Giải đáp về giới không tà hạnh của người Phật tử
Quan hệ nam nữ nếu không được giới luật, luật pháp và luật tục thừa nhận đều được xem là tà hạnh.
Hỏi: Tôi là Phật tử đã quy y Tam bảo, luôn cố gắng giữ năm giới của người Phật tử tại gia. Trong năm giới thì có bốn giới (không giết hại, không trộm cướp, không nói dối, không say nghiện) tôi đã hiểu, tuy nhiên giới thứ ba - không tà hạnh thì tôi vẫn chưa rõ. Theo tôi, giữ giới này ngoài sự thủy chung với vợ/chồng còn có việc không quan hệ nam nữ trước hôn nhân. Cũng vì quyết không phạm giới nên tôi đã dừng lại mối quan hệ yêu đương với bạn trai do không giải quyết được bất đồng. Tôi không biết việc làm này là đúng hay sai nên rất mong được quý Báo giải đáp.
(KIM TÂM, kimtam2...@gmail.com)
Lời Phật dạy về chánh hạnh và tà hạnh
Đáp: Bạn Kim Tâm thân mến!
Giới thứ ba - Không tà hạnh được hiểu với ý nghĩa chính yếu là chung thủy với người bạn đời của mình. Người Phật tử đã có gia đình thì không quan hệ tình ái với người khác ngoài vợ hoặc chồng của mình (kể cả các loài phi nhân và súc sanh). Ngay trong quan hệ vợ chồng, hành vi này cũng phải dựa trên tinh thần tự nguyện, dâng hiến, có chừng mực, hợp thời, phải chỗ; sự phóng tâm đắm sắc, buông thả phóng dật, nghĩ ngợi bất chính, cũng bị xem là tà hạnh.
Giới thứ ba này được Đức Phật chế định cho hàng Phật tử sống trong bối cảnh xã hội Ấn Độ cổ đại. Trải qua gần 26 thế kỷ, về căn bản giới Không tà hạnh vẫn còn nguyên giá trị, là nền tảng đạo đức cá nhân, góp phần kiến tạo hạnh phúc gia đình được mọi người công nhận và gìn giữ. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế về quyền con người ngày càng hoàn thiện, phần lớn nhân loại sống trong môi trường đa văn hóa nên giới Không tà hạnh của Phật tử ngoài nội dung chính thuộc về giới luật còn có sự liên hệ đến pháp luật của mỗi nước và luật tục của các cộng đồng.
Vì lẽ ấy, khi diễn dịch giới thứ ba, Thiền sư Thích Nhất Hạnh xác định là để bảo vệ tiết hạnh, nhằm đem lại hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và trẻ em. “Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học hỏi theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo hộ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người, mọi gia đình và trong xã hội. Con biết tình dục và tình yêu là hai cái khác nhau, rằng những liên hệ tình dục do thèm khát gây nên luôn luôn mang tới hệ lụy, đổ vỡ cho con và cho kẻ khác. Con nguyện không có liên hệ tình dục với bất cứ ai nếu không có tình yêu đích thực và những cam kết chính thức và lâu dài…” (https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/thien-tap/gieo-trong-hanh-phuc/nam-gioi/).
Đối với vấn đề người Phật tử chưa kết hôn có quan hệ nam nữ thì có phạm vào giới tà hạnh không, thiết nghĩ phải xét dưới nhiều góc độ giới luật, luật pháp và luật tục. Về giới luật, hiện chúng tôi chưa tìm thấy kinh - luật nào quy định cụ thể về việc người Phật tử trưởng thành chưa kết hôn có quan hệ nam nữ là tà hạnh hay không.
Tuy vậy, kinh Saleyyaka (số 41, Trung bộ I), Đức Phật dạy về thân hành phi pháp: “Người ấy sống tà hạnh đối với các dục lạc, giao cấu với các hạng nữ nhân có mẹ cha che chở, có anh che chở, có anh chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa. Như vậy, này các gia chủ, là thân hành phi pháp, phi chánh đạo”. Điều này đã cho thấy tà hạnh bao gồm hành vi sống buông thả và phóng dật với dục lạc nam nữ.
Về phương diện luật pháp và luật tục thì tùy mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa, tập tục mà có một quan niệm và ứng xử khác nhau. Có nơi, quan hệ nam nữ trước hôn nhân với người trưởng thành là rất bình thường nhưng có nơi thì đó là điều xấu xa, cấm kỵ. Có nơi thì được quyền có nhiều vợ hoặc chồng nhưng nhiều nơi pháp luật quy định chỉ một vợ một chồng. Thế nên, sống ở nơi nào thì các chuẩn mực và ứng xử cần tùy thuộc vào văn hóa, tập tục của nơi ấy.
Tóm lại, quan hệ nam nữ nếu không được giới luật, luật pháp và luật tục thừa nhận đều được xem là tà hạnh. Lời khuyên “Con nguyện không có liên hệ tình dục với bất cứ ai nếu không có tình yêu đích thực và những cam kết chính thức và lâu dài…” cũng là một cách ứng xử trung dung trong thực tiễn đời sống và quy định của giới luật, luật pháp và luật tục. Nên người Phật tử cần tiết chế bản thân, hạn chế và chuyển hóa dục vọng để luôn hướng đến đời sống đạo đức, lợi mình và lợi người.
Chúc bạn tinh tấn!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cầu an có phải là pháp của đạo Phật?
Hỏi - Đáp 15:05 22/11/2024Hỏi: Tôi là người theo đạo Phật và muốn hiểu rõ hơn về giáo pháp. Tôi muốn hỏi là cầu an có phải là pháp của đạo Phật? Nếu có thì xin vui lòng chỉ giúp Đức Phật dạy trong những kinh nào?
Đã được truyền thọ Tam Quy và Ngũ giới, vậy có phải ăn chay không?
Hỏi - Đáp 12:55 20/11/2024Hỏi: Tôi đã được truyền thọ Tam Quy và Năm giới, vậy tôi có phải ăn chay hay không?
Cúng vong linh, cúng cô hồn có phải là pháp của đạo Phật?
Hỏi - Đáp 10:18 19/11/2024Tôi là người theo đạo Phật và muốn hiểu rõ hơn về giáo pháp. Tôi có câu hỏi xin quý Báo trả lời giúp: Cúng vong linh, cúng cô hồn có phải là pháp của đạo Phật? Nếu có, xin vui lòng chỉ giúp Đức Phật dạy các điều ấy trong những kinh nào?
Tượng Phật có từ bao giờ?
Hỏi - Đáp 10:31 18/11/2024Hỏi: Tôi là một Phật tử chuyên hỷ cúng tượng Phật cho các chùa, nhưng chưa hiểu rõ lắm về nguyên nhân do đâu mà có tượng Phật. Vậy tượng Phật có từ bao giờ? Ai là người đầu tiên tạo tượng Phật? Xin cho biết sơ lược về việc tạo tượng Phật vào lúc đó.
Xem thêm