Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 14/12/2023, 07:41 AM

Đâu là giá trị cuộc sống?

Quý Phật tử lớn tuổi ngẫm lại cuộc sống của mình, mỗi người đều có những gì đáng quý đã được và cũng có những thất bại, đó là kinh nghiệm sống riêng của mỗi người. Đạo Phật dạy người ta sống trong khi sống và sống sau khi chết, gọi là tuệ giác Như Lai.

Theo Phật, tất cả những gì chúng ta có trong hiện tại là do chúng ta tu trong quá khứ và những gì chúng ta sẽ có trong tương lai là do chúng ta tu trong hiện đời. Nói gần trong một đời người, những thành quả chúng ta đang hưởng vì chúng ta đã tạo lập được ở những tháng ngày trước đây và những gì chúng ta sắp gặt hái được do chúng ta đã bỏ công của ra xây dựng. Vì vậy, giá trị cuộc sống con người đặt căn bản trên suy nghĩ và hành động của chính họ. Riêng Đức Phật, Ngài thành đạo, đạt đến trí tuệ ở đỉnh cao nhất, thấy được tất cả vô số kiếp quá khứ của Ngài và của tất cả mọi người, Ngài cũng đoán định được tương lai của Ngài và mọi người ở vô số kiếp sau. Nói cách khác, đắc đạo, Đức Phật thâm nhập được pháp thân vĩnh hằng bất tử. Con người bất tử đó phát xuất từ kiếp sống xa xưa cho đến tận miên viễn kiếp tương lai, không phải trong một đời. Và trong quá trình tu tập để được như vậy, Đức Phật đã tạo mối tương quan với ba đời chư Phật, chư Thiên ở các tầng Trời và các bậc Thánh. Điều này khẳng định rằng cuộc sống của Đức Phật đã có giá trị tuyệt đối.

Đức Phật dạy rằng chỉ loài người có khả năng tu tạo phước đức và trí tuệ viên mãn để có được pháp thân vĩnh hằng bất tử; còn các loài khác không thể tu tạo phước đức trí tuệ như con người. Tuy nhiên, Đức Phật từng suy nghĩ rằng làm sao Ngài chỉ cho con người đang bị lặn hụp trong sinh tử luân hồi hiểu được pháp thân vĩnh hằng bất tử của Ngài. Đức Phật đã nghe theo lời khuyên của ba đời chư Phật trong mười phương mà mở cửa phương tiện, đưa ra 84.000 pháp môn khác nhau nhằm đối trị được tất cả nghiệp chướng, phiền não và trần lao của chúng sinh, đó là ba thứ độc hại làm cho cuộc sống con người trở nên bất hạnh. Pháp môn của Đức Phật nói rộng là như vậy, nhưng thu hẹp lại thì chỉ còn Ngũ thừa hay Tam thừa giáo.

Giá trị lớn nhất của cuộc sống thể hiện trọn vẹn nơi sanh thân Phật, nơi Báo thân Phật và nơi Pháp thân Phật.

Giá trị lớn nhất của cuộc sống thể hiện trọn vẹn nơi sanh thân Phật, nơi Báo thân Phật và nơi Pháp thân Phật.

Ngũ thừa giáo dạy cho con người tạo được đời sống an lạc. Tam thừa giáo giúp con người ra khỏi sinh tử và có đời sống vĩnh hằng bất tử là quan trọng nhất. Ngũ thừa giáo xây dựng cho chúng ta đời sống an lạc ở bước đầu, mà an lạc của con người là gì, hay giá trị thật của cuộc sống chúng ta là gì. Đức Phật nói con người là chỉ cho chư Thiên và loài người. Chư Thiên có đời sống cao, loài người có đời sống trung bình. Chúng ta là loài người phải vươn lên một bậc để có đời sống cao, cao về tinh thần, cao về trí tuệ; vì tinh thần và trí tuệ cao thì đương nhiên đời sống vật chất của chúng ta cũng cao.

Nhận thức theo Phật dạy, giá trị của cuộc sống con người, hay cuộc sống có ý nghĩa là có năm điều phước; nhưng nếu không biết mà biến năm phước này thành năm tội là bị đọa. Trong năm phước, Đức Phật dạy giá trị lớn nhất là tâm an lạc, đó là căn bản để quyết định cho bốn phước còn lại; vì nếu tâm bất an thì dù có nhiều tiền của, có địa vị cao, cũng khổ đau triền miên. Thực tế cho thấy có những người giàu có, thế lực, nhưng họ rất khổ tâm. Xưa kia, khi Đức Phật hướng dẫn các Tỳ kheo đi giáo hóa, gặp người chủ nông trại mất bò, ông ta vừa đi tìm bò vừa đau khổ. Ông hỏi Phật có thấy đàn bò hay không, nghĩa là trong tâm ông chỉ có con bò, còn hình ảnh giải thoát của Phật và chư Tăng, ông không thấy được. Đức Phật mới dạy các Tỳ kheo cũng nhằm gợi ý cho ông chủ đàn bò có suy nghĩ đúng đắn rằng các thầy được hạnh phúc vì không có con bò để mất; tức Tỳ kheo không có tài sản, không có vật dụng có giá trị, nhưng các thầy sống an lành, hay tâm an lạc là giá trị lớn nhất của con người. Chúng ta cũng thấy trong cuộc sống, một số nhà hiền triết ẩn cư không có đời sống vật chất dư thừa, nhưng giá trị cuộc sống của họ đánh đổi được tất cả những gì quý báu của thế gian.

Nói như vậy, không phải Đức Phật dạy chúng ta từ bỏ vật chất, sống với hai bàn tay trắng. Có người hiểu lầm ý này nghĩ rằng đạo Phật yếm thế, tiêu cực. Chúng ta từ bỏ vật chất không cần thiết, nghĩa là sống ngược lại với con người đam mê vật chất, cho đó là giá trị, là cực lạc, nhưng thực tế lại làm cho họ khổ đau. Đức Phật phá bỏ quan niệm sai lầm này, Ngài nói nguyên nhân của khổ đau là do tâm truy cầu. Khi chưa có của cải vật chất, mà có tâm truy cầu quá khốc liệt thì người ta đã khổ rồi; đến khi nắm được của cải vật chất, họ còn phải khổ hơn nữa vì lao tâm nhọc sức để giữ gìn và khi vật chất vuột khỏi tầm tay, người ta đau khổ càng dữ dội hơn nữa, thậm chí có người tuyệt vọng đến tự tử. Cuộc sống với tâm truy cầu vật chất, rồi bám giữ nó, chắc chắn dẫn đến khổ đau; đó là cuộc sống hoàn toàn vô giá trị.

Đức Phật dạy rằng chư Thiên có phước báu, không truy cầu, nhưng cuộc sống sung túc tự có, họ không cần giữ gìn, không cần đeo bám. Theo Phật, với trí tuệ sáng suốt, phải nhận thức rằng cái gì của ta thì phải ở với ta, không phải của ta thì cố giữ cũng không được. Như đã nói ở phần trên, Phật dạy rằng những gì chúng ta tạo trong quá khứ, mới có trong hiện tại. Phật tử đang tu học nơi đạo tràng này đã là pháp lữ đồng hành, đồng sự, đồng tu với tôi trong quá khứ. Vì vậy, tái sinh lại, gặp nhau, chúng ta thấy thân quen và giúp đỡ được, là quyến thuộc Bồ đề nên tự đến với nhau trong kiếp này, khác với người tham vọng khởi vọng tâm tìm cách lừa dối, thu hút người về với mình. Không phải là người của ta, mà ta muốn truy cầu, đem về cho mình, sẽ phải chuốc họa vào thân. Khi Phật tại thế, Ngài cùng với A Nan đi đến một làng nọ giáo hóa. Dân làng không vồn vã đón tiếp Phật. A Nan thưa với Phật rằng vua Tần Bà Sa La còn kính trọng Phật, còn dân nghèo này có gì mà dám xem thường Phật; vì họ thấy Đức Phật và A Nan ôm bát khất thực, tức đời sống thấp hơn họ. Đức Phật nói với A Nan rằng họ đã có thầy do nhân duyên quá khứ. Đức Phật về tịnh xá, bảo Mục Kiền Liên đến làng đó giáo hóa. Mục Kiền Liên đến thì dân làng vui mừng, đón rước và quy y với Ngài; vì những người này là quyến thuộc của Mục Kiền Liên, không phải của Phật Thích Ca. Nếu Đức Phật không sáng suốt sẽ nghĩ sai lầm rằng độ được vua là độ được tất cả.

Quyến thuộc không phải của ta mà ta muốn độ họ thì khó vô cùng. Vì vậy, hãy giữ tâm an lạc, không truy cầu cái gì không phải của ta, hoặc có mất cũng không bận tâm. Giá trị cuộc sống của người tu giải thoát là như vậy. Phật tử nên áp dụng ý này trong cuộc sống, đừng thấy người được rồi mình cũng muốn làm theo. Cách đây mấy hôm, tôi ra Hà Nội giảng dạy các giảng sư phía Bắc, gặp Giáo sư Viện trưởng Viện Đại học Y khoa. Ông nói với tôi rằng nhân lễ Phật đản vừa qua, ông đã đọc sách của tôi là Phật giáo nhập thế và phát triển, ông rất tâm đắc, nên mong muốn gặp tôi. Quán thấy ông này và tôi có nhân duyên đời trước, nên tôi nhận lời mời của ông xuống Hải Dương nói chuyện nhằm gợi tâm Bồ đề cho họ. Ông tập hợp 500 sinh viên và vài chục giáo sư, sau một tiếng đồng hồ nói chuyện, thì Giáo sư Viện trưởng và các giáo sư khác cùng tất cả sinh viên đều phát nguyện xin quy y. Vì họ đã có nhân duyên với tôi, với Phật pháp, nên phát tâm dễ dàng như thế.

Đức Phật dạy chúng ta cần thấy được nhân duyên, vì thấy nhân duyên là thấy pháp, thấy được chân lý. Đức Phật đề cao trí tuệ của người tu là như vậy. Con người an lạc, hạnh phúc, nhưng không có trí tuệ thì không giữ được hạnh phúc; chỉ có trí tuệ mới giữ được hạnh phúc, giữ được giá trị của cuộc sống. Vì trí tuệ quyết định cho chúng ta việc nên làm, chỗ nên tới, người nên tiếp xúc; giá trị cuộc sống là ở đó. Đức Phật hơn tất cả mọi người vì việc làm, lời nói, suy nghĩ của Ngài đều có trí tuệ chỉ đạo. Vì vậy mà Đức Phật dành cả cuộc đời để phát huy trí tuệ đến đỉnh cao nhất và chính trí tuệ dẫn đường cho con người thọ sanh kế tiếp một cách tốt đẹp.

Giá trị cuộc sống có được từ tâm an lạc và tâm an lạc nhờ trí tuệ chỉ đạo, hay tâm an lạc sinh ra nhận thức sáng suốt, kinh gọi là do định sinh tuệ. Để ý sẽ thấy khi tâm chúng ta an lạc thì sự quyết đoán không sai lầm; tâm bất an dễ phạm sai lầm và dẫn đến thất bại khổ đau. Tất cả những gì chúng ta khổ công nhọc sức tạo dựng trong cuộc đời này, mà chỉ một phút sai lầm là mất hết. Suốt cuộc đời học Phật, tôi đặt tâm an lạc trên hết. Theo kinh nghiệm sống của tôi, khi tâm bất an, tôi không quyết định gì cả, dù là việc nhỏ. Đạt được tâm an ổn, quyết định sẽ trở nên chính xác. Rõ ràng bao lần thành công đều nhờ quyết định sáng suốt khởi lên từ tâm hồn an tĩnh. Có thể khẳng định rằng giá trị cuộc sống con người ở giá trị trí tuệ và tinh thần, không phải ở vật chất.

Chúng ta hơn nhau ở nhận thức đúng. Đức Phật dạy rằng trong đại chúng, người thấy chính xác nhất là người đáng quý trọng nhất. Giá trị này là trí tuệ và trí tuệ này, theo Phật, trong hàng phàm phu, bậc Dự lưu, tức quả vị Tu đà hoàn là nhất. Phàm phu nhận thức sai lầm và bị tham dục chi phối, vô minh dẫn dắt; nhưng trong số đông phàm phu đó có một người không bị ham muốn tác hại, không có trần cấu, không bám giữ, không khổ đau, thì người đó phải nhất. Rõ ràng đạo Phật định giá trị cuộc sống trên trí tuệ.

