được trả lương hậu hĩnh, cho nên họ làm đúng chức năng và niềm tin mà ban lãnh đạo của trường giao phó.
Khi đến tham quan, du khách dù là Phật tử hay không Phật tử thường được hướng dẫn viên địa phương nói đùa rằng, ngày xưa muốn vào học đại học Nalanda thì sinh viên phải có kiến thức giỏi thực sự, đậu kỳ thi trắc nghiệm vấn đáp, còn bây giờ muốn vào đại học Nalanda, chúng ta chỉ tốn 100 Rupi tiền vé vào cổng, (tương đương 2,5USD). Thời đó, sau khi nhập học, sinh viên được huấn luyện theo đạo đức giáo dục mà đức Phật dạy trong kinh Thiện Sanh. Những điều thầy dạy phải được trải nghiệm bằng các kỳ thi thực tập.
Cũng như khi chúng ta tiếp nhận một điều hay lẽ phải nào đó, nếu cứ giữ nó dưới dạng tri thức thông thường thì nó không có giá trị cho ai, cho nên phải trải nghiệm bằng sự ứng dụng. Toàn bộ mười ngàn sinh viên trong khu vực trường đại học Nalanda và một ngàn năm trăm giáo sư kiểm tra đời sống, sinh hoạt và thực tập của họ.
Mô hình xây dựng trong đại học Nalanda gồm phòng có cấu trúc hình vuông hoặc hình chữ nhật. Chính giữa hình vuông là giảng đường. Trong giảng đường có giếng nước. Trên bục cao hơn bên dưới, các học viên được khích lệ chất vấn để tiếp thu những điều hay. Khi đã tiêu hóa điều hay thì phải trải nghiệm nó trong đời sống sinh hoạt thường nhật. Mỗi phòng có diện tích khoảng hai mươi mét vuông. Năm đầu, sinh viên được ở ghép, hai người một phòng, gồm một sinh viên năm thứ hai trở đi và một sinh viên mới nhập học; thông qua đó việc truyền trao các kinh nghiệm tu học trong trường được tiếp nối. Đến năm thứ hai, thứ ba trở đi, mỗi sinh viên phải ở riêng một phòng để đầu tư thời gian trọn vẹn cho việc nghiên cứu. Dù là sinh viên đời, nhưng khi đã nhập học trong đại học Nalanda thì họ đều có cơ hội trải nghiệm thiền, thực tập tâm linh, và sống chuẩn mực. Cho nên, khi trưởng thành là một nhà giáo, những tri thức đạo đức và tri thức về điều minh triết Phật dạy đã thấm nhuần trong đời sống của họ. Và rồi, họ truyền trao chìa khóa tri thức với trách nhiệm cao nhất mà một nhà giáo cần có.
Rất tiếc, chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đã hủy diệt đập phá đại học Nalanda, phá nát hết phần lớn các công trình Phật tích tại Ấn Độ, các đền đài, chùa, miếu và giết hại tăng ni. Riêng Bồ Đề đạo tràng vẫn còn nguyên vẹn do không bị phát hiện, mặc dù chiều cao của tháp này trên bốn mươi mét. Người ta cho đó như một sự mầu nhiệm, hiểu theo nghĩa, giác ngộ là tâm điểm của Phật giáo, còn mọi thứ khác trên cuộc đời này đều bị luật vô thường chi phối, bị sự tàn phá của con người thách đố; nhưng sự giác ngộ vẫn được xem là bất diệt.
5. Nhớ làm những điều đã học
Để nhớ, người học cần có phương pháp ghi chú. Khi đọc sách cũng cần có phương pháp ghi chú. Ngày xưa phương pháp ghi chú là những chiếc thẻ, chiều dài khoảng một tấc rưỡi, chiều rộng khoảng một tấc đến một tấc hai. Kích thước của thẻ có thể nhỏ hơn tùy vào sở thích và văn hóa của từng nơi.
Khi đọc một tác phẩm, ta ghi mã số của sách, tên tựa đề, các chương, số trang có nội dung cần ghi chú. Ta liệt kê những câu trích dẫn trực tiếp có nội dung quá sâu sắc, dù ta nỗ lực muốn viết khác đi cũng không thể hay hơn được. Ta ghi chú nó như một công cụ phục vụ cho ý tưởng của mình. Hoặc những câu mà nội dung của nó quá dở, nếu không phân tích sai lầm của nó thì những thế hệ đi sau sẽ ngộ nhận và chịu nhiều tác dụng phụ tiêu cực. Ta cần trích dẫn nguyên văn để phản ánh, giúp người sau tránh sai lầm tương tự. Do vậy đọc xong một quyển sách, người biết đọc sẽ phải mất cả chồng giấy, và mỗi khi tra khảo lại, phải tra từng thẻ, tốn rất nhiều thời gian.
