Dự án 'Cúng dàng tượng Phật ' - Mọi phúc lành đều không tách khỏi chữ “Tâm”
Khi bạn trao đi sự thiện lương, bạn sẽ không nhận ngay được phúc lành, nhưng một ngày nào đó, một thời điểm nào đó bạn sẽ nhận được điều kì diệu mà bạn cho là may mắn đến với bạn - Anh Nguyễn Ngọc Phương - Người sáng lập nên dự án “Cúng dường tượng Phật” chia sẻ cùng Phatgiao.org.vn.
Phatgiao.org.vn đã có dịp trò chuyện cùng anh Nguyễn Ngọc Phương về cơ duyên, ý nghĩa của dự án “Cúng dường tượng Phật” do anh sáng lập.
Xin anh cho biết xuất phát từ lý do nào dự án “Cúng dường tượng Phật” được ra đời? Anh có xem nó như một cơ duyên không?
Từ nhỏ mình đã yêu thích mỹ thuật, nhưng khi lớn lên lại theo con đường kinh doanh bất động sản. Năm 2013, mình yêu 1 cô gái tại làng nghề đục tượng, trong quá trình tìm hiểu cô gái mình cũng tìm hiểu văn hóa nơi cô sinh sống. Mình nhận thấy ở đó những người thợ tay nghề giỏi đang có xu hướng bỏ nghề hoặc chuyển sang làm hàng “chợ” để mưu sinh, và giới trẻ thì không thiết tha học nghề thì mình rất tiếc và nảy ra ý định tạo 1 Xưởng tạo tượng Phật gỗ đặc biệt tinh xảo để vừa phục vụ sở thích của cá nhân, vừa giữ được những người thợ tay nghề giỏi. Đây chính là cơ duyên đã giúp mình đến với dự án “Cúng dường tượng Phật”.
Trong quá trình tiếp xúc với nhiều chùa tại Việt Nam, mình nhận thấy nhu cầu thỉnh tượng là rất lớn và nhiều chùa chỉ cần có tượng dù là đất sét hay thạch cao cũng được. Mình cũng phát tâm cúng dường, tuy nhiên số lượng tượng cần phát tâm là quá lớn và với nguồn tài chính của cá nhân thì không bao giờ có thể đáp ứng đủ.
Mình nhận thấy một bất cập, chùa đã đầy đủ tượng vẫn tiếp tục được cúng dường còn chùa tượng đã gãy, mục từ nhiều năm, khao khát tượng Pháp thì không ai cúng. Có quá nhiều chùa cần tượng Phật nhưng lại không có khả năng thỉnh. Ngoài kia cũng có rất nhiều người sẵn lòng phát tâm cúng dường tượng Phật nếu họ biết được có Chùa đang thật sự cần.
Do vậy, thay vì đóng góp tịnh tài trực tiếp cho chùa mua tượng Phật, mình cùng cộng sự chuyển nguồn tịnh tài đó vào việc vận hành dự án "Cúng dường tượng Phật" với mục đích Truyền thông và Kết nối hàng nghìn nhà hảo tâm với hàng trăm chùa và đề xuất với họ những ngôi chùa đang có nhu cầu cấp bách nhất.
Năm 2017, mình đã khởi động Dự án và nguyên tắc hoạt động là nhà chùa chọn ai tạo tượng, tạo như thế nào, chất liệu gì, khi nào tạo là quyết định của chùa. Miễn nhà chùa hoan hỷ là được.
Dự án lấy trang web www.cungduong.vn làm cốt lõi và sử dụng Marketing truyền thông tích hợp để kết nối các nhà hảo tâm với các chùa có mong muốn thỉnh tượng.
Anh có thể cho biết từ khi dự án được đi vào hoạt động đến nay, những khó khăn gặp phải là gì? Những khó khăn đó anh đã giải quyết như thế nào?
Khó khăn lớn nhất của dự án là xác thực được vị Sư/ Tỳ kheo liên hệ có phải trụ trì hợp pháp của chùa hay không? Chùa có phải đang thiếu, rất khó khăn để thỉnh tượng và khi có đủ tịnh tài thì có dùng đúng việc hay không?
Dự án đã phát triển mạng lưới cộng tác viên nhưng hiệu quả không cao, do vậy dự án tự thuê người đến các ngôi chùa xác thực trên 40 tỉnh thành được ưu tiên.
Với các ngôi chùa ở các thành phố thì dự án thuê người đến chùa tìm hiểu và chụp hình gửi tới dự án khá đơn giản, tuy nhiên với các ngôi chùa ở vùng quê nghèo – xa xôi thì vẫn rất khó để thuê người đến xác thực.
Có những ngôi chùa ở vùng quê nghèo, người thưa thớt, Phật tử chủ yếu là dân lao động, nhập cư, nhà chùa rất mong được có tượng Phật để phục vụ việc truyền bá Phật pháp thì lại gặp vướng mắc về quy định bổ nhiệm Trụ trì việc xác thực là rất khó.
Khó khăn thứ hai là việc thuyết phục các nhà chùa muốn đăng lời kêu gọi lên dự án thì cần cung cấp ảnh sư trụ trì, hình ảnh biển hiệu chùa, ảnh ngôi chùa, cam kết cuối tháng cập nhật danh sách cúng dường để phương danh và báo cáo bằng cách chụp hình tiến độ tạo tượng khi có nguồn tịnh tài, để đăng lên mục báo cáo tiến độ thực hiện của dự án. Đây là điểm quan trọng để cộng đồng mạng xác minh thông tin, cũng như dự án xác thực được. Từ đó các nhà hảo tâm thấy hiệu quả rõ ràng từ việc phát tâm, giúp họ tin tưởng và chia sẻ với các nhà hảo tâm khác. Theo thời gian, các chùa đã đồng ý với yêu cầu này.
Khó khăn thứ ba là hiện dự án mới hoạt động chủ yếu trên internet, trong khi việc sử dụng internet ở các chùa ở vùng quê xa xôi là chưa thành thạo.
Khó khăn thứ tư là đánh giá chùa nào cần tượng hơn và điều hướng luồng người truy cập vào các “Lời kêu gọi” trên website từ các bài quảng cáo trên Facebook, Google và các bài viết trong các ấn phẩm gửi trực tiếp đến tay các nhà hảo tâm. Đây là quyết định rất khó khăn, nếu quảng cáo “Lời kêu gọi” nhiều sẽ gây phản cảm, nhưng nếu không quảng cáo nhiều thì ít nhà hảo tâm biết. Và xác định tình hình chùa nào cần hơn cũng rất khó khăn. Qua việc sử dụng phần mềm thống kê và phân tích dữ liệu, dự án đã có được những nguyên tắc cơ bản để lựa chọn “Lời kêu gọi” được quảng cáo định kỳ.
Khó khăn thứ năm là về vấn đề viết nội dung quảng cáo để không bị hiểu là quảng cáo mà vẫn có hiệu quả như quảng cáo. Để khắc phục khó khăn này, hiện nay dự án đã có đội ngũ đảm trách việc viết nội dung.
Tính đến nay dự án đã giúp được bao nhiêu ngôi chùa, xin anh cho biết con số cụ thể?
Do còn nhiều hạn chế về tiếp xúc các chùa ở vùng quê nghèo – xa xôi và việc xác thực còn gặp khó khăn nên dự án mới giúp được hơn 100 ngôi chùa trong hơn 1 năm, đây là con số khá khiêm tốn.
Tuy nhiên chúng mình nghĩ rằng, theo thời gian, dự án ngày một uy tín hơn sẽ có nhiều chùa liên hệ hơn.
Anh có tin vào “điều thiện” không? Với những điều anh đã, đang và sẽ làm anh có nghĩ sẽ giúp bản thân mình thanh thản và an lạc không?
Cám ơn bạn, nếu mình mong làm điều thiện để giúp mình một điều gì đó thì mình đã không chọn làm việc này. Là một người đã trải qua nhiều khó khăn, mình chỉ nghĩ khi có điều kiện tốt hơn thì cần giúp đỡ nhiều người để họ sống tốt hơn thông qua hoằng Dương phật pháp. Mình làm vì niềm vui và cảm thấy có trách nhiệm với cộng đồng.
Gần đây, nhiều người luôn đặt câu hỏi “làm từ thiện để làm gì?”, vậy thì trước những làn sóng dư luận như vậy, anh nghĩ gì về điều này?
Thật ra mình thích từ “thiện nguyện” hơn. Việc làm “thiện nguyện” có thể xuất phát từ nhiều mục đích khác nhau, cá nhân mình không quan tâm lắm mọi người nói gì miễn là hợp pháp và giúp đúng người, như tiêu đề 1 bài hát “Mình thích thì mình làm thôi”.
“Chỉ cần lương thiện, trời xanh ắt sẽ an bài”, anh suy nghĩ gì về câu nói này. Thông qua đó anh có thể nhắn gửi tới mọi người một thông điệp gì không?
Lục tổ Huệ Năng từng giảng: “Mọi phúc lành đều không tách khỏi chữ Tâm”. Khi bạn trao đi sự thiện lương, bạn sẽ không nhận ngay được phúc lành, nhưng một ngày nào đó, một thời điểm nào đó bạn sẽ nhận được điều kì diệu mà bạn cho là may mắn đến với bạn.
Tuy nhiên trong cuộc sống hiện đại, nếu chỉ lương thiện thôi thì không đủ. Nếu bạn không lao động, không nỗ lực trong mọi công việc mà chờ trời xanh an bài thì không biết đến bao giờ và có khi trở thành người thừa của xã hội. Và lương thiện cũng phải tùy từng hoàn cảnh mà tùy cơ ứng biến.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện rất ý nghĩa với Phatgiao.org.vn ngày hôm nay. Chúc anh và dự án “Cúng dường tượng Phật” luôn tinh tấn và an lạc!
Việc phát tâm cúng dường tượng Phật không chỉ đơn giản là một cá nhân cúng Tịnh tài để chỉ có phước báo cho bản thân mình, việc đó sẽ ý nghĩa hơn nếu cá nhân đó giúp cho nhiều người giác ngộ và cùng cúng dường thông qua hành động giúp nhà chùa biên tập thư kêu gọi cúng dường hoặc truyền thông thư kêu gọi của nhà chùa hoặc đứng ra tổ chức chương trình kêu gọi cúng dường.
Có 1 thực tế, chùa đã đầy đủ Tượng vẫn tiếp tục được cúng dường, còn chùa tượng đã gãy, mục từ nhiều năm, khao khát tượng Pháp thì không ai cúng.
Có quá nhiều chùa cần tượng Phật nhưng lại không có khả năng thỉnh. Ngoài kia cũng có rất nhiều người sẵn lòng phát tâm cúng dường tượng Phật nếu họ biết được có chùa đang thật sự cần.
Tuy nhiên, cuộc sống bộn bề khiến hầu hết mạnh thường quân lại cúng dường ở những nơi gần chỗ họ sinh sống. Còn những ngôi chùa ở vùng quê nghèo, xa xôi, hẻo lánh hay ngoài hải đảo, trong rừng thì rất ít người biết đến. Do vậy nơi cần thì chưa có, còn nơi đã có thì vẫn được cúng dường thêm.
“Chùa nào cũng thờ Phật, nên chùa thiếu tượng Phật hoặc tượng Phật không tạo thiện cảm với Phật tử sẽ gây khó khăn cho việc Hoằng dương Phật pháp. Bên cạnh sự đầy đủ của nhiều ngôi Chùa tại Đô thị lớn, thì với hầu hết ngôi Chùa ở vùng quê nghèo, xa xôi, hẻo lánh là rất thiếu công bằng.“
Dự án "Cúng dường tượng Phật" được tạo ra như một kênh truyền thông độc lập với mục tiêu kết nối các nhà hảo tâm với những chùa muốn thỉnh tượng Phật. Dự án không cúng trực tiếp tượng Phật cho Chùa.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đưa tạng chàng trai chết não đi 3 miền để ghép cứu người
Gieo mầm thiện 09:30 03/12/2024Trong 24 giờ đợi bác sĩ đánh giá chết não, chàng trai 18 tuổi chuyển biến nặng tưởng chừng tử vong, song đã giữ được nhịp tim đến cùng dưới sự hỗ trợ của máy móc để hiến tạng cứu 7 người.
Chùa Tường Nguyên khởi công xây dựng 2 cầu bê-tông nông thôn tại tỉnh Hậu Giang
Gieo mầm thiện 05:20 02/12/2024Ngày 1-12, Đại đức Thích Minh Phú, Phó Thường trực Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) tổ chức khởi công xây dựng công trình cầu nông thôn tại tỉnh Hậu Giang.
Chùa Bồ Đề - mái ấm nơi cửa Phật
Gieo mầm thiện 10:20 01/12/2024Chùa Bồ Đề ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) là nơi cưu mang những mảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian. Đây không chỉ là nơi tu hành đạo Phật mà còn là mái ấm của những em nhỏ có hoàn cảnh éo le.
Tình nguyện vá đường, hiến máu sau lần sẻ chia ở chùa
Gieo mầm thiện 18:09 30/11/2024Trong 14 năm qua, Phạm Văn Hiếu cùng nhóm tình nguyện đã lặng thầm "vá" hàng ngàn ổ gà tại các tuyến đường trong ngoài thành phố. Không những thế, anh còn hiến máu, hiến tiểu cầu hơn 80 lần và vận động được hàng trăm cùng người tham gia.
Xem thêm