Giác Ngộ là khi hiểu được mình
Bạn đã bao giờ tự hỏi mình rằng mình đã thực sự hiểu mình? Nếu chưa thì ta rất dễ tự làm khổ mình và làm khổ người, sẽ không có được tầm nhìn, sự hiểu biết, không thông tỏ hết vạn sự bên ngoài và không đạt đến chứng ngộ và giải thoát trọn vẹn.
>>Những giáo lý Phật giáo nên đọc
Phật giáo cho rằng, tu là một tiến trình thay đổi và chuyển hóa; có thể làm thay đổi điều chưa tốt thành tốt, chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc. Nhưng nếu không hiểu mình, thì làm sao thấy được đâu là nguồn gốc của những phiền não, khổ đau để mà chuyển hóa; làm sao biết được mình có những thói quen không tốt, những khuyết điểm của chính mình để mà thay đổi?
Vì vậy, hiểu mình chính là nhận ra được những thói quen chưa tốt, những khuyết điểm của mình để sửa thành những thói quen tốt, những ưu điểm tích cực. Ẩn sâu bên trong mỗi người luôn tiềm tàng những khuynh hướng tiêu cực, vì vậy nhận ra được những khuynh hướng đó đòi hỏi chúng ta phải hiểu sâu hơn con người của mình. Triết gia cổ đại Hy Lạp, Socrate, đã từng nói rằng “Hãy tự hiểu mình”.
Khi không thực sự hiểu mình, mà ta lại đi lên án, chỉ trích người khác, nhưng sâu trong đó lại là chính điều mà mình đang mắc phải. Đôi khi chính ta là người không rộng lượng nhưng lại đi chỉ trích người khác là keo kiệt, bủn xỉn. Đó là sự phản chiếu tâm lý tiêu cực ẩn sâu bên trong mỗi chúng ta.
Vậy làm sao khám phá, nhận diện được những khía cạnh tâm lý tiêu cực ẩn sâu bên trong ấy? Chỉ có cách đó là mỗi người phải thường trực quán chiếu sâu sắc vào nội tâm mình. Nội quán, vì thế rất thiết yếu cho việc hiểu mình, hiểu được tâm tính của mình. Hiểu mình là bước đầu quan trọng trong việc chuyển hóa tâm thức. Vì không hiểu mình, ta như kẻ lạc giữa rừng sâu, chẳng biết lối nào mà ra, chẳng biết sự vận hành của các tâm lý phiền não như thế nào để mà chuyển hóa chúng. Thiền sư Thường Chiếu – người có công lớn trong việc sáp nhập 3 dòng thiền: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường thành một, nói: “Người tu đạo nếu biết rõ về tâm mình thì sẽ phí sức ít mà dễ thành công. Người tu đạo nếu không biết gì về tâm mình thì chỉ phí công vô ích”.
Hiểu mình là không chỉ hiểu biết thông thường như sở thích và đam mê của mình mà cần hiểu rằng mọi sự an vui hạnh phúc hay khổ đau phiền muộn đều do tâm thức mình tạo tác nên. Tâm ta tạo ra và chính tâm ta trải nghiệm những điều ấy. Việc này không tốt hay con người này thật đáng ghét, đó chính là do tâm ta tạo ra; và chính tâm ta trải nghiệm sự bực tức, khó chịu và giận ghét đối với chúng. Xấu hay tốt, đáng ghét hay dễ thương là tùy vào cảm xúc và nhận thức của ta. William Shakespeare - một nhà văn và nhà viết kịch người Anh từng nói: “Không có sự vật hiện tượng hay hoàn cảnh tốt hay xấu mà chính cách nghĩ của con người khiến nó xấu hay tốt”. Nhận thức được như vậy thì ta không còn oán trách hoàn cảnh hay con người làm cho mình khổ nữa. Nếu ta không còn oán trách hoàn cảnh hay người nào khác về nỗi khổ đau của mình, thì nỗi đau khổ ấy sẽ tan biến.
Tâm lý phiền não như bất an, lo lắng, sợ hãi, sầu muộn… đều không có thật, chúng chỉ là những cảm xúc tức thời bắt nguồn từ sự nhận thức sai lạc của. Bấy lâu nay ta cứ lầm tưởng chúng là thật có để rồi để chúng đùn đẩy làm mình quay cuồng mãi trong mệt mỏi và khổ đau. Nếu chúng ta giác ngộ được rằng phiền não bất an chỉ là những ảo ảnh, những điều không có thật, chỉ là những cảm xúc nhất thời và nở nụ cười đầy tỉnh thức trên môi, thì sự bất an phiền muộn ấy sẽ tan biến như làn khói tan vào hư vô, chỉ còn lại một nội tâm an yên tĩnh lặng.
