Giáo dục của đạo Phật hay của Đức Phật
Nơi đây chúng ta xây dựng trường đào tạo Tăng Ni nhằm mục tiêu hướng dẫn các tu sĩ đi theo định hướng của Đức Phật. Hôm nay, chúng ta xem lại cách giáo dục của Đức Phật như thế nào để ứng dụng và duy trì Phật pháp tồn tại trên thế gian làm lợi lạc cho mọi người.
Khi Phật còn là thái tử, ngài quan sát xã hội đương thời thấy đầy dẫy bất công và những việc thương tâm. Vì vậy, Ngài muốn xây dựng xã hội lành mạnh với tình người, nhưng không thực hiện được, vì Ngài nói mà người không nghe theo. Muốn họ nghe, Ngài phải làm những việc cần thiết, đó chính là giáo dục của Phật giáo khởi đầu phát xuất như vậy.
Sống trong xã hội Ấn Độ đương thời mà người dân bị áp bức bởi luật giai cấp, Đức Phật đã đưa ra sự cải cách tột bực, theo đó mọi người dân đều được bình đẳng, không có giai cấp khi nước mắt cùng mặn, máu cùng đỏ. Bấy giờ, với cương vị thái tử sống giàu sang sung sướng cách biệt với dân chúng, Ngài thực hiện tinh thần bình đẳng bằng cách bước ra khỏi giai cấp cao nhất mà đi xuống giai cấp thấp nhất là Sa-môn hay khất sĩ, tức người ăn xin thấp hơn cả giai cấp nô lệ, để sống chung với họ. Nơi Ngài toát lên sự hy sinh vĩ đại của bậc siêu phàm mà chắc chắn không có người nào trên thế gian này dám làm như Ngài. Xã hội Ấn Độ bấy giờ có bốn giai cấp mà Ngài đã chọn giai cấp thứ năm thấp nhất.
Ngài đã dạy chúng ta bài học đầu tiên là muốn dạy người điều gì, bản thân mình phải thực hiện việc này trước. Ngày nay, chúng ta cần cân nhắc, khi ca ngợi rằng Phật, Bồ-tát, La-hán thánh thiện, làm toàn những việc tốt đẹp, trong khi bản thân mình thì ngược lại, như vậy là phạm tội phỉ báng pháp Phật. Phật dạy rằng mình nói việc đã làm được và làm những gì mình hứa. Đó là bài tập thấp nhất của Phật dạy cho đại chúng.
Phật chọn giai cấp thấp nhất là ăn xin, không có sở hữu nào. Điều này Ngài muốn dạy chúng ta nên thấy bản chất của con người, tính giác của con người, phước đức của con người mới là hạt nhân chính yếu quyết định mọi việc thành bại trong cuộc sống. Vì vậy, người dù ở giai cấp nào, nhưng tính chất bên trong của họ không mất. Chính Đức Phật đã thể hiện trọn vẹn yếu nghĩa này, Ngài đóng vai ăn mày, nhưng không ai dám nhìn Phật là ăn xin. Về sau, Phật dạy chúng ta đồng sự nhiếp. Muốn nhiếp hóa thành phần nào, chúng ta phải sống chung với họ, làm việc chung với họ, thì họ mới nghe ta. Còn ta ở giai cấp cao sang nói cho người giai cấp thấp, họ không bao giờ chấp nhận. Vì vậy, chúng ta học bài học đầu tiên này. Thực tế cho thấy đa số người bên trong yếu kém, nhưng bên ngoài muốn phô trương, nên phải khổ và chết ở điểm sai trái này.
Phật dạy “Nội bí ngoại hiện”, nghĩa là tư chất bên trong là Bồ-tát, Thánh A-La-hán thì dù sống với thành phần nào, họ cũng là Bồ-tát, La-hán. Chúng ta tu và học như thế, thể hiện trong cuộc sống của mình, chắc chắn sẽ thành Phật, thành A-la-hán. Nếu chúng ta chỉ sống bề ngoài giả tạm, bản chất bên trong không tốt, cuộc đời chúng ta sẽ đi xuống dần. Trong xã hội ngày nay, đạo đức con người xuống cấp, vì chỉ lo phát triển bề ngoài cho rộng, nhưng tính chất tốt đẹp bên trong họ thực sự trống rỗng.
