Đức Giáo chủ A Di Đà: Biểu tượng của sự cứu vớt chúng sinh
Đức Phật A Di Đà là giáo chủ cõi Tây Phương Cực Lạc, cách chúng ta đến "mười muôn ức cõi". Đức Phật Thích Ca thấy nhân duyên lớn của chúng sinh ở Ta Bà với Đức Phật A Di Đà và cõi Tây Phương Cực Lạc nên đã giới thiệu pháp môn tịnh độ tới các môn đệ để người hữu duyên tu tập.
A-Di-Đà Phật có nghĩa là vô lượng thọ (sống lâu vô cùng), cũng lại có nghĩa là vô lượng quang (ánh sáng vô cùng). Theo giáo lý nhà Phật, thế giới mà con người hiện đang sống là cõi Sa Bà, là cõi đất không trong sạch. Tại cõi Sa Bà này, con người phải chịu nhiều khổ ải, phiền não, ở về phía tây cõi Sa Bà ấy gọi là Tây Phương Cực Lạc. Ở nơi đó, Đức Phật A Di Đà làm giáo chủ, đang thuyết pháp hóa độ chúng sinh. Trong cõi cực lạc ấy, con người nơi đây sống hạnh phúc, sung sướng… Đối với tất thảy chúng sinh, nguyện vọng lớn nhất trong cuộc đời này đó là được vãng sinh sang miền cực lạc này.
Tiền thân Đức Phật A Di Đà
Thời Đức Phật còn tại thế, có vị quốc vương tên là Kiều Thi Ca sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp liền bỏ ngôi vua xuất gia làm Tỳ-kheo, hiệu là Pháp Tạng. Một hôm, Ngài đảnh lễ Phật cầu xin chứng minh cho Ngài phát 48 lời nguyện. Do nguyện lực ấy, sau này Ngài thành Phật hiệu A Di Đà ở cõi Cực-lạc. (Kinh Đại A Di Đà).
Đức Phật A Di Đà xưa phát 48 lời nguyện lớn, trong đó có lời nguyện sẵn sàng tiếp dẫn chúng sanh nào niệm danh hiệu của Ngài. Dù người ấy chỉ niệm mười câu danh hiệu Ngài, Ngài cũng tiếp dẫn vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc.
Ý nghĩa tượng Phật A Di Đà
Phật là hiện thân của sự an lành, thoát tục; tượng Phật A Di Đà Tượng Phật A Di Đà thường có 2 hình dạng:
Phật A Di Đà trong tư thế ngồi kiết già trên tòa sen, tay bắt ấn thiền.
Tượng Phật A Di Đà đứng trên đài sen, mắt Ngài nhìn xuống, tay mặt đưa lên ngang vai, tay trái duỗi xuống như sẵn sàng chờ đợi tiếp cứu chúng sinh ra khỏi bể khổ trầm luân. Tượng ấy gọi là tượng Di Đà phóng quang. Tay phải của Ngài đưa lên biểu thị tứ thánh (Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật), tay trái duỗi xuống biểu thị lục phàm (Thiên, nhân, A-tu-la, súc sinh, ngã quỉ, địa ngục). Vì thế, tượng Di Đà phóng quang mang ý nghĩa Ngài sẵn sàng tiếp độ lục phàm đưa lên quả vị tứ thánh.
Ý nghĩa hình tượng Đức Phật A Di Đà, chúng ta thấy rõ hơn qua bốn câu kệ tán dương Ngài:
“Ái hà thiên xích lãng,
Khổ hải vạn trùng ba;
Dục thoát luân hồi lộ,
Tảo cấp niệm Di Đà”.
Tạm dịch:
“Sông ái sóng ngàn thước,
Bể khổ dậy muôn trùng;
Kiếp luân hồi muốn thoát,
Sớm gấp niệm Di Đà.”
Đức Phật A Di Đà đang đứng chờ sẵn trong cõi trời, duỗi tay chờ đợi để cứu vớt chúng ta, những chúng sinh đang chìm đắm trong khổ đau. Vậy liệu chúng ta có chịu thức tỉnh, chịu thoát khỏi dòng sông mê ái, để đến với sự cứu vớt của ngài hay không? Hay cứ mãi đắm chìm trong sông mê bể ái. Hình tượng Đức Phật A Di Đà là hình ảnh mong chờ đón tiếp, cứu rỗi chúng sinh. Khi chúng sinh không còn đau khổ thì Ngài sẽ không còn duỗi tay chờ đợi cứu vớt chúng sinh.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, chương Đại Thế Chí niệm Phật có chép: “Các đức Như Lai trong mười phương nhớ thương chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn mẹ thì cái nhớ ấy cũng không ích gì. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con thì mẹ và con trong đời này, trong các đời sau quyết không xa nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật niệm Phật thì trong hiện tại và ở tương lai nhất định thấy Phật, cách Phật không xa…”
Đức Phật A Di Đà luôn luôn hướng về chúng ta, và chúng ta không muốn mãi đắm chìm trong bể khổ thì cần tới tuyệt lực cứu rỗi của Ngài, ngoài việc đến chùa để đảnh lễ Ngài, tụng Kinh, niệm danh hiệu của Ngài, quý Phật tử còn có thể ngắm nhìn hình tượng của Ngài và thường niệm danh hiệu bằng cách thỉnh và thờ tại gia. Bởi đối với Phật tử tu tại gia, việc lập bàn thờ Phật tại gia có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự tu hành tinh tấn, mong thoát khỏi bể khổ sông mê, đến với cõi Tây Phương an lạc.
Thờ Phật là muốn luôn luôn được có bên mình ngọn đèn trí tuệ, hương từ bi của Ngài, để noi gương tu học theo đức hạnh của Ngài, chứ không phải nhằm mục đích cầu cạnh Ngài danh lợi, tiền tài, con cái, giàu sang phú quý, cầu Ngài để thực hiện các việc xấu, trái với đạo lý. Nếu chúng ta thờ Ngài với mục đích sai lạc như vậy thì chúng ta không chỉ làm xấu đi hình tượng của Ngài, xấu đi đức hạnh của Ngài mà chúng ta còn tự tạo cho mình những nghiệp xấu, sẽ theo ta hết đời này tới kiếp khác. Tất cả đều phải thuận theo luật nhân-quả, khế hợp với tâm Từ Bi Hỷ Xả – Vô ngã – Vô cầu của nhà Phật thì việc thờ Phật mới đúng Pháp trang nghiêm, tự khắc sẽ được chư Phật, chư Hộ Pháp thập phương gia trì, phù hộ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thế nào là viên tịch, tân viên tịch và thuận tịch?
Kiến thức 09:00 25/12/2024Nhân có học Tăng, khi đọc bài viết bàn về chữ "Tân viên tịch" không hiểu chắc là nói như vậy đúng hay sai....Chúng tôi cũng thấy cần nói rõ.
Luân hồi trong thần chú Lăng Nghiêm: Năng lực thần chú
Kiến thức 08:46 25/12/2024Thần chú Thủ Lăng Nghiêm còn gọi là Phật Đỉnh Quang Minh Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát Ra hay Bạch Tán Cái tức chỉ cho cái thể dụng rộng lớn của bản lai tự tánh. Bạch là trí tuệ. Tán cái là lòng từ bao la rộng lớn.
Đại sư, Pháp sư, Thái sư nghĩa là gì?
Kiến thức 20:26 24/12/2024Đại sư, Pháp sư, Thái sư là những danh từ chúng ta thường gặp trong các sách về Phật giáo, Đạo giáo và lịch sử.
Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni (bản tiếng Việt)
Kiến thức 10:00 24/12/2024Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni còn gọi là Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú, được đức Thế Tôn thuyết trong kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni. Thần chú này rất mầu nhiệm, oai lực bất khả tư nghì, độ thoát chúng sinh trong sáu đạo luân hồi và lần lượt đều được chứng quả giải thoát.
Xem thêm