Diễn văn khai mạc của Hòa thượng Thích Trí Tịnh Chủ tịch HĐTS GHPGVN
Nhiệm kỳ III dù vẫn còn các khó khăn, song Tăng, Ni, Phật tử trong cả nước tinh tiến nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Phật giáo lần thứ III với Chương trình hoạt động 6 điểm, đạt được nhiều kết quả đáng kể
DIỄN VĂN KHAI MẠC
CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TỊNH, CHỦ TICH HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Tôn đức Hòa thượng Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Kính thưa Cụ Đỗ Mười Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Kính thưa Cụ Phạm Thế Duyệt Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Kính thưa Cụ Lê Quang Đạo, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Kính thưa ông Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Kính thưa Quý vị lãnh đạo Đại diện Chính phủ,Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương và Ban Tôn giáo Chính phủ, Quý vị lãnh đạo các cơ quan Trung ương và Thủ đô Hà Nội.
Kính thưa Quý vị đại diện Trung tâm quốc tế ABCP.
Kính thưa Quý vị Đại diện các Sứ quán và trong Ngoại giao đoàn.
Kính thưa chư Tôn đức Hòa thượng và Quý vị khách quý.
Kính bạch Quý Hòa thượng, Thượng toạ, kính thưa Quý Cư sĩ thành viên của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Kính bạch Quý Đại biểu các Tỉnh, Thành hội cả nước.
Kính thưa Quý Đại diện Phật tử người Việt Nam ở nước ngoài.
Kính thưa toàn thể quý vị.
Hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV do Giáo hội Phật giáo Việt Nam triệu tập các Đại biểu của Phật giáo khắp mọi miền Đất nước vân tập về đây để duyệt lại các Phật sự của 5 năm qua, bản Chương trình hoạt động và suy tôn, suy cử Quý vị tôn túc lãnh đạo của Giáo hội 5 năm tới - 5 năm của nhiệm kỳ đi vào thế kỷ 21, khởi đầu thiên niên kỷ thứ 3 với nhiều triển vọng khởi sắc của dân tộc. Trong không khí đầy phấn khởi và long trọng này, thay mặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng tôi kính gửi đến toàn thể Quý vị lời chào trân trọng và lời cầu chúc tốt đẹp, an lạc nhất. Chúng tôi chân thành cảm tạ sự hiện diện của toàn thể Quý vị. Sự hiện diện này thể hiện mối quan tâm sâu xa về một tương lai phát triển của Phật giáo Việt Nam đi song song với sự phát triển của dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh và phát huy truyền thống đạo đức dân tộc. Chính nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của toàn thể Quý Đại biểu trong và ngoài nước mà Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV hôm nay được hình thành tốt đẹp. Lễ khai mạc trọng thể đang mở ra niềm phấn khởi cho các ngày làm việc kế tiếp chuẩn bị đi vào 5 năm tu trì và phấn đấu mới vì sự nghiệp hoằng dương Chính pháp, lợi lạc quần sinh, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Trong giờ phút này chúng ta trân trọng tưởng niệm các hình ảnh tận tuỵ vì Đạo của các bậc Tôn túc đã đi về cõi Phật trong các nhiệm kỳ qua, mà gần đây nhất là:
- Cố Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh.
- Cố Hòa thượng Thích Giác Nhu, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh.
- Cố Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự.
- Cố Hòa thượng Thích Bửu Ý, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự.
- Cố Hòa thượng Thích Siêu Việt, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự.
- Cố Hòa thượng Thích Thanh Viên, Uỷ viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Từ thiện xã hội.
- Cố Ni trưởng Diệu Không, Uỷ viên Hội đồng Trị sự.
Kính thưa Quý vị,
Nhiệm kỳ III dù vẫn còn các khó khăn, song Tăng, Ni, Phật tử trong cả nước tinh tiến nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Phật giáo lần thứ III với Chương trình hoạt động 6 điểm, đạt được nhiều kết quả đáng kể như:
- Đại Tạng Kinh Việt Nam đã ấn hành đến tập thứ 25, sắp xong phần Kinh Nam Tạng để khởi đầu in ấn các Kinh Bắc Tạng. Thật là một công đức phụng sự Đạo pháp có ý nghĩa lịch sử!
- Học viện Phật giáo Việt Nam đã mở ra tại ba miền đất nước:
+ Học viện Phật giáo tại Hà Nội, khoá I (1981-1985) đã có 49 Tăng, Ni tốt nghiệp cử nhân, khoá II có 78 Tăng, Ni sắp tốt nghiệp.
+ Học viện Phật giáo tại Huế vừa chiêu sinh khoá I, có 161 Tăng, Ni sinh trúng tuyển, đang vào kỳ I năm thứ nhất.
+ Học viện Phật giáo tại thành phố Hồ Chí Minh đã chiêu sinh khoá IV với 300 Tăng, Ni trúng tuyển trên số 800 Tăng, Ni dự thi. Học viện này đã đào tạo 59 cử nhân khoá I, 101 cử nhân khoá II và 234 cử nhân khoá IIII.
Ngoài ra, hiện có 100 Tăng Ni du học: Ấn Độ (60), Tích Lan (3), Nhật Bản (2), Trung Quốc (4), Pháp (2), Đức (1), Úc (1), Mỹ (3), Đài Loan (12). Đã tốt nghiệp 3 tiến sĩ Phật học, 12 Tăng, Ni sắp hoàn thành luận án tiến sĩ, số còn lại đang học tiến sĩ và Cao học, 435 Tăng, Ni sinh đang học Cao đẳng Phật học, 1600 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp và 1500 Tăng, Ni sinh đang theo học tại 26 trường Cơ bản Phật học.
Thật là những con số của niềm tin, đầy phấn khởi!
Đồng thời, các Ban Hoằng pháp, Hướng dẫn Nam Nữ Phật tử, Văn hoá, Tăng sự, Phật giáo Quốc tế, Từ thiện xã hội đã có những bước phát triển dài, đầy khích lệ mà bản báo cáo tổng kết của Giáo hội sẽ đề cập cụ thể. Bên cạnh đó, tiếng nói của Giáo hội tham gia vào cộng đồng Phật giáo Quốc tế “Bảo vệ môi sinh, góp phần xây dựng hòa bình khu vực và thế giới” cũng tạo được nhiều tiếng vang.
Kính thưa Quý vị,
Chỉ còn lại 3 năm ngắn ngủi của thiên niên kỷ thứ hai để chuẩn bị đi vào một vận hội mới đầy triển vọng của dân tộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam gắn bó nhịp nhàng theo hướng đi lên của dân tộc, sẽ mở ra những bước phát triển mới cho Giáo hội từ Đại hội này, làm thế nào để các Phật sự khởi sắc hơn nữa. Đặc biệt là những hoạt động nhằm “trưởng dưỡng đạo tâm, tăng cường đạo lực, trang nghiêm Giáo hội” và những hoạt động đóng góp theo tinh thần phụng đạo yêu nước, tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta cũng đã quan tâm kế hoạch tăng cường tổ chức - nhân sự và phát triển tài chính - phương tiện để đảm bảo hoạt động. Việc tu chỉnh Hiến chương cho thích nghi với cơ duyên và yêu cầu mới cũng là một vấn đề quan trọng của Đại hội.
Kính thưa Quý vị,
Những thành quả vừa kể trên của nhiệm kỳ III, và các chuẩn bị cho nhiệm kỳ IV nói lên rõ ràng Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã và đang thể hiện tốt đẹp vai trò lịch sử của mình, xứng đáng vai trò lãnh đạo duy nhất của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam.
Kính thưa Quý vị,
Có thể nói rằng trí tuệ, đạo tâm và đạo lực của Đại hội là hành trang đi vào thế kỷ 21 của Giáo hội chúng ta. Đại hội chờ đợi các tham luận chương trình toàn thể Quý vị , đóng góp ý kiến vào báo cáo tổng kết các mặt Phật sự nhiệm kỳ III và Chương trình hoạt động nhiệm kỳ IV, các tham luận phản ảnh trung thực tình hình Phật sự và đề đạt các sáng kiến thích đáng, sâu sắc, khả thi cho hướng đi lên của Đạo pháp gắn bó hòa hợp với dân tộc, theo hạnh nguyện: “Vì lợi ích an lạc của số đông, vì an lạc hạnh phúc cho chư Thiên và loài Người”. Nhiệm kỳ tới phải là nhiệm kỳ phát triển mạnh mẽ những sáng kiến, tăng cường hơn nữa tinh thần thống nhất, hòa hợp các Hệ phái, thống nhất từ tổ chức đến giáo nghĩa theo phương châm “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội”. Tôi cầu chúc Quý Đại biểu làm việc thành công, và suy tôn, suy cử tốt cơ quan lãnh đạo của Giáo hội.
Kính thưa Quý vị,
Hà Nội - Thăng Long luôn luôn là niềm tin, là biểu tượng của sự thống nhất, hưng vượng của Tổ quốc và là niềm tin của sự vận dụng sang tạo tinh thần “tuỳ duyên bất biến” làm rạng rỡ bao thời kỳ vàng son của lịch sử. Với niềm tin này, thay mặt Trung ương Giáo hội, chúng tôi xin long trọng tuyên bố khai mạc Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ IV.
Xin cầu chúc Đất nước và Thế giới vô lượng an lạc, tiến bộ và hạnh phúc lâu dài.
Xin kính chúc toàn thể Quý vị tinh tấn và an lạc.
Xin chân thành cảm ơn Quý vị.
Nam mô Thường Tinh tấn Bồ tát Ma ha tát.
Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012) - Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng - Nhà xuất bản Tôn giáo 2012.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thông báo: Chấp thuận Hiến chương sửa đổi và nhân sự mới của Trung ương GHPGVN
Kỳ IV 15:37 14/03/2012Thủ tướng Chính phủ chấp nhận Hiến chương sửa đổi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhân sự Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Đại hội suy tôn, suy cử và đề nghị của Giáo hội
Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Kỳ IV 15:31 14/03/2012Hiến chương này gồm có 11 chương và 48 điều được Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam cả nước soạn, duyệt, nhất trí thông qua và biểu quyết năm 1981
Thư của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV gửi Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước
Kỳ IV 14:46 13/03/2012Giáo hội kêu gọi Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước, báo đáp Phật ân, đồng tâm hiệp lực xây dựng Giáo hội, quyết chí ủng hộ các công tác của Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam
Thư của Đại hội gửi Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Kỳ IV 14:43 13/03/2012Đại hội đã thành công tốt đẹp về mặt tổ chức và nội dung. Thành tựu này một lần nữa, chứng tỏ Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức Phật giáo ở trong lòng Đất nước và dân tộc, được Nhà nước và quần chúng nhân dân ủng hộ
Xem thêm