Phật dạy cây lớn đứng vững nhờ rễ bám sâu vào lòng đất, mới chịu được bão táp, gốc cây không vững mà cành lá nhiều thì sẽ gặp nguy hiểm. Theo dấu chân Phật, Phật tử học bài học đầu tiên là xây dựng bản chất con người, đạo đức con người, thánh thiện của con người.
Từ năm 12 tuổi xuất gia học đạo, đọc Quy Sơn cảnh sách, thầy rất thú vị với lời Tổ răn dạy. Thầy chép hai câu trong sách này trên dải áo để luôn nhìn thấy và thực tập: “Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tranh chi đức”. Đọc cảnh sách từ năm 12 tuổi mà đến nay thầy không quên, lo tu bồi cội đức bên trong mình càng vững càng lớn thì về sau làm Phật sự được. Trong khi các bạn lo sống bề ngoài, quan hệ rộng, nhưng không trồng cội đức thì cuộc đời tu bị suy sụp, không trọn vẹn.
Bên trong là tư cách thái tử Sĩ Đạt Ta, tư cách Chuyển luân Thánh vương, tư cách Phật có sẵn, nhưng bên ngoài Ngài đóng vai ăn mày. Ngày nay, có người vẫn nhìn Phật ở dạng này, nhưng nhìn kỹ thấy Phật không phải như vậy. Người sống có chiều sâu tâm hồn, điển hình như Tiên A Tư Đà thọ đến 120 tuổi tiêu biểu cho người sống lâu trên đời nên hiểu biết nhiều, thì dù Phật còn là trẻ sơ sinh, nhưng thực sự ông thấy đó là Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, là Chuyển luân Thánh vương cai trị bốn phương, là Phật có tuệ giác bao trùm cả vũ trụ.
Phật giáo Nam tông tạc tượng Phật có hình thức là một vị Sa-môn, nhưng theo Phật giáo Đại thừa nhìn Phật ở nhiều dạng thức khác nhau là nhìn vào thế giới Thật báo trang nghiêm của Phật mới có viên mãn Báo thân Phật, đó là nhìn chiều sâu mới thấy chân thật tướng của Phật.
Ngài là Sa-môn, nhưng không giống Sa-môn đương thời, hay nói chính xác Ngài không phải là kẻ ăn xin, nhưng đóng vai ăn xin, khoác áo ăn xin. Thấy Phật với phước đức trí tuệ toàn hảo như vậy, tức Báo thân Phật viên mãn, thì chúng ta mới thấy được thế giới Thật báo của Phật. Kinh Duy Ma diễn tả đơn giản rằng Xá Lợi Phất nghĩ tại sao thế giới chư Phật tốt đẹp, thế giới Ta-bà của Phật Thích Ca lại toàn là hầm hố, gai chông. Duy Ma trả lời cũng thật là đơn giản, nhưng hay vô cùng, vì tâm Xá Lợi Phất có hầm hố gai chông, nên thấy hầm hố, gai chông, trong khi Trời Đại Tự Tại thấy thế giới của Đức Thích Ca đẹp hơn cả cõi Trời Đại Tự Tại. Nhìn chiều sâu mới phát hiện như vậy.
Nhìn bề ngoài thì ai cũng là con người có thân tứ đại, nhưng nhìn chiều sâu thì không ai giống ai. Sa-môn Cù Đàm là Phật, các Sa-môn khác không phải là Phật; hình thức Sa-môn là một, nhưng bản chất bên trong của mỗi người khác nhau hoàn toàn. Phật là tấm gương sáng để chúng ta nhìn vào mà tự sửa mình lần cho giống Phật, đó là tu.
Thể hiện việc giáo dục, khởi đầu Phật sống với những người thuộc giai cấp thấp nhất và Ngài đã phát hiện được nhân tố tốt để giáo hóa họ trở thành Hiền thánh. Ngày nay, giáo dục của chúng ta không theo mô hình Phật-đà vô tình hay cố ý tạo thành xã hội xấu. Phật vào sống chung với những người ăn mày để giáo hóa họ; nói cách khác, Ngài lựa người có căn lành, có niềm tin, có đạo đức để Ngài uốn nắn, khai thác. Các Ni sư làm từ thiện cần cân nhắc ý này để không phạm sai lầm.
Phật không từ chối giai cấp nào. Người gánh phân là Sunita cũng được Phật độ làm Sa-môn và dạy ông thành Thánh. Tôi nghĩ tại sao Phật chỉ dạy một Sunita thành Thánh, còn bao nhiêu người làm thuê ở mướn khác, sao Phật không độ họ. Đây chính là yếu nghĩa của Phật hóa hữu duyên nhân. Trên bước đường hành đạo, tôi luôn nhớ câu này, đối với người có duyên, ta độ được; không có duyên không thể nào độ.
Người có duyên với Phật là đã từng trồng căn lành ở chư Phật quá khứ, nên họ mới tu theo Phật pháp và trở thành pháp khí Đại thừa. Riêng thầy đã trồng căn lành ở Phật quá khứ, cho nên dù hiện tại cách Phật xa, nhưng tình cảm của thầy dành cho Phật cao nhất, hy sinh cả cuộc đời để theo Phật. Nhờ mối quan hệ tình cảm mật thiết gắn bó với Phật, cho nên thầy đã nhận được sự hộ niệm của Phật mà từng bước thăng hoa trên con đường đạo. Thầy xuất thân từ giai cấp thấp nhất, là con của nông dân, gia đình nghèo ở vùng biên địa, nhưng tình cảm của thầy đối với Phật lớn quá, cho nên thầy đã đi tu rất sớm.
Các Ni trưởng, Ni sư giáo hóa đệ tử nên theo hướng giáo dục của Phật. Phật dạy bước đầu chuyên tu có được thành quả mới lấy cái quả tốt đẹp này mà dạy người khác. Nếu bản thân không ra gì, chắc chắn dạy người không được. Có người thưa với thầy rằng con tức quá, dạy nó không nghe, nhờ thầy dạy giùm. Thầy bảo dẫn nó tới, nếu đứa trẻ có duyên với thầy là nó thương thầy, kính thầy, sợ thầy thì thầy nói, nó nghe. Nó có duyên với Phật pháp, quý vị đừng làm mất hạt giống tốt này.
Người có duyên với Phật pháp mà ta giáo dục họ thành người ác, hư hỏng là lỗi lớn ở ta. Người đến với ta là họ có nhu cầu, Phật dạy phải thấy họ muốn gì, nghĩ gì, làm được gì, nhưng chúng ta không làm theo mô hình của Phật mà cứ áp đặt thì làm sao họ nghe. Điều họ muốn chúng ta không dạy, bắt họ làm khác sao được. Điển hình như Lý Khánh Vân dạy Lý Công Uẩn không được, nhưng Thiền sư Vạn Hạnh thấy Lý Công Uẩn là người tốt, dạy được và sau này sẽ trở thành vị minh quân làm lợi cho nước nhà và đạo pháp, nên Thiền sư Vạn Hạnh đã xin nuôi Lý Công Uẩn.
Kinh Pháp hoa nói rằng dạy người những gì họ muốn, họ suy nghĩ, họ làm được. Lý Công Uẩn muốn làm vua và có khả năng làm vua để hộ đạo, ông không muốn thành ông thầy tu. Có một số người nghĩ rằng cạo tóc cho họ tu, nhưng họ lại hoàn tục, nên cảm thấy bực tức. Thầy nói rằng vì Hòa thượng không quán nhân duyên. Nay thầy 77 tuổi nhưng chưa nghĩ độ người xuất gia. Với người có nhân duyên, mình nói họ nghe, độ được, còn ép thì không được. Thầy có học trò đông, nhưng độ chúng xuất gia theo Phật là việc khó.
Lý Công Uẩn muốn làm vua, làm tướng, nhưng Lý Khánh Vân bắt ông làm sư là điều mà ông không hề muốn. Ông mồ côi, bị bỏ vô chùa, vì lòng từ bi mà nuôi dưỡng trẻ mồ côi là điều tốt, nhưng phải quán sát khả năng của đứa trẻ, căn tánh của nó như thế nào. Nếu căn tánh thuần hậu thì làm sư được; nhưng nếu căn tánh không thuần không thể làm sư. Nuôi rồi dạy không được, thì Ni sư xích chân nó là trở thành Ni ác. Dù có xích chân thì mai mốt nó cũng bỏ đi mà còn oán mình. Đối với người không có hạt giống Bồ-đề, không bắt họ làm sư cho phí công.
Rõ ràng Phật chỉ độ một ông hốt phân là Sunita, còn những ông hốt phân khác cứ để họ hốt phân, nhưng thương thì dạy cho họ cách hốt phân và trả tiền công gấp đôi. Kinh Pháp hoa đã dạy như vậy trong phẩm Tín giải qua thí dụ cùng tử tiêu biểu cho người không có phước đức, nên nghèo cùng là nghèo trí tuệ, đầu óc hạ liệt, nhưng còn sức khỏe tốt. Thay vì họ làm thuê ở mướn bên ngoài thì vô làm thuê cho chùa được trả tiền công gấp đôi, còn vô làm công quả thì họ không làm, đó là sự thật.
Làm thuê cho Phật phải được trả gấp đôi nghĩa là gì. Làm tôi cho Phật, ta được cái gì? Thuở nhỏ thầy nghèo, thay vì đi ở mướn cho người ta, thầy đi tu, ở mướn cho Phật. Ngài nhìn thầy, thương thầy và nói một câu mà thầy rất bằng lòng rằng con không giống người làm công hèn hạ khác. Tụng kinh Pháp hoa, ta thấy trưởng giả nói như vậy với gã cùng tử. Trên bước đường tu, thầy làm thuê cho Phật nhưng không giống người làm thuê hèn hạ ở điểm nào? Người làm thuê hèn hạ thì họ ở chùa, ăn cơm chùa, họ không có gì, nhưng lười biếng, không làm gì mà chỉ đòi hỏi nhiều.
Người Nhật tính toán sòng phẳng, dù làm tôi cho Phật cũng được tính giá đàng hoàng. Giả sử anh nhận làm vườn, trồng kiểng, nhưng anh làm công việc này có thực lòng hay không, có tay nghề hay không. Nếu anh yêu nghề, trở thành nghệ nhân thì được giao chăm sóc vườn chùa, cũng ở trong chùa tu. Tính ra tiền công mỗi tháng chùa trả cho anh bao nhiêu và anh tiêu xài tiền phòng, tiền cơm, tiền điện nước của chùa tốn bao nhiêu thì trừ ra, còn dư tiền thì để vô ngân hàng. Nếu không tu nữa, ra ngoài cũng có tiền sống, đó là làm công không tiêu xài hoang phí. Hoặc người làm hương đăng dọn bàn thờ sạch sẽ, chưng bông trái trang nghiêm đẹp đẽ làm cho Phật tử đến chùa lễ Phật, trông thấy phát tâm. Đối với công việc hương đăng, chùa cũng tính công đàng hoàng, khác với mình làm công quả, nhưng năng suất không có.
Vì vậy, chúng ta ở chùa nhiều năm mà phước không sanh, nghiệp đổ và ra đời không giống ai. Phật giáo Nhật đào tạo, nếu người không tu được, ra đời cũng có khả năng đóng góp cho xã hội, khác với mình ở chùa lâu, ra đời không làm được gì, rồi đổ thừa tại tu ra đời mới bị tàn tệ. Thử nghĩ xem Lý Công Uẩn ở chùa tu, sau ra làm vua, hoặc giáo sư Ishibashi là vị thầy tu mà thầy học với ông ở Nhật, ra làm Thủ tướng, tàn mạt ở chỗ nào?
Tu hành được giáo dục đúng đắn, người có khả năng nào thì khai thác theo hướng đó, chắc chắn họ sẽ đóng góp tốt đẹp cho đạo pháp và xã hội. Đó là điều quan trọng mà Tăng Ni đi theo con đường giáo dục cần phải quan tâm. Không phải nuôi trẻ, nuôi điệu đến khi chúng lớn trở thành cái gì cũng được.
Nếu người có căn lành và trí tuệ, chúng ta khai thác hai hạt giống tốt này giúp họ trưởng thành, trở thành pháp khí Đại thừa. Người Nhật không đào tạo nhiều như chúng ta, nhưng đào tạo một người đáng một người. Họ chọn người thông minh, có ý chí, có căn lành để gởi đi học, đi nghiên cứu ở nước ngoài và trở về đóng góp cho Phật giáo. Chúng ta không nghĩ được như họ, cứ nói du học thì cho đi, nhưng trở về được bao nhiêu người và có mấy người đóng góp cho đạo. Việc giáo dục rất quan trọng, nếu là trường đại học, đầu tiên có thi tuyển và ta chọn ngành Phật pháp, chọn con đường tu để sau này gần nhất ta trở thành nhà giáo dục trong xã hội và cao hơn trở thành Hiền Thánh, đó là tuyển đúng.
Có trí tuệ thì đào tạo người, thấy người có nhân duyên đến độ, nếu không có nhân duyên thì thôi. Điển hình là ngài Đạt Ma đắc đạo, làm Tổ, nhưng ngài quan sát đất Ấn Độ không có nhân duyên với Thiền tông, với ngài, nên ngài đã từ giã Ấn Độ sang Trung Quốc tìm lên chùa Thiếu Lâm để gặp Thần Quang có tầm nhìn sâu sắc. Hai tâm hồn lớn gặp nhau mới truyền được là gặp một Thần Quang, được ngài đổi tên là Huệ Khả.
Có vị bằng tuổi thầy độ được một trăm Tỳ-kheo, ba chục Sa-di. Thầy nói đệ tử của ông đông, còn tôi chưa có người nào. Nhưng thử nghĩ một trăm Tỳ-kheo này làm gì và đưa họ vào cuộc sống thì họ làm gì đây.
Trên bước đường du hóa, Đức Phật lặn lội từ nơi này sang nơi khác để tìm người giáo hóa. Khi Ngài đắc đạo ở Bồ-đề đạo tràng, đầu tiên Phật nghĩ đến năm anh em Kiều Trần Như là nghĩ cái gì?
Trong đạo Phật, đạo đức đứng trước. Người có đạo đức mới đào tạo họ thành Hiền Thánh. Nếu họ không có đạo đức mà cho họ một số hiểu biết khôn ngoan thì nguy hiểm. Vì vậy, Phật phải tìm người có đạo đức trước. Từ Bồ-đề đạo tràng xuống Lộc Uyển cách xa trên sáu trăm cây số, nhưng Phật đã đến Lộc Uyển tìm năm anh em Kiều Trần Như để dạy đạo. Điều này cho thấy việc tìm người để dạy là quan trọng. Phật xuống Lộc Uyển, vì biết rõ họ là những nhà hiền triết đương thời rất tốt, nhưng tiếc là họ chưa thấy đạo, nên có lúc họ làm đúng có lúc sai, là giậm chân tại chỗ. Tuy họ quyết tâm tu, khao khát tìm đạo, nhưng thiếu người khai ngộ, nên họ không thấy đường đi, mà cứ ngồi đó. Phật mới đến độ họ, nghĩa là Ngài chọn người có đạo đức mà độ. Người có đạo đức được dạy thì họ tốt thêm, không dạy thì họ cũng tốt rồi. Còn người xấu nếu dạy họ hiểu biết sẽ nguy hiểm. Thiếu Lâm tự dạy người có đạo đức, cho nên mới đi tìm và truyền bí pháp cho họ. Truyền món võ lợi hại cho người ác để nó giết người sao.
Đạo Phật chọn người có đạo đức để dạy họ trưởng thành trong đạo đức. Hòa thượng Trí Quang nhắc thầy điều này. Ngài là vị danh tăng, năm nay ngài đã hơn 90 tuổi, nhưng không có đệ tử. Ngài nói rằng muốn tạc tượng Phật phải tìm trầm hương. Trầm hương tiêu biểu cho đạo đức. Bên trong con người đã có đạo đức thì ta cho thêm kỹ năng, họ trở thành pháp khí Đại thừa. Người không có đạo đức mà cho họ kỹ năng, họ sẽ trở thành giết người.
Tới Lộc Uyển, Phật bảo năm anh em Kiều Trần Như ở yên một chỗ tu hành, không đi khất thực. Phật đi khất thực nuôi các thầy này tu cho đắc đạo đã, đó là pháp Tứ Thánh đế được Phật dạy đầu tiên. Tập đế phải đoạn, chúng ta không đoạn Tập đế, nhưng cứ phát triển nó. Vì vậy, thực tế chúng ta thấy có người tu bắt đầu tốt, nhưng sau trở thành xấu, vì tập khí không tốt mà không đoạn trừ, lại phát triển. Phải đoạn nguyên nhân này trước, chúng ta thấy xã hội xấu, nhưng chúng ta không nhìn mặt mình. Tu đạo Phật phải nhìn ngược lại tâm mình nghĩ gì. Phật dạy Bồ-tát Địa Tạng rằng chúng sanh có một ngàn việc xấu, ông cũng đừng nghĩ đến, họ chỉ có một điều tốt thì ông nên chỉ nghĩ đến cái tốt nhỏ nhoi đó mà thôi để độ họ.
Bước chân vào cuộc đời, thấy việc xấu của người, ta khinh họ, ghét họ, thì làm sao họ tốt với ta được, nên họ đuổi ta đi. Chúng ta thấy có nhiều ông tu ở đâu cũng không được, vì mặt mày, ngôn ngữ, cử chỉ như thế thì ai dung được. Nếu thực mình tốt, ai cũng dung. Vì vậy, nhiều chùa không có thầy ở, nhưng nhiều thầy lại không có chùa ở. Tự nghĩ xem thầy như thế nào mà họ không cho ở.
Phật dạy năm anh em Kiều Trần Như cắt bỏ ý tưởng ác để lòng hoàn toàn trống không, tức Tập đế đoạn rồi, mới thực hiện Đạo đế thì nhìn cuộc đời này là con số không, nên không vui, không buồn. Cuộc đời như thế nào thì mình chấp nhận như thế là thấy như thật. Con quạ thì phải đen, con cò thì trắng, muốn con quạ trắng làm sao được. Bức tranh xã hội như vậy thì ta thấy như vậy. Phật tử theo thầy đông, người làm thuê, người làm giám đốc, hay làm bí thư, tướng lãnh, v.v… cũng đều là Phật tử, ai có việc đó, giống y nhau sao được. Vì vậy, bài pháp tu đầu tiên thầy thực tập là Không, nhưng không phải trước mặt thầy trống không, mà tất cả là như thế thì ta chấp nhận như thế.
Phật chứng tha tâm thông, Ngài dễ dàng chỉnh sửa tâm các đệ tử. Kiều Trần Như chứng La-hán, Phật cho ông khất thực với Ngài, vì La-hán có tướng đi giải thoát, ý nghĩ giải thoát, nên đi khất thực, người trông thấy kính trọng, cúng dường, khác với người giả dạng sư ăn cắp áo tu để đi xin.
Tâm giải thoát hiện tướng giải thoát và có ngôn ngữ giải thoát. Ba điều giải thoát này hợp lại là thầy tu. Vì vậy, Mã Thắng xuống Ma Kiệt Đà, Xá Lợi Phất là nhà hùng biện nổi tiếng đương thời trông thấy tướng giải thoát, ngôn ngữ giải thoát và tâm giải thoát của Mã Thắng thì liền chứng Sơ quả và đi theo về tinh xá, thấy Phật thì đắc La-hán. Đó là cách giáo dục của Phật là giáo dục mình thành người đạo đức trước và dùng đạo đức cảm hóa người. Không có đạo đức thì làm người ở thế gian còn không tròn, nói chi làm đệ tử Phật.
Phật độ năm anh em Kiều Trần Như đắc La-hán xong, năm mươi vương tử dòng họ Da Xá thấy tướng giải thoát của Phật và đại chúng, nên họ phát tâm, xin Phật cho ở lại tu, dù họ còn trẻ và giàu có.
Có thể thấy rõ giáo dục đầu tiên của Phật là mình đắc đạo và kế tiếp giáo dục người khác, tức cảm hóa người nghe theo và sống theo yếu nghĩa Phật dạy. Ý thức về giáo dục của Đức Phật như vậy, các Ni sư cần cân nhắc khi mình chưa ổn định, nhưng lo cho người ngoài vô chùa tu thì họ phá hại mình tàn mạt. Đức Phật không cần số lượng, bước đầu, Ngài chỉ độ năm anh em Kiều Trần Như sống lục hòa và cảm hóa năm mươi thanh niên dòng Da Xá thì năm anh em Kiều Trần Như dạy năm mươi thanh niên kia đắc La-hán. Và số thanh niên này đắc La-hán rồi, cha mẹ và vợ con của họ tìm đến, thấy vậy rất sửng sốt và cảm phục, nên cũng phát tâm xin tu; nhưng Phật không cho. Rõ ràng Phật đã thể hiện sự giáo dục đối với người có đầy đủ tiêu chuẩn mới cho đi tu, không phải ai cũng xuất gia được. Ngài thấy các người này còn nghiệp chướng nặng nề, cho họ vô tu sẽ làm cho đại chúng mất thanh tịnh.
Vì vậy, Phật giải quyết bằng cách thành lập hai chúng tại gia, vì họ chưa hết nghiệp, nên phải trở về nhà tập tu, cho họ quy Tam bảo và giữ gìn năm giới. Bấy giờ có đủ tứ chúng theo Phật là cha mẹ và bạn bè của năm mươi thanh niên dòng Da Xá. Phật khuyên họ ở nhà tu, khi nào nghiệp sạch thì xuất gia cũng không muộn. Thật vậy, rửa tâm mình thì lâu, nhưng phủi tóc chỉ mười phút thôi. Thực chất có tu được hay không mới quan trọng.
Giáo dục của Phật là tìm người có tài, có đạo đức, có khả năng như thế nào thì đào tạo theo hướng đó để họ thăng hoa và làm tốt cho đạo. Những người đáng làm cư sĩ hộ đạo thì nên làm cư sĩ. Gia đình của năm mươi thanh niên thường đến cúng dường Phật và đại chúng, gọi là hộ đạo. Như vậy, Phật có hai chúng chuyên tu và hai chúng ở ngoài hỗ trợ thì Tăng đoàn dễ dàng phát triển. Và một năm sau, năm mươi thanh niên Da Xá trưởng thành, Phật bảo mỗi ông đi một phương để giáo hóa người theo cách của Phật, nghĩa là vào đời dạy người, nhưng phải tìm người có duyên để độ. Sau đó, Phật cho biết Ngài phải đến thôn Ưu Lầu Tần Loa để độ ba anh em Ca Diếp. Giáo pháp mà Đức Phật dạy cho năm anh em Kiều Trần Như khác với bài pháp dành cho năm mươi thanh niên Da Xá và đến giáo hóa ba anh em Ca Diếp, Phật cũng dạy khác; vì trong ba trường hợp này, căn tánh, nghiệp lực và khả năng của những đối tượng học đạo hoàn toàn khác nhau.
Tóm lại, trong việc giáo hóa chúng sanh, ngày nay gọi là giáo dục, Phật đã dùng vô số phương tiện tương ưng với khả năng mỗi người để dạy họ tu hành. Đối với hàng cư sĩ, Phật chỉ dạy phương cách hộ đạo để họ trồng căn lành, tăng trưởng phước báo, phát huy trí tuệ, đến khi đủ duyên thì sẽ xuất gia.
Tôi nhắc một số việc về tiếp Tăng độ chúng để quý vị xây dựng đệ tử xuất gia trở thành người tài đức làm tốt cho đạo và hướng dẫn cư sĩ tại gia hộ đạo đúng Chánh pháp cùng xây dựng xã hội tốt đẹp.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 08:00 11/12/2024Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.
Trước khi tụng Kinh, trì chú, nên đọc nghi thức như thế nào?
Kiến thức 09:15 04/12/2024Thực ra mỗi tông môn, thậm chí mỗi chùa sẽ có cách thức khác nhau, nên Nghi thức sau chỉ mang tính tham khảo. Đạo hữu nào thấy phù hợp có thể áp dụng, xong bạn cần hiểu đây không phải quy định bắt buộc, thậm chí không có nghi thức khai Kinh chú thì vẫn cứ trì tụng không vấn đề gì.
Xem thêm