Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 20/07/2016, 14:11 PM

Đôi mắt mẹ hiền

“Vẻ đẹp rạng ngời của một người phụ nữ phải được nhìn thấy từ đôi mắt của cô ấy. Bởi đôi mắt chính là cánh cửa dẫn tới tâm hồn người phụ nữ và là nơi tình yêu cư trú”

Có lẽ khi bước qua tuổi dậy thì, cái tuổi ẩm ương với những rung động đầu đời và cả những vấp ngã đầu tiên trong cuộc sống thì chúng ta mới dần trưởng thành. Khi bước sang tuổi 20, bạn sẽ bắt đầu để ý những điều kì diệu và lạ kì đang diễn ra trong cuộc sống thường nhật. Từ cây cỏ dại bắt đầu len mọc nơi khe đất khô cằn đến chú chim non bị ướt cánh đang trú mình trước hiên nhà.

Thói quen quan sát và ghi nhớ cảnh vật xung quanh sẽ tự nhiên xuất hiện trong bạn. Bạn sẽ thích ngắm những tia nắng vào buổi sớm, hít cái hơi nồm nồm của những cơn mưa rào và lắng nghe tiếng gió đang thổi qua những tán cây. Bạn bắt đầu sống chậm lại và thấy cuộc đời này đẹp hơn rất nhiều.

Những hình ảnh ấy giống như thước phim được bạn ghi lại bằng đôi mắt của mình. Nhắc đến đôi mắt càng ngày bạn càng nhận ra không có đôi mắt nào chứa đựng nhiều xúc cảm như đôi mắt của người mẹ.
 
Khi mới chỉ là một bào thai bé nhỏ cư trú trong bụng mẹ, tôi đoán đôi mắt mẹ chắc cũng tràn ngập niềm hạnh phúc, sự hi vọng giống như đôi mắt của dì tôi khi nhẹ nhàng xoa vào chiếc bụng căng tròn. Nơi ấy đang là ngôi nhà an toàn chờ ngày em tôi ra đời.

Khi đi học mẫu giáo, mẹ dắt tay tôi vào tận lớp học. Tôi òa khóc vì nhớ mẹ, muốn ở nhà chơi với chị chứ không muốn đi học vì sợ cô, sợ bạn lạ. Lúc ấy, trong đôi mắt mẹ là sự động viên, khích lệ như muốn nhắn nhủ tôi hãy cố gắng ngoan ngoãn, đến chiều mẹ sẽ đón sớm thôi mà. 

Khi tôi học lớp 1, vẫn là đôi mắt ấy luôn dõi theo tôi trên mọi cuộc hành trình.

Khi học cấp 2, tôi bị viêm ruột thừa phải mổ gấp. Hồi ấy chủ quan tôi nghĩ chỉ là đau bụng đơn thuần vì ăn nhiều nhưng đến đêm đổ mồ hôi lạnh và những cơn đau thắt đến dồn dập thì tôi mới nhận ra không coi nhẹ được rồi. Tôi gọi bố mẹ dậy xin đi viện. Lúc đấy, tôi nhìn thấy trong đôi mắt mẹ một sự lo lắng và bất an. 

Lúc tôi nằm trên giường bệnh, vẫn là đôi mắt đó luôn quan sát và ở bên tôi. Đôi mắt ấy chẳng ngủ gì cả, cứ thỉnh thoảng lại hỏi tôi có đau không? Và động viên tôi cố gắng uống nhiều sữa để chóng ra viện. Đôi mắt thâm quầng vì những đêm mất ngủ. Mỗi khi nhìn vào đôi mắt ấy tôi lại tự trách bản thân vì lại làm mẹ phải lo lắng. Tôi quay mặt vào trong, cố lảng tránh đôi mắt ấy.

Khi tôi thi đại học, vẫn là đôi mắt dõi theo tôi đến khi tôi khuất bóng sau cánh cổng trường thi. Đôi mắt ấy lúc nào cũng vậy, chẳng bao giờ rời đi khi chưa chắc tôi đã vào lớp học. Vì lo tôi sẽ quên đồ gì đó cần lấy hoặc đổi giờ học hay thiếu giấy tờ thi. 

Khi tôi lấy được tấm bằng cử nhân, có lẽ là một trong những ngày đôi mắt ấy hạnh phúc nhất. Vì 16 năm nỗ lực của tôi cũng như những năm tháng vất vả của mẹ cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng. 

Tôi vẫn nhớ đôi mắt ấy đã từng vằn lên những đường gân đỏ giận dữ khi nhìn thấy tôi cùng với chúng bạn lao vào một trò chơi mạo hiểm: chui vào quả bóng nổi trên mặt nước. Đôi mắt ấy tức giận bởi tôi không biết bơi nên nếu có bất kì sơ xuất nào xảy ra thì tôi sẽ chết vì không có nhân viên cứu hộ nào ở xung quanh. Lần đầu tiên, tôi thấy đôi mắt ấy giận dữ và đáng sợ đến vậy. 

Khi đó tôi ghét đôi mắt ấy lắm, tôi nghĩ nó không có tư cách nhìn tôi như thế. Tôi lớn rồi, làm gì là quyền của tôi chứ. Nhưng đến sau này, dần dần tôi càng hiểu vì sao đôi mắt ấy lại chứa đựng những xúc cảm phức tạp từ giận dữ đến bất an, sợ hãi như vậy.

Không có nỗi đớn đau nào lớn hơn việc mất đi đứa con mình đã dứt ruột đẻ ra sau 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, cưu mang bú mớm trong suốt 20 năm. Tôi đã thấy nhiều người mẹ trở nên điên loạn khi một ngày đứa con thân yêu rời xa họ mãi mãi, họ không còn được ôm ấp, nâng niu trong lòng, không được trò chuyện với con mỗi đêm. Tôi đã từng nghĩ trên đời chắc không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của cha mẹ khi mất đi đứa con của mình. Bởi khi đó, đôi mắt của người mẹ từ sự đớn đau cực điểm sẽ chuyển dần sang một đôi mắt vô hồn, đôi mắt trống rỗng không còn lấy một chút sức sống. 

Trong đôi mắt ấy có lúc tựa như mặt biển đang cuộn lên những cơn sóng phẫn nộ nhưng có khi lại tĩnh lặng bởi nỗi buồn đau không thể diễn tả được bằng lời.

Đã nhiều lần tôi tự hỏi liệu trong đôi mắt mẹ còn bao chứa bao nhiêu cảm xúc nữa? Giận dữ có, đau đớn có, bất an có, hạnh phúc cũng có? Liệu còn tình cảm nào người con có thể cảm nhận được khi nhìn vào đôi mắt mẹ?

Và rồi tôi nhận ra, thứ xúc cảm thiêng liêng luôn đầy ắp trong đôi mắt ấy chính là lòng vị tha. Dù tôi đã bao lần làm vương những giọt nước lên đôi mắt mẹ nhưng cuối cùng đôi mắt ấy cũng chưa một lần bỏ rơi tôi, chưa bao giờ thôi nhìn tôi cho đến khi tôi đi khuất bóng.

Nhớ lại hình ảnh những người con lỡ phạm sai lầm phải đứng sau song sắt, đôi mắt mẹ lúc nào cũng dõi theo con. Không phải đôi mắt trách cứ, oán hận mà đó là đôi mắt vị tha, xót thương cho đứa con khờ dại. 

Mỗi người mẹ có thể khác nhau về hình dáng bên ngoài nhưng trái tim của các mẹ lúc nào cũng giống nhau. Trái tim của biển bờ thương yêu, của lòng vị tha vô hạn. Tình yêu ấy, lòng thương con da diết ấy mẹ có thể che giấu đằng sau những lời nói khó nghe. Chứ không bao giờ có thể che giấu nổi đôi mắt. Bởi đôi mắt mẹ không bao giờ biết nói dối… 

“Có lúc ta quên nhìn mắt mẹ
Còn chờ ta mỏi ngóng đêm sâu”.

Diệu Âm Minh Tâm
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm