Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 11/06/2016, 22:35 PM

Giải mã Kinh Niệm Xứ chặng đường thoát khỏi khổ đau (P.10)

Lòng tịnh tín của người học Phật phải được dựa trên sự thực chứng của bản thân để đạt được trí tuệ chân chánh. Do đó trong Năm Căn và Năm Lực thì Tín căn phải có Tuệ căn và Tín lực phải có Tuệ lực đi kèm là vì vậy. Nếu không có trí tuệ đi kèm, một đức tin đơn thuần sẽ trở thành mê tín, tà tín, cuồng tín mà không biết.

4.1.4 Trạo Hối triền cái

Trạo Hối triền cái bao gồm hai pháp: trạo cử và hối quá. Hai trạng thái này có hai nội dung khác nhau và cách đối trị cũng hoàn toàn khác biệt.

a) Trạo cử triền cái:

Có hai loại trạo cử: tâm trạo cử và thân trạo cử.

- Trạo cử nơi tâm là trạng thái tâm bị các niệm lăng xăng, vớ vẩn chi phối. Trong kinh điển Nikāya, tâm này còn được gọi là ‘tâm lang thang’ vì mải mê suy nghĩ lan man hết chuyện này đến chuyện khác không dứt. Điều cần lưu ý là những niệm trạo cử không hẳn là niệm ác, nhưng cũng không phải là niệm thiện, chúng chỉ là những niệm trung tính.

Ví dụ lúc ngồi thiền, do không tỉnh giác, tâm bị cuốn theo những ý niệm vụn vặt như phải trồng loại cây này trước thất, cất đôi dép chỗ kia cho khỏi ướt, lát nữa trời mưa hay không mưa v.v… và v.v… Tuy chỉ là những niệm trung tính, nhỏ nhặt, vụn vặt nhưng chúng gây trở ngại cho sự định tâm và cột trói tâm vào những việc không đáng, không giúp phát triển trí tuệ, do đó tâm trạo cử cũng là một triền cái cần phải đoạn trừ.

- Trạo cử nơi thân là trạng thái thân bị đau nhức, tổn thương do những hành vi căng thẳng quá đáng, vô lý. Nếu hành trì quá sức chịu đựng của thân khiến cho cơ thể bị tổn thương cũng là tà tinh tấn, điều này trở thành một trở ngại không thích đáng cho sự tu tập.

Tu hành tinh tấn trong mọi oai nghi một cách cân đối để giữ cho thân trong trạng thái khinh an không bị tổn thương là yếu tố quan trọng để nhập vào chánh định, vì an lạc nơi thân chính là chi phần thứ tư không thể thiếu của Sơ thiền (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm), đồng thời còn giúp người tu sĩ duy trì sự tu tập lâu dài theo thời gian.

Hơn nữa bị trạo cử quá đáng nơi thân còn có thể gây ra những tác hại di chứng hoặc dị tật không tốt cho thân và tâm về sau này. Vì thế thân trạo cử cũng là một triền cái cần phải được ý thức rõ để ngăn chận và đoạn trừ.

Những niệm lăng xăng liên hệ đến bản thân là nội tâm trạo cử. Những niệm vu vơ hướng ra bên ngoài là ngoại tâm trạo cử. Tâm lang thang hết chuyện vớ vẩn của bản thân đến chuyện vụn vặt ở bên ngoài là nội-ngoại tâm trạo cử.

Tổn thương bên trong thân là nội thân trạo cử. Tổn thương bên ngoài thân là ngoại thân trạo cử. Tổn thương cả bên trong lẫn bên ngoài thân là nội ngoại thân trạo cử. Vì trạo cử có liên quan đến các pháp bên ngoài nên triền cái này được xếp trong hệ thống quán pháp.

Đối với tất cả các loại trạo cử nêu trên, trong Kinh Tăng Chi tập 3, chương 6 pháp, bài kinh Trạo Cử, số 116, đức Phật đã dạy rõ: “Ðể đoạn tận trạo cử, Chỉ cần phải tu tập” [I.6.116].

‘Chỉ’ có nghĩa là ngưng, dừng, ngăn lại. Như vậy khi bị trạo cử nơi tâm phải ngăn, dừng ngay các ý niệm vớ vẩn, lăng xăng lại bằng các câu tác ý giúp định tâm, hướng tâm trở lại sự tỉnh giác theo thân hành: nếu đang đi biết đang đi, nếu đang ngồi Định niệm hơi thở phải trở về tỉnh giác theo hơi thở…

Đối với trạo cử nơi thân thì phải biết ngưng, dừng đúng lúc một tư thế đang hành trì quá mức để chuyển sang tu tập tư thế khác nhằm tránh gây tổn hại cho thân. Trong thời Phật, có vị Tỳ-kheo cố sức đi kinh hành đến chân bật máu, đức Phật đã dùng ví dụ dây đàn để chỉ dạy cho sự tinh tấn đúng cách: dây đàn chùng quá không phát thành tiếng, nhưng căng quá cũng bị đứt, do vậy phải điều chỉnh dây đàn cho thích đáng. Vận dụng phương pháp tu ‘Chỉ’ để đoạn trừ trạo cử cho thân cũng như vậy.

Nếu hôn trầm thuỳ miên là trạng thái do tâm thụ động gây ra thì phải dùng sự tinh tấn hoặc pháp tu Quán để đối trị theo nguyên lý ‘lấy động chế tịnh’. Trái lại khi bị trạo cử là trạng thái thân tâm bị dao động, phải dùng pháp tu Chỉ để chế ngự theo nguyên lý ‘lấy tịnh chế động’.

