Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 04/06/2016, 10:59 AM

Giải mã Kinh Niệm Xứ chặng đường thoát khỏi khổ đau (P.6)

Vì tâm còn hữu hạn nên sinh ra tự mãn, khen mình chê người, khi có được lợi dưỡng, danh vọng, cung kính; hay trước những thành tựu về giới đức, thiền định, tri kiến. Vì tâm hữu hạn nên rơi vào mê say tham đắm, không chịu tiến tu tới cùng, để rồi giữa đường phóng dật dẫn đến bị trói cột trước các thành tựu như vậy. Vì thế đức Phật ví người tu sĩ đạo Phật giống như người đi tìm lõi cây. Một kẻ mang tâm cảnh hữu hạn sẽ không bao giờ đạt được lõi cây của Chính pháp.

3.4 Quán tâm thâu nhiếp trên tâm tán loạn

Tâm tán loạn là trạng thái mất bình tĩnh hoặc sợ hãi quá đáng trước một sự việc nào đó (sợ hãi do tâm si đã nói ở trên là sợ hãi vào điều không có thật, chỉ do tưởng tượng). Khi tâm bị tán loạn có thể gây ra những hậu quả không đáng có, hoặc đem lại những thất bại đáng tiếc.

Ví dụ một em học sinh tuy rất giỏi nhưng khi ngồi trong phòng thi em lại cảm thấy quá hồi hộp, bấn loạn đến độ quên hết những điều đã học, do vậy bài làm của em bị nhiều sai sót khiến em bị thi rớt một cách oan uổng. Hoặc giả, một ứng viên có nghiệp vụ chuyên môn cao nhưng lại bị ức chế, mất bình tĩnh trong khi phỏng vấn xin việc nên đã không thể trả lời chính xác các câu hỏi để rồi bị loại một cách đáng tiếc.

Đối với một tu sĩ, khi tâm bị tán loạn chắc chắn sẽ không thể nhập định hay an trú trong thiền định. Thậm chí trong một số trường hợp, tâm quá hoảng loạn cũng có thể dẫn đến ngất xỉu vì sợ hãi. Ví như một người vì quá sợ rắn, khi bất ngờ nhìn thấy con vật, mặc dù chưa bị nguy hiểm nhưng vẫn có thể chết giấc vì chính tâm trạng hoảng loạn của mình v.v… Tất cả những hiện tượng nêu trên đều là biểu hiện của tâm tán loạn.

Các tâm bệnh này cũng là những biến tướng của tâm si, do đó cũng cần chế ngự bằng phương pháp Như lý tác ý kết hợp với phương pháp quán tâm thâu nhiếp.

Để hiểu rõ cách đối trị tâm tán loạn bằng tâm thâu nhiếp, có thể hình dung trạng thái tâm hoảng loạn giống như một lồng cầu đang quay tròn, bên trong có các trái banh với nhiều mầu sắc khác nhau và chúng bắn đi theo khắp mọi hướng.

Lồng cầu ví như tâm tán loạn và mỗi trái banh được ví như một ý niệm và chúng phát khởi trong tâm một cách hỗn loạn, không theo một chiều hướng như ý muốn. Vì vậy muốn kềm thúc các ‘trái banh ý niệm’ tán loạn này, chỉ có cách duy nhất là thâu nhiếp chiếc lồng cầu thành một khối để các trái-banh-tâm trụ vào một điểm. Khối lồng cầu thu gọn chính là tâm thâu nhiếp và điểm hội tụ cho các ý niệm chính là hơi thở.

Khi tâm tán loạn hơi thở sẽ rối loạn, ngược lại khi hơi thở được điều phục, điều hoà thì trạng thái tâm sẽ theo đó được ổn định. Chính vì vậy đức Phật đã dạy: “Ðể đoạn tận tâm dao động, niệm hơi thở vào hơi thở ra cần phải tu tập” (TC VI:115, tr.268 = [I.6.115]), bởi lẽ “khi khéo an trú niệm hơi thở vô hơi thở ra, đặt niệm trước mặt, hướng về nội tâm, thời các tâm hướng ngoại, dự phần vào tổn hại không có” (It.80 = [Iti.85]).

Em học sinh hoặc người ứng viên dự thi nếu bị tâm bấn loạn do quá hồi hộp, ngay lúc ấy phải tỉnh giác tuệ tri ‘tâm tán loạn, tôi biết tâm tôi tán loạn’, đồng thời phải tự nhắc mình ‘tâm thâu nhiếp, tôi có tâm thâu nhiếp’. Và thực hành thâu nhiếp tâm ngay vào hơi thở kết hợp với Như lý tác ý như sau: ‘Hơi thở điều hoà, tôi biết tôi đang hít vô. Hơi thở điều hoà, tôi biết tôi đang thở ra’; hoặc ‘Với tâm bình tĩnh, tôi biết đang hít vô. Với tâm bình tĩnh, tôi biết đang thở ra’; hoặc ‘Mọi việc sẽ ổn, hít vô điều hoà. Mọi việc sẽ ổn, thở ra điều hoà’...

Chú tâm theo hơi thở cùng với các câu tác ý thích đáng sẽ giúp tâm dần trở lại trạng thái bình thường. Với những người có tín ngưỡng về tâm linh cũng có thể thâu nhiếp tâm nhớ nghĩ nơi đức tin trong sạch của mình - như trong phần tâm vô si - nhờ vậy cũng sẽ giúp tâm trở về trạng thái bình tĩnh, an ổn nhanh hơn. Đối với người có tu tập Định niệm hơi thở và thường như lý tác ý tâm vô si, biết tự tin nơi chính mình, thì hiệu quả cũng sẽ tốt đẹp hơn.

Trong trường hợp quá sợ một đối tượng nào đó (như rắn, côn trùng, nhện, sâu bọ…) khiến tâm hoảng loạn thì cần phải khắc phục tình trạng này bằng cách từng bước tiếp cận hợp lý với sự khiếp đảm để quen dần với đối tượng (giống như trong Kinh Sợ Hãi Khiếp Đảm đã nói ở phần tâm vô si).

Ngày nay phương pháp tiếp cận trực tiếp theo từng giai đoạn một cách thích đáng cũng đã được các nhà tâm lý học áp dụng nhằm giúp các bịnh nhân không còn bị hoảng hốt, ngất xỉu khi thấy các đối tượng mà mình quá sợ hãi (tất nhiên với các đối tượng quá nguy hiểm, tránh né là tốt hơn. Xem kinh Tất cả các lậu hoặc, TB1,2 = [U.4]).

Tóm lại, biết nhiếp tâm trên niệm hơi thở vô, hơi thở ra cùng với các câu Như lý tác ý thích ứng hoặc đặt tâm nhớ nghĩ đến Tam Bảo để khắc phục sự tán loạn, đó là đã biết quán tâm thâu nhiếp trên tâm tán loạn nhằm chế ngự tham ưu do tâm tán loạn gây ra.

3.5 Quán tâm quảng đại trên tâm không quảng đại

Tâm không quảng đại là tâm nhỏ mọn, hẹp hòi, hay chấp nhặt vào những điều vụn vặt, không đáng. Người có tâm không quảng đại thường luôn ở trong trạng thái khó chịu, bất mãn, khổ sở; đồng thời cũng gây phiền não cho người thân cận.

Tâm không quảng đại có nhiều nguyên nhân khác nhau. Thông thường tâm bất thiện này phát sinh do bản tánh, tuổi tác hoặc môi trường. Trẻ em thường có xu hướng chấp trước những chuyện ‘trẻ con’, thế nhưng nếu không được cha mẹ hướng dẫn uốn nắn thì tánh khí nhỏ hẹp đó sẽ duy trì để trở thành bản tánh không quảng đại. Hoặc giả, khi lớn tuổi về hưu, do cuộc sống ít bận rộn hơn nên những người già cũng hay chấp nhặt, tủi thân hoặc để ý đến những việc mà đối với các con cháu cho là không đáng.

Cũng vậy, đối với người tu sĩ, khi cuộc sống xuất gia ‘thu hẹp’ hơn tại gia, do vậy nếu không tu tập đúng hướng thì tâm không quảng đại cũng theo đó mà phát sinh, gây ra những bực phiền không đáng, không những cản trở cho việc định tâm của cá nhân mà còn tạo thêm nhiều bất an, phiền toái cho hội chúng.

Thông thường cùng một sự việc xảy ra nhưng đối với người này cảm thấy khó chịu bực bội, còn với người khác lại cho là không đáng kể. Nguyên nhân khác biệt là do hai người có tâm lượng rộng hẹp khác nhau. Trường hợp này giống như cùng một giọt nước tiết ra từ con bọ xít nhưng nếu ở trong căn phòng nhỏ hẹp sẽ gây ra khó chịu, ngột ngạt; ngược lại khi ở ngoài trời thoáng đãng sẽ chẳng gây phản ứng cho một ai.

Cũng vậy, đối với một tâm lượng hạn hẹp, dù một sự việc bất như ý nhỏ, thậm chí chỉ là sự việc vô tình cũng có thể trở thành một khổ tâm to lớn, một hiềm hận dai dẳng. Nhưng ngược lại nếu biết tu tập tâm quảng đại bao dung thì những sự việc ấy sẽ trở thành không đáng kể. Như vậy tu tập trưởng dưỡng mở rộng tâm mình trở nên quảng đại, rộng lượng chính là phương pháp đối trị với tâm nhỏ mọn, chấp nhặt, hẹp hòi.

Vậy tâm quảng đại khác với tâm từ bi như thế nào? Đứng về mặt lý thuyết, có thể phân biệt tâm quảng đại và tâm từ bi bằng hình dung như sau: tâm từ bi được ví như nguồn nước sung mãn có thể dập tắt những đám cháy của sân hận, còn tâm quảng đại được ví như ống kính của máy thu hình đặt trên vệ tinh. Do ống kính ghi hình phải bao quát cả một không gian quá rộng lớn của cả lục địa và đại dương, nên đối với một ngọn lửa nhỏ không gây nguy hại gì, ống kính có thể bỏ qua không cần ghi nhận.

Theo một cách khác có thể hình dung tâm không quảng đại ví như một tấm bản đồ mô tả chi tiết một thành phố với các con đường, công viên, bãi rác, cống rãnh… Trái lại trong tấm bản đồ mô tả cả một đất nước rộng lớn thì các đối tượng này trở nên quá nhỏ bé, không thể hiện hữu. Với tấm bản đồ mô tả lớn hơn nữa gồm các lục địa và đại dương bao la thì các vực thẳm lớn, núi lửa lớn cũng trở thành quá nhỏ không thể tồn tại. Cũng vậy, biết tu tập mở rộng tâm càng quảng đại bao nhiêu, càng dễ dàng hoá giải được nhiều sự việc bất như ý, nhỏ nhặt bấy nhiêu.

Đứng về mặt thực hành, phải tu tập như thế nào để có được tâm quảng đại? Bài kinh ‘Sau Khi An Cư’ (TC IX:11, tr.96 = [I.9.11]) đã trả lời cho câu hỏi này. Nguyên sau cuộc lễ tự tứ tại Jetavana, Tôn giả Xá-lợi-phất đến xin đức Phật được ra đi du hoá. Tôn giả Xá-lợi-phất vừa trở ra không bao lâu, có một vị Tỳ-kheo trở vào kiện với Phật rằng ngài Xá-lợi-phất đã xúc phạm ông ta rồi bỏ đi du hành, không có xin lỗi.

Đức Thế Tôn đã biết rõ nguyên nhân của sự việc, chẳng qua cũng chỉ vì vị Tỳ-kheo còn giữ tâm lượng hẹp hòi, chấp nhặt nên đã hiểu lầm vị Tướng Quân Chính Pháp. Chính vì vậy, ngay sau đó, đức Thế Tôn đã cho triệu tập Tăng chúng để nhân cơ hội này nêu lên một bài học chữa trị tâm không quảng đại cho cả hội chúng.

Bài kinh đã ghi lại tiếng rống sư tử của vị Thánh tăng A-la-hán khi Tôn giả ví tâm mình đã được tu tập và an trú rộng rãi bao la quảng đại như đất, nước, lửa, gió, như miếng vải lau đồ bất tịnh, như người cùng đinh không còn ngã mạn, như con bò đực bị cưa sừng không còn tranh đấu, như kẻ luôn xấu hổ với tấm thân bất tịnh, như một bát mỡ rỉ chảy không còn muốn hơn thua với ai.

Với một tâm cảnh rộng lượng, vô biên, không hận, không sân như thế, nên dù có ai đó ‘quăng đồ tịnh, quăng đồ bất tịnh, quăng phẩn uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu’ cũng không vì thế mà trở nên hiềm hận, oán thù; huống hồ ở đây với một vị đồng đạo không hề xích mích. Có chăng là do người khác cố chấp, nhỏ nhặt mới sinh tâm trách móc giận hờn như vậy. Tất nhiên, ngay sau đó vị Tỳ kheo hiểu ra và thấy được lỗi lầm của mình nên đã xin sám hối với đức Phật và ngài Xá-lợi-phất.

Nội dung bài kinh đã chỉ cho chúng ta đối trị tâm không quảng đại bằng cách tu tập như lý tác ý nhắc nhở mình vốn có một tâm quảng đại bao la rộng lượng như đất, nước, lửa, gió, không ngã chấp, không ngã mạn. Nhờ thường xuyên biết chánh tác ý nhắc tâm như vậy, khi hoàn cảnh bất ưng xẩy đến, người tu tập không những vượt qua được những khổ đau bất mãn do tâm chấp nhặt gây ra, mà còn có thể hoá giải cả những nghịch cảnh mâu thuẫn gay gắt khác nữa.

Thường xuyên quán xét và tu tập Như lý tác ý theo hướng tăng trưởng tâm quảng đại bao dung như đất, nước, lửa, gió là phương pháp tẩy rửa tâm không quảng đại ngủ ngầm trong tâm.

Hoặc khi một tâm niệm hẹp hòi, chấp nhặt một việc không đáng khởi lên, chúng ta phải tỉnh giác nhận diện, tuệ tri ‘tâm không quảng đại, mình đang có một tâm không quảng đại’. Ngay đó phải phản tỉnh nhận thức rõ hậu quả của tâm nhỏ mọn, cố chấp, hẹp hòi chỉ đem lại đau khổ cho mình và người khác. Đồng thời hướng tâm đến sự độ lượng, khoan dung bằng như lý tác ý: ‘Tâm tôi phải quảng đại bao la như đất, nước, lửa, gió…’, ‘Không có lợi ích gì khi cố chấp như vậy’, ‘Chấp nhặt như vậy chỉ làm khổ mình, hại người’...

Cứ kiên trì tác ý như vậy cho đến lúc các niệm phiền não do chấp trước sự việc nhỏ nhặt bất như ý không còn khởi lên trước bất kỳ hoàn cảnh nào là tiến thêm một bước trên con đường đi tới giải thoát.

Tóm lại, biết tư duy, quán xét, hướng tâm đến sự rộng lượng, khoan dung để đối trị tâm niệm hẹp hòi, nhỏ nhặt đó chính là biết quán tâm quảng đại trên tâm không quảng đại nhằm chế ngự tham ưu do tâm nhỏ mọn gây ra.

3.6 Quán tâm vô thượng trên tâm hữu hạn

Tâm hữu hạn là các tâm niệm có những mục đích giới hạn, chúng trói cột con người vào những cấp độ hạn định khiến không thể đạt tới cứu cánh tối thượng cũng như sự giải thoát sinh tử luân hồi hoàn toàn. Tâm hữu hạn biểu hiện rất nhiều hình thái khác nhau, và nói chung, chúng cũng là hệ quả từ tâm si mà ra.

Đối với người cư sĩ đạo Phật, do gia sự đa đoan và hoàn cảnh riêng của mình, có thể niệm nhớ những thiện hạnh của chư Thiên cùng với niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm tuệ để củng cố công hạnh nhập lưu của mình. Đức Phật đã dạy cho cư sĩ Mahanama:

“Trong khi vị ấy tùy niệm tín, giới, nghe pháp, thí, tuệ của tự mình và chư Thiên ấy, trong khi ấy, tâm không bị tham ám ảnh; trong khi ấy, tâm không bị sân ám ảnh; trong khi ấy, tâm không bị si ám ảnh; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ duyên chư Thiên.

Này Mahānāma, vị Thánh đệ tử, với tâm chánh trực, có được nghĩa tín thọ, có được pháp tín thọ, có được hân hoan liên hệ đến pháp. Khi có hân hoan, hỷ sinh; khi có hỷ, thân được khinh an; khi thân khinh an, cảm giác lạc thọ; khi có lạc thọ, tâm được định tĩnh.

Tùy niệm chư Thiên này, này Mahānāma, Ông cần phải tu tập khi đi, Ông cần phải tu tập khi đứng, Ông cần phải tu tập khi ngồi, Ông cần phải tu tập khi nằm, Ông cần phải tu tập khi chú tâm vào các công việc, Ông cần phải tu tập, khi Ông sống tại trú xứ đầy những con nít” (TC XI:13 = [I.11.13])

Người cư sĩ tùy niệm chư Thiên có nghĩa là thường nhớ nghĩ đến các thiện hạnh của chư Thiên để trau dồi thiện hạnh cho chính bản thân mình. Trong bài kinh Các lễ Uposatha, đức Phật đã dạy cho bà Visākhā:

“Ðầy đủ với lòng tin như vậy, chư Thiên ấy, mạng chung ở chỗ này, được sinh tại chỗ ấy. Ta cũng có lòng tin như vậy. Ðầy đủ với giới như vậy... Ðầy đủ với nghe pháp như vậy... Ðầy đủ với thí như vậy… Ðầy đủ với trí tuệ như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sinh tại chỗ kia. Ta cũng có trí tuệ như vậy”.

Khi vị ấy niệm tín, giới, nghe pháp, thí, và tuệ của tự mình và của chư Thiên ấy, tâm được tịnh tín, hân hoan sinh khởi. Các phiền não của tâm được đoạn tận. Ðây gọi là Thánh đệ tử thực hành Thiên trai giới, sống chung với chư Thiên. Nhờ chư Thiên, tâm vị ấy được tịnh tín, hân hoan sinh khởi. Các phiền não của tâm được đoạn tận.” (Lược trích kinh số 70, TC1, C3 = [I.3.62])

Thế nhưng, đối với vị Tỳ-kheo đã xuất gia, các thiện hạnh như của chư Thiên xem như đã thực hiện khi còn là cư sĩ, do vậy vị Tỳ-kheo muốn thực hành “nghiệp không đen, không trắng, nghiệp đi đến đoạn nghiệp”, nhưng nếu vị tu sĩ tu hành chỉ với mục đích được sinh làm chư Thiên thì đây lại là một tâm niệm hữu hạn và là một trong năm tâm triền phược của người tu sĩ:

“Và lại nữa, chư Tỳ kheo, Tỳ kheo nào sống phạm hạnh với mong cầu được sinh thiên giới với ý nghĩ: “Ta với giới này, với hạnh này, với khổ hạnh này hay với phạm hạnh này sẽ được sinh làm chư Thiên này hay chư Thiên khác”. Chư Tỳ kheo, Tỳ kheo nào sống phạm hạnh với mong cầu được sinh thiên giới…, như vậy là tâm triền phược thứ năm chưa được đoạn tận” (Kinh Tâm Hoang Vu, TB1, 16 = [U.10.5])

Hậu quả của tâm triền phược cũng đã được đức Phật chỉ rõ: “Chư Tỳ kheo, Tỳ kheo nào chưa diệt trừ năm tâm hoang vu, chưa đoạn tận năm tâm triền phược, vị ấy có thể lớn mạnh, trưởng thành, hưng thịnh trong Pháp và Luật này, sự kiện này không xảy ra” (Sđd).
 
Đối với người tu sĩ nhắm tới mục đích giải thoát vĩnh viễn sinh tử luân hồi, thì tâm triền phược mong muốn sinh Thiên được xem như một tâm niệm hữu hạn, bởi lẽ dù có trở thành vị Đại Phạm Thiên cao nhất nhưng nếu không duy trì phước báu, khi phước báu cũ hết vẫn phải chịu cảnh tái sinh luân hồi. Chính vì thế, tâm hữu hạn được sinh Thiên giới là sự bực phiền, tủi nhục, chán ngấy đối với một vị Tỳ kheo hiểu đạo:

“- Nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các thầy như sau: “Chư Hiền, có phải Sa-môn Gotama sống Phạm hạnh để được sinh lên cõi Trời? “Này các Tỳ kheo, được hỏi vậy, các Thầy có bực phiền, tủi nhục, chán ngấy hay không?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Như vậy, này các Tỷ Kheo, các Thầy bực phiền, tủi nhục, chán ngấy đối với thiên thọ mạng; các Thầy bực phiền, tủi nhục, chán ngấy đối với thiên sắc, thiên lạc, thiên danh vọng, thiên thù thắng, còn nói gì, này các Tỷ Kheo, đối với thân làm ác, các Thầy bực phiền, tủi nhục, chán ngấy như thế nào, đối với miệng nói ác.... đối với ý nghĩ ác, các Thầy cảm thấy bực phiền, tủi nhục, chán ngấy như thế nào” (TC III:18, tr.204 = [I.3.9]).

Do vậy, đối với vị tu sĩ thâm hiểu Phật Pháp cần phải nhắm tới sự an lạc cao cả, tối thượng. Lạc ấy là do ái đã được đoạn diệt:

“Dục lạc gì ở đời,
Kể cả thiên lạc này,
Không bằng phần mười sáu,
Lạc do ái đoạn diệt” (Ud II, 10b = [Uda.12]).

“1109. Ðời bị hỷ trói buộc,
Suy tầm là sở hành,
Do đoạn được khát ái,
Ðược gọi là Niết Bàn” (Sn 214, tr.808)

Vì vậy người tu sĩ đệ tử Phật cần nhận thức rõ mục đích xuất gia là tầm cầu giải thoát ngay trong hiện tại, với một chí nguyện cao cả là cứu mình và giúp người. Đoạn trừ dục ái để đoạn diệt khổ đau, chứng nhập Niết Bàn chính là tâm nguyện cao thượng nhất, là lý tưởng cao đẹp nhất của người đệ tử Phật “Nhập vào Niết Bàn, này Rādha, là sự thực hành Phạm hạnh; Niết Bàn là mục tiêu cuối cùng; Niết Bàn là cứu cánh” (TƯ3, 188 = [Sb.37.1]).

Vị Tỳ-kheo hữu học với mức độ tuệ tri có thể hiểu Niết Bàn một cách thiết thực cụ thể “Ðồng nghĩa với Niết Bàn giới là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si, cũng được gọi là đoạn tận các lậu hoặc” (TƯ5, 8 = [Ve.10.7]). Nói cách khác đặt tâm theo chiều hướng cứu cánh Niết Bàn - diệt dục ái, tham-sân-si, phiền não lậu hoặc - để giải thoát khổ đau ngay trong kiếp sống này chính là tâm vô thượng của bậc ly gia cắt ái cần hướng tới.

Suy tư, quán xét hướng tâm đến cứu cánh Niết Bàn tối hậu để đoạn trừ tâm triền phược - hữu hạn mong sinh thiên giới: đây chính là nội dung của phương pháp quán tâm vô thượng Niết Bàn trên tâm hữu hạn để khắc phục tham ưu do tâm triền phược gây ra.

Ngoài ý nghĩa trên, các tâm niệm hữu hạn còn có những nội dung khác nữa như đã được chỉ rõ trong Đại Kinh Thí Dụ Lõi Cây (TB1, 29 = [Sb.7]). đức Thế Tôn đã dạy bài kinh này, nhân sự việc Devadatta từ bỏ hội chúng ra đi, để nhắc nhở các Tỳ-kheo phải thấy rõ những tác hại của tâm hữu hạn. Những tâm niệm hạn lượng không những gây cản trở và làm dừng lại sự tiến tu tới giải thoát, mà còn kéo lui người tu sĩ trở về với danh lợi, tranh giành, ganh đua, tranh đấu không thua gì người đời.

Được gọi là tâm hữu hạn vì người mang tâm cảnh này sẽ bị hạn cuộc mắc kẹt trong từng quá trình của đời sống xuất gia và các bước thành tựu trong tu tập, đến độ không thể đi được trọn vẹn con đường giải thoát. Vì tâm còn hữu hạn nên sinh ra tự mãn, khen mình chê người, khi có được lợi dưỡng, danh vọng, cung kính; hay trước những thành tựu về giới đức, thiền định, tri kiến. Vì tâm hữu hạn nên rơi vào mê say tham đắm, không chịu tiến tu tới cùng, để rồi giữa đường phóng dật dẫn đến bị trói cột trước các thành tựu như vậy.

Vì thế đức Phật ví người tu sĩ đạo Phật giống như người đi tìm lõi cây. Một kẻ mang tâm cảnh hữu hạn sẽ không bao giờ đạt được lõi cây của Chính pháp.

- Người tu sĩ mới đạt được sự cung kính, danh vọng, lợi dưỡng đã thấy thoả thích với điều mình có, từ đó đâm ra tự mãn, khen mình chê người, không chịu tiến tu hơn nữa trong việc giữ gìn Phạm hạnh. Đây là hạng tu sĩ chỉ lấy được cành lá. Tâm của vị này còn bị hạn cuộc bởi cung kính, danh vọng, lợi dưỡng.

- Người tu sĩ mới chỉ thành tựu về giới hạnh, nhưng đã vội tự mãn về giới hạnh của mình rồi đâm ra khen mình chê người, không chịu tiến tu cao hơn để đạt được thiền định, đây là người chỉ lấy được vỏ cây bên ngoài. Tâm của vị này đã bị hạn cuộc bởi thành tựu về giới hạnh.

- Người tu sĩ nhờ giữ giới hạnh nên thành tựu nhất định về thiền định, nhưng tự mãn về thiền định ấy đâm ra khen mình chê người, không tiến tu cao hơn để đạt trí tuệ tri kiến giải thoát là người chỉ lấy được vỏ cây bên trong. Tâm của vị này đã bị hạn cuộc bởi thành tựu về thiền định.

- Người tu sĩ nhờ thành tựu về thiền định nên thành tựu nhất định về tri kiến, nhưng hoan hỷ tự mãn với tri kiến đạt được để rồi khen mình chê người từ đây trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Vị tu sĩ này chỉ lấy được giác cây chứ chưa được lõi cây. Tâm vị này còn bị hạn cuộc bởi thành tựu tri kiến. 

- Chỉ có những ai vượt qua tất cả những hạn cuộc trên, đạt được tâm giải thoát bất động mọi thời gian trước tất cả các pháp mới là người đạt được lõi cây của chánh pháp. Nói cách khác, tâm bất động trước các pháp cũng chính là tâm vô thượng dùng để đối trị tâm hữu hạn bị trói cột trước các thành tựu nhất định.

“Như vậy, này các Tỳ kheo, phạm hạnh này không phải vì lợi ích, lợi dưỡng, danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu thiền định, không phải vì lợi ích tri kiến. Và này các Tỳ kheo, tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh” (Sđd).

Như vậy người tu sĩ phải quán xét, tư duy để thấy được sự nguy hại của những tâm niệm hữu hạn, đồng thời nhận thức ý nghĩa cao thượng tối hậu của tâm bất động trước tất cả pháp qua mọi thời gian để diệt trừ những tâm niệm hữu hạn ngủ ngầm. Hoặc mỗi khi những niệm phóng dật bất thiện như tự mãn, tự kiêu, khen mình chê người vì có được danh lợi, cung kính hay thành tựu về giới đức, thiền định, trí tuệ khởi lên; thì ngay tức khắc cần phải tuệ tri đó là các niệm hữu hạn đồng thời phải hướng tâm tới lõi cây của chánh pháp - tức tâm giải thoát bất động trước các pháp - để đoạn trừ ngay các niệm bất thiện này.

Như lý tư duy đoạn kinh sau đây người học Phật có thể thấy rõ lợi ích của tâm bất động vô thượng và mối quan hệ mật thiết giữa tâm quảng đại với một lý tưởng cao cả chiến thắng các danh lợi phù phiếm của thế gian:

“Ở đây, các ác bất thiện ý này dẫn đến tham dục, sân hận, khích động, và chính những pháp ấy tác thành chướng ngại ở đây cho Thánh đệ tử học tập. Ở đây, này các Tỳ kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau:

“Các dục hiện tại và các dục tương lai… cho Thánh đệ tử học tập. Vậy ta hãy an trú với tâm quảng đại, đại hành, sau khi chiến thắng thế giới, sau khi xác định vị trí của ý. Khi ta an trú với tâm quảng đại, đại hành chiến thắng thế giới, xác định vị trí của ý, các ác bất thiện ý: tham dục, sân hận, khích động sẽ không khởi lên; với các pháp ấy được đoạn trừ, tâm của ta không trở thành hạn hẹp, trái lại thành vô lượng, khéo tu tập”.

Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu bất động ngay hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến (samvattanikam vinnanam) có thể tùy theo đây đạt đến Bất động. Như vậy, này các Tỳ kheo, được gọi là đệ nhất hành đạo về lợi ích Bất động” (Kinh Bất Động Lợi Ích, TB3, 105 = [Sb.20]).

Như đức Phật đã dạy “Tám thế giới pháp này vận chuyển thế giới, và thế giới vận chuyển tám pháp, tức là, lợi và thất lợi, không danh tiếng và danh tiếng, chê và khen, lạc và khổ” (TC IV:192, tr.177 = [I.4.192]), tu tập để đạt được tâm bất động trước tất cả tám ngọn gió này cũng chính là được giải thoát ngay trong hiện tại, hoặc thức diễn tiến cũng nhờ đấy đạt được an tịnh.

Tóm lại, trên đây là nội dung của quán tâm Bất động Vô thượng trên tâm hữu hạn để chế ngự tham ưu do những tâm niệm hạn hẹp gây ra.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm