Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 24/08/2018, 15:45 PM

Đọc thơ Thích Giác Tâm trong mùa Vu Lan Báo hiếu

Tập I có tựa rất thơ mộng “Dòng sông xưa đôi bờ hoa nở đỏ”. Dòng sông xưa tôi đã được đọc trong cuốn tạp văn “Con về còn trọn niềm tin” còn “đôi bờ hoa nở đỏ” thì trong 27 bài thơ không một dấu vết làm tin. Duy nhất trong "Nguyện Ước" có câu gần chót là câu thơ nói đến đôi bờ hoa nở đỏ.

 Dòng sông xưa đôi bờ hoa nở đỏ (tập 1)
Nhưng có hề chi. Trong tập thơ có rất nhiều bài viết về mẹ, nhớ về mẹ. Và như vậy “bông hồng cài áo” đủ làm sáng rỡ hoa đỏ hai bờ sông. Bông hồng là bông màu đỏ được cài lên ngực của những người con mất mẹ. Hoa màu trắng được cài lên ngực những người con còn mẹ. Xin đừng có nghĩ là bông hồng chỉ là loại hoa quí (rose) mà hồng cũng là màu đỏ. Và bên hai bờ sông Nhân Minh hoa nở đỏ như hoa đang cài lên ngực áo của những người con mất mẹ trong ngày lễ Vu Lan. Và hàng dậu cài hoa trắng thay cho màu đỏ mang sâu một vết thương lòng:

Từ khi mẹ tôi mất
Hàng dậu trắng hoa cài
Để những năm xuân nữa
Buồn gió trúc mưa mai.
(Bài thơ tiễn mẹ)

Hình ảnh “dậu trắng hoa cài” và “gió trúc mưa mai” là hình ảnh thật đẹp của nhà chùa và cũng là tâm cảnh buồn thương của nhà thơ. Tuy nhiên bài thơ không buồn da diết như bài thơ “Mất mẹ” của Xuân Tâm:

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa lạnh rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Như mất cả bầu trời.

Hai hiện tượng, một tấm lòng. Tâm sự của người con mất mẹ lại dồn nén và day dứt trong bài thơ “Hoa nguyệt quế mang về cho ai?”. Thể thơ phóng túng; Vần thơ rộng mở và ý thơ tuôn trào. Bài thơ không thể nào cắt đoạn để thưởng thức mà phải đọc lên toàn thể bài thơ để kết thúc với đoạn:

Hoa nguyệt quế mang về cho ai
Con mất hết nẻo về vắng mẹ
Tiếng thơ xưa đánh thức núi đồi.

Ta nghe vang vang đâu đó lời thơ:
Vẫn còn đây đóa hoa tâm
Nghìn thu rụng tiếng nguyệt cầm đầu non.
(Hoa tâm)

Viết về mẹ từng bấy nhiêu từ là vừa đủ. Hai bên bờ sông Nhân Minh hoa bốn mùa nở đỏ với bài thơ “Thương mẹ dùm tôi” nói lên những ngậm ngùi: 

Mai này tôi có đi xa,
Trái tim xẻ nửa Hồ trà em ơi!

Và lời nhắn nhủ:

Thay tôi em gắng phụng thờ
Nén hương tưởng mẹ chiều về nghe em.

Để bù đắp lại khoảng trống mất mẹ, nhà thơ Thích Giác Tâm luôn luôn nhớ đến Bồ Tát Quán Thế Âm: "Áo lụa mẹ choàng trắng trong như nguyệt bạch, trăng đậu trên vai trên vuông áo ngắn dài. Lóm đóm hoa, lóm đóm sao, mẹ trẻ tung như thời con gái, bất chợt con thấy mình thơ dại, thật hồn nhiên như thuở vào đời. Mẹ thương yêu của con của muôn đời mãi mãi, chở che con suốt cuộc sinh tử này"…

"Theo mẹ đến chốn này, để nhìn đời và để nhìn mây. Đời trôi chảy như dòng sông dịch biến, mây hợp tan, tan hợp chưa hề… Con thơ dại vẫn vần trăng đó, tóc sương pha mây trắng vẫn đi về, trăng tháng chạp sao mà tơ nõn soi tỏ đêm dài và cội lão mai, trăng sáng quá lòng bình yên lạ, ngẩn ngơ nhìn trời đất mới tinh khôi" (Mẹ và Trăng).

