Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 07/06/2016, 09:26 AM

Đơn sơ, lặng lẽ, rỗng rang, gương sáng…(P.2)

Bây giờ, nói thêm về cái được thấy (khi nghe nhạc trong tiệm, trong thí dụ nêu trên, tất nhiên là cảnh cũng hiện qua cái được thấy).

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Hãy thử thế này, bạn ngồi lặng lẽ ở bên hiên. Hãy nhắm mắt, hít thở lặng lẽ, giữ tâm thật lặng lẽ. Chỉ giữ sự lặng lẽ và tỉnh thức (để dễ nhớ, theo câu kệ: tỉnh tỉnh lặng lặng), tới một lúc bạn thấy không một niệm nào khởi trong tâm, lúc đó, hãy dịu dàng mở mắt ra, sẽ thấy trước mắt, giả sử có lá cờ bay phất phới trước gió, trong màu nắng xế bóng nghiêng qua ngả lại. Cảm giác tức khắc là: Toàn cảnh lá cờ bay trước gió sẽ là hình ảnh trong tâm. Đó là cái được thấy. Cảm giác đầu tiên, bạn không thấy cảnh đó ngoài tâm. Hình ảnh lá cờ bay theo gió, hình ảnh chao động, là chập chùng vô lượng hình ảnh của vô thường. Hình ảnh cờ bay cũng là vô ngã, vì theo gió lặng hay động mà hiện ra, và là bất như ý vì không hề có gì được chủ động nơi đây, và là Tánh Không rỗng rang vì nếu có thực tánh gì thì lúc đó không thể có chuyển động, không thể có biến hiện.

Lúc đó, bạn không thấy cảnh lá cờ ngoài tâm, nhưng một chặp sau, tập quán lý luận  nhị nguyên mới kéo bạn về suy nghĩ là có cái ngoài tâm. Đức Phật đã nói, không phải ngoài tâm đâu (qua Kinh Tất Cá và Kinh Thế Giới) rằng thế giới đó, cảnh lá cờ bay đó, chỉ là hiển lộ tương ưng của sắc thọ trưởng hành thức thôi.

Không thể nói là không có cảnh. Nhưng cũng không thể nói có cảnh ngoài tâm. Đó là lý do nhiều vị tổ khi trực nhận ra bản tâm rỗng rang vô tánh này đã nói rằng không ngờ tâm mình nói nhỏ thì nhỏ như mũi kim, nói lớn thì bao trùm cả núi sông biển trời, và ngó cho cùng thì bản tâm này không ở đâu hết, không trong thân và cũng không ngoài thân mình. Khi bất chợt đau vì ngón tay trúng nhằm mũi kim mới biết là tâm hiện ra ở cảm thọ, nơi ngón tay vừa bị thương. Nhưng khi ngó lại ngón tay thì không tìm ra đâu tâm trong hay ngoài da này. Cũng hệt như tiếng chim kêu, tất cả các pháp đều không lìa tâm, nhưng tâm  lại không phải tất cả các pháp. Nên mới nói, tâm này là gương sáng rỗng lặng. Tham sân si cũng từ tâm này khởi lên, cũng như sóng khởi lên từ nước. Nhưng khi ngó vào niệm tham, niệm sân… lập tức các niệm này biến diệt vào cõi rỗng lặng của tâm gương sáng này, cũng như sóng tan vào nước.

Cứ như thế mà tu thôi, hễ khởi lên bất kỳ ý thức gì, cũng phải quăng bỏ đi thôi, vì ý thức luôn luôn là cái trễ vài sát-na sau cái hiện tiền.

Tại sao rời bỏ ý thức? Xin thưa: Thiền Tông là kinh nghiệm trực tiếp, là thấy ngay tức khắc núi rừng mưa bay là ảnh hiện ra trong tâm, và cảnh trước mắt tức khắc (y hệt tiếng chim kêu là tâm, nhưng cũng không phải tâm) – tương tự, cảnh núi rừng mưa bay trước mắt là tâm, nhưng cũng không phải tâm, nhưng không lìa tâm mà có, và ngay khi thấy cảnh chỉ là hình bóng trong tâm, thế là thấy hiện ra bốn pháp ấn, và đó là thấy tánh, cũng là thấy vô tự tánh. Hoặc đơn giản hơn, lấy thí dụ đã nêu, như khi ngồi nghe ca sĩ hát, mắt chúng ta thấy cảnh trên sân khấu thực sự chỉ là ảnh lung linh hiện trong tâm mình. 

Thiền Lâm Tế sử dụng chữ tâm và cảnh, nhưng Thiền Tào Động sử dụng chữ “chính” và “thiên” cũng là tương tự.

Riêng Thiền Tào Động Nhật Bản của Thiền Sư Dogen (Đạo Nguyên) nói rằng cốt tủy chỉ là: ngồi chỉ là ngồi, không làm gì hết, chỉ là buông bỏ thân tâm.

Khi nói theo ngôn ngữ Đức Phật ở Tạng Pali: buông bỏ thân tâm, chính là quăng bỏ sắc-thọ-tưởng-hành-thức, quăng bỏ kiến văn giác tri, là không một pháp nào để dính vào. Và như thế, trở về các kinh về lời dạy ngắn gọn đã nói ở (1).

* *

Trong những khoảnh khắc như thế, làm gì có tham và sân để phải tu, phải sửa nữa. Kinh Phật nói rằng, hễ dứt tâm tham, là vào thánh quả A Na Hàm (quả thánh thứ 3). Tương tự, hễ dứt tâm sân, là vào thánh quả A Na Hàm (quả thánh thứ 3). Tức là, chỉ cần dứt một tâm bất thiện tham hay sân, là vào cõi tịnh độ Bất Lai (còn gọi là 5 cõi trời tịnh độ), và từ đó sẽ tới thánh quả A La Hán.
Như thế, có phải pháp môn Tịnh Độ là phương tiện để vào cõi Bất Lai?

Người viết không biết, và do vậy không dám trả lời. Thực ra, Phật Giáo Tây Tạng cũng dạy pháp Tịnh Độ, và rất phức tạp, khi dạy về giải thoát trong thân trung ấm.

Có thể giải thoát trong thân trung ấm hay không? Đức Phật có dạy như thế trong Kinh Pali, theo lời nhiều học giả.

Chú thích thứ 27 trong bài "Rebirth And The In-Between State In Early Buddhism" (2) của Sư  Bhikkhu Sujato ghi rằng Tạng Pali có nói về giải thoát trong thân trung ấm để vào thánh quả  A Na Hàm ở các kinh: DN 33.1.9, SN 46.3, SN 48.15, SN 48.24/5, SN 48.66, SN 51.26, SN 54.5, SN 55.25.8, AN 3.86.3, AN 3.87.3, AN 4.131, AN 7.16, AN 7.17, AN 7.52, AN 7.80, AN 9.12, AN 10.63, AN 10.64... nghĩa là, rất nhiều kinh Pali ghi lời Đức Phật dạy vào cõi Tịnh Độ A Na Hàm trong thân trung ấm.

Chỗ này người viết không có đủ kiến thức, nên không dám suy đoán, chỉ ghi lại như thế, để các học giả thảo luận.

Thực ra, Tịnh Độ Tông truyền thống, với 3 Kinh và một Luận, căn bản là khác tông chỉ với Nam Tông. 

Giả sử, có anh bạn XYZ có thể hỏi rằng, Đức Phật A Di Đà không có trong lịch sử, ít nhất cũng không có trong Tạng Pali, đúng không?

Trong ngôn ngữ Thiền Tông, có thể trả lời bằng ngôn ngữ rất đơn sơ: 
“Ủa, vậy hả, chuyện đó có gì lạ đâu, vì Đức Phật A Di Đà cũng nói rằng ngài không hề có, và không phải thế sao, và bây giờ anh XYZ mới thắc mắc; vậy bạn tưởng là người tên XYZ thực sự là có thực?”

Trong các kinh dạy pháp ngắn gọn ở Tạng Pali, Đức Phật thường nói về cách nhìn “không phải có, không phải không.” Rất nhiều ngôn ngữ cơ phong tưởng như giỡn của Thiền Tông đều là lời chỉ thẳng, đa số có thể dò lại trong Kinh Pali (như chúng ta đã dò ra). 

Thiền sư Tông Diễn (1640-1711), người có bài thơ tuyệt vời “hữu vô câu bất lập” – có và không, đều không lập – cũng là người còn để lại một dấu ấn lớn hiện nay: ngôi chùa Hòe Nhai (số 19 phố Hàng Than, Hà Nội) vẫn còn thờ pho tượng vua Lê Hy Tông  (1675-1705) quỳ sám hối trong khi tượng Phật ngồi trên lưng vua. Bởi vì vua vốn hà khắc với Phật giáo, sau khi đọc bài biểu của Thầy Tông Diễn trình vua, mới tỉnh ngộ rằng các đời nhà Lê vững bền là nhờ Phật Giáo. Nghĩa là, tuy sống trong pháp tánh rỗng lặng vô tướng, không lập cả hữu và vô, nhưng Thiền sư Tông Diễn đã viết một bài văn chuyển đổi được chính sách của một triều đại. Mới biết, vô ngôn không có nghĩa là không dùng tới chữ.

Kinh Viên Giác nói: Hễ biết là huyễn, tức khắc [tự động] xa lìa huyễn, sẽ không cần nhờ phương tiện gì, và hễ xa lìa huyễn tức là giác ngộ, không còn tu thứ bậc gì nữa…

Chư Tổ Thiền Tông thường nói rằng Kinh Viên Giác tóm gọn về những chữ quan trọng là: Tri huyễn tức ly, bất tác phương tiện. 

Bởi vì khi biết mình đang ở trong một vai kịch, hết tuồng này sẽ theo nghiệp sang tuồng khác, thì sân làm chi trong vai diễn, tham làm chi trong đoạn tuồng này, đoạn tuồng kia.

Kinh Bát Nhã Tâm Kinh cũng nói về sắc-thọ-tưởng-hành-thức đều là Không, Tứ Đế cũng là Không, ngay tới tận cùng Lục Độ Ba La Mật cũng là Không… mới thực sự qua bờ kia. Đó là khi Đức Phật nói, qua sông là bỏ bè…

Kinh Kim Cương cũng ghi lời Đức Phật dạy rằng phải thấy các pháp như mộng, như huyễn, như bọt sóng, như ảnh hiện… và tức khắc là qua bờ. 

Hãy trở lại Kinh Bahiya… Khi bạn bỗng nhiên nghe tiếng  mắng chửi mình, hãy thấy tức khắc đó là cái được nghe, hiển lộ trong toàn cảnh của duyên khởi, và đó là vô thường, là vô ngã, là không, là bất như ý, là huyễn, là bọt sóng, là mộng, là ảnh hiện… và tức khắc, thấy cái gọi là người mắng và người nghe đều là không, sẽ thấy làm gì có tâm giận dữ nữa… và đó là tức khắc qua bờ.

* *

Nói tức khắc, vì là nói những khoảnh khắc nhận ra Tánh Không. Nhưng rồi, thường khi chúng ta sẽ bị nghiệp kéo lại. Lúc đó, nên mượn tất cả các pháp khác để tu trì. 

Gần như ai cũng thế, có rất nhiều khi, không giữ được tâm đơn sơ và lặng lẽ. Lúc đó, nên biết là nghiệp cũ lôi kéo. Thí dụ, trong tâm cứ nhớ mãi những hình ảnh bạo lực hay thơ mộng, hiện ra có khi trong giấc ngủ, có khi cả ban ngày. Các bản tin thường nói về nhiều chiến binh Mỹ sau chiến cuộc Iraq và Afghanistan dễ bị ám ảnh với cảnh bạo lực. Hay như đời thường, chúng ta có thể chợt nhớ tới, và bị ám ảnh bởi một hình bóng diễm lệ quá khứ. Hay như một nhạc sĩ, có thể từ sáng đến tối cứ mãi bị ám ảnh bởi những dòng nhạc… và vân vân.

Lúc đó, phải dùng pháp đối trị.  Trong bài Đức Phật Dạy Pháp Thấy Tánh (1), chúng ta đã thấy có những bản kinh dạy “quăng bỏ sắc thọ tưởng hành thức”… dạy “quăng bỏ kiến văn giác trị”… Đó cũng là Thiền của Ngài Huệ Năng.

Có một kinh, Đức Phật sử dụng ngôn ngữ cực kỳ quyết liệt. Đó là kinh Satta Sutta, ký số SN 23.2. Nơi đây không dạy là phải tu hay vun bồi gì cả, mà dạy là phải đập vỡ, hãy quăng tứ tán, hãy hủy diệt sắc và làm cho sắc sẽ không cựa quậy gì được nữa (rồi thọ, rồi tưởng, rồi hành…) và rồi xóa sổ luôn cả thức. Cũng y hệt như các kinh quăng bỏ sắc thọ tưởng hành thức, quăng bỏ kiến văn giác tri…

Đức Phật nói rằng, trích:

“…Con hãy đập vỡ, hãy quăng tứ tán và hãy hủy diệt thức, và làm cho nó không cựa quậy gì nữa. Hãy xóa sổ khát ái với thức – vì xóa sổ thức xong, hỡi sư Radha, là Giải thoát.” (4)

Thực ra, cũng là ngôn ngữ “đập chết con quỷ ý thức” của Thiền Lâm Tế, và “quăng bỏ thân tâm” của Thiền Tào Động.

Nhưng trong cõi này, chúng ta phải giao tiếp với đủ mọi hạng người, phải tham dự nhiều sự kiện trong xã hội, và ngay cả khi có trực ngộ, cũng sẽ rất khó để  duy trì cái nhìn Thấy Tánh thường trực.

Sám hối là một cách làm cho nhẹ nghiệp, để dễ tu học hơn. Do vậy, Thiền Trúc Lâm có tác phẩm Sám Hối Sáu Căn là để tất cả người tu làm nhẹ nghiệp hơn.

Pháp đối trị vọng tâm có thể dùng hơi thở, giữ thọ nơi hơi thở, hay niệm cái chết. Hay đơn giản, lấy Kinh Kim Cương, hay Bát Nhã Tâm Kinh ra tụng, đọc, nghiền ngẫm từngc hữ.

Hay tùy trường hợp, và có thể mỗi người sẽ có những pháp thích nghi. Thí dụ, khi rời một buổi hòa nhạc, ngay cả vài giờ sau hay cả ngày sau, một vài âm vang dòng nhạc của Trịnh Công Sơn hay Phạm Duy tự nhiên lảng vảng trong đầu, bên tai chúng ta. Muốn đập vỡ cái âm vang đó cũng là chyện khó, mà không lẽ cứ để nó theo mình vào giấc ngủ… Lúc đó, có thể thử nghiến răng nhẹ (có khi không cần ra tiếng) và chú tâm vào âm vang nghiến răng (dù là tiếng lặng lẽ) sẽ thấy dòng nhạc kia biến mất.

Hay là khi mắt tự nhiên nhớ tới hình ảnh kinh khủng của chiến trường Iraq, hay hình ảnh dịu dàng của một người bạn học thời thơ trẻ… Có thể thử cách này: hãy lấy hộp chì màu và một tờ giấy trắng, vẽ và tô  lên giấy những ô vuông màu xanh, rồi ô vuông màu đỏ, ô vuông màu vàng… Dễ dàng thấy hình ảnh quá khứ biến mất trước mắt. Về sau, không cần vẽ, chỉ cần hình dung trong đầu là đang cầm bút chì màu vẽ lên giấy, các ảnh quá khứ cũng dễ tan biến.

Hay là niệm các chữ cái, tức là mẫu tự tiếng Việt. Nên niệm 4 âm. Tại sao 4 âm? Vì mã số thẻ ATM thường là 4 âm, vì lên tới 5 âm là khó nhớ.

Khi tâm nhiều vọng niệm, nếu thử các pháp truyền thống không xong, vẫn cứ thấy đau đớn với những hình ảnh cũ hiện ra, nên nhìn vào bảng mẫu tự, chọn 4 chữ để niệm, niệm “a, b, c, d” thật chậm. Tiếp theo, niệm “k, l, m, n”… và vân vân. Từng mẫu tự vang lên, chú ý tâm tập khởi lên, và rồi âm vang biến diệt. Niệm chậm, không cần chữ theo thứ tự. 

Hay là nên tập thể dục, chạy bộ, cử tạ… Tập thể dục  thật mệt trong nửa giờ, là những âm vang và hình ảnh ám ảnh trong tâm nhiều phần sẽ biến mất.

Hay là pháp Niệm Tâm Từ. Cũng không cần niệm phức tạp, chỉ đọc thật chậm từng chữ và nghiền ngẫm từng chữ trong bài Kinh Từ Bi (Metta Sutta) là thấy lòng nhẹ nhàng với những lời dạy đầy sức mạnh; như qua bản dịch của Thầy Nhất Hạnh, xin mời đọc thât chậm từng chữ, trích: “Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn. Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất. Chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài…” Chỉ đọc như thế, các niệm bất thiện dễ dàng biến mất.

Hoặc là niệm danh Đức Phật A Di Đà. Thí dụ, từng chữ “Nam Mô A Di Đà Phật.” Chú ý từng âm vang dịu dàng khởi lên trong tâm, hiện trong tâm và biến mất, 6 lần như thế là cho 6 chữ. Hay niệm 4 âm A Di Đà Phật.

Trong khi niệm các âm vang như thế, dù bất kể âm vang gì, hãy nhớ Kinh Bahiya rằng trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe tức khắc đó cũng  là cơ duyên để thấy bốn pháp ấn - vô ngã, vô thường, Không và bất như ý. Khoảnh khắc đó, tham sân si biến mất.
Niệm như trên là Thiền. 

Thực ra, Tịnh Độ niệm Phật là bằng niềm tin kiên cố rằng có một cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà. Nếu là người tu Tịnh Độ, hãy niệm với niềm tin vào hạnh nguyện của Ngài. Truyền thống Phật Giáo Tây Tạng tin rằng Đức Ban Thiền Lạt Ma là hóa thân của Đức Phật A Di Đà (nên hiểu, Ngài là người tu được tâm tương ưng như Đức Phật A Di Đà).

Còn nữa...
Nguyên Giác
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Bộ sách tỉnh thức của bác sĩ Nguyễn Bảo Trung

Sách Phật giáo 17:31 21/03/2024

Bác sĩ Nguyễn Bảo Trung (sinh năm 1980) đang công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM, là tác giả của các tựa sách được nhiều bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt, khởi đầu là tác phẩm Vô Thường (2016), với những câu chuyện đời thường nhưng phảng phất tinh thần Phật giáo sâu sắc.

Theo dấu chân Phật

Sách Phật giáo 22:10 20/03/2024

Tôi đã hai lần thăm viếng đất Phật trước khi viết bộ đại sử Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt. Tôi chỉ đến những địa danh lịch sử quan trọng để tạo cảm xúc cho trang viết của mình.

Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức nói về "Trọn vẹn từng khoảnh khắc"

Sách Phật giáo 14:00 05/03/2024

Dưới đây là bài viết nhận xét về nội dung cuốn sách "Trọn vẹn từng khoảnh khắc" - tác giả Thy Lâm, Nxb Công Thương - của Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh).

Tất cả đều trống rỗng

Sách Phật giáo 10:30 04/03/2024

Một bà lão mộ đạo từ một tỉnh kế cận đến chùa Pah Pong (Thái Lan) hành hương. Bà thưa với Thiền sư Ajahn Chah rằng bà chỉ có thể ở đây một thời gian ngắn thôi vì bà còn phải trở về chăm sóc mấy đứa cháu của bà.

Xem thêm