Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 07/11/2017, 10:51 AM

Đừng vướng bận khen chê!

Phật dạy rằng: Đa số người phàm khen Phật đều căn cứ trên hình tướng vì thấy Phật giữ giới, ăn ngày một bữa, mặc ba lá y, ở dưới gốc cây, sống không gia đình... Phật cho đó là hình tướng bên ngoài không quan trọng, tối quan trọng là chỗ "Phật biết tất cả mà không chấp".

HỎI: Thưa Thầy, lúc Phật còn tại thế, một hôm Ngài cùng các tỳ kheo đi khất thực trở về tinh xá. Có hai thầy trò ngoại đạo đi theo sau Phật. Trên đường đi, thầy thì dùng đủ lời chê bai chỉ trích Phật, ngược lại trò cũng tìm đủ cách để tán thán Phật. Các vị tỳ kheo cùng đi với Phật thắc mắc bàn tán tại sao cũng là đức Phật mà thầy thì chê, trò lại khen? Nhân đó Phật nói: “Người thầy chỉ trích Phật như thế không đúng và người trò tán thán Phật như thế cũng không đúng. Chỉ có bậc Thánh và đệ tử bậc Thánh mới biết khen Phật”. 

Xin Thầy chỉ cho chúng con rõ lời chỉ trích và tán thán của hai thầy trò ngoại đạo không đúng ở chỗ nào, bậc Thánh và đệ tử bậc Thánh tán thán Phật như thế nào là đúng?  

ĐÁP: Câu chuyện này xuất xứ từ kinh Phạm Động trong trường A Hàm. Trước tôi nói chỗ không đúng của sự chỉ trích và tán thán của ngoại đạo. Tất cả mọi sự khen chê của phàm tình đều xuất phát từ tình cảm. Đối với người mà mình đã có ác cảm thì dù cho họ có làm điều gì tốt, điều phải mình vẫn làm lơ, có khi không hợp ý còn đem ra phê bình chỉ trích. Đối với người mà mình đã có cảm tình đã thương rồi, dù họ có làm điều gì sai quấy cũng không phê phán, lại còn tìm cách bênh vực. 

Tình cảm nó chi phối con người rất mạnh, chúng ta khen và ủng hộ ai chẳng qua người đó làm lợi ích cho chúng ta. Ngược lại, chúng ta chê trách ai, chẳng qua người đó làm thương tổn chúng ta, đối với người đã làm thương tổn mình chút ít, làm lợi làm tốt với mọi người, chúng ta vẫn thấy họ tốt như thường, miễn có lợi cho mình là tốt. Đó là chỗ khen theo tình cảm của con người mà đa số bị kẹt, nó không có lẽ thật.

Bây giờ tôi nói về chỗ khen chê như chỗ Phật nói. Phật dạy rằng: Đa số người phàm khen Phật đều căn cứ trên hình tướng vì thấy Phật giữ giới, ăn ngày một bữa, mặc ba lá y, ở dưới gốc cây, sống không gia đình... Phật cho đó là hình tướng bên ngoài không quan trọng, tối quan trọng là chỗ "Phật biết tất cả mà không chấp". Tại sao nói là tối quan trọng? Vì giá trị của con người thường được đánh giá trên hình thức, trên hành động, mà ít được nhìn thấu đáo tường tận ở nội tâm. Có nhiều người dáng vẻ bên ngoài rất nghiêm trang nhưng nội tâm lại xao xuyến. Ngược lại, có những người hình tướng có thể thô tháo nhưng tâm họ lại tốt hay. Cũng như có nhiều loại trái cây da bên ngoài chín đỏ mà ruột thì chưa chín, lại cũng có những loại trái cây ngoài vỏ xanh trong ruột đã chín.
 
Điều đó nói lên rằng, có những người thấy dáng bên ngoài dường như rất tốt, nhưng gần họ thì thấy tâm họ không tốt, vì vậy mà người ta dễ chán, dễ có niệm "trước trọng sau khinh". Lại có người mới tiếp xúc thấy họ lợt lạt khô khan, nhưng gần lâu mới thấy được tâm chân chính trong sáng của họ, càng thêm kính mến. Như vậy, mới thoáng nhìn qua, mà đặt vấn đề khen chê thì quá nông nổi. Phê bình chính đáng là phải hiểu rõ người đó. Theo Phật, giá trị con người không phải ở hình thức như giữ giới, ngày ăn một bữa, mặc chỉ ba lá y... mà phần tinh thần và trí tuệ mới quan trọng. 

