Thứ năm, 17/09/2020, 10:06 AM

Niệm Phật để thoát sinh tử luân hồi

Đệ tử chúng con, nhờ giáo huấn của đức Bổn sư, nhờ ơn lành thường giăng bủa của đức Từ phụ, nhờ sự khai thị rõ ràng của Thiện tri thức, hôm nay mới biết được mục đích quan trọng và chân chánh của pháp môn niệm Phật, là niệm Phật thì phải vì thoát ly sinh tử luân hồi.

Người thật sự niệm Phật sẽ có tướng mạo đoan chánh

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn vì thương xót tất cả chúng sinh mà hiện ra nơi đời ác trược, với bốn mươi chín năm thuyết pháp, mục đích mở bày và chỉ rõ tri kiến Phật cho chúng sinh và để rồi khiến cho chúng sinh tỏ ngộ và thể nhập vào tri kiến Phật. Giáo nghĩa tuy nhiều hơn số cát sông Hằng, nhưng tất cả năm thừa, tám giáo đều không ra ngoài pháp môn niệm Phật. Do bản nguyện lực của đức A-di-đà, do năng lực hộ niệm của sáu phương chư Phật, cùng với gia trì lực của chư vị Đại địa Bồ-tát; đệ tử chúng con được gặp duyên lành dẫn dắt vào chân lý tối thượng bằng cửa ngõ niệm Phật. Như mùa hạ thì phải mặc áo vải, như mùa đông phải mặc áo bông, sự tu hành cũng thế, nghĩa là không thể trái với thời tiết và cơ duyên được. Dù đức Đạt Ma tổ sư tái hiện ngay lúc nầy, nếu muốn hợp thời cơ để cứu độ chúng sinh mau được giải thoát, thì cũng không có pháp nào hơn pháp môn niệm Phật cả. Vì thế, thuyết pháp mà không phù hợp với căn cơ và trình độ, thì chắc chắn chúng sinh bị chìm trôi trong biển khổ vậy.

Đệ tử chúng con vốn là phàm phu vô trí, nên phải một mực y theo lời Phật dạy, chẳng dám tự chuyên, vì thế mà xưa nay, chúng con đều chuyên niệm danh hiệu đức A-di-đà.

Theo lời Phật dạy là thế nào? Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn có lời huyền ký rằng: “Đời tương lai, kinh đạo diệt hết, ta dùng lòng từ bi thương xót riêng lưu trụ kinh nầy trong khoảng một trăm năm. Nếu có chúng sinh nào gặp được kinh nầy tùy ý sở nguyện đều được đắc độ”.

Nơi kinh Đại Tập, đức Thế Tôn dạy rằng: “Trong thời mạt pháp, có ức ức người tu hành, song ít có kẻ nào đắc đạo, chỉ nương nơi pháp môn niệm Phật mà thoát luân hồi”.

Ngài Thiên Như thiền sư, sau khi đắc đạo cũng đã khuyên dạy rằng: “Mạt pháp về sau, các kinh diệt hết, chỉ còn lại bốn chữ A-di-đà Phật để cứu độ chúng sinh. Nếu kẻ nào không tin, tất bị đọa địa ngục”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Như thế nào gọi là niệm Phật Tam muội?

Bởi vì đời mạt pháp về sau, khi các kinh đều ẩn diệt, chúng sinh căn cơ đã yếu kém, ngoài câu niệm Phật thì không biết pháp môn nào khác để tu trì. Nếu không tin câu niệm Phật mà tu hành, tất phải bị luân hồi. Và trong nẻo luân hồi thì việc lành khó tạo, còn điều ác thì dễ làm, cho nên sớm muộn gì cũng bị đọa địa ngục.

Ấn Quang pháp sư, một bậc cao tăng cận đại ở Trung Hoa cũng đã dạy rằng: “Thời mạt pháp đời nay, chúng sinh nghiệp nặng tâm tạp, nếu ngoài môn niệm Phật mà tu các pháp lành khác, nơi phần gieo trí huệ phước đức căn lành thì có, nhưng nơi phần liễu thoát luân hồi ngay trong hiện thế thì không. Tuy có một vài vị cao đức hiện những kỳ tích phi thường, nhưng đó là những bậc Bồ-tát nương theo bản nguyện mà làm mô phạm để dẫn dắt chúng sinh đời mạt pháp như kinh Lăng Nghiêm đã nói. Nhưng các vị ấy cũng chỉ vừa theo trình độ chúng sinh mà thị hiện ngộ đạo, chứ không phải chứng đạo. Chỉ riêng pháp môn niệm Phật, tuy ít có người tu chứng được niệm Phật tam muội như khi xưa, nhưng có thể nương theo nguyện lực của mình và bản nguyện của Phật A-di-đà mà đới nghiệp vãng sinh về cõi Tây phương Cực lạc. Khi được về cõi ấy rồi thì không còn luân hồi, không còn bị thối chuyển, lần lần tu tập cho đến khi chứng quả vị vô sinh”.

