Đức Phật đi giữa dòng đời
Ngay sau khi thành tựu đạo giải thoát, Đức Phật làm một vị Khất sĩ, rày đây mai đó, như cánh chim bạt gió đem niềm an vui đến cho mọi người khắp nơi thuộc khu vực Bắc Ấn. Tiếng chuông pháp gióng đến đâu, người người tỉnh ngộ hồi tâm hướng thượng đến đó.
Lớp lớp người đủ mọi thành phần trong xã hội quy ngưỡng Ngài, gia nhập Tăng đoàn, tắm nguồn suối Pháp, an lạc thảnh thơi. Lúc bấy giờ, các tôn giáo khác, vốn bám gốc sâu trong lòng dân bản xứ, cũng lung lay trước ảnh hưởng to lớn của Đức Phật đối với xã hội. Do đó, một số người bắt đầu kỳ thị với Đức Phật và đạo giáo của Ngài, một tôn giáo mới vào thời ấy. Tuy nhiên, với một nhân cách tuyệt vời, với lòng từ bao la như đại dương và sự dấn thân đi giữa dòng đời, hy sinh quên mọi gian khó, Ngài đã cảm hóa được tất cả. Những đặc tính vô song này nơi Đức Phật cảm kích lòng người qua mọi thế hệ, mọi thời đại, cho đến hiện tại và mãi về sau. Ngày nay, lần giở từng trang kinh, chúng ta cảm nhận được tinh thần ấy và đó chính là ngọn đuốc sáng soi đường cho mỗi người trên bước đường học Phật trong mọi thời đại.
Đức Phật có mặt trên cuộc đời như một đóa sen thanh vươn mình lên khỏi bùn lầy tù đọng, tỏa hương thơm ngào ngạt khắp muôn phương. Sen ngát hương dâng đời, thế là đủ; sen không hề nghĩ đến những nỗi khổ khi đứng trong bùn! Đức Phật nhận chân được chân lý, khai mở con đường sáng đem lại an vui cho đời, Ngài nào có quản chi những điều kiện không xứng ý bên ngoài. Thế nhưng, chúng ta cũng nên nhắc lại những khó khăn trong những tháng năm hành đạo của Ngài để tự soi mình, tự nỗ lực hơn trên hành trình theo dấu chân Đức Phật.
Những gian khó do đệ tử Ngài gây nên
Với trí tuệ cao vời và từ bi rộng lớn, chẳng bao lâu trên con đường giáo hóa, Đức Phật tạo nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ khắp vùng Bắc Ấn, nhiều người đã theo Ngài xuất gia tu học. Hầu hết Tăng chúng hết lòng vâng theo lời khuyên dạy của Ngài, tuy nhiên, đôi khi chư đệ tử cũng tạo nên những việc không làm đẹp ý Ngài lắm. Có khi, vị thị giả đi với Ngài cãi lời, bỏ mặc Ngài đi một mình. Kinh kể lại rằng, một lần, Đức Phật cùng với một vị thị giả tên là Nagasamala đang trên đường đi đến Kosala. Khi đến một đường có ngả rẽ, Đức Phật muốn đi đường này mà sư Nagasamala muốn đi lối khác. Đức Phật chỉ con đường đúng nhưng rồi vị ấy cãi lời không nghe. Thế là sư Nagasamala đặt y bát Đức Phật xuống đất giữa ngã ba đường rồi rẽ đi lối khác. Giữa đường sư Nagasamala gặp cướp và bị chúng đánh, đập vỡ bình bát và xé rách thượng y.[1]
Ngay cả trong Tăng đoàn, Ngài cũng gặp sự chống đối của Devadatta, người em họ đầy lòng ganh tỵ. Devadatta đã rắp tâm hại Đức Phật nhiều lần. Lần đầu, Devadatta âm mưu cùng với Ajātasattu cho người bắn tên vào Đức Phật. Không ngờ oai lực của Đức Phật cảm hóa người đó. Lần thứ hai Devadatta thả voi say hại Đức Phật, nhưng với lòng từ ban trải khắp vạn loài, Ngài cũng cảm hóa được voi say Nalagiri. Lần thứ ba, Devadatta đã lăn đá làm Phật bị thương ở chân. Tuy chân bị đau, nhưng Đức Phật chánh niệm tỉnh giác, không phiền não.[2]
Thường thì Đức Phật du hành cùng với một số đông chúng Tỳ-kheo, thế nhưng đôi khi Ngài đi một mình, làm mọi việc một mình, không gọi thị giả, không cần người giúp. Có một lần Đức Phật ở Kosambi, Tăng chúng không hòa thuận, Đức Phật đã ân cần dạy bảo, nhưng các vị không nghe, vẫn bất hoà. Thế là sau khi vào thành khất thực, độ ngọ xong, Ngài dọn dẹp chỗ nằm của mình, cầm y bát, không gọi thị giả, không tin cho chúng Tăng biết, một mình ra đi, không có ai theo cùng.[3]
Những gian khó từ bên ngoài
Với lòng từ bi, vị tha rộng lớn, Đức Phật luôn có tâm bao dung và hài hòa đối với các truyền thống tôn giáo khác. Ngài tuyên bố không tranh chấp với thế gian, không tranh cãi với ai ở đời.[4] Tuy nhiên, các tôn giáo, các triết thuyết vẫn tìm cách chống đối Ngài dưới nhiều hình thức. Có lần Ngài đi đến Thuna, một làng Bà-la-môn. Dân chúng nghe tin, đem trấu và cỏ lấp hết miệng giếng để cho Ngài không có nước để uống.[5] Ngày nay, Tăng Ni xuất gia thường được đón tiếp nồng hậu và được tôn trọng quý mến, chứ thời Đức Phật, ngay cả Ngài và chư đệ tử không phải lúc nào cũng được như vậy. Sự kỳ thị, đố kỵ của các ngoại đạo lắm khi làm Ngài thêm nhọc nhằn, nhưng không vì thế mà Ngài không khởi phát bi tâm. Ngài biết căn tánh chúng sanh và trải lòng từ đến tất cả. Trong kinh kể lại rằng, thuở xưa, khi Đức Phật và chư Tăng đang du hành trên đoạn đường từ Rājagaha đến Nālandā, Ngài và chư đệ tử gặp Suppiya, du sĩ ngoại đạo dùng đủ cách để hủy báng Phật, Pháp, Tăng, còn đệ tử của du sĩ ngoại đạo Suppiya, thanh niên Brahmadatta, lại dùng vô số phương tiện tán thán Tam Bảo. Đức Phật bất động và dạy chúng Tăng không vui mừng khi được khen, không tức tối khi bị chê mà phải xét coi lời khen chê ấy đúng hay sai.[6] Với lòng kiên định, thực hiện mục đích ban vui, cứu khổ cho đời, Ngài bất chấp.
Không những Đức Phật chỉ trải qua nhiều gian khó trong những năm tháng chưa thành chánh giác mà sau khi thành đạo, trên cuộc đời du phương hoằng hóa đạo giải thoát, Đức Phật cũng gặp nhiều vất vả. Tuy nhiên, đối với Ngài, một người có đời sống nội tâm định tĩnh, luôn sống và làm việc không mệt mỏi vì lợi ích cho người khác, khó khăn nào rồi cũng qua.