Ngài Huệ Khả khi chưa chứng đạo, ngài đã diện kiến Tổ Bồ-đề-đạt-ma, mong Ngài an tâm cho mình. Tổ Bồ-đề-đạt-ma nói: “Đưa tâm đây ta an cho”. Ngài Huệ Khả tìm tâm mà chẳng thấy nó đâu. Tổ Bồ-đề-đạt-ma nói: “Vậy là ta đã an tâm cho con rồi đó, tâm đã không có thì phiền não, bất an làm sao thật có”. Lời khai thị của Tổ Bồ-đề-đạt-ma một lần nữa khẳng định với chúng ta rằng những phiền não bất an chỉ là ảo ảnh mà thôi. Mỗi khi có phiền não, bất an sinh khởi trong tâm ta thì hãy thức tỉnh mà tự nhủ, chúng là không có thật, thì chúng ắt biến mất không còn tác động tiêu cực lên mình được nữa.
Hiểu mình thì mới hiểu được người, mới có thể cảm thông, bao dung và yêu thương người khác được. Hiểu mình là biết rằng mình là người không hoàn hảo, tốt ở điểm này thì có thể chưa tốt ở điểm kia. Thì người khác cũng vậy, họ tốt ở điểm kia nhưng có thể khiếm khuyết ở điểm nọ. Hiểu thấu sự không hoàn hảo của mình, của người, thì tâm ta mở lòng bao dung với nhau hơn, không còn nhìn vào khiếm khuyết, lỗi lầm của nhau mà ghen ghét nhau nữa.
Có thể nói rằng nền tảng căn bản của đạo đức được đặt trên bệ đỡ là việc hiểu mình. Hiểu mình thì mới hiểu người, từ đó có những hành động phù hợp với mình, với người, đó là đạo đức. Một triết gia người Đức - Kant, nói rằng: “Quy luật đạo đức thì nằm trong lòng mỗi người, chứ không phải nơi mệnh lệnh của tôn giáo”. Cho nên việc hiểu mình là điều quan trọng và cần thiết để có những hành động đạo đức.
Đức Phật dạy rằng việc “Quán chiếu tự thân” là khởi đầu cho một hành động đạo đức. Ngài nói: “Những gì mình không ưa thích, không vừa ý thì người khác cũng thế”. Hay như nhà tư tưởng lỗi lạc khi nói về đạo đức - Khổng Tử đã đúc kết một câu nói thời danh: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” tức: điều mình không muốn thì đừng trao cho người. Đó là đạo đức. Đạo đức ấy bắt nguồn từ việc hiểu mình, hiểu tâm của mình.
Hiểu mình là tiền đề căn bản cho mọi sự tu tập chứng ngộ chân lý và đạt đến hạnh phúc tột bậc. Nếu không hiểu mình thì không thể hiểu người, hiểu cuộc đời, hiểu nhân gian. Đức Phật dạy rằng: “Nếu ta đi tìm sự giác ngộ chân lý, giải thoát mà tìm ở ngoài ta thì không bao giờ có thể đạt tới được, dẫu có trải qua trăm ngàn vạn kiếp, đi khắp càn khôn vũ trụ. Nhưng chính ở đây, chính trong con người này, sâu thẳm trong thâm tâm ta, ta quay về đó để quán chiếu thật sâu sắc thì mọi sự thật, chân lý, hạnh phúc chân thực đều hiển lộ”.
Tầm nhìn, sự hiểu biết sẽ trở nên sáng rõ, thông tỏ hết vạn sự bên ngoài và đạt đến chứng ngộ và giải thoát trọn vẹn chỉ khi chúng ta nhìn vào bên trong tâm hồn mình, thấu hiểu chính mình.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hãy từ bỏ những nghề tạo ra ác nghiệp
Kiến thức 19:30 04/11/2024Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một nghề nghiệp riêng. Xét về phương diện tác nghiệp thì những nghề như đồ tể, đao phủ là những nghề tạo ra ác nghiệp, không có lợi ích cho tự thân ở đời này và đời sau.
Cách sám hối ngắn gọn súc tích Phật tử nên biết
Kiến thức 13:30 04/11/2024Phương pháp đọc các bài sám hối, để gọi là đọc đúng, đó là không quá chú trọng việc đọc, mà tập trung vào việc hiểu. Đọc chậm cũng được, đọc vấp cũng được, đọc đi đọc lại một câu, một đoạn cũng được....cốt yếu là để hiểu thật kĩ nghĩa của những lời sám hối đó.
Thực hành thiền Phật giáo
Kiến thức 11:40 04/11/2024Mục đích tối hậu của thiền là giúp tâm ta định và sáng, có thể thấy biết đúng như thật về thật tính của vạn pháp, bản chất của mọi sự vật hiện tượng, cả những hiện tượng vi tế nhất.
“Phàm làm việc gì, trước phải xét kết quả của nó về sau”
Kiến thức 10:00 04/11/2024Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi, thì thế nào cũng gặt nhiều tai họa, gây tạo cho mình những điều phiền phức, có khi làm ung độc cả cuộc đời, cả sự sống. Chỉ có những người nông nỗi, liều lĩnh mới không nghĩ đến ngày mai, mới sống qua ngày.
Xem thêm