Trí tuệ là biết tất cả mà không chấp. Ngoại đạo họ thấy tới đâu là chấp tới đó. Từ cái chấp ấy mà họ đặt ra thuyết thường thuyết đoạn rồi luận chiến nhau. Phật biết tất cả và còn biết hơn ngoại đạo đã biết, nhưng Ngài không chấp không dính mắc, đó là cái đáng khen mà người thế gian không biết để khen. Chỉ có bậc Thánh và đệ tử bậc Thánh mới biết được điều đó để khen. Khen đó là cái khen chân chính của người trí tuệ.

Giả sử có người nói rằng: Tôi tu hạnh Bồ Tát, làm lợi ích cho nhiều người, những chuyện gì khó làm tôi làm... Nghe họ nói như vậy, quý vị khen họ là Bồ Tát. Khen như vậy có chín chắn không? Chúng ta phải chờ xem họ có thật là Bồ Tát vì mọi người làm lợi ích hay vì danh lợi? Khi biết chắc họ thực hành hạnh Bồ Tát rồi, thì lời khen mới xứng đáng. Hoặc có người có ác cảm với một tu sĩ nào đó nói: "Thầy đó tu hành lôi thôi, tư cách không đúng đắn". Một số người nghe vậy liền ùa theo chê thầy đó thế này thế kia. Thật sự thì những người ấy chưa biết gì về vị tu sĩ này, vậy mà cứ chê. Sự chê bai phê phán đó không đúng. 

Ở đời người ta hay đánh lừa thiên hạ, cứ nhìn qua hình tướng hoặc nghe qua dư luận, rồi khen, rồi chê không cần biết đúng hay sai. Vì vậy mà Phật dạy: Khen chê đều chưa đến lẽ thật, đừng nghe chê vội giận, đừng nghe khen vội mừng, mà phải biết nghe và tự xét lại mình. Người thế gian thường khi bị chê liền phản ứng, tức tối bực bội, không vui... Ngược lại được khen thì vui vẻ tươi cười. Đa số chúng ta đều đang mắc kẹt chỗ này. 

Ở trong bối cảnh đó, Phật nhắc chúng ta đừng vướng bận sự khen chê, mà phải thấu đáo tâm trạng của người, thì sự khen chê mới có giá trị. Nếu nghe chê liền buồn, nghe khen liền vui là bị thế gian bẩy gạt. Thế nên Phật nói: “Chỉ có bậc Thánh, đệ tử bậc Thánh mới biết chỗ đáng khen của Phật để khen”. Còn những hình thức về giới luật, chưa đáng để khen.

Hòa thượng Thích Thanh Từ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm sao con chuyển hóa được niềm đau trong con thành sự an lạc và tĩnh lặng?

Hỏi - Đáp 15:00 26/04/2024

Hỏi: Thưa Thầy, khi con nhìn thấy Thầy, con cảm nhận được sự định tĩnh và niềm an lạc nơi Thầy, nhưng đồng thời con lại thấy một niềm đau trong con…Con muốn được như Thầy. Làm sao con có thể chuyển hóa niềm đau trong con thành niềm vui, sự an lạc và tĩnh lặng như Thầy?

Sinh viên ở trọ có thể tu tập như thế nào?

Hỏi - Đáp 12:10 26/04/2024

Sau những khóa tu dành cho học sinh – sinh viên, bước đầu chập chững học Phật có rất nhiều bạn sinh viên băn khoăn về hoàn cảnh ở trọ, ở tập thể rất đông đúc và ồn ào…Như vậy tâm muốn hướng về Phật, muốn ăn chay, đọc kinh, tu hành nhưng làm sao để hòa hợp với hoàn cảnh sống?

Siêu độ là gì? Người đã vãng sanh có cần lập bài vị siêu độ không?

Hỏi - Đáp 09:30 26/04/2024

Hỏi: Ý nghĩa siêu độ là gì? Người có thoại tướng, cứ cho là đã vãng sanh, sau này còn phải lập bài vị siêu độ cho họ nữa không ạ?

Làm sao để giữ giới không sát sanh?

Hỏi - Đáp 17:30 24/04/2024

Hỏi: Tôi là một Phật tử tại gia, tốt nghiệp đại học Nông nghiệp và hiện công tác tại trạm bảo vệ thực vật huyện (chuyên phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng). Tôi cảm thấy rất mâu thuẫn và bất an bởi công việc mình đang làm phạm vào giới sát (vì hàng ngày hướng dẫn nông dân diệt trừ sâu bọ).

Xem thêm