Điểm cần lưu ý thêm, khi tâm bị trạo cử dùng phương pháp tu Chỉ để đối trị các niệm lăng xăng, vụn vặt là thích đáng. Vì các niệm trạo cử vốn là những niệm trung tính,

vớ vẩn, không thiện, không ác; do đó có thể ngưng, dừng chúng để tiếp tục định tâm mà không sợ bị ức chế. Ngược lại, đối với các niệm ác bất thiện thì phải kết hợp cách tu về Quán để tích cực diệt trừ, có vậy tâm mới đạt được sự thanh tịnh đúng pháp để nhập chánh định.

Thế nhưng, đối với các cách tu thiền của ngoại học, do người thực hành không biết phân biệt niệm trạo cử và các niệm bất thiện tham-sân-si khác, chỉ chú tâm đơn thuần trên một đối tượng thiền định để bỏ lờ tất cả các niệm; cho nên dù vị hành giả trong lúc công phu có thể ‘quên’ đi các niệm bất thiện, nhưng cùng lắm cũng chỉ đạt được sự yên ổn tạm thời.

Sau đó các niệm bất thiện do không quán xét để tiêu diệt tận gốc nên chúng vẫn còn nguyên trong tiềm thức và khi hữu duyên sẽ tiếp tục khởi lên để gây phiền não. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa thiền của đạo Phật và thiền ngoại giáo, và là một trong những căn cứ để người tu Phật hiểu thêm lời tuyên bố của đức Thế Tôn: “Bốn Niệm Xứ là con đường độc nhất thanh tịnh cho chúng sinh”.

- Quán tánh sinh khởi trên pháp trạo cử là quán xét tìm ra nguyên nhân gây ra sự lăng xăng nơi tâm (do tiếp duyên không thích đáng, hoặc do có quá nhiều công việc phải làm…); hoặc nguyên nhân khiến đau nhức nơi thân (do làm việc quá sức, do sắp xếp thời gian không hợp lý, do chỗ ngồi hoặc nơi kinh hành không thoải mái…).

- Quán tánh diệt tận trên pháp trạo cử là tìm biện pháp ngăn chặn và đoạn trừ các nguyên nhân trạo cử.

- Quán tánh sinh diệt là phải kết hợp cả hai cách vừa nêu.

Khi thân và tâm khởi lên trạo cử thì ngay đó phải tuệ tri để nhận biết, đồng thời đình chỉ niệm lăng xăng nơi tâm hoặc ngưng một tư thế không thích đáng gây tổn hại cho thân chính là biết quán pháp Chỉ trên pháp trạo cử nhằm khắc phục phiền não do trạo cử triền cái gây ra.
 
b) Hối quá triền cái:

Hối là hối hận, quá là qua rồi. Hối quá là sự hối hận, day dứt vì một lỗi lầm đã lỡ gây ra trong quá khứ.

Phàm làm người, từ khi còn trẻ dại đến lúc trưởng thành biết được điều hay lẽ phải, khó có ai tránh khỏi những lỗi lầm vì ‘nhân vô thập toàn’. Hơn nữa quá trình tu tập Bốn Niệm Xứ là quá trình thanh lọc tâm, mỗi lúc thiện tâm càng được tăng trưởng thêm, vì vậy có những tội lỗi trước đây ta không nhận ra, nhưng giờ đây do tâm thanh tịnh dần mới thấy rõ chúng là các ác pháp.

Ví dụ khi xưa do còn ham chơi không phụng dưỡng đầy đủ cho cha mẹ, hoặc hiểu không đúng về song thân, hoặc có lúc nóng tính đã dám lớn tiếng với cha, làm buồn lòng mẹ… giờ đây nhớ lại mới thấy mình sai trái đâm ra hối hận, nhưng khốn nỗi cha mẹ không còn để xin người tha thứ, vì vậy tâm cứ bị cắn rứt không an, những trường hợp như vậy được gọi là hối quá.

Thực ra biết hối hận trước một việc làm sai trái là thiện pháp chứ không phải ác pháp, nhưng ở đây sự bứt rứt, day dứt khôn nguôi khiến tâm không thể an tịnh để nhập chánh định, do vậy hối quá cũng được xem là một triền cái cần phải an trú, vượt qua (chứ không đoạn diệt).

Nếu hối hận vì những lỗi lầm đã tự gây ra cho chính mình được gọi là nội hối quá, thì sự hối hận vì đã phạm lỗi với người khác là ngoại hối quá. Hối hận với tự mình và cả với người khác là nội-ngoại hối quá. Vì có liên quan đến đối tượng bên ngoài nên hối quá cũng được xếp trong hệ thống quán pháp.

Tất cả lòng hối quá phải được thanh tịnh hoá bằng phương pháp sám hối chân thực trước người mà mình phạm lỗi hoặc trước các vị đồng phạm hạnh. Riêng đối với các vị Tỳ-kheo khi thực hành lễ Bố tát, tụng đọc giới luật và phát lồ điều sai trái (nếu có) trước bậc đạo sư và Tăng đoàn cũng là pháp giúp ngăn ngừa lỗi lầm, đồng thời an trú hối quá theo đúng chánh pháp, “Này các Tỳ kheo, như vậy luật của bậc Thánh được tăng trưởng, khi nào có người sau khi thấy tội lỗi là tội lỗi, như pháp sám hối để ngăn ngừa trong tương lai!” (Kinh Nikāya).