Đây là một bài thơ văn xuôi óng chuốt như bài thơ “Chơi giữa mùa trăng” của Hàn Mặc Tử. Đẹp và thơ trộn lẫn đạo với đời:

Bây giờ chúng tôi đương ở giữa mùa trăng, mở mắt ra cũng không thấy rõ đâu là chín phương trời, mười phương Phật nữa. Cả không gian đều chập chờn những màu sắc phiếu diễu đến nỗi đôi đồng tử của chị tôi và tôi lờ đi vì chói lọi... Ở chỗ nào cũng có trăng, có ánh sáng cả, tưởng chừng như bầu thế giới chở chúng tôi đây cũng đang ngập lụt trong trăng và đang trôi nổi bềnh bồng đến một địa cầu nào khác.

Ánh sáng tràn trề, ánh sáng tràn lan, chị tôi và tôi đều ngả vạt áo ra bọc lấy, như bọc lấy đồ châu báu...

Tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi, tươi tốt và oai nghi như pho tượng đức Bà Maria là bậc tinh truyền chi thánh. Tôi muốn sốt sắng quỳ lạy mong ơn bào chữa. Nhưng trời ơi, sao đêm nay chị tôi đẹp đẽ đến thế này. Nước da của chị tôi đã trắng, mà vận áo quần bằng hàng trắng nữa, trông thanh sạch quá đi.

Tôi nắm tay chị tôi dặt lia lịa và hỏi một câu hỏi tức cười làm sao: “Có phải chị không hở chị?”. Tôi run run khi tôi có cái ý nghĩ: Chị tôi là một nàng Ngọc nữ, một hồn ma, hay một yêu tinh. Nhưng tôi lại phì cười và vội reo lên: “A ha, chị Lễ ơi, chị là trăng, mà em đây cũng là trăng nữa!”.

Ngó lại, chị tôi và tôi, thì quả nhiên là trăng thiệt. Chị tôi hí hửng như xuân, chạy nhảy xênh xang, cơ hồ được dịp phát triển hết cả ngây thơ của người con gái mười lăm tuổi, tôi ngắm mãi chị tôi và tự vui sướng trong lòng vô hạn. Có lúc tôi đã kiêu ngạo thay cho cái sắc đẹp nhu mì ấy, mà chỉ dưới trời thu đêm nay tôi mới biết thưởng thức. Những phút sáng láng như hôm nay, soi sáng linh hồn tôi và giải thoát cái “ta” của tôi ra khỏi nơi giam cầm của xác thịt... Tôi bỗng rú lên một cách điên cuồng và chực ngửa tay hứng một vì sao đang rụng. Chị tôi đằng xa chạy lại bảo tôi: Em la to quá, chị sợ âm thanh rung động đến khí trời, rồi những ánh trăng sẽ tan ra bọt mất...

– Không, không, chị ơi! Rồi ánh sáng đêm nay sẽ tan đi, ta sẽ buồn thương và nhớ tiếc. Em muốn bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm thôi...