Những lời huyền ký như trên, cho chúng con thấy pháp môn niệm Phật rất thích hợp với nhân duyên, thời tiết và trình độ căn cơ của chúng sinh đời nay. Vì thế, đức Như Lai mới dùng nguyện lực bi mẫn, lưu trụ kinh Vô Lượng Thọ để khuyến hóa về môn niệm Phật. Ngoài ra, còn có chư Bồ-tát và Tổ sư cũng khởi lòng hoằng nguyện thương xót, tùy theo thời cơ mà chỉ dạy pháp môn niệm Phật để cứu vớt chúng sinh.

Đệ tử chúng con vì vô minh khuất lấp, vì thiếu suy nghĩ chính chắn, vì tâm mong cầu quá sôi nổi và cạn cợt, vì dục vọng ngăn che, nên đã gây nhiều sự thấy biết lệch lạc, để rồi chúng con đã hành trì pháp môn niệm Phật không phù hợp với bản ý của đức Bổn sư và xa cách với bản nguyện cứu độ của đức A-di-đà.

Đệ tử chúng con đi chùa thấy người khác niệm Phật, thì cũng bắt chước niệm theo, hoàn toàn không có chủ định.

Hoặc có người niệm Phật nguyện cho tai qua nạn khỏi và cầu cho gia đình bình yên, đời sống làm ăn mua bán ngày thêm thịnh vượng và sung túc.

Hoặc có kẻ gặp cảnh đời không vừa ý bèn sinh ra buồn rầu phẫn chí, nên đã niệm Phật cầu mong sao cho kiếp sau đừng gặp phải các cảnh ấy nữa, cũng như mong mọi việc đều thuận lợi nếp sống xinh tốt vinh hoa.

Lại có những người cảm thấy trần gian chẳng có điều gì hứng thú, dù cho giàu sang quyền quý cũng còn lo lắng khổ não, cho nên họ hy vọng dùng công đức niệm Phật để kiếp sau sinh lên cõi trời, sống lâu, nhàn vui, tự tại.

Lại có những người nghĩ mình tội chướng đã nhiều, trong một kiếp này dễ gì giải thoát, nên đã niệm Phật cầu cho kiếp sau chuyển nữ thành nam, để xuất gia tu hành, làm bậc cao tăng ngộ đạo. Cũng có nhiều người nỗ lực niệm Phật để đàn áp vọng tưởng, và chế ngự phiền não, với mục đích gần gũi là thanh lọc tâm tư để đời sống được thanh tịnh…

Nếu niệm Phật với những thái độ và mục đích như vậy đều là sai lầm, vì trái nghịch với bản hoài của Phật Thích-ca và quay lưng trước bản nguyện tiếp độ của Phật A-di-đà. Đây là một lỗi lầm lớn lao nhất. Thật vậy, chúng con vẫn hiểu rằng không có lỗi lầm nào to lớn và nặng nề bằng cái tội hành trì trái nghịch với di huấn của đức Bổn sư, để rồi phụ rẫy công ơn tiếp độ của đức Từ phụ A-di-đà.

Đệ tử chúng con, ngày nay nhờ sự chiếu soi và dẫn dắt của ánh hào quang chư Phật, chúng con mới biết được tội lỗi của mình. Cho nên, chúng con xin thành tâm cúi đầu gieo năm vóc sát đất, khẩn cầu sám hối:

Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật, vị Bổn sư chỉ dạy pháp môn niệm Phật (3 lạy).

Nam mô Tây Phương Cực lạc thế giới đại từ đại bi A-di-đà Phật, vị Đạo sư tiếp dẫn vãng sinh Cực lạc (3 lạy).

Như vậy, kể từ hôm nay, đệ tử chúng con phải niệm Phật như thế nào mới phù hợp với bản ý của đức Phật Thích Ca, cùng bản nguyện của đức Phật A-di-đà?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đức Thế Tôn thấy rõ pháp hữu vi đều vô thường, và tất cả chúng sinh vẫn sẵn đủ đức tướng, trí tuệ như Như Lai, nhưng do vì mê mờ bản tâm, nên đã tạo ra vô số nghiệp hoặc, rồi cứ mãi chịu chìm đắm trong vòng sống chết, luân hồi. Dù cho được sinh lên cõi trời, khi hưởng hết phước báo rồi thì cũng phải bị sa đọa. Vì thế, bản ý của đức Thế Tôn là: “Muốn cho chúng sinh do nơi pháp môn niệm Phật mà sớm thoát khỏi khổ luân hồi”.