Sau khi chứng đắc đạo mầu, Đức Phật trải qua một chặng đường dài từ Bodhgaya đến Benares để trình bày những gì Ngài vừa chứng ngộ với năm người bạn cũ đồng tu. Tiếp đó, Ngài độ Yasa và các người bạn. Thế là với 60 vị tỳ-kheo đầu tiên, Đức Phật thành lập nên Tăng đoàn. Với tinh thần “ra đi, vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông”, Ngài đã khuyến khích những người đệ tử đầu tiên này ra đi, mỗi người một ngả, để truyền giảng giáo lý giác ngộ cho mọi người.[7]
Với bức thông điệp đó, Đức Phật cùng chư đệ tử không mệt mỏi trên bước đường du hóa. Phạm vi hoạt động chính của Đức Phật lúc bấy giờ thuộc hai bang Bihar và Uttar Pradesh ngày nay. Những gì được trình bày trong kinh điển Pali cho chúng ta biết rằng Đức Phật chủ yếu du hóa nhiều lần ở các thành phố Savatthi, Vesali và Kosambi. Vào thời xưa, đường sá Ấn Độ chủ yếu là đường đất, thường ngập bụi vào mùa hè cháy bỏng và lầy lội sình bùn vào mùa mưa, rét buốt đến tái tê vào mùa đông lạnh giá. Thêm vào đó là những toán cướp thường xuyên rình chặn các ngả đường, nhất là đoạn đường từ Savatthi đến Sakheta.[8] Trong khi người dân thời đó chỉ đi xa, vượt khó khi nào có công việc thật sự cần thiết, còn Đức Phật, Ngài không quản bao khó khăn, luôn luôn ra đi, vì nghĩ đến sự an lạc cho nhiều người.
Trong một năm, chỉ có ba tháng an cư mùa mưa Ngài dừng chân một chỗ cùng chư Tăng tinh chuyên tu tập, chín tháng còn lại Ngài luôn trên đường du hóa. Dù thời tiết có khi lạnh khi nóng, trời có lúc nắng lúc mưa, Ngài vẫn tinh cần, luôn đến với mọi người để đem bức thông điệp cứu khổ trao gởi cho đời. Địa bàn Đức Phật đi lại trong suốt cuộc đời hành đạo có nhiều sông, thuyền bè đi lại tấp nập, tuy nhiên, vì mục đích giáo hóa, để tạo điều kiện cho nhiều người được gặp, Ngài chỉ đi bộ. Không thấy nơi nào trong kinh đề cập đến Đức Phật đi xe, ngựa gì cả. Cứ thế, đầu đội trời chân đạp đất, tay ôm bát, đơn giản mà oai nghiêm, Đức Phật đi giữa dòng đời.
Đi để mà đi…
Kinh sách ghi lại những cuộc hành trình của Đức Phật có thể giúp chúng ta hình dung lại những nơi mà Ngài đã đặt chân đến. Ví dụ trong 12 tháng đầu tiên sau khi thành đạo, Ngài đi từ Uruvela đến Isipatana qua Gayā và Benares, trải qua ba tháng mùa mưa tại đấy rồi sau đó đến Rājagaha qua Benares, Gayā, Uruvelā và Lativanna. Từ những nơi xác định này, chúng ta có thế tính được Ngài đã đi bộ như vậy ít nhất là hơn 300 km trong mỗi chuyến đi. Chuyến đi dài nhất của Đức Phật là khi Ngài khởi hành từ Rājagaha đi Vesālī, rồi từ Vesali đi Sāvatthī rồi sau đó về lại Rājagaha đi qua Ki ṭāgiri và Avali, cả vòng đi vòng về khoảng chừng 1600 km.[9] Tuy nhiên, kinh không đề cập đến cuộc du hành này cũng như bao cuộc du hành khác mất bao nhiêu thời gian. Chỉ biết rằng, sau mùa an cư Ngài ra đi và liên tiếp trên bước chân không ngừng nghỉ, du phương khắp nơi và chỉ trở về đủ kịp cho mùa an cư tiếp mà thôi.
Theo Kinh Đại Niết Bàn,[10] Đức Phật bắt đầu chuyến du hành lần cuối cùng từ thành Rājagaha đến Kusināra qua Nālandā, Patna và Vesālī. Đoạn đường dài khoảng 300 km. Kinh ghi rằng Đức Phật rời Vesālī vào cuối mùa mưa an cư (tháng 10) và Ngài đến Kusināra và nhập Niết-bàn vào ngày trăng tròn tháng Vesak (tháng 5). Như vậy là Ngài mất 7 tháng để đi một đoạn đường 95 km. Có lẽ lúc này Ngài đã già yếu nhiều. Tuổi đã 80. Do vậy, từ Pava về Kusināra chỉ chừng 10 km, Đức Phật dừng nghỉ 25 chỗ trên dọc đường đi.Tuy nhiên, Ngài luôn thong thả trên những đoạn đường đi qua. Hễ ai có thắc mắc gì, Ngài ân cần dạy bảo, giải đáp thỏa đáng cho họ, vì mục đích của Ngài không phải là đi để đến một địa điểm nào đó mà là đi để giảng dạy giáo pháp cho người.
Mỗi buổi sáng, Đức Phật đi đến một ngôi làng gần chỗ trú ngụ để khất thực. Sau đó Ngài thọ trai, rồi tìm một nơi vắng tĩnh tọa. Xế chiều, khi trời dịu mát Đức Phật lại lên đường, nếu như không có việc gì cần ở lại. Đến chiều tối, Ngài dừng bước nghỉ ngơi. Nếu có ngôi làng hay khu rừng nào gần đó có thể nghỉ tạm qua đêm, Ngài sẽ nghỉ ở đấy.
Ngài trú lại một nơi nào đó trong thời gian dài hay ngắn tùy thuộc vào nhiều yếu tố: dân làng có nhiều vấn đề thắc mắc muốn hỏi Ngài hay không; người ta đến nghe pháp đông không; thức ăn và nước uống có khan hiếm lắm không, môi trường có thuận tiện không. Có nhiều lúc Ngài đi đến những nơi hẻo lánh, nơi thức ăn khan hiếm, không tìm ra nước uống, không tìm được chỗ trú thân, nhưng có người cần sự có mặt của Ngài, thế là lòng từ bi của Ngài vượt qua mọi chướng ngại. Đường sá nhiều đoạn vô cùng gian nan hiểm trở. Thế nhưng với tâm kiên định, với lòng từ mẫn, thương chúng sanh khổ đau như người mẹ thương đứa con duy nhất của mình, Ngài đã không từ gian khó, không quản nhọc nhằn, luôn đi đến từng hang cùng ngõ hẻm, giảng đạo mầu cứu khổ nhân sanh. Luật có ghi rằng trong lần đầu tiên đến thành Rājagaha, Đức Phật đã rút ngắn thời gian lưu lại vùng này khi dân chúng phàn nàn vì quá nhiều người nam bỏ gia đình đi theo Ngài làm Tỳ-kheo.[11] Điều này phản ánh sự linh động, tùy cơ ứng biến của Đức Phật trên đường vân du của Ngài.
Du phương vì tâm từ đối với nhân gian
Đức Phật luôn duy trì cuộc sống du phương trong suốt cuộc đời hành đạo của Ngài. Với cách giảng dạy này, người nghe, người học sẽ tiếp thu tốt hơn, hiểu pháp nhanh hơn và thực hành đạt kết quả hơn qua sự tiếp xúc trực tiếp với Ngài. Rất nhiều bài kinh diễn tả, ngay sau khi nghe pháp, thính chúng tại pháp hội ấy chứng quả Thánh, có lẽ phần nào nhờ vào cách tiếp cận dân chúng trong tinh thần hòa đồng này. Chỉ cần thấy Ngài trong tư thái thong dong của một bậc giải thoát, lòng người đủ an tịnh rồi. Với oai lực nhiệm mầu, với tâm từ ái vô biên, với khả năng thấu hiểu mọi trình độ căn cơ của thính chúng, lời dạy của Ngài có tác dụng rất lớn trong việc đánh động tâm thức người nghe. Do đó, chỉ bằng cách du phương hóa đạo, Ngài mới tạo được nhiều cơ hội cho dân chúng gặp gỡ Ngài.
Là một bậc giáo chủ, Đức Phật vẫn mãi đi giữa dòng đời, chịu vất vả nhiều mặt. Thời ấy có một số tịnh xá, nổi tiếng nhất là Kỳ Viên (Jetavana) và Trúc Lâm (Veḷ uvana), có điều kiện sinh hoạt rất phù hợp cho đời sống thanh bần của người xuất gia, Ngài cũng chỉ trú lại đây trong các mùa mưa an cư mà thôi. Một khi ra đi, những tiện nghi trong sinh hoạt lắm lúc không sẵn có. Có khi Ngài tạm lưu trú trong trong một lều cỏ, có lúc tiện đâu ngả lưng đấy. Có lần Ngài lưu lại trên một thảm cỏ trải trong nhà làm đồ gốm của ngoại đạo Bhāradvāja.[12] Dịp khác, khi Ngài đang ở Kapilavatthu, Ngài không tìm được chỗ ngụ, đành trải một tấm vải trên nền đất trong am của du sĩ Bharanda để nghỉ đỡ qua đêm.[13] Thường thì Ngài nghỉ đêm trong các vườn xoài như những vườn xoài ở miền Bắc Ấn chúng ta thấy hiện nay. Có dạo ở Alavi, thấy Ngài nghỉ trong cảnh màn trời chiếu đất, lót lá trong rừng nghỉ lưng như vậy trong tiết mùa đông lạnh giá, hoàng tử Hattaka tình cờ gặp đã hỏi Ngài có cảm thấy an lạc không. Ngài đáp: “Đúng, ta sống rất an lạc, ta rất hài lòng. Và những ai cảm thấy an lạc ở đời, Ta là một trong số những người ấy”.[14]
Những gì Đức Phật nói và làm chứng tỏ Ngài vui với tâm thanh thoát, tâm không nhuốm dòng đời. Tâm Ngài an lạc thì có sá gì cái không tiện nghi của điều kiện bên ngoài, cái khó khăn về vật chất. Cái khổ của tham ái, cái khổ nhiệt não cột trói chúng sanh vào vòng sanh tử mới thật là khổ. Khổ không thấy được bản chất như thật của vạn pháp để rồi trôi lăn trong vòng luân hồi vô tận mới là đáng nói. Do đó, dù đang trong tiết mùa đông, tuyết rơi phủ đất, Ngài chỉ lót lá đơn sơ vừa đủ cho một chỗ nằm. Gió lùa từng cơn, từng cơn trong rừng thưa lá, với tấm vải cà sa mỏng manh, Đức Phật vẫn sống an lạc vì Ngài có cái an của giải thoát, cái lạc của nội tâm không bị tham ái thiêu đốt và đó là hạnh phúc tối thượng ở đời. Còn đối với những người sống trong nhà cao cửa rộng, kín cổng cao tường, nằm trên nệm êm gối ấm, kẻ hầu người hạ, vợ đẹp con xinh, thì có vui gì đâu khi bị tham sân si đốt cháy suốt ngày đêm không lúc nào ngừng nghỉ?
Chính nếp sống vân du, thanh bần, giản dị này có sức cảm hóa mãnh liệt, là bài pháp sống động cho mọi người. Những lời đối đáp của Đức Phật với hoàng tử Hattaka là tiếng chuông đánh thức, không chỉ cho người trực tiếp nghe Ngài trả lời mà cho tất cả chúng ta. Khái niệm “khổ”, “vui” theo cái nhìn của phàm phu thật giới hạn, nhỏ hẹp trong các nhu cầu vật chất thế gian và những thú vui trần tục. Chỉ có những bậc giải thoát giác ngộ mới hướng đến sự an lạc thật sự của nội tâm. Do đó, Ngài từng nói, đời sống gia chủ đầy những chướng ngại, đời sống xuất gia phóng khoáng như gió thoảng hư không.[15]
Quan điểm “ra đi vì sự an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông” là sợi chỉ thắm xuyên suốt trong suy nghĩ và hành động của Ngài trong suốt 45 năm hành đạo không có một phút giây ngơi nghỉ. Ngài biết mọi người cần sự có mặt của Ngài, cả gia chủ cư sĩ và Tăng Ni xuất gia, nhất là những người mới nhập đạo. Ngài thường cân nhắc: “Ta đã củng cố được chúng Tỳ-kheo vững mạnh. Tuy nhiên, có một số Tỳ-kheo mới xuất gia, sống trong Pháp và Luật chưa được bao lâu. Nếu những người này không thấy ta, tâm họ có thể thay đổi, như con bê, nếu không thấy mẹ, có thể thay đổi; như hạt giống non, nếu không có nước, có thể thay đổi. Trước đây ta đã từng giúp đỡ chúng Tỳ-kheo thế nào, thì nay đối với những vị mới vào đạo này, ta cũng sẽ giúp đỡ như vậy.”[16] Do đó, Ngài thường xuyên lui tới, nhắc nhở những vị Tỳ-kheo mới. Những vị mới xuất gia chưa có duyên may diện kiến Đức Phật rất khát khao được thấy Ngài.[17] Chư Tỳ-kheo lâu ngày không được gặp Ngài, họ cũng mong mỏi không kém. Hễ có cơ hội là họ cùng nhau đến đảnh lễ Ngài. Có khi một nhóm đông đến 500 vị Tỳ-kheo đi từ đường xa đến yết kiến Ngài.[18]
Không lúc nào ngừng nghỉ, Ngài vẫn tiếp tục ra đi, ngày đi đêm nghỉ. Có khi Ngài đi qua một vùng, sau một thời gian lâu, lắm lúc mấy năm, Ngài mới có dịp quay trở lại. Do đó, mỗi lần dân chúng được gặp Ngài, họ vui mừng hơn cả trời nắng hạn nhiều năm có được cơn mưa. Khi Ngài sắp ra đi, họ buồn rầu không biết khi nào Ngài quay trở lại để được gặp Ngài, nghe pháp. Họ trông mong được nhìn thấy hình bóng an tịnh của Ngài, bất cứ khi nào, ở đâu. Một lần, có hai người thợ mộc, khi nghe tin Ngài sắp đi, họ đến thưa: Khi Thế Tôn sắp rời khỏi Savatthi để du hành đến xứ Kosala, chúng con cảm thấy không hoan hỷ, buồn rầu, nghĩ rằng: Thế Tôn sẽ ở xa chúng con. Khi Ngài đi khỏi, chúng con cũng buồn rầu vì Ngài đã ở xa chúng con.[19]
Có khi nhiều nhóm người từ những nơi xa đến viếng Đức Phật. Có một lần khi Đức Phật đang ở tại Vesālī, một nhóm bà la môn từ Magadha, một nhóm khác từ Kosala, có cả người Licchavi cùng đến yết kiến Đức Phật. Gặp lúc Ngài đang chỉ tịnh, họ đợi đến khi yết kiến được Đức Phật, nghe được pháp rồi mới chịu đi.[20] Ngài đến rồi đi như cánh chim ngàn, lắm lúc người ta không biết chính xác Ngài đang ở đâu. Trong Kinh Tập kể câu chuyện 16 người đệ tử của du sĩ Bavari, đang trú tại miền Bắc Ấn, muốn diện kiến Đức Phật. Ban đầu, họ nghe tin Đức Phật đang trú tại Savatthi, họ “bện tóc, mặc áo da thú”, băng qua Kosambi và Saketa, thẳng đến đó để yết kiến Ngài. Đến nơi, họ biết Đức Phật vừa rời khỏi Savattthi. Họ lần theo lộ trình Ngài đi, qua Setavya, Kapilavatthu, Kusināra, Pāvā và Vesālī. Cuối cùng họ gặp được Ngài ở đền thờ Pasanaka. Niềm vui mừng của họ khi gặp Ngài được diễn tả “giống như người khát nước gặp được nguồn nước trong mát; giống như người đi buôn được món lời lớn; giống như đang trên đường nóng bức gặp được tàng cây mát.” [21]
Dấn thân đi giữa dòng đời, Đức Phật đã thiết thực đem lại lợi ích an vui cho nhiều người. Chính cách du hành tùy duyên hóa đạo như thế, Ngài đã làm chiếc cầu nối cảm thông cho bao con người đau khổ tìm về nẻo sáng. Chính sự vân du đây đó như mây ngàn gió nội, Ngài là ánh dương chiếu rọi nhân gian cho ánh sáng ngập tràn, giúp bao người thoát khỏi rừng mê u ám. Ngài là hiện thân của trí tuệ và từ bi đi vào cuộc đời để đưa bao người qua biển khổ trầm luân. Chính sự dấn thân, coi thường gian khó, Ngài đã san bằng được những hố thẳm bất công trong xã hội mà chiếc gông phân biệt giai cấp đã nghiệt ngã đè lên đầu người dân Ấn Độ vào thời bấy giờ. Ngay từ lúc thành đạo đến giây phút cuối cùng trước khi vào Niết-bàn, Ngài luôn trên bước đường du hóa, thực hiện chu toàn sứ mạng cứu khổ ban vui cho đời. Gương hạnh của Ngài, vượt không gian vô tận, thời gian vô cùng, luôn tỏa sáng trên vạn nẻo đường từ ngàn xưa mãi đến ngàn sau.
Chú thích:
[1] Kinh Phật tự thuyết , Chương 8, Phẩm Pātaligāmiya, mục VII(Ud. 90)
[2] Kinh Tương Ưng , tập I, chương I, phẩm 4, mục 8: Miếng đá vụn.
[3] Kinh Tương Ưng, tập III, Chương I, mục 9: Parileyya.
[4] Kinh Trung bộ, tập I, Kinh số 18: Kinh Mật Hoàn.
[5] Kinh Phật Tự Thuyết, Chương 7, phẩm Nhỏ, mục IX (Ud.78)
[6] Kinh Trường bộ , tập I, Kinh số 1: Kinh Phạm Võng.
[7] Luật tạng, tập IV, tr. 20.
[8] Luật tạng, tập IV, tr. 87.
[9] Luật tạng, tập IV, tr. 189.
[10] Kinh Trường bộ, tập I, số 16: Kinh Đại bát Niết Bàn.
[11] Luật tạng, tập IV, tr. 43
[12] Kinh Trung bộ, tập II, số 75: Kinh Magandiya
[13] Kinh Tăng Chi, tập I, chương 3 pháp, phẩm 13, mục 124: Bharandu
[14] Kinh Tăng Chi, tập I, chương 3 pháp, phẩm 4, mục 34: Về Alavì
[15] Kinh Trường bộ, tập I, số 2: Kinh Sa môn quả.
[16] Kinh Tương Ưng Bộ , tập III, mục 8: Người khất thực.
[17] Kinh Phật Tự Thuyết, phẩm 5,mục 6 (Ud. 57).
[18] Kinh Trung bộ, tập II, số 67: Kinh Catuma.
[19] Kinh Tương Ưng, tập V, Chương 11: Tương ưng dự lưu, mục 6: Các người thợ mộc.
[20] Kinh Trường bộ, tập I, số 6: Kinh Mahali.
[21] Kinh Tập, chương 5, phẩm Con đường đến bờ kia, kệ 1006-1014.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đức Phật là người Thầy giáo vĩ đại
Đức Phật 12:00 20/11/2024Bản chất của đạo Phật là một nền giáo dục trí tuệ nhân văn vĩ đại, đức Phật là người thầy giáo vĩ đại của nhân loại.
Đức Phật lịch sử
Đức Phật 08:45 20/11/2024Đức Phật là bậc đạo sư của Phật giáo, tuy nhiên, không giống những vị giáo chủ các tôn giáo khác gắn liền phần tiểu sử của mình với những huyền ảo bí ẩn, cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có cả phần huyền sử và phần lịch sử.
Đức Phật đến với chúng ta
Đức Phật 09:12 05/11/2024Chúng sinh hay hữu tình là những loài bị trói, không phải bởi một giây phiền não, mà cả trăm giây phiền não, cả ngàn giây phiền não, cả vô số vô biên giây phiền não.
Đức Phật: Nơi quy ngưỡng của tâm thức nhân loại
Đức Phật 11:05 28/10/2024Trong muôn vàn những phát biểu trang trọng mà nhân loại trên hành tinh đã dành để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, có hai nhận định quan trọng nói về cuộc đời giác ngộ của Ngài, có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Liên Hiệp Quốc quyết định chọn Vesak làm ngày kỷ niệm và tôn vinh Ngài.
Xem thêm