(Chơi giữa mùa trăng, Hàn Mặc Tử)

Nhà thơ Chế Lan Viên cũng viết văn như làm thơ trong tập Vàng Sao. Có đoạn:

“Bất diệt nghĩa là hoàn toàn một lúc. Muôn thời gian chín cho một tối, muôn Tuổi Tên vui cho một mùa xuân, thế thì đã hoàn toàn nghĩa là bất diệt đêm nay. Người phút giây ta dự vào Tổng Hợp. Và ai cấm ta mang đi. Như kẻ ăn mày chết giữa kinh đô một ngày đại hội - tất cả những gì lộng lẫy, qua muôn đời thấy bởi muôn người. Thêm cái tuyệt đối chỉ nhóm lên một đỉnh, đã qua, không lại nấn ná chờ chỉ tỏ ra sự thiếu thông minh. Ta cóc cần bất diệt. Cát bụi cũng riêng giá trị, ta lấy lại hình thể của ta, một điểm không gian. Và hạt vàng hiện ra giữa đêm vàng ta cũng sẽ chói sáng lên một miền châu ngọc” (Vàng Sao – Chế Lan Viên).

Và đẹp như bài thơ “Tình Già” của Phan Khôi, làm thơ mà như viết văn:

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa.
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
Hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
- Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
Mà lấy nhau hẳn là không đặng,
Để đến nỗi, tình trước phụ sau,
Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau.
- Hay! mới bạc làm sao chớ?
Buông nhau làm sao cho nỡ!
Thương được chừng nào hay chừng nấy,
Chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng.
Mà tính việc thủy chung?
Hai mươi bốn năm sau. Tình cờ đất khách gặp nhau.
Đôi cái đầu đều bạc.
Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được.
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi,
Con mắt còn có đuôi.

(Phong Hóa, 24 janvier 1933)

“Chơi giữa mùa trăng” lung linh trăng ngà trăng ngọc. “Vàng Sao” rực rỡ giữa thâm u. “Mẹ và Trăng” viên mãn giữa Đạo và Thơ. Còn “Tình Già” vững như ông phỗng đá đứng ở sân ngoài đình. 

“Mẹ và Trăng” viên mãn là vì “Mẹ và Trăng” sinh ra tự tâm hồn của người con hiếu thảo, được mẹ hướng dẫn đến đạo từ bi. Và những bài “Tưởng niệm Bồ Tát Quán Thế Âm”, “Ngắm hoa ven đồi” “Mắt thương nhìn đời” “Đôi bờ mộng thực” là những tâm hồn trong sáng trên núi đồi đạo hạnh từ bi.

Một đời mê mải sống say
Quay về ngồi ngắm mây bay đỉnh tùng
Chim nào rớt xuống lòng thung,
Xé toang lưới mộng trùng trùng bay lên
Bay lên đỉnh núi không tên,
Cất cao tiếng hót mông mênh lưng trời
(Con về nương tựa cửa thiền từ đây)

Bài thơ khép lại tập thơ “Dòng sông xưa đôi bờ hoa nở đỏ” và tôi cũng cùng nhà văn Quách Giao xuống phòng dưới để cùng nhà thơ tác giả thưởng thức buổi trà ban mai trong niềm hân hoan và hạnh phúc.

Trần Thị Phong Hương
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ám áp bên Thầy ngày Nhà giáo Việt Nam

Văn hóa 16:57 20/11/2018

Sáng ngày 20/11/2018 (14/10/Mậu Tuất), phật tử đạo tràng BQT chùa Đức Hòa và Thiên Bửu đã vân tập về Tổ đình Thiên Bửu (thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) để chúc mừng Hòa thượng viện chủ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phật

Văn hóa 12:28 14/11/2018

Phật ngồi trên sườn núi,/Nhìn xuống đường bụi mù,/Phật đang nghĩ gì thế nhỉ!/Thương con người ngược xuôi?

Tọa đàm về tác giả bài thơ bất hủ “Em đi chùa Hương”

Văn hóa 12:18 14/11/2018

Sáng ngày 9/11/2018, Nhà xuất bản Phụ nữ và Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp” về sự nghiệp văn chương, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà thơ tài hoa bạc mệnh.

An lành

Văn hóa 10:12 13/11/2018

Xin cầu thấu rõ chân diệu pháp/Hiện tượng vạn vật luôn biến đổi/Muôn sự hết thảy nương nhau thành/Để tâm tịch lặng an lành nhất/An lành như thế thật an lành!

Xem thêm