Giải đáp những câu hỏi về vấn đề nhân quả luân hồi
Luận bàn về vấn đề nhân quả luân hồi, nhiều Phật tử vẫn còn những câu hỏi, nghi vấn...vậy nên mới quý vị cùng đọc những câu trả lời của Hòa thượng Thích Thiện Hoa về vấn đề này.
Ý nghĩa ẩn sâu của hai chữ luân hồi
1. Có người hỏi rằng: Nhân quả là một luật tự nhiên rất công bằng đứng đắn, sao có người cả đời hiền từ, mà lại gặp lắm tai nạn, khổ sở, trái lại những người hung ác sao lại vẫn an lành?
Đáp: Nghiệp chia ra làm ba thứ:
a. Hiện báo: Quả báo hiện tiền, như mình đánh người, bị người đánh ngay; hay ăn cơm thì no, uống nước liền đỡ khát.
b. Sanh báo: Đời nay tạo nhân, qua đời sau mới thọ quả báo, như làm một tội ác gì, ngay khi ấy không ai biết mà bắt, đến lâu sau việc ấy mới tiết lộ và người làm ác mới đền tội.
c. Hậu báo: Đời nay tạo nhân, mà cách mấy đời sau mới chịu quả báo, Như ngài Ngộ Đạt quốc sư, đời trước làm quan tên là Viên Án, vì giết Triệu Thố, mà đến mười đời sau mới chịu quả báo.
Vậy nếu có người trong đời hiện tại, làm việc hung ác, mà được an lành là do kiếp trước họ tạo nhân hiền từ, còn cái nhân hung ác mới tạo trong đời hiện tại, thì trong tương lai hay qua đời sau, họ sẽ chịu quả báo. Cũng như người năm nay ăn chơi, không làm gì hết mà vẫn no đủ, là nhờ năm rồi họ có làm, có tiền của để dành vậy. Cái nhân ăn chơi, không làm năm nay thì sang năm họ sẽ chịu quả đói rách. Còn người dữ đời nay hiền từ, làm các điều phước thiện mà vẫn gặp tai nạn, khổ sở là do đời trước, họ tạo những nhân không tốt. Cái nhân hiền từ đời nay, qua đời sau họ sẽ hưởng quả vui. Cũng như có người tuy năm nay siêng năng làm ruộng, mà vẫn thiếu hụt là vì nhân ăn chơi năm vừa rồi. Cái nhân siêng năng năm nay, sang năm họ sẽ hưởng quả sung túc. Do đó, cổ nhân có nói:
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì.
(Nghĩa là: Việc lành hay việc dữ đều có quả báo, chỉ khác nhau đến sớm hay muộn mà thôi).
Báo ứng hiện đời: Nhân nào quả nấy
2. Có người hỏi: Người đã có phước mới được giàu sang, vậy tại sao trong số người giàu sang ấy vẫn có người ngu si, chết yểu, hoặc đui, điếc, ngọng, lịu... (ngu, si, ám, ả, gia hà phú). Trái lại, người vô phước mới nghèo nàn, vậy sao trong số những người này, vẫn có người thông minh, đẹp đẽ, trường thọ... (trí huệ, thông minh khước thọ bần).
Đáp: Người đời nay giàu có là trước tạo nhân giàu có, nhưng họ chỉ tạo nhân giàu có mà không tạo các nhân khác như trường thọ, trí tuệ... nên đời nay họ chỉ giàu mà thôi, chứ không sống lâu, không thông minh... Trái lại, có người kiếp trước chỉ tạo nhơn trường thọ, trí tuệ mà không tạo nhân giàu có, nên kiếp này được hưởng quả trường thọ và trí tuệ mà không hưởng được quả giàu có. Nhân nào mình có tạo mới có quả ấy, còn nhân nào mình không tạo thì làm sao có quả được? Nên trong kinh nhân quả có nói: "Nhân quả báo ứng như ảnh tùy hình" (nhân quả trả nhau, như bóng theo hình. Hình ngay thì bóng thẳng, hình vạt thì bóng cong).
3. Có người hỏi: Theo luật nhân quả thì ai làm nấy chịu, cha làm tội con không thể thay thế được; con làm tội, cha không thể thay thế được. Sao thấy có những việc: cha làm con phải chịu liên can, con làm cha phải chịu ảnh hưởng?
Đáp: Trong kinh Phật dạy nhân quả nghiệp báo có hai thứ: Biệt nghiệp và cộng nghiệp.
a. Biệt nghiệp: Là nghiệp báo riêng của mỗi chúng sinh, như mình có học nhiều thì mình biết nhiều, mình ăn thì mình no, mình siêng năng thì mình dễ thành công, mình nhác lười thì mình thất bại.
b. Cộng nghiệp: Là nghiệp báo chung cho nhiều chúng sanh cùng sống trong một hoàn cảnh. Như người Việt Nam sống trên mãnh đất chữ S này, trong giai đoạn chiến tranh Việt - Pháp vừa qua, thì giàu, dù nghèo, dù trí thức, dù bình dân đều chịu ảnh hưởng chung của chiến tranh; như sanh ở một nưóc tiền tiến thì mọi người đều được hưởng một đời sống vật chất đầy đủ hơn ở một xứ bán khai. Đã chung sanh trong một gia đình, một xứ sở hay một dân tộc, cố nhiên cái nghiệp quả phải có liên can với nhau. Sách có nói: "Nhứt nhơn tác phước, vạn thọ hương" (một người làm phước, ngàn người đều được ảnh hưởng; một cây trổ hoa, muôn cây chung quanh đều được thơm lây).
4. Có người hỏi: Đã gọi là cộng nghiệp thì tất nhiên phải chịu những nghiệp quả giống nhau, đã sinh trong một hoàn cảnh thì tất chịu chung một ảnh hưởng, mặc dù có biệt nghiệp, nhưng những biệt nghiệp ấy dù sao cũng chỉ có tính cách sai biệt tiểu tiết mà thôi (đại đồng, tiểu dị). Vậy tại sao trong đời, thấy có những người sống chung trong một hoàn cảnh mà lại trái hẳn nhau. Thí dụ như: Có người hiền lành lại sanh trong một gia đình hung ác, có người hung ác lại sanh trong gia đình hiền lương?
Đáp: Trong đoạn phân loại về các thứ nghiệp, đã nói rằng có bốn loại nghiệp là:
- Tích lũy nghiệp.
- Tập quán nghiệp.
- Cực trọng nghiệp.
- Cận tử nghiệp.
Trong các loại nghiệp ấy, cực trọng nghiệp có tác động mạnh mẽ nhất sau khi chết. Nếu khi sống, cá nhân nào đó tạo nhân cực trọng nghiệp về loại thiện, như triệt để áp dụng những phương pháp tu hành có hiệu quả như tứ đế, thập nhị nhân duyên ... thì sau khi chết, được hưởng kết quả tốt đẹp vô cùng. Trái lại, như giết cha mẹ, sát hại người tu hành... thì khi chết phải đọa vào địa ngục vô gián. Nhưng cực trọng nghiệp không phải người nào cũng có: nếu không tạo nhân cực trọng, như không tu hành hay không phạm tội ngũ nghịch thì tất nhiên không có nghiệp cực trọng.
Trong trường hợp không có cực trọng nghiệp, thì cận tử nghiệp (nghiệp lực khi lâm chung) là cái nghiệp có một tác động mạnh mẽ trong vấn đề dắt dẫn đi đầu thai.
Niệm Phật để thoát sinh tử luân hồi
Trong nhiều trường hợp, thì cận tử nghiệp và tích lũy nghiệp, tập quán nghiệp cùng đồng một tính chất giống nhau, nghĩa là trong những đời trước và đời hiện tại có gây những việc thiện và khi lâm chung, cũng có những hành động hay ý nghĩ việc thiện, hay trái lại, trong nhiều đời trước và hiện tại có tạo những nhân ác và khi lâm chung cũng làm hay nghĩ đến những việc ác. Trong trường hợp này, thì cận tử nghiệp sẽ dắt dẫn đi đầu thai một cách tự nhiên, đến một hoàn cảnh thích hợp với cả ba thứ nghiệp là tích lũy nghiệp, tập quán và cận tử nghiệp. Chẳng hạn như một người, trong đời quá khứ đã tạo những nhân hiền lành thì sau khi chết, đầu thai vào một gia đình cũng hiền lành và những người ở trong gia đình ấy cũng không có trái ngược nhau. Nhưng có một vài trường hợp mà cận tử nghiệp không đồng một tính chất với tích lũy nghiệp và tập quán nghiệp, chẳng hạn như một người trong đời quá khứ và hiện tại phần nhiều đều gieo nhân lành, đều có nhiều hành động thiện, nhưng khi lâm chung, vì một lý do nào đó, có những ý nghĩ, hành động bất thiện, nghĩa là tạo một cận tử nghiệp bất thiện, như tham đắm, giận dữ... thì cận tử nghiệp này sẽ dắt dẫn đến một hoàn cảnh bất thiện, như sanh vào một gia đình tham đắm, hay giận dữ...