Ngày nay phương pháp này đã được hỗ trợ bởi công nghệ vi tính và internet. Phần lớn sách được đưa vào kỹ thuật số, ebook, hoặc dạng file trên mạng toàn cầu. Ta có thể download, copy rồi dán vào những tài liệu cần, cho nên việc ghi chép cũng không nhọc nhằn như ngày xưa. Ta có thể ghi chép vào văn bản Ms Word, mỗi khi cần ta chỉ đặt lệnh tìm kiếm để các dữ liệu đó xuất hiện. Hoặc chỉ cần một động tác gõ trên internet, vài giây sau ta có hàng nghìn đường link đối với những dữ liệu cần thiết mà ta đang tra cứu. Nhờ công nghệ internet, người học dễ dàng nhớ hơn, đỡ mất thời gian hơn.
Người học không nên biến bộ não của mình trở thành thư viện, mà hãy sử dụng nó để xử lý các nguồn thông tin từ sách vở, từ thầy cô, và từ sự suy tư sáng tạo có phương pháp của bản thân. Ai lệ thuộc quá nhiều vào bộ nhớ và lạm dụng nó sẽ không phát huy được năng lực phân tích và sáng tạo trong học tập. Giáo dục chỉ mang tính chất gợi mở để người học đào sâu và tìm kiếm những nghiên cứu đầu tay hay nguyên thủy, từ đó đóng góp cho lĩnh vực. Muốn như vậy, kiến thức về phương pháp luận và kiến thức về ngôn ngữ gốc là hai điều không thể thiếu. Phương pháp giúp ta rút ngắn thời gian, hiểu sâu, hiểu toàn diện, hiểu trong mối tương quan liên ngành, giúp ta có nhận định chuẩn xác về từng vấn đề tri thức liên hệ đến lĩnh vực mình nghiên cứu. Bỏ phương pháp thì học hoài học mãi cũng chẳng đến đâu.
Xử lý nguồn dữ liệu đòi hỏi tính khách quan, ta có thể áp dụng cách thức đơn giản sau:
Đầu tiên, ta đóng vai người phản biện khi đọc một quyển sách nào đó. Ta cố gắng vạch lông tìm vết những lỗi sơ suất có thể có trong tác phẩm. Dĩ nhiên không phải để tấn công tác giả hay để khẳng định mình giỏi, mà vì mục đích đạt nguồn động lực mạnh và không dễ dãi trong việc thừa nhận các kết quả nghiên cứu được công bố của người khác. Nhờ đó sau một thời gian ngắn ta có thể phát hiện thêm nhiều điều mới.
Bước hai, hãy đặt mình vào vai trò tác giả, được yêu cầu viết lại tác phẩm theo cách thức mới hơn. Lúc đó ta phải cố gắng tìm cách diễn đạt tương đương mà không trùng lặp văn. Bằng cách này, tự động ta ghi chép được những ý tưởng sáng tạo của bản thân.
Bước ba, đặt mình với tư cách một tác giả để cảm nhận những thuận lợi và khó khăn mà tác giả có thể có, bao gồm nguồn tài liệu, bối cảnh lịch sử, các công trình khảo cổ, nhân bản học,… vừa mới được khám phá. Như vậy tác giả đó phải có trách nhiệm tự hoàn thiện tri thức, hiệu đính, cập nhật thông tin.
Nhờ ba thái độ vừa nêu được áp dụng một cách nhuần nhuyễn trong quá trình đọc sách, ta tránh khỏi thái độ cực đoan phê phán, nhưng lại tìm ra lối giải quyết mọi vấn đề một cách sáng tạo và mới mẻ hơn. Như vậy, tuy là người đi sau, ta vẫn có thể làm làn sóng sau đẩy làn sóng trước, giúp lĩnh vực đó ngày càng được cập nhật và tiến bộ. Đó là cách ghi nhớ.
Khi ghi nhớ có phương pháp, ta dễ dàng thực hiện những điều đã học. Tiêu hóa một tri thức là điều khó, nhưng không khó đến mức không làm được. Vấn đề ở chỗ, đạo Phật dạy chúng ta chìa khóa tin vào tiềm năng có thể trở thành hiện thực. Ta có các kỹ năng thực tập dần dà làm quen thì ta có thể thành công trong lĩnh vực tương tự.
Tổ Qui Sơn dạy: “Bỉ ký trượng phu, ngã diệc nhĩ. Bất ưng, tự khinh nhi thoái khuất”. Nếu trong đời đã từng có các bậc trượng phu, thì ta cũng có thể trở thành một trong số đó; do vậy không nên tự khinh mình bằng thái độ mặc cảm tự ti mà bỏ lỡ cơ hội, để trở thành kẻ thụt lùi phía sau. Lời dạy này hoàn toàn khác với “Trèo cao té đau”. Người trèo cao không đánh giá đúng năng lực của mình, không biết tiềm năng của mình, mà cứ tự bơm phồng giá trị bản thân; rốt cuộc víu với không đúng cách sẽ trở thành người bị rơi rớt. Còn lời dạy của Phật giáo khích lệ ta phát huy khả năng tiềm tàng bằng chiếc chìa khóa phương pháp và tri thức, để ta ngày càng tiến bộ hơn chính bản thân mình.
Các vận động viên thể thao dù là vô địch toàn cầu, cũng đều nỗ lực phá kỷ lục của bản thân. Đó là thái độ tích cực. Người học cũng cần phá kỷ lục bản thân của mình. Nếu hôm qua, ta có một nguồn tri thức hay, nỗ lực lần đầu bị thất bại, thì ngày hôm nay ta phải rút kinh nghiệm, nỗ lực làm sao để thành công. Chiến thắng vượt qua bản thân là điều rất khó. Khi nỗ lực có phương pháp, ta sẽ nắm chắc phần thắng trong tay. Tiêu hóa tri thức rồi biến chúng trở thành những ứng dụng lại càng khó hơn, nhất là những tri thức về điều minh triết, đạo đức và đời sống tâm linh. Giữa tri thức và thực hành có khoảng cách rất lớn. Người chịu khó tìm hiểu và ứng dụng sẽ rút ngắn khoảng cách này lại trong phạm vi có thể cho phép đối với một người phàm. Còn những người xuất gia học Phật, phải thấy rõ mục đích của mình là trở thành thánh, cho nên nỗ lực hạn chế tối đa khoảng cách giữa tri và hành, biến chúng trở nên hợp nhất. Trong kinh đức Phật dạy, cái gì nói được cái đó làm được, cái gì làm được cái đó nói được. Làm được dẫn đến nói được không phải là chuyện dễ. Nói thuộc về nghệ thuật, làm thuộc về kinh nghiệm và quyết tâm cộng với phương pháp. Cho nên đức Phật thừa nhận giữa cái nói cần phải đi theo bằng cái hành; cái thực hành cần phải minh họa bằng cái nói để tri thức đúng trở thành một hiện thực, và hiện thực đó tiếp tục mồi đèn thắp sáng cho bao nhiêu thế hệ học hỏi về sau.
Vai trò của tu sĩ Phật giáo là hướng dẫn tốt và thực tập tốt. Thực tập tâm linh tốt cộng với kỹ năng hướng dẫn giúp người nghe dễ dàng hiểu và hành trì.
Trong năm trách nhiệm đạo đức của người học, theo đức Phật, trách nhiệm thứ năm quan trọng nhất. Kiến thức suông, kiến thức thiếu ứng dụng, kiến thức chỉ để học mà biết sẽ chẳng phục vụ gì cho ai. Do vậy tránh tình trạng thái cực đầu tư vào việc học mà chẳng làm bất cứ một việc gì. Nhiều người treo trên bức tường nhà họ đầy kín các bằng cấp, văn bằng, chứng chỉ. Khóa học nào họ cũng có mặt, học đến đâu đỗ đạt đến đó nhưng nguồn tri thức ứng dụng lại hoàn toàn thiếu, cho nên học để hãnh diện, học để đốt thời gian. Ở hải ngoại người ta khích lệ việc học, ai thất nghiệp mà đi học sẽ được hưởng tiền trợ cấp. Điều đó dẫn đến tình trạng, nhiều người thích ăn trợ cấp, cứ đăng ký đi học để có bằng, chứ không phục vụ gì cho ai. Đó là những quan niệm lạc hướng trong việc học.
Trích: Gia đình, xã hội và tâm linh - Ứng dụng kinh Thiện Sanh trong cuộc sống
(Còn tiếp)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây
Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.
Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên
Góc nhìn Phật tử 13:04 01/11/2024Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.
Trăm năm thoáng chốc mộng nhân sinh
Góc nhìn Phật tử 19:00 31/10/2024Gom lấy trăm năm đổi tình, tiền/ Lòng trần được mấy phút an yên? / Lợi danh rồi cũng vô thường mất/ Để cả hư tâm gánh muộn phiền...
Xem thêm