Và trong hàng Tứ quả Thanh văn, Thánh A la hán là bậc nhất. Thánh này cũng là trí tuệ nhận thức đúng đắn nhất, tức việc tu hành vẫn đặt trí tuệ trên hết. Như vậy, tu được tâm an ổn, thì trí tuệ có trước và tuệ sanh nhân đó mà tạo phước và đức. Tạo phước bằng cách nào. Phước thường gọi là phước báu, trong đó tiền của là phước thứ yếu, phước lớn nhất Phật dạy là tạo được tình người. Khi không có tiền thì người ta truy cầu, ham muốn; nhưng có tiền rồi, họ cũng không thấy hạnh phúc.

Tôi ra Hải Dương, có được 500 Bồ đề quyến thuộc thương quý tôi, đó là hạnh phúc của người tu, không phải có tiền. Ông Viện trưởng phát biểu rằng con đọc sách của thầy, thích nhất bốn câu: “Bồ tát đi vào đời. Sen nở khắp muôn nơi. Trang nghiêm cho cuộc sống. Ôi thật đẹp tuyệt vời”. Ông tỏ ý muốn làm thế nào để ông và các học trò đi vào đời giống như hình ảnh Bồ tát đến đâu đều như hoa sen nở, mang an vui đến đó.  

Phước lớn là được mọi người thương, chấp nhận ta. Có nhiều tiền của, nhưng    không ai muốn làm bạn, không ai dám gần gũi là bất hạnh. Đức Phật dạy chúng ta tu Bồ tát đạo, điều quan trọng là phải giữ được tình người; đừng vì tiền của, hay vì cái gì khác mà đánh mất tình người. Những người tốt với ta, hay ta đã tốt với họ trong quá khứ, thì trong kiếp hiện tại, vì lòng tham mà ta chà đạp lòng tốt đó là ta đã tự đánh mất phước báu lớn. Tiền của có nhiều bao nhiêu cũng phải bỏ lại thế gian này khi nhắm mắt xuôi tay, chỉ có phước đức dẫn đường cho kiếp sau. Làm mất phước thì gặp lại, họ sẽ không tốt với ta nữa.

Tôi thường quan sát đại chúng xem họ có nhân duyên với mình hay không và có thiện duyên hay là ác duyên. Ác duyên là quá khứ ta đã làm gì họ không bằng lòng, nên nay họ không chấp nhận ta. Còn người sẵn lòng quý trọng ta là biết ta đã làm tốt cho họ. Phải nhận ra quyến thuộc Bồ đề, mà kinh Pháp Hoa nói rằng Bồ tát sanh ở đâu thì thầy trò cùng sanh chung một cõi, mới có thể giúp nhau tiến tu đạo Bồ tát được. Không có quyến thuộc Bồ đề, chúng ta không làm được, dù nói đúng họ cũng không nghe.

Chính trí tuệ và tâm an lạc của chúng ta tạo được phước đức lớn nhất là quyến thuộc Bồ đề. Quý vị tin Phật, theo Phật, bằng trí tuệ nhận ra được bạn thân quen từ quá khứ, hay người từng chống đối mình, để chúng ta xử sự thích hợp; không thắc mắc tại sao, hay vô cớ mà người hại mình, nói xấu mình. Quá khứ ta từng làm không tốt, nhưng kiếp này mình quên. Quá khứ gần như thuở nhỏ ta làm gì đó thì nay nhớ được. Khá hơn là nhớ được vài kiếp thôi, còn vô lượng kiếp quá khứ không nhớ được. Phải mở mắt trí tuệ xem quá khứ ta chưa làm được việc tốt cho người, thì trong kiếp hiện tại này phải làm cho họ.

Muốn làm tốt, Đức Phật dạy chúng ta phải có trí tuệ để làm đúng lúc đúng chỗ; vì làm không đúng lúc không đúng chỗ, tốt cũng hóa thành xấu. Ta muốn làm việc tốt, nhưng họ không cần thì ta làm tốn công tốn sức mà họ còn ghét; đó là cách làm của người không có trí tuệ. Làm đúng lúc đúng chỗ mới tạo được phước đức, mới có giá trị. Việc tốt mà làm vào thời điểm không thích hợp cũng thành không tốt. Ngoài ra, còn phải đúng người nữa, làm không đúng đối tượng cũng thất bại. Thuở nhỏ tôi học đạo, thầy có kể câu chuyện gợi ý rằng pháp Phật phải ứng dụng thích hợp với từng nơi, từng lúc, từng người; không có trí tuệ mà chỉ bắt chước làm theo, phải thất bại. Ông học trò thấy thầy đi đám ma tụng kinh được cúng dường, nên hôm sau ông đem chuông mõ đến đám cưới tụng kinh, bị họ đánh.

Dù người ta là bạn thân với mình, nhưng cũng phải đến đúng lúc. Họ cần thì ta đến mới có giá trị, không phải thân rồi tới hoài, làm cho người khó xử, cuối cùng họ không tiếp mình nữa, là mất bạn. Xuất hiện đúng lúc người cần, họ mới quý ta. Tôi áp dụng pháp này trong cuộc sống có hiệu quả rõ rệt. Khi nào có tổ chức lễ lạt gì đó, thì lúc mới làm, ai cũng phấn khởi, hăng hái làm; nhưng đến lúc dọn dẹp, ai cũng ngán sợ, vì mỏi mệt rồi. Cho nên lúc buổi lễ đang vui, tôi thường tránh để giữ sức, đợi đến lúc buổi lễ tàn, cần người dọn dẹp thì tôi làm hết lòng, nhờ đó được đại chúng thương, dù chỉ làm việc nhỏ.

Ngày nay, khi thuyết pháp, tôi giảng nhiều; nhưng ban đạo từ, tôi nói ngắn gọn, vì buổi lễ đã kéo dài, mọi người cảm thấy mệt rồi, chỉ mong kết thúc để được nghỉ. Tôi phát biểu năm phút thôi, ai cũng mừng. Hành đạo Bồ tát, có trí tuệ, phải biết chỗ nào nên nói ít, chỗ nào cần nói nhiều, hoặc không nên nói lời nào. Kinh Pháp Hoa dạy rằng có trí tuệ, xem người cần gì thì cho họ điều đó, ta mới được phước. Thậm chí người ta chỉ cần mình làm đối tượng cho họ chỉ trích để họ vui, thì quý vị  nên nhẫn một chút, để họ đổ lên mình những điều bịa đặt làm cho họ vui, theo tôi như vậy mình cũng sanh công đức. Thiết nghĩ ta không có gì cho cuộc đời thì cho họ niềm vui như vậy, giống như Bồ tát Di Lặc để cho con nít móc rún cũng vẫn cười, nó thổi vào lỗ tai những lời bậy bạ, Ngài cũng cười. Nói cách khác, cuộc sống chúng ta gặp không biết bao nhiêu là việc chướng tai, nhưng cười được. Người khác thấy ta không phản ứng lại, còn vui vẻ chấp nhận đối phương, thì họ nhận xét rằng ta tốt, ta giống Di Lặc nên gần được, chơi được với mình. Học hạnh Di Lặc như vậy là chúng ta có bạn ngay. Bồ tát Di Lặc đâu mất mát gì, Ngài chỉ vui vẻ chấp nhận ô uế đổ lên Ngài, nên người ta quý trọng Ngài ở tâm hỷ xả. Chúng ta tu hành cố gắng tránh được điều chướng tai gai mắt, hay nói đúng hơn là nghe điều chướng mà tai ta không chướng, thấy cái gai mắt mà vẫn hoan hỷ. Một ngày nào đó, người chống phá ta cũng hổ thẹn và cảm thấy nợ ta, cho đến quý kính ta. Điển hình như người chống phá Đức Phật dữ tợn nhất là vua A Xà Thế, sau lại trở thành người hộ đạo đắc lực nhất. Đó là cách xử sự có trí tuệ của Đức Phật đã cảm hóa được nhiều người bàng quan và chuyển hóa cả những người chống đối trở thành quyến thuộc Bồ đề. Ý này được kinh Pháp Hoa diễn tả là mọi việc thuận hay nghịch đều là duyên tốt cho Bồ tát hành đạo.

Nói chuyện ở Đại học Y khoa, quán thấy những gì mọi người cần biết, tôi giải thích, tôi chỉ nói về y đức, về tâm của người thầy thuốc. Thầy trò ở đó nói rằng tôi đã cho họ một bài học lớn, nếu tôi giảng Tứ Thánh đế thì chắc gì họ nghe. Người đang nghĩ gì, phải đứng ở hoàn cảnh của họ mà giải thích, đừng đứng ở vị trí của mình mà áp đặt, họ rất khó chấp nhận. Đức Phật thành đạo ở Bồ đề đạo tràng và quan hệ với chư Phật mười phương và Ngài biết rõ rằng nếu nói những điều chứng đắc này cho dân chúng thì họ không thể nghe. Vì vậy, Đức Phật phải trở lại đời thường, mang bình bát đi khất thực, nói những gì mà mọi người nghe được.

Theo Phật, cho người những gì mà người ta đang cần, ví như đang khát nước mà được một bát nước thì còn quý hơn vàng. Đến đâu mang an vui hạnh phúc nơi đó, chúng ta sẽ tạo được quyến thuộc Bồ đề; đó là tài sản quý báu nhất. Làm cho người thương ta, tin ta, hợp tác với ta thì mới tạo được những việc phước tiếp theo; vì chúng ta có người rồi, mới giáo dục họ trưởng thành, như Đức Phật Di Đà giáo dưỡng chúng sinh ở Tây phương Cực Lạc có sáu pháp thần thông, không có tham sân si, đều ở bậc A bệ bạt trí, tức trí tuệ và đạo đức của họ cao cùng tột. Nghĩa là có quyến thuộc nhiều và giỏi mới tạo nên của cải. Cư dân ở Tây phương Tịnh độ thăng hoa thánh thiện nhờ Đức Phật Di Đà, nên kính trọng Ngài là đại ân nhân, mới hết lòng làm việc cho Ngài. Nói theo ngày nay là có sức người sẽ tạo được sức của. Tâm an lạc và trí tuệ thống nhiếp được quần chúng, họ thương Phật và họ có trình độ xuất sắc, từ đó Ngài dễ dàng xây dựng thế giới vô cùng an lạc là Cực Lạc.

Tóm lại, Đức Phật đã thành tựu viên mãn phước đức và trí tuệ trên bước đường cứu khổ độ sinh, tạo nên giá trị cuộc sống hoàn toàn tốt lành và Đức Phật đã trải rộng tâm từ bi đến những người hữu duyên với Ngài, giáo dưỡng họ trưởng thành trên con đường thánh thiện. Giá trị vô cùng như vậy của Pháp thân Phật đã kết thành mạng mạch của đạo Phật trường tồn mãnh liệt hơn hai ngàn năm trên thế gian này và càng ngày Pháp thân Phật càng lớn mạnh hơn, chứ không mất.

Pháp thân Phật cứ lớn mãi theo thời gian vô tận trong không gian vô cùng, nghĩa là phước đức trí tuệ của Phật lớn mạnh, trở thành phước đức trí tuệ của tập thể hàng hàng lớp lớp người đi theo dấu chân Phật trên khắp năm châu bốn biển. Ở thế giới vĩnh hằng bất tử, tất nhiên Đức Phật hằng hữu nơi đó, nhưng kỳ diệu hơn nữa, ở thế giới hiện tượng sinh diệt này, Đức Phật vẫn tồn tại sống động trong tâm trí nhân loại, trong tất cả việc làm thăng hoa trí tuệ và phước đức theo pháp Phật.

Giá trị lớn nhất của cuộc sống thể hiện trọn vẹn nơi sanh thân Phật, nơi Báo thân Phật và nơi Pháp thân Phật. Và tiếp tục thắp sáng chân giá trị của Đức Phật là cuộc đời vô ngã vị tha của các bậc Thánh nhân, của chư vị Tổ sư, của các bậc thầy khả kính trên vạn nẻo đường đời. Cho đến chúng ta và tất cả hàng đệ tử Phật ngày nay được diễm phúc kế thừa sự nghiệp cao quý này, cần phát huy Báo thân và Pháp thân của chính mình, để xây dựng được thế giới tình thương, trong sáng, an lành, hòa bình, hạnh phúc trên cõi nhân gian.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý

Kiến thức 17:05 22/11/2024

Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.

Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?

Kiến thức 10:00 22/11/2024

Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?

Bố thí sinh phiền não

Kiến thức 09:32 22/11/2024

Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.

Tâm là gì?

Kiến thức 09:16 22/11/2024

Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.

Xem thêm