Chư Phật trong nhiều A tăng kỳ kiếp huân tu phước huệ, cho nên, nếu kẻ nào xưng niệm hồng danh của Như Lai sẽ được vô lượng vô biên công đức. Lại nữa, đức A-di-đà Phật đã lập ra lời thệ nguyện vĩ đại: “Nếu chúng sinh nào niệm được danh hiệu của Ngài cầu về Cực lạc, thì kẻ ấy khi mạng chung sẽ được tiếp dẫn vãng sinh Tây phương và chứng lên ngôi bất thoái chuyển”. Đem công đức vô lượng của sự niệm Phật để mong cầu những phước lợi nhỏ nhen ở cõi người, cõi trời, chứ không nguyện cầu vãng sinh và giải thoát thì có khác chi trẻ thơ đem hạt châu Ma-ni vô giá mà đổi lấy viên kẹo để ăn? Như thế thật là uổng phí và không xứng đáng chút nào! Hơn nữa, nguyện lực của Phật thì rất vĩ đại, cho nên người nào nghiệp chướng dù có nặng nề đến đâu, mà đem cả tấm lòng chân thật để chuyên cần xưng niệm danh hiệu Phật thì ngay trong một đời nầy cũng được tiếp dẫn vãng sinh về thế giới Cực lạc. Còn như mong cầu đời sau làm bậc cao tăng ngộ đạo, là một hành động thiếu trí tuệ và đức tin, làm sao bảo đảm bằng hiện đời sinh về Tây phương, thành bậc Bồ-tát ở ngôi Bất thối chuyển? Cho nên, bản ý của đức Thế Tôn là muốn cho tất cả chúng sinh niệm Phật để thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, và sự giải thoát ấy lại có thể thực hiện ngay trong cùng một kiếp sống.

Nhưng tại sao cần phải thoát vòng sống chết luân hồi? Là vì ở trong nẻo luân hồi, đệ tử chúng con xác thật đã từng chịu nhiều nỗi thống khổ lớn lao. Nếu người học Phật mà không để tâm như thật quán sát nỗi thống khổ ấy thì cho dù học Phật nhiều đến đâu cũng không đạt được kết quả tốt, bởi vì không có cái tâm lo sợ, cái tâm mong cầu thoát ly khỏi những ảo ảnh cuộc đời. Kinh dạy: “Nếu tâm lo sợ khó sinh, tất lòng phát thành khó phát”. Đức Thế Tôn khi xưa thuyết pháp Tứ diệu đế cho năm người nhóm ông Kiều-trần-như, trước tiên đã nói về Khổ đế, vẫn không ngoài cái ý nầy: “Trong Khổ đế, tức là ý nghĩa chân thật về sự khổ, đức Thế Tôn đã thuyết minh tám điều. Tuy nỗi khổ của kiếp người vô cùng vô tận, mà tám điều nầy vẫn giữ phần cương lĩnh. Đó là: nỗi khổ khi sinh ra, nỗi khổ khi về già, nỗi khổ trong cơn đau yếu, nỗi khổ quằn quại khi sắp lâm chung, nỗi khổ chua xót khi xa cách người thân yêu, nỗi khổ khó nhẫn khi chung đụng với kẻ mà mình oán ghét, nỗi khổ khi mong cầu không toại ý, và nỗi khổ về năm ấm hừng thạnh”.

Chúng sinh hết kiếp nầy sang kiếp khác cứ sống chết xoay vần, xuống lên trong sáu nẻo. Đó là cõi trời, cõi người, cõi A-tu-la, cõi bàng sinh, cõi ngạ quỷ và cõi địa ngục. Bát khổ ở các loài khác tuy cũng có ít nhiều, nhưng nó là trọng tâm của nỗi khổ ở cõi người. Còn cõi trời tuy vui sướng hơn nhân gian nhưng cũng còn có tướng ngũ suy và những điều bất như ý. Cõi A-tu-la bị sự khổ vì gây gỗ tranh đua. Cõi bàng sinh như loài trâu, bò, lừa, ngựa… thì bị sự khổ chở kéo nặng nề; loài dê, lợn, vịt, gà… thì chịu sự khổ về phanh da xẻ thịt. Các loài khác chịu sự khổ về ngu tối, nhơ nhớp, ăn nuốt lẫn nhau. Ở cõi ngạ quỷ thì chúng sinh có thân thể hôi hám, xấu xa, bụng lớn như cái trống, cuống họng nhỏ như cây kim, miệng phực ra lửa, chịu đói khát trong nghìn muôn kiếp. Còn cõi địa ngục thì vạc dầu, cột lửa, hầm băng giá, núi gươm đao… sự thống khổ không thể nào mô tả cho hết được.Bốn cõi A-tu-la, ngạ quỷ, bàng sinh và địa ngục, trong kinh gọi là tứ ác thú. Từ cõi A-tu-la theo chiều xuống, nỗi khổ ở mỗi cõi cứ tuần tự gấp bội hơn lên. Trong sáu cõi, chúng sinh sống chết xoay vần hết nơi nầy đến nơi kia, như bánh xe chuyển lăn không có đầu mối. Sinh lên cõi trời và người thì rất khó và rất ít, còn đọa xuống từ ác thú thì rất dễ và rất nhiều.

Khi còn tại thế, một hôm đức Phật dùng móng tay vít lên một chút đất, rồi hỏi A-nan: “Đất ở móng tay ta sánh với đất của miền đại địa thì cái nào nhiều hơn?”. A-nan đáp rằng: “Bạch Thế Tôn, đất của miền đại địa nhiều hơn đất ở móng tay vô lượng phần, không thể thí dụ!”.

Phật bảo: “Cũng như thế A-nan! Chúng sinh được lên cõi trời cõi người như đất ở móng tay, còn đọa xuống ác thú thì như đất của miền đại địa”.Thí dụ trên, quả thật là tiếng chuông mai để cho hàng đệ tử chúng con xét suy mà tỉnh ngộ.

Pháp môn niệm Phật thù thắng ở chỗ không câu nệ hình thức

Tóm lại, ba cõi đều vô thường, các pháp hữu vi thì chẳng có chi là vui thú. Người niệm Phật phải cầu sinh về Tây phương để thoát khỏi vòng sống chết luân hồi, lần lần tu chứng đến cảnh thường, lạc, ngã, tịnh của Niết-bàn, chứ không nên mong cầu sự phước lạc hư dối ở thế gian.

Niệm Phật như thế mới phù hợp với mục đích giải thoát, với tâm từ bi cứu khổ ban vui của đức Thế Tôn. Và muốn được như vậy, chúng con phải thường xuyên giám sát và suy tư về tám nỗi khổ của kiếp người, cho đến nỗi khổ vô tận vô biên trong sáu cõi.

Nếu chẳng quán sát như thế, thì tâm cầu mong giải thoát sẽ khó phát sinh, ý nguyện về Tây phương sẽ không tha thiết; làm thế nào để ngày kia bước lên bờ giác ngộ và dùng con thuyền bát nhã để độ khắp biển mê?

Xưa kia, đức Phật than rằng: “Trong đời mạt pháp, các đệ tử của ta chỉ đeo đuổi theo bên ngoài, ít có ai quan niệm đến vấn đề sinh tử”. Không tha thiết đến sự liễu thoát sinh tử là vì thiếu trí giác. Do không thiết thực quán xét nỗi khổ trong kiếp sống luân hồi, những người ấy chẳng những phụ ơn Phật mà cũng ruồng bỏ cả chính mình, thật đáng tiếc thương và đau xót thay! Đệ tử chúng con, nhờ giáo huấn của đức Bổn sư, nhờ ơn lành thường giăng bủa của đức Từ phụ, nhờ sự khai thị rõ ràng của Thiện tri thức, hôm nay mới biết được mục đích quan trọng và chân chánh của pháp môn niệm Phật, là niệm Phật thì phải vì thoát ly sinh tử luân hồi.

Với tấm lòng tri ân tha thiết và chân thành, chúng con xin đem cả tính mạng mà quy y và đảnh lễ:

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam mô Đại từ đại bi A-di-đà Phật, vị Đạo sư tiếp dẫn vãng sinh Cực lạc.

Nam mô Cứu khổ cứu nạn Đại từ đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát.

Nam mô Đại hùng đại lực Đại Thế Chí Bồ-tát.

Nam mô Liên Trì Hải Hội Thanh Tịnh Đại Hải chúng Bồ-tát.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo

Kiến thức 22:01 22/12/2024

Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.

Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết

Kiến thức 15:00 22/12/2024

Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…

Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn

Kiến thức 10:57 12/12/2024

Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?

Kiến thức 09:11 11/12/2024

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.

Xem thêm