Nhưng nghiệp chính của người này là thiện thì trong đời sau này, người ấy sẽ hưởng quả thiện, mặc dù sống trong gia đình ác. Hay trái lại, tích lũy và tập quán nghiệp của người ấy là ác, nhưng khi lâm chung, người ấy biết ăn năn hối cải, tha thiết nghĩ đến điều thiện và nhờ những người chung quanh hộ niệm chú nguyện cho, nên tạo ra một cận tử nghiệp thiện. Nghiệp này sẽ dắt dẫn đầu thai vào một gia đình thiện. Nhưng nghiệp chính của người này trong quá khứ là ác, cho nên sau ít lâu sống trong gia đình ác ấy, các nghiệp quả ác lại xuất hiện. Do đó mới có những trường hợp cha mẹ ác có con thiện, hay cha mẹ thiện có con ác.
5. Có người hỏi: Nếu có luân hồi thì khi chết rồi, một người chỉ sanh ra một người thôi, tại sao trên thế giới này, khi mới khai thiên lập địa chưa có người, mà cứ mỗi ngày nhân loại mỗi thêm đông? Vậy do đâu mà có nhiều người thế?
Đáp: Trong đoạn luân hồi, chúng tôi đã nói: Chúng sinh luân hồi trong trong sáu cảnh giới là: thiên, nhân, a tu la, ngạ quỉ, súc sinh, địa ngục. Chúng sinh ở cảnh giới này có thể đầu thai qua cảnh giới khác, đắp đổi cho nhau, khi lên khi xuống, chứ không phải chỉ có người mới đầu thai làm người mà thôi. Những loài thú có những tâm trạng giống người có thể đầu thai làm người được, cũng như những người có tâm trạng lang sói sẽ trở thành sói lang. Hơn nữa, trong đoạn trước, chúng tôi cũng có nói rằng trong các kinh Phật dạy: thế giới trong vũ trụ này nhiều như cát sông Hằng, chứ đâu phải chỉ một quả đất này là trung tâm điểm của vũ trụ và có người? Các nhà bác học cũng công nhận mỗi ngôi sao là một thế giới. Trong hằng hà sa số thế giới ấy, cũng có biết bao nhiêu là thế giới có hoàn cảnh giống như quả đất nhỏ bé chúng ta đang ở đây! Thế giới đã nhiều như thế, thì nhân loại đâu phải ít?
Tại sao chúng ta không thể tin được rằng thế nào cũng có sự luân chuyển, sự lưu thông, sự trao đổi về phương diện tinh thần, về cái nghiệp giữa thế giới này với thế giới khác? Mỗi một thế giới sắp hoại thì chúng sinh ở thế giới ấy tản cư, mỗi thế giới đã thành, thì chúng sinh ở các thế giới đồng cảnh chung quanh tựu đến.
Trong kinh Địa Tạng có nói: "Thử giới hoại thời, hoàn ký tha phương ... (thế giới này hoại, thì gởi qua thế giới khác, thế giới khác hoại lại gởi đến thế giới khác nữa ...) Thí dụ như dân chúng ở các thành phố lớn nhiều hay ít là do người ở các nơi tụ đến hay tản đi. Trong thế giới hiện này nhân loại nhiều hay ít cũng như vậy. Đứng về phương diện tổng thể mà nói, thì không có mất còn, sạch nhớp, thêm bớt, đầy vơi (bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm). Chỉ vì chúng ta có quan niệm hẹp hòi, chia cắt, khu biệt, đóng khung trong một cảnh giới nên mới thấy loài này, loài khác, thế giới này, thế giới khác hoàn toàn cách biệt nhau.
6. Có người hỏi: Người và thú vật hoàn toàn khác nhau, làm sao người có thể tái sanh thành thú vật và thú vật thành người được?
Đáp: Người ta thường có quan niệm sai lầm rằng, người có linh hồn người, thú vật có hồn thú vật. Linh hồn người hay hồn thú, tuy người ta chưa hề thấy bao giờ, nhưng người ta tưởng tượng hễ linh hồn người thì có bóng dáng như người, hễ hồn chó, mèo thì có bóng dáng như chó mèo, và bất biến, dù chết hay sống, vì tưởng tượng như thế nên người không thể công nhận rằng: chết rồi linh hồn người lại chui vào thân hình chó, mèo, chẳng hạn, và hồn chó mèo lại nằm lốt thân hình người.
Thật ra, nghiệp không phải là linh hồn (như đã nói ở đoạn trước) mà là một năng lực có nhuốm tính chất những hành động của mỗi chúng sinh. Vì tính chất riêng biệt ấy mà nghiệp lực nhập vào một hình thức này hay một hình thức khác do cái luật hấp dẫn "đồng sanh tương ứng, đồng khí tương cầu". “Thay vì nói người kia trở thành thú hay trái lại, thú kia trở thành người, đúng hơn nói rằng: nghiệp lực phát hiện dưới hình thể người hay dưới hình thể thú”. (Narada Maka Thera). Có hai người đạo sĩ: một người tên "Bun-na" (Punna) tu khổ hạnh theo lối sống của loài bò, một người tên "Xơ-ni-da" (Seniya) tu khổ hạnh theo lối sống của loài chó, hai người này đến hỏi đức Phật về kiếp vị lai của họ. Đức Phật trả lời: "Trong đời này, một gã kia thực hành trọn vẹn không thối chuyển những thói quen, những tâm trạng những tính cách của chó, gã ấy đã sống theo thói thường của chó, sau khi chết sẽ tái sanh trong loài chó".
Đức Phật cũng giải thích như trên rằng: kẻ nào tu khổ hạnh theo bò, cũng sẽ tái sanh trong loài bò. Thí dụ trên chứng minh một cách hùng hồn: nghiệp lực có thể dắt dẫn đi đầu thai bất luận trong loại nào, cảnh giới nào. Không cần phải đợi đến đời vị lai, phải trải qua kiếp này đến kiếp khác, ngay chính trong tâm niệm, trong từng hoàn cảnh của cuộc đời hiện tại, con người cũng trải qua trạng thái của sáu loài: khi con người sanh lòng giận dữ chém giết, thì cảnh A tu la hiện khởi; khi con người ung dung tự tại sống trong nhung lụa huy hoàng thì cảnh giới thiên đàng hiện khởi; khi con người sống trong cảnh chiến tranh bom đạn, trong cảnh kềm kẹp giam cầm, tra khảo dã man, nào bị treo ngược, nào bị đổ nước sôi... thì đó là cảnh giới địa ngục. Ngay trong loài người, nếu xét về phần vật chất thì có nhiều người sống một cuộc đời đế vương sáng lạn như ở cõi thiên đàng; có người lại sống chui rúc trong hang trong hố, ăn lông ở lỗ như thú vật. Xét về phần tinh thần, thì có người thông minh tài trí, đức hạnh như thánh nhân; có kẻ tâm địa lại tối tăm, độc ác, xấu xa như lang sói. Nếu đã tin có nghiệp lực thì hạng người nói trên tất sẽ dắt dẫn đến cõi thiên, và nghiệp lực của hạng dưới tất phải đầu thai trong loài thú vật.
Quán niệm về sự sanh, trụ, dị, diệt
Vấn đề nhân quả luân hồi là một vấn đề vô cùng quan trọng, không những đối với người Phật tử mà cả đến những ai đang băn khoăn thắc mắc trước bao vấn đề mà cuộc sống đã đặt ra, như: Chúng ta từ đâu lại và sẽ đi về đâu? động lực của sự sống là gì? Ai là chủ nhân của đời mình? Tại sao có những hoàn cảnh trái ngược nhau trong xã hội? Ta có thể giải thoát khỏi cảnh giới tối tăm này để đến một cảnh giới đẹp đẽ khác không? Và nếu được, thì bằng phương tiện gì? Những vấn đề trên, mọi người đều nên biết. Nhưng một khi đã biết rồi, chúng ta không nên tự cho là đã thỏa mãn trí tò mò mà yên lòng xếp sách lại. Cái biết suông ấy không có lợi ích thiết thực gì cho ta cả. Không biết thì phải tìm biết, khi đã biết rồi thì phải hành động đúng theo sự hiểu biết ấy. Giáo lý nhân quả luân hồi đem lại cho chúng ta một niềm phấn khởi mạnh mẽ vô cùng, đó là tự kiến tạo lấy đời mình. Trong bao nhiêu kiếp luân hồi, mỗi chúng ta là tay thợ tự xây dựng lấy địa vị của mình mà không hay.
Do sự mê mờ ấy, chúng ta đã làm hại đời của chúng ta bằng cách buông xuôi tay, trao gởi niềm tin vào những đấng thiêng liêng tưởng tượng, hay rên xiết, khóc than trách móc định mệnh khắc nghiệt đã trói buộc đời mình. Giờ đây, chúng ta đã biết chính mỗi chúng ta đã tự tay trói buộc chúng ta trong cảnh sinh tử luân hồi. Chúng ta đã tự trói buộc chúng ta, thì cũng chỉ có chúng ta là có thể cởi mở cho chúng ta mà thôi. Đức Phật là đấng sáng suốt đã chỉ dạy cho chúng ta những phương pháp tự cởi trói. Vậy chúng ta còn chờ đợi gì, còn luyến tiếc gì mà không chịu bắt tay làm ngay cử chỉ mở trói ấy? Xung quanh chúng ta đã có nhiều vị thầy hướng dẫn bước đầu của chúng ta, đã có những người bạn đồng hành đang tinh tấn, hăng hái ngày đêm làm cái công việc tự cởi mở ấy, hay nói theo danh từ nhà Phật, làm công việc giải thoát ấy.
Bạn còn chờ đợi gì? Nếu bạn đã là Phật tử, bạn hãy tinh tấn nữa lên! Nếu bạn chưa là Phật tử, bạn hãy gấp rút gia nhập vào đạo quân giải phóng hiện đang có mặt khắp năm châu, đạo quân giải phóng đang theo dấu chân Phật để diệt trừ vô minh đem lại hạnh phúc chân thật cho mình và cho người.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Niệm Phật chính là tích đức
Kiến thức 09:21 24/11/2024Tích đức bằng cách nào? Niệm Phật chính là tích đức. Tích đức lớn, tích đức lớn lao viên mãn, tích đức lớn của thế xuất thế gian, không thể không biết điều này, ngày đêm không được gián đoạn.
Diệt trừ phiền giận
Kiến thức 22:19 23/11/2024Đức Phật dạy, với tất cả các hạng người ở đời, nếu tiếp cận với thái độ tích cực, chúng ta đều có thể trải tâm từ đến tất cả, dù người ấy còn nhiều vụng về, chưa dễ thương về hành động, lời nói hay tâm ý, ta vẫn có thể thương được.
Tam học giới định tuệ là cốt lõi của Phật giáo
Kiến thức 19:00 23/11/2024Tam học, còn được gọi là Tam vô lậu học ý muốn nói ba môn học này rất cao thượng hoàn mỹ, trọn vẹn, không có khiếm khuyết, không có sơ hở giúp hành giả thành tựu các thánh quả giác ngộ không còn rơi rớt trong ba đường ác, trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi chịu khổ vô cùng.
Kinh Phật nói ân nặng cha mẹ khó báo đáp
Kiến thức 09:36 23/11/2024Hiếu thuận không chỉ có một đời, duy chỉ có siêng năng thực hành bố thí giúp người, tu tạo nhiều công đức hồi hướng cho song thân, như thế cha mẹ mới hưởng được tư lương phước tuệ vĩnh hằng, như thế mới được xưng là đại hiếu của con cái!
Xem thêm