Đây là phương cách quán pháp sám hối trên pháp hối hận để khắc phục phiền não do hối quá triền cái gây ra.

Bên cạnh việc sám hối trước người khác, đối với tự thân, người thực hành Bốn Niệm Xứ còn phải vận dụng hai pháp Tàm và Quý để tận trừ hối quá. Tàm là xấu hổ, Quý là biết sợ hãi trước những việc xấu xa, tội lỗi. Sức mạnh từ thiện tâm biết xấu hổ và sợ hãi điều xấu ác được gọi là tàm lực và quý lực, vì chính nhờ hai nguồn sức mạnh này sẽ giúp chúng ta ngăn ngừa những việc xấu xa, tội lỗi; nếu chưa làm sẽ không làm, và nếu đã lỡ lầm thì quyết tâm không tái phạm.

Hơn nữa khi biết xấu hổ và sợ hãi tội lỗi đến độ phát tâm nguyện mạnh mẽ thà chết chứ nhất định không tái phạm tội lần nữa và quyết tâm tạo thiện làm lành, thì tác ý này chính là dòng thiện pháp đẩy người biết tàm quý vượt lên trên lòng hối hận một cách trong sạch, hợp pháp. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa một người có thiện tâm và một kẻ vô lương tâm trước tội lỗi của mình.

- “Này các Tỳ kheo, vô minh đi trước, làm cho đạt được các pháp bất thiện; tiếp theo là không xấu hổ, không sợ hãi. Này các Tỳ kheo, minh đi trước, làm cho đạt được các pháp thiện; tiếp theo là xấu hổ và sợ hãi” (It.34, Tiểu Bộ 1, tr.334 = [Iti.40])

- “Ví như, này các Tỳ kheo, trong thành trì biên địa của vua có một con đường thông hào, vừa sâu và rộng để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài.

Cũng vậy, này các Tỳ kheo, Thánh đệ tử có lòng xấu hổ. Vị ấy xấu hổ vì thân làm ác, vì miệng nói ác, vì ý nghĩ ác. Vị ấy xấu hổ vì bị rơi vào các ác, bất thiện pháp. Lấy xấu hổ làm con đường thông hào, này các Tỳ kheo, Thánh đệ tử từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không tội, gìn giữ tự thân thanh tịnh. Với Diệu Pháp thứ hai này, vị ấy được thành tựu.

Ví như, này các Tỳ kheo, trong thành trì biên địa của vua có một con đường đi vòng chung quanh, vừa cao vừa rộng để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài.

Cũng vậy, này các Tỳ kheo, Thánh đệ tử có lòng sợ hãi, sợ hãi vì thân làm ác, vì miệng nói ác, vì ý nghĩ ác. Vị ấy sợ hãi vì bị rơi vào các ác, bất thiện pháp. Lấy sợ hãi làm con đường đi vòng xung quanh, này các Tỳ kheo, Thánh đệ tử từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không tội, gìn giữ tự thân thanh tịnh. Với Diệu Pháp thứ ba này, vị ấy được thành tựu” (TC VII:63, tr.426-36 = [I.7.63])

- “Do vậy, này các Tỳ kheo, cần phải học tập như sau: “Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả hiện tại. Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả trong đời sau. Chúng ta phải tránh xa các tội. Chúng ta phải thấy rõ sự nguy hiểm của các tội”. Như vậy, này các Tỳ kheo, các Thầy cần phải học tập.

Ðối với ai tránh xa các tội, này các Tỳ kheo, đối với ai thấy rõ sự nguy hiểm của các tội, thời được chờ đợi rằng người ấy sẽ được giải thoát tất cả tội.” (TC1, C2, Phẩm Hình Phạt, tr.96 = [I.2.1])
 
Quán xét vận dụng sức mạnh của Tàm lực và Quý lực để an trú hối hận về một lỗi lầm đã qua giúp tâm được an tịnh tiến tu theo đúng chánh pháp, đây chính là cách quán pháp Tàm, pháp Quý trên pháp hối hận để khắc phục phiền não do hối quá triền cái gây ra.

Như vậy, để đối trị với trạo cử phải dùng pháp tu Chỉ, còn đối trị với hối quá phải dùng pháp Sám hối và Tàm- Quý nhằm giúp tâm an tịnh. Nói chung, khi trạo hối triền cái phát sinh phải nhận thức rõ và tu tập các pháp tu Chỉ và pháp an tịnh tâm (gọi chung là pháp Chỉ Tịnh) để vượt qua trạng thái này. Ngoài ra, cũng trong bài kinh Anuruddha (2), (TC III:128 = [I.3.120]) đã chỉ rõ các niệm trạo cử, hối quá, kiêu mạn vi tế mà người tu các giai đoạn cao hơn cần ý thức rõ và ghi nhớ kỹ để đoạn trừ.

Vì thế, trong Kinh Tăng Chi tập 1, phẩm Đoạn Triền Cái, đức Phật đã dạy: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, đưa đến trạo hối chưa sinh không sinh khởi, hay trạo hối đã sinh được đoạn tận, này các Tỳ kheo, như tâm tịnh chỉ. Người có tâm tịnh chỉ, này các Tỳ kheo, trạo hối chưa sinh không sinh khởi, hay trạo hối đã sinh được đoạn tận” [I.1.2]. Nói theo Bốn Niệm Xứ đây là cách quán pháp Chỉ Tịnh trên pháp trạo hối nhằm khắc phục tham ưu do trạo cử và hối quá triền cái gây ra.

Tóm lại, khi trạo hối triền cái phát sinh phải tỉnh giác tuệ tri và vận dụng những pháp tương ứng thích hợp để đối trị nhằm duy trì được trạng thái an định nơi tâm và khinh an cho thân; đồng thời phải tích cực tịnh chỉ, an trú đúng pháp để trạo hối không còn phát khởi nữa, đó chính là ý nghĩa của đoạn kinh: “Hay nội tâm có trạo hối, tuệ tri: “Nội tâm tôi có trạo hối”; hay nội tâm không có trạo hối, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có trạo hối”. Và với trạo hối chưa sinh nay sinh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với trạo hối đã sinh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với trạo hối đã được đoạn diệt, tương lai không sinh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy”.

4.1.5 Nghi triền cái

Nếu nghi kiết sử là nghi ngờ khả năng chính bản thân mình, thì nghi triền cái trong hệ thống quán pháp lại là sự nghi ngờ có liên quan đến những đối tượng khác ngoài bản thân mình. Nhưng không phải bất cứ nghi ngờ nào cũng là nghi triền cái, vì chỉ có những nghi ngờ làm chướng ngại cho giải thoát, làm ngăn che trí tuệ mới là nghi triền cái. Theo ý nghĩa này, nghi triền cái chính là sự phân vân, hoài nghi, không hiểu rõ về chánh Phật bảo, chánh Pháp bảo, chánh Tăng bảo, các Giới luật và các Học pháp của chính đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni.

Nghi triền cái thuộc về si và cũng rất nguy hiểm. Khi đã bị chướng ngại pháp này bao phủ tâm, người tu sẽ dễ hoang mang chán nản, từ đó không cố gắng vượt thoát nguy hiểm. Không nỗ lực thoát hiểm thì làm sao thoát khỏi nguy hiểm? Ngược lại, có niềm tin chân chánh từ đó có nỗ lực vượt thoát thì khả năng giải thoát mới trở thành hiện thực. Cho nên kinh điển Nikāya ví niềm tin chân chánh như cột trụ vững chắc của một thành trì.

Người học Phật bị nghi triền cái ngăn che sẽ đâm ra phân vân, mất phương hướng; do vậy dễ sinh ra lười biếng, phóng dật, chán nản như kẻ bị lạc trong sa mạc hay trong rừng sâu. Chính vì thế đức Thế Tôn gọi những nghi ngờ này là bốn trong năm tâm hoang vu: 

“Này các Tỳ kheo, ở đây vị Tỳ kheo nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín đối với bậc Ðạo Sư…, nghi ngờ đối với Pháp.... đối với Tăng... đối với Học pháp... Này các Tỳ kheo, Tỳ kheo nào nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín đối với bậc Ðạo Sư, Tỳ kheo ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Khi tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn, như vậy gọi là tâm hoang vu thứ nhất…thứ hai…thứ ba…thứ tư” (trích lược TC IX:71, tr.229 = [I.9.71]).

Không có lòng tin chân chánh nơi Tam Bảo, nơi Giới luật và các Học pháp của Phật, vị tu sĩ dễ bất mãn với đời sống xuất gia và dễ xung khắc với các vị đồng phạm hạnh, chính vì vậy lòng sân hận các vị đồng đạo được xem là tâm hoang vu thứ năm.

Tâm hoang vu cũng đồng nghĩa với trường hợp của người thực hành sai pháp. Vị tu sĩ lúc đầu còn hăng hái tích cực hoặc đôi khi đạt được những xúc tưởng hỷ lạc của định tưởng nên tinh tấn một thời gian. Nhưng về lâu dài, người tu không thấy có sự tiến bộ hoặc tham-sân-si vẫn còn nguyên, thậm chí mạnh hơn trước nên đâm ra chán nản, dẫn đến bị tâm trạng phân vân, hoài nghi chi phối. Cuối cùng họ chỉ còn biết dựa vào lòng tin mơ hồ cho rằng ‘Pháp nào cũng là pháp của đức Phật’ để rồi cứ nhắm mắt đưa chân, thực hành đến đâu hay đến đó, cho dù không thấy đâu là bến bờ thực sự.

Do vậy, trong bài kinh đã dẫn ở trên, đức Phật cũng đã dạy cách đoạn trừ năm tâm hoang vu: “Này các Tỳ kheo, để đoạn tận năm tâm hoang vu này... Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập”. Có tu tập đúng pháp Bốn Niệm Xứ mới thấy như thật các phương pháp chỉ dạy của đức Phật là thiết thực hiện tại, vượt ngoài thời gian; là con đường độc nhất thanh tịnh tâm, giúp chặt đứt các kiết sử và đoạn trừ các triền cái một cách cụ thể, rõ ràng. Qua đấy mới có lòng tin chân chánh nơi Phật, Pháp, Tăng, học giới và các học pháp khác; có vậy mới thoát khỏi sự hoang mang, phân vân, nghi ngờ.

Quán xét, tìm hiểu, tu tập theo các phương pháp quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp để thấy rõ tính thiết thực hiện tại của giáo pháp Bốn Niệm Xứ, từ đó đặt lòng tin tưởng thanh tịnh chân chánh nơi Tam Bảo để thoát khỏi tâm hoang vu là nội dung phương pháp quán pháp Bốn Niệm Xứ trên pháp nghi ngờ nhằm khắc phục tham ưu do nghi triền cái gây ra.

Tuy vậy, để đạt được lòng tin chân chính khả dĩ được đức Phật ấn chứng, vị Tỳ-kheo phải có đầy đủ các ‘tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin’ bao gồm: có giới, nghe nhiều, làm bạn với thiện, không cứng đầu, khéo léo và tinh cần trong công việc, ưa pháp, thực hành Tứ Chánh Cần, chứng Tứ Thiền và Tam Minh (TC XI:15, tr.676 = [I.11.15]). Người đệ tử Phật nào đạt được những tiêu chuẩn này mới có thể tự khẳng định rằng mình đã có lòng tin chân chánh bất động thật sự nơi Phật pháp, đã đoạn trừ tận gốc tấm màn nghi triền cái.

Rõ ràng để đoạn trừ Nghi triền cái, xác lập lòng tin chân chánh theo những tiêu chuẩn được đức Phật nêu lên không đơn giản. Trong đó vị Tỳ-kheo phải thực chứng Tứ Thiền và Tam Minh, chưa đạt được hai tiêu chuẩn cuối này, niềm tin của vị Tỳ-kheo vẫn chưa được đức Thế Tôn xác chứng. Tuy nhiên, theo những tiêu chuẩn trên, giới hạnh là pháp đầu tiên được nêu lên, vì thế để đoạn trừ từng bước nghi ngờ triền cái, vị Tỳ-kheo hữu học cần phải bắt đầu từ việc giữ gìn giới hạnh cho thanh tịnh. Đây là yêu cầu không thể thiếu trên lộ trình đoạn trừ triền cái thứ năm tiến tới giải thoát thực sự, xác lập niềm tin chân chánh nơi đức Phật và Pháp của Ngài.

Bài kinh Trạm Xe (TB1, 24 = [Vd.24]) đã nêu rõ lộ trình tất yếu của người học Phật khởi đi từ giới hạnh, từ đó mới đoạn được nghi ngờ và đi tới giải thoát thực tế. Lộ trình này được tóm tắt bằng sự mô tả tóm lược như sau:

Giới thanh tịnh ==> Tâm thanh tịnh ==> Trí thấy biết như thật thanh tịnh ==> Đoạn nghi thanh tịnh ==> Trí thấy biết đâu là đạo Phật, đâu không phải đạo Phật một cách thanh tịnh ==> Tri kiến thực sự về con đường đi tới giải thoát thanh tịnh ==> Tri kiến giải thoát thực sự thanh tịnh ==> An trú không chấp thủ lậu hoặc, chứng nhập Niết Bàn ngay trong hiện tại.

Từ các nhận thức trên có thể nêu lên phương pháp đoạn trừ nghi triền cái một cách trọn vẹn theo các tiêu chuẩn do đức Phật đề ra chính là quá trình tu tập, thực hành, thực chứng pháp Tam Vô Lậu Học tức Thánh Giới Uẩn, Thánh Định Uẩn và Thánh Tuệ Uẩn. Vị Tỳ-kheo thực hành, thực chứng pháp Tam Vô Lậu Học tới đâu, sẽ xác lập được niềm tin chân chánh nơi đạo Phật đến đó. Cuối cùng khi đã đạt được sự giải thoát hoàn mãn với trí tuệ Tam Minh khả dĩ niềm tin mới được đức Thế Tôn chấp nhận trọn vẹn.

Chính vì vậy người học Phật cần phải quán xét giới hạnh của mình, thiền định của mình, trí tuệ của mình: Nếu chưa thanh tịnh thì phải làm cho thanh tịnh, nếu chưa viên mãn phải làm cho viên mãn.

Thực hiện những điều trên là nội dung ý nghĩa của phương pháp Quán pháp Tam Vô Lậu Học trên pháp nghi để khắc phục tham ưu do nghi triền cái gây ra.

- Người phật tử được an trú trong lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật sau khi đã nhận thức rõ từng danh xưng “Ðây là Như Lai, bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”.

- An trú trong lòng tin bất động đối với Pháp khi đã thực chứng “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”.

- An trú trong lòng tin bất động đối với chúng Tăng khi thấy rõ “Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, Ứng lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, được cúng dường, đáng tôn trọng, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời”.

- An trú trong lòng tin bất động đối với Giới luật Pātimokkha, khi đã thực hành và chứng nghiệm thực sự rằng những phạm hạnh này giúp đi tới giải thoát khổ đau hoàn toàn bằng một nếp sống của từ bi trí tuệ, của ly dục tức ly khổ, diệt dục tức diệt khổ; làm thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm.

- An trú trong lòng tin bất động đối với các Học Pháp trong kinh điển Nikāya như: Bốn Niệm Xứ, Bốn Chánh Cần, Bốn Như Ý Túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác Chi, Tám Chánh Đạo, Như Lý Tác Ý, Định niệm hơi thở, Thân Hành Niệm, Chỉ, Quán…

Lòng tịnh tín của người học Phật phải được dựa trên sự thực chứng của bản thân để đạt được trí tuệ chân chánh. Do đó trong Năm Căn và Năm Lực thì Tín căn phải có Tuệ căn và Tín lực phải có Tuệ lực đi kèm là vì vậy. Nếu không có trí tuệ đi kèm, một đức tin đơn thuần sẽ trở thành mê tín, tà tín, cuồng tín mà không biết.
 
Chính vì thế đức Thế Tôn đã dạy:

“Ðể đoạn tận tham, bất tịnh cần phải tu tập.
Ðể đoạn tận sân, từ tâm cần phải tu tập.
Ðể đoạn tận si, trí tuệ cần phải tu tập”
(TC VI:107, tr.264 = [I.6.107]).

Muốn có trí tuệ của Chánh tri kiến phải có năm chi phần hỗ trợ: Giới, Văn, Thảo Luận, Chỉ và Quán (Đại Kinh Phương Quảng). Trong đó giới luật là nếp sống hàng ngày, Văn là tìm đọc kinh điển hoặc nghe Phật pháp, Chỉ và Quán là hai pháp môn tu tập. Riêng thảo luận là một hình thức sinh hoạt hội chúng rất hữu ích, cần phải được tái thực hiện trong sinh hoạt Tăng đoàn cũng như của người cư sĩ.

Ngày nay các nước tiên tiến đều có áp dụng phương pháp thảo luận trong hệ thống giáo dục, nghiên cứu, kinh doanh, sản xuất… và xem đây như một phương tiện quan trọng nhằm đạt được mục đích yêu cầu trong các lãnh vực đó.

Thực ra, hình thức thảo luận đã được áp dụng trong hàng ngũ Tăng chúng ngay khi Phật còn tại thế như đã được ghi lại trong các tạng Kinh và Luật nguyên thuỷ. Bởi lẽ, đàm luận về Phật pháp đúng thời là một trong bốn yếu tố giúp đi đến đoạn tận lậu hoặc.

Trong bài kinh Thời gian, đức Phật đã dạy rõ: “Có bốn thời gian này, này các Tỳ kheo, nếu khéo tu tập, nếu khéo vận chuyển, tuần tự đưa đến sự đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là bốn? Nghe pháp đúng thời, đàm luận về Pháp đúng thời, Chỉ đúng thời, Quán đúng thời.” (TC1, C4, số 147 = [I.4.147])

Thông thường vào lúc sáng sớm, hoặc sau khi khất thực và thọ trai xong, hoặc buổi chiều sau giờ thiền tịnh, các Tỳ-kheo đi đến giảng đường để cùng thảo luận về một đề tài Phật Pháp nào đó. Ví dụ như đoạn mở đầu trong kinh Thân Hành Niệm: “Rồi một số đông Tỳ kheo, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, đang ngồi tụ họp trong hội trường, câu chuyện này được khởi lên giữa chúng Tăng...” (TB3, 119 = [U.38]); hoặc thảo luận giữa hai vị Tỳ-kheo với nhau: “Rồi Tôn giả Mahàkotthita, vào buổi chiều từ chỗ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Sārīputta…” (S.ii,112 = [Vd.11.12]).

Nếp sinh hoạt này vừa giúp tăng trưởng trí tuệ cho bản thân và người khác, đồng thời còn là biện pháp chống hôn trầm một cách tích cực. Thế nhưng, đáng tiếc thay, trong nhiều hội chúng học Phật hiện nay đã không còn tiếp tục duy trì hình thức hữu hiệu này, hoặc chỉ thực hiện một cách tự phát. Đây là một trong những lý do khiến sự hiểu biết về Phật pháp có phần hạn chế, góp phần làm tăng trưởng nghi triền cái; hoặc nếu không thì cũng đặt lòng tin theo xu hướng mê tín, tín ngưỡng có tính chất tôn giáo.

Khi tham gia thảo luận trong cùng một hội chúng, mỗi người phật tử có căn bản về trí tuệ nhân quả đều phải tôn trọng trình độ nhận thức của người khác, đồng thời cũng không nên cố tâm buộc người khác phải nghe theo quan điểm của mình.

Với hiểu biết như vậy nếu trong lúc thảo luận phát sinh những ý kiến trái ngược nhau, cả hai bên đều phải biết tạm gác lại vấn đề mâu thuẫn để tiếp tục tìm kiếm những nhận thức chính xác hơn, những ý kiến đúng đắn hơn. Sau đó mới tiếp tục thảo luận để giúp nhau cùng tiến bộ trong tinh thần hòa hợp nhau như nước hòa với sữa.

Ngược lại, nếu các bên tham gia đều cố chấp tư kiến của mình, xem thường nhận thức của người khác và cố tâm ép người khác phải theo quan điểm của mình thì cuộc thảo luận sẽ biến thành tranh luận, phiếm luận, cãi vã một cách không đáng và vô ích.

‘Người nói Pháp không có tranh luận’ - đây là điều mọi người con Phật cần phải nhớ mỗi khi thảo luận về Phật pháp. Bên cạnh đó, mọi cuộc thảo luận về Phật pháp cần phải dựa trên nền tảng các ‘Đại Căn Cứ Địa’ tối quan trọng đã được đức Thế Tôn tuyên thuyết:

“8. Nhưng ở đây, này các Tỳ kheo, nếu có Tỳ kheo nói như sau: “Tại trú xứ kia có vị trưởng lão, vị này là bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Ðối diện với vị trưởng lão ấy, tôi nghe như vậy, đối diện với vị trưởng lão ấy, tôi lãnh thọ như vậy: “Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư”“.

Này các Tỳ kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỳ kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật.

Nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương xứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la- hán, Chánh Ðẳng Giác và các Tỳ kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Và Này các Tỳ kheo, các Thầy hãy từ bỏ chúng.

9. Nhưng ở đây, này các Tỳ kheo, nếu có Tỳ kheo nói như sau: “Tại trú xứ kia có vị trưởng lão, vị này là bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Ðối diện với vị trưởng lão ấy, tôi nghe như vậy, đối diện với vị trưởng lão ấy, tôi lãnh thọ như vậy: “Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư”“.

Này các Tỳ kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỳ kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với
 Luật.

Nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này là lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Trưởng lão ấy đã thọ giáo chơn chánh”.

Này các Tỳ kheo, như vậy là Đại căn cứ địa thứ tư các Thầy cần phải thọ trì.” (Xem thêm các Đại căn cứ địa thứ nhất, thứ hai, thứ ba trong TC2, C4, tr.135-140 = [I.4.180.2-9])

Người học Phật phải bám sát các Đại Căn Cứ Địa nêu trên, đồng thời cũng phải căn cứ theo các nguyên tắc cơ bản của Phương pháp Luận Nghiên Cứu Khách Quan Khoa Học trong việc phân cấp thứ tự các tài liệu, kinh văn. Theo những nguyên tắc khách quan khoa học này, các kinh tạng Nikāya và luật tạng Pātimokkha được kết tập lần đầu tiên phải được xem là các kinh văn gốc cấp 1, các tài liệu nguồn chính thức đáng tin cậy. Vì vậy mọi cuộc thảo luận Phật pháp tìm chân lý cần phải y cứ trước hết trên hai căn bản địa quan trọng này để tham khảo, so sánh, đối chiếu, đánh giá.

Việc tìm hiểu về Phật pháp có tuân theo các nguyên tắc cơ bản nêu trên, thì việc đạt được trí tuệ giải thoát khỏi khổ đau thông qua các cuộc thảo luận là điều hoàn toàn khả thi.

Dĩ nhiên, lúc ấy dù có những ý kiến văn hoa, lý luận siêu thế trôi chảy đến đâu chăng nữa, nhưng nếu chúng vượt ngoài những ‘Đại Căn Cứ Địa’ đã được đức Phật nêu ra (cũng có nghĩa chúng không chỉ rõ cách thức diệt trừ tham-sân-si, cắt đứt kiết sử, đoạn diệt triền cái, giúp giải thoát khổ đau một cách thiết thực cụ thể); thì khi ấy, một người có Chánh tri kiến có thể tự mình đánh giá: chúng có giá trị hay không, có cần mất công tìm hiểu hay không, có đáng từ bỏ hay không (Xem thêm bài kinh Các Vấn Đề Được Nói Đến, TC1, C3, số 67 = [I.3.59])

Mong rằng việc chặt đứt sợi dây Nghi kiết sử sẽ được thực hiện triệt để, với sự sắc bén cần thiết của trí tuệ, thông qua sự nhận thức ý nghĩa quan trọng và thực hành đầy đủ tất cả các chi phần của Chánh tri kiến: Giới, Văn, Thảo Luận, Chỉ và Quán.

Nội nghi triền cái, Ngoại nghi triền cái, Nội ngoại nghi triền cái

Đoạn trừ nghi ngờ Phật, Pháp, Tăng, học Giới, học Pháp cho bản thân mình là nội dung của nội nghi triền cái. Giúp cho người khác thoát khỏi tâm hoang vu, đoạn trừ nghi ngờ là nội dung của ngoại nghi triền cái. Tự mình thoát khỏi nghi ngờ và giúp người khác không còn nghi ngờ Phật, Pháp, Tăng, học Giới, học Pháp là nội dung của nội-ngoại nghi triền cái. Đoạn nghi cho bản thân mình và giúp người khác đoạn nghi để được giải thoát là sự cụ thể hoá tinh thần tự độ, độ tha của người con Phật.

Bài kinh Tâm Hoang Vu (TB1,16 = [U.10]) đã phản ánh rõ tinh thần tự độ và độ tha của vị Tỳ-kheo Thanh Văn trong việc giúp mình và giúp người đoạn trừ nghi triền cái, giải thoát khổ đau. Nội dung bài kinh này đã đề cập đến 15 pháp bao gồm: năm tâm hoang vu, năm tâm triền phược, bốn pháp Như Ý Túc và pháp cuối cùng là ‘nỗ lực’.

Điều này có nghĩa năm tâm hoang vu và năm tâm triền phược là các pháp bất thiện; ngược lại Bốn Như Ý Túc và sự nỗ lực là các thiện pháp. Vị Tỳ-kheo muốn giúp mình và người khác thoát khỏi năm tâm hoang vu và năm tâm triền phược phải tu tập Bốn Như Ý Túc bao gồm Dục như ý túc, Tinh tấn như ý túc, Định như ý túc và Tuệ như ý túc.

Vị Tỳ-kheo Thanh Văn phải có lòng khát vọng tự cứu mình, giải thoát mình khỏi khổ đau. Và khi đã thành tựu viên mãn vị Tỳ-kheo Thanh Văn còn cần phải tiếp tục tăng trưởng lòng khát vọng để giúp cho người khác giải thoát khỏi khổ đau. Có như vậy nguyện vọng mới đầy đủ theo tinh thần từ bi của người con Phật (Dục như ý túc). Nhờ có khát vọng giải thoát cho mình mới tinh tấn cứu mình và phải có khát vọng cứu người mới tinh tấn cứu giúp cho người, như vậy sự tinh tấn mới đầy đủ (Tinh tấn như ý túc).

Vị Tỳ-kheo phải tinh cần tinh tấn tu tập mới nhập được Chánh định để giải thoát cho mình, sau đó còn phải tiếp tục tinh tấn nỗ lực tu tập cả các trạng thái thiền định vô sắc của ngoại học một cách đầy đủ (Định như ý túc) nhờ vậy mới có trí tuệ trọn vẹn về tất cả trạng thái thiền định (Tuệ như ý túc).

Vị Tỳ-kheo có thực hiện đầy đủ các pháp này mới hiểu rõ đâu là chánh định, đâu là tà định; đâu là chánh trí tuệ, đâu là tà tuệ, đâu là chánh giải thoát, đâu là tà giải thoát, nhờ vậy mới có khả năng cứu mình và cứu giúp cho những người hữu duyên. Mặc dù biết rõ các tầng thiền vô sắc chỉ là các trạng thái tịch tịnh của tưởng, không đi đến giải thoát Niết Bàn thực sự, nhưng vị Thánh Thanh Văn vẫn phải tu tập chúng chỉ với mục đích biết rõ chúng để hoàn thiện khả năng hoá độ chúng sinh.

Chính vì thế, để thực hiện được lý tưởng cao quý này vị Tỳ-kheo cần phải có thêm pháp ‘nỗ lực’ là vì vậy. Bài Kinh Tâm Hoang Vu là thêm một chứng minh cụ thể cho tinh thần từ bi, tự độ - độ tha cụ thể của vị Tỳ-kheo Thanh Văn đệ tử Phật.

Quán Tánh Sanh Khởi, Tánh Đoạn Diệt, Tánh Sanh Diệt Trên Pháp Nghi

- Quán tánh sinh khởi trên pháp nghi triền cái là quán tìm nguyên nhân phát sinh nghi ngờ hoang vu (ví dụ do không nghiên cứu kỹ Chánh kinh - Chánh luật nên hiểu và tu sai cách, do tiếp xúc với bạn xấu, do thiếu các tiêu chuẩn về lòng tin…) và trên hết vẫn là lời dạy của đức Thế Tôn “Và này các Tỳ kheo, do phi như lý tác ý, nghi hoặc chưa sinh được sinh khởi; và nghi hoặc đã sinh đưa đến tăng trưởng, quảng đại” (TƯ5, 93 = [Ve.9.35]).

- Quán tánh diệt tận trên pháp nghi là quán các phương thức để ngăn chặn và diệt trừ các niệm phân vân nghi ngờ. “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, đưa đến nghi hoặc chưa sinh không sinh khởi, và nghi hoặc đã sinh được đoạn tận, này các Tỳ kheo, bằng như lý tác ý. Nếu như lý tác ý, này các Tỳ kheo, nghi hoặc chưa sinh không sinh khởi, và nghi hoặc đã sinh được đoạn tận” (TC I, tr.11 = [I.1.2]) (Ở đây biết phân biệt rõ phi như lý tác ý và biết thực hành như lý tác ý như một pháp môn quan trọng để đi tới giác ngộ là đã có trí tuệ. PNGP).

- Quán tánh sinh diệt trên pháp nghi là kết hợp cả hai cách nêu trên.

Đến đây, phải lưu ý thêm một điều vô cùng quan trọng, đó là có những nghi ngờ chánh đáng cần phải khởi lên trước những điều phi pháp nhưng đã bị ngộ nhận là chánh pháp (sở dĩ có điều tai hại này là do sự cả tin và ngây thơ - hai căn bệnh thường gặp trong tôn giáo).

Trong trường hợp này, để giải nghi cho ‘sự phân vân trí thức’, không có gì rõ ràng và cụ thể hơn lời dạy của đức Thế Tôn:

“Đương nhiên, này các Kalama, các ông có những nghi ngờ! Đương nhiên, này các Kalama, các ông có những phân vân! Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các ông đương nhiên khởi lên phân vân. Này các Kalama,

 Chớ có tin vì nghe truyền thuyết;
 Chớ có tin vì theo truyền thống;
 Chớ có tin vì nghe người ta nói;
 Chớ có tin vì được Kinh điển truyền tụng;
 Chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình;
 Chớ có tin vì đúng theo một lập trường;
 Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện;
  Chớ có tin vì phù hợp với định kiến;
 Chớ có tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền,
 Chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.

Nhưng này các Kalama, khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện - các pháp này là có tội; các pháp này bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời này Kalama, hãy từ bỏ chúng!

Này các Kalama, khi nào tự mình biết như sau; “Các pháp này là thiện; các pháp này không có tội; các pháp này không bị người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận, đưa đến hạnh phúc an lạc”, thời này các Kalama, hãy đạt đến và an trú!” (TC III:65, tr.337 = [I.3.57]).

Lời dạy mang tính chân lý này tuy đã được nhiều người biết đến, nhưng thực hành cho đúng thì chưa chắc!

Tóm lại, khi một tâm niệm nghi triền cái sinh khởi phải tỉnh giác nhận biết ngay và phải giải nghi bằng các tiêu chuẩn về lòng tin, bằng trí tuệ và bằng sự tu tập thực chứng. Đồng thời quán xét ngăn chặn và loại trừ tâm nghi ngờ không chánh đáng để chúng không còn khả năng phát khởi, tiến tới đạt được lòng tịnh tín bất động nơi Phật, Pháp, Tăng, học Giới và học Pháp; có vậy mới tiến tu trong giáo pháp của đức Thế Tôn.

Trên đây là nội dung của đoạn kinh: “Hay nội tâm có nghi, tuệ tri: “Nội tâm tôi có nghi”; hay nội tâm không có nghi, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có nghi”. Và với nghi chưa sinh nay sinh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với nghi đã sinh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với nghi đã được đoạn diệt, tương lai không sinh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy”.

Tỳ Kheo Pani Giới Pháp
Trích trong Giải mã Kinh Niệm Xứ chặng đường thoát khỏi khổ đau
Còn nữa...

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm