Đức Phật đối trước bạo lực
Bạo lực, một trong những vấn nạn trầm trọng của thời hiện đại mà nhân loại phải đối mặt từng ngày, từng giờ trong cuộc sống nhiều bất trắc, lắm hiểm nguy. Có thể thấy rõ càng ngày con người càng sử dụng bạo lực nhiều hơn để giải quyết những yêu sách theo tham vọng, si mê, sân hận của họ.
Tuy nhiên, không phải chỉ trong thời đại ngày nay, bạo lực mới xuất hiện. Lịch sử cho thấy việc giáo hóa độ sanh của Đức Phật cũng đã không ít lần, Ngài chạm trán với những kẻ ác sử dụng bạo lực để sát hại Ngài dưới nhiều hình thức khác nhau.
Thật vậy, ngay từ lúc Đức Phật sắp thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác, ma vương và hàng tùy tùng đã xuất hiện và dùng nhiều trò bạo lực để phá hoại sự chứng đắc Thánh quả của Đức Phật. Ma vương dụ dỗ Phật rằng nếu Ngài rời bỏ con đường thánh thiện, chúng sẽ cho Ngài cuộc sống sung mãn. Đức Phật thản nhiên lặng thinh. Đối với Đức Phật, cuộc sống xa hoa bậc nhất của bậc đế vương, Ngài đã phủi bỏ rồi mà.
Ma vương liền dùng thần thông hiện ra người thân của Phật bị ma hành hạ để khủng bố tinh thần Ngài. Với trí tuệ của bậc Toàn giác, Ngài thấy đó chỉ là màn kịch của ma vương dựng lên, nên Ngài hoàn toàn thanh thản trước những thủ đoạn gian xảo của chúng ma.
Ma vương tiếp tục uy hiếp Phật bằng những trận mưa đao, giông bão sấm sét ngập trời, nhưng chúng vẫn không lung lạc được định lực kiên cố của Phật. Chúng lại dùng nữ sắc múa may khêu gợi trước Phật. Nhưng trí tuệ của Phật đã thấu rõ thật tướng các pháp, thì thân hình mà chúng gọi là đẹp đẽ của ma nữ chẳng qua chỉ là những đãy da hôi thúi mà thôi.
Qua một vài sự kiện nêu trên của ma dùng tấn công Phật, chúng ta thấy rõ cách ứng xử của Ngài hoàn toàn nhẹ nhàng, thanh thản, tâm Phật không bị dao động, không bị khiêu khích, không sợ hãi, không bị dụ dỗ, vì Phật luôn an trụ trong chánh định. Vì vậy, mọi sự khủng bố, bạo lực chẳng hề tác hại được Phật, mà dội ngược về chúng ma, ví như người tung bụi ngược gió vậy.
Trên bước đường giáo hóa độ sanh của Đức Phật, chúng ta thấy không phải Ngài bị bạo lực tấn công, mà chính Đức Phật có lần đã chủ động trong việc tìm đến người sử dụng bạo lực với Ngài. Thật vậy, đây quả là tình huống đặc biệt thể hiện cách giáo hóa tuyệt vời của Phật với kẻ ngoại đạo có thể coi là người ác tâm đệ nhất và sử dụng bạo lực bậc nhất thời bấy giờ. Đó là ba anh em Ca Diếp, đứng đầu là Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp.
Sau khi độ năm anh em Kiều Trần Như đắc Thánh quả, Phật đã một mình một bóng tìm đến thôn Ưu Lầu Tần Loa, xin tạm trú. Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp rất mừng, nghĩ rằng Phật đã tới số, nên tìm đến ông để nộp mạng. Ông ta cho Phật ở trong hang nuôi rắn chúa hổ mang mà ông dùng để giết người. Sáng hôm sau, ông đến hang để xem Phật đối phó với rắn chúa như thế nào và ông vô cùng kinh sợ khi thấy Phật vẫn điềm nhiên ngồi tĩnh tọa, còn rắn chúa đã bị Phật thu nhỏ bỏ vô bình bát.
Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp quá khiếp phục thần lực của Phật, nên đã quỳ xuống xin được làm đệ tử của Phật và ông nói với đồ chúng rằng từ trước đến nay, mọi người coi ông là Thánh, nhưng nay ông biết Phật mới thực sự là vị Thánh. Năm trăm đệ tử của ông cùng với năm trăm đệ tử của hai người em đều xin quy y Phật.
Cảnh giác với bạo lực tôn giáo
Lần đầu tiên chúng ta thấy Phật sử dụng thần lực. Có thể hiểu thần lực của Phật là kết tinh của trí giác vô thượng và tâm từ bi vô cùng, chẳng những Ngài đã vô hiệu hóa bạo lực của Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp, mà còn cảm hóa ba anh em Ca Diếp chỉ sau một đêm trở thành đệ tử đắc lực của Phật. Bằng trí tuệ của bậc Toàn giác, Đức Phật thấy rõ khả năng rất giỏi và nhiệt tâm cầu đạo của Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp, nhưng vì không gặp được bậc Đạo sư đúng đắn chỉ dạy, nên ông đã đi vào đường tà, nuôi dưỡng tâm ác và hành động ác. Nay với lòng từ bi vô lượng của Phật, Ngài đã chuyển hóa ông và hai người em cùng một ngàn đồ chúng trở về Chánh đạo theo Phật.
Ngoài ra, một sát nhân nổi tiếng thời Phật tại thế là Vô Não cũng đã buông dao, bỏ ý định hại Phật và xin Phật nhận làm đệ tử, chỉ với câu nói giáo hóa của Phật thật đơn giản rằng Như Lai đã dừng lại, còn ngươi, sao không dừng lại. Câu nói tràn đầy tình thương vô ngã vị tha của Phật đã tạo thành tần số truyền thẳng vào chơn tâm của sát nhân Vô Não, khiến anh ta bừng tỉnh, lập tức quay đầu, hướng thiện.
Chẳng những Phật vô hiệu hóa sự chống đối, sát hại bản thân Ngài, mà Phật còn vô hiệu hóa bạo lực ở đỉnh cao của hai đạo quân dàn trận giết nhau. Ngài ôn tồn phân tích cho quân lính hai bên rằng việc tranh giành dòng sông giữa hai bộ tộc bằng chiến tranh không thể giải quyết tận gốc vấn đề, mà chỉ gây thêm chết chóc, khổ đau, thương tật cho hàng vạn quân và dân chúng mà thôi. Cả hai bộ tộc đã nghe lời Phật dạy, cùng tương nhượng quyền lợi với nhau, đưa đến giải pháp hòa hợp, hòa bình, an lạc cho cả đôi bên.
Như chúng ta đều biết, bước chân du hóa của Phật không phải chỉ có thảm nhung trải ra mời đón, mà song hành với Ngài là ác nhân nổi danh Đề Bà Đạt Đa. Ông ta luôn tìm cách sát hại Phật. Trong vô số việc ác của Đề Bà Đạt Đa nhắm đến Phật, việc làm ác độc nhất mà sử sách còn lưu truyền rằng ông đã phô diễn thần thông cho vua A Xà Thế tin theo. Ông xúi vua A Xà Thế soán ngôi vua cha và hạ bệ Phật để ông lãnh đạo Tăng đoàn. A Xà Thế nghe lời Đề Bà Đạt Đa thả voi say hại Phật, nhưng đạo lực của Phật phát xuất từ tâm từ bi vô hạn của Ngài đã cảm hóa voi say phủ phục dưới chân Phật. Một lần nữa, hành động sát hại Phật của Đề Bà Đạt Đa đã không thành công.
Bạo lực trong lời nói, tư tưởng cũng gây nghiệp
Với trí tuệ của vị Toàn giác, Ngài thấu rõ nhân duyên giữa Ngài và Đề Bà trải qua nhiều đời, Phật cho biết không phải chỉ trong hiện đời này, mà nhiều kiếp quá khứ trước, Đề Bà Đạt Đa đã từng sát hại Phật. Nhưng sau mỗi lần Đề Bà thất bại, thì đức hạnh của Phật càng sáng ngời hơn, uy đức của Ngài càng cao tột hơn, khiến cho việc làm ác độc, sân hận, ganh ghét của Đề Bà càng tô thêm nét đẹp cho hành động từ bi của Phật phát xuất từ trí tuệ tuyệt vời và nhẫn lực vô song của bậc Thánh giả hiện hữu trên cuộc đời này, chỉ vì lợi ích cho số đông, lợi ích cho chư Thiên và loài người.
Chính vì vậy, Đức Phật được tôn thờ như một sứ giả hòa bình vô thượng. Ngài dạy rằng: “Này các Tỳ-kheo, Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta. Này các Tỳ-kheo, một vị thuyết Chánh pháp không có tranh luận với một ai ở đời” (Tương ưng III, 165).
Mục đích thuyết pháp của Ngài không có tranh luận, tranh thắng. Ngài chỉ dạy con đường thoát khỏi khổ đau, đưa đến giác ngộ, giải thoát. Người hay sân hận, Phật dạy họ lòng từ để hóa giải, được an lạc. Người hay làm hại người khác, Phật dạy họ lòng bi để sự sống của chính mình được tốt đẹp. Với người không hoan hỷ trước thành công của người khác, Phật dạy lòng hoan hỷ để họ biết được niềm vui chia sẻ hạnh phúc với người khác. Với người thích trả thù, Ngài dạy xả để tiêu trừ lòng thù hận.
Và còn vô số lời dạy và việc làm thánh thiện của Đức Phật, đấng đại từ bi, bậc Toàn trí, Toàn giác, có thể soi đường dẫn bước cho chúng ta an trú trong chánh định, luôn tỉnh giác trong hành động, lời nói và suy nghĩ của mình. Và đó chính là hành trang tốt đẹp giúp chúng ta kham nhẫn, hoằng dương Chánh pháp, an nhiên tự tại đối trước bạo lực trong đời ngũ trược ác thế này.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đức Phật: Nơi quy ngưỡng của tâm thức nhân loại
Đức Phật 11:05 28/10/2024Trong muôn vàn những phát biểu trang trọng mà nhân loại trên hành tinh đã dành để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, có hai nhận định quan trọng nói về cuộc đời giác ngộ của Ngài, có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Liên Hiệp Quốc quyết định chọn Vesak làm ngày kỷ niệm và tôn vinh Ngài.
Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya
Đức Phật 09:00 11/10/2024Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.
Những đức tánh của Phật
Đức Phật 17:40 02/10/2024Luận Nhiếp đại thừa viết: Đức tánh của Phật đà có 7 thứ mà ai niệm Phật cũng phải tưởng niệm những đức tánh ấy.
Bốn loại biện tài của Phật
Đức Phật 11:20 24/09/2024Biện tài của Phật vô ngại, đó là đạt đến cứu cánh viên mãn. Trên Kinh, Phật vì chúng ta giải thích biện tài có 4 loại: Nghĩa, Pháp, Từ vô ngại, Lạc thuyết.
Xem thêm