Giáo dục Phật giáo - Bản chất và giá trị
Giáo dục Phật giáo được hiểu là phương cách vượt qua vô minh để đạt đến trí tuệ. Giác ngộ và giải thoát có thể đạt được bằng việc diệt trừ đi vô minh.
> Giáo dục Phật giáo và giáo dục 4.0
Học Phật là đi theo con đường đức Phật đã dạy để nhận chân sự thật, để qua đó loại bỏ những quan điểm sai lầm, đào luyện tâm và có thể nhận ra được sự thật.
Khái niệm về giáo dục
Giáo dục là quá trình được tổ chức có ý thức, hướng tới mục đích khơi gợi hoặc biến đổi nhận thức, năng lực, tình cảm, thái độ của người dạy và người học theo hướng tích cực, nghĩa là góp phần hoàn thiện nhân cách người học bằng những tác động có ý thức từ bên ngoài, góp phần đáp ứng các nhu cầu tồn tại và phát triển của con người trong xã hội đương đại.
Theo từ “ Giáo dục” tiếng anh – “Education” – vốn có gốc từ tiếng Latinh “Educare” có nghĩa là “làm bộc lộ ra”. Có thể hiểu “giáo dục là quá trình, cách thức làm bộc lộ ra những khả năng tiềm ẩn của người được giáo dục”.
Giáo dục phải bao gồm việc dạy và học, và đôi khi nó cũng mang ý nghĩa như là quá trình truyền thụ, phổ biến tri thức, truyền thụ sự suy luận đúng dắn, truyền thụ sự hiểu biết. Giáo dục chính là nền tảng cho việc truyền thụ, phổ biến văn hóa từ thế hệ này đến thế hệ khác. Giáo dục cũng là phương tiện để đánh thức và nhận ra khả năng, năng lực tiềm ẩn của chính mỗi cá nhân, đánh thức trí tuệ của mỗi người.
Sự giáo dục của mỗi cá nhân con người bắt đầu từ khi mới sinh ra và tiếp tục trong suốt cuộc đời. Theo quan điểm của các nhà giáo dục thì giáo dục thông qua 3 môi trường chính, đó là; gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó các cá nhân trong gia đình có ảnh hưởng l ớn đến hiệu quả giáo dục, thường có ảnh hưởng nhiều hơn, mặc dù việc dạy dỗ trong gia đình có thể không mang tính chính thức, chỉ có chức năng giáo dục rất thông thường.
Platon cho rằng, mục đích của giáo dục là để phát triển hoàn thiện cơ thể và tâm hồn của những học sinh.
Theo Aristotle thì giáo dục là để phát triển những khả năng của con người, đặc biệt là tâm trí, để người ta có thể thưởng ngoạn được chân lý cuối cùng, cái đẹp và những điều thiện lành. Còn Durkkheim thì quan niệm giáo dục như là sự xã hội hóa thế hệ trẻ.
Thực ra, giáo dục không chỉ là việc truyền trao kiến thức, mà giáo dục còn bao gồm cả việc huấn luyện những năng lực tư tưởng, cảm xúc, ý chí và hành động; bao gồm việc phát triển những khả năng để nhận thức, phân biệt, chọn lựa, cảm nhận và hành động. Nó chuẩn bị đời sống để sống với người khác, chuẩn bị cái toàn thể cho đời sống, phát triển đời sống tinh thần, khai mở những giá trị tâm linh,…
Giáo dục có thể được xếp thành 3 mục tiêu chính:
Một là, Giáo dục để đào tạo con người thành những thành viên tốt cho xã hội: tự lao động kiếm sống và thích ứng được với các thành viên khác trong xã hội.
Hai là, Giáo dục để huấn luyện con người thành những con người tiến bộ theo học thuyết và niềm tin mà xã hội đó duy trì.
Ba là, Giáo dục là cách giúp con người tìm kiếm và nhận biết được sự thật bên trong họ.
Giáo dục Phật giáo: Bản chất và giá trị
Theo Thích Nguyên Hiệp, có thể nói rằng giáo dục Phật giáo được bắt đầu từ thời điểm đức Thế Tôn thuyết bài pháp đầu tiên cho năm anh em Tôn giả Kiều Trần Như tại Lộc Uyển, Sarnath “Này các vị, hãy lắng nghe, Pháp bất tử đã được phát hiện; ta sẽ chỉ dẫn và giảng dạy Pháp ấy”.
Thích nữ Khánh Huy cho rằng, quan điểm Phật giáo về giáo dục không chỉ là việc dạy và học trên văn tự mà cần phải chuyển hóa nội tâm, cải thiện cái xấu thành cái tốt, bồi dưỡng và phát huy nhân tài. Giáo dục nhằm hoàn bị cho con người kiến thức về thế học và đạo học, hai nền học vấn ấy song hành, giúp chúng ta biết được nguyên nhân của khổ đau và phương pháp diệt trừ khổ đau, đạt được sự an lạc trong cuộc sống.
Giáo dục Phật giáo được hiểu là phương cách vượt qua vô minh để đạt đến trí tuệ. Giác ngộ và giải thoát có thể đạt được bằng việc diệt trừ đi vô minh.
Sau khi Tăng đoàn được hình thành và dần phát triển về số lượng người gia nhập thì các tinh xá hay nói cách khác là các trung tâm giáo dục đầu tiên của Phật giáo được hình thành. Các trung tâm này huấn luyện và giáo dục cho cộng đồng tăng lữ về kinh và luật do đức Phật đã dạy và chế định. Vào buổi đầu Phật giáo, Kinh điển lưu gi ữ dưới dạng khẩu truyền nên người học cần phải thân cận thày và hội chúng để nghe giảng dạy cũng như tụng đọc lại những gì đã ghi khắc được trong tâm trí. Cách thức giảng dạy thong qua hình thức đối thoại, so sánh và đôi khi cả tranh biện. Giáo dục Phật giáo là một quá trình tiệm tiến. Nghe giảng dạy, ghi nhớ, suy nghiệm và thực tập (văn – tư – tu) được xem như là một tiến trình giáo dục, không phải chỉ xẩy ra trong chốc lát mà là một quá trình diễn tiến thứ bậc. Đức Phật dạy, “Này các Tỳ-kheo, ta không nói rằng việc chứng đạt trí tuệ sâu thẳm đến ngay lập tức, mà nó đến bằng một sự tu tập tuần tự”.
Giáo dục Phật giáo là để tạo nên một con người tự do, có đạo đức, có trí tuệ, sống có lý tưởng, suy nghĩ hợp lý, thích ứng được với bối cảnh xã hội. Giáo dục Phật giáo cũng được hiểu là một quá trình “nuôi lớn thánh thai”. “Thánh thai” được trưởng thành trong bao lâu điều đó tùy thuộc vào sự nỗ lực của mỗi người.
Giáo dục Phật giáo trước hết là dạy cho người khác biết và hiểu kinh điển Phật. Do đó, mục tiêu đầu tiên của giáo dục Phật giáo là học những kinh sách này và sử dụng chúng như là một thấu kính để hiểu ý nghĩa của lời Phật dạy.
Học kinh như là một phần của tiến trình tu tập. Do vậy, mục tiêu thứ hai của giáo dục Phật giáo là để chuyển đổi bản thân, tức là việc học giáo pháp nhằm làm cho chúng ta trở thành những con người tốt hơn, có phẩm hạnh và đạo đức hơn, trở thành những con người tử tế, chân thật, từ bi và biết kính trọng người khác.
Giáo dục Phật giáo là để phát triển trí tuệ, hiểu thấu bản chất thật sự của các pháp, hiểu được những điều luôn chân thật và có giá trị. Học Phật là đi theo con đường đức Phật đã dạy để nhận chân sự thật, để qua đó loại bỏ những quan điểm sai lầm, đào luyện tâm và có thể nhận ra được sự thật.
Giáo dục Phật giáo đào tạo nên những con người có thể đem pháp giáo của đức Phật truyền trao lại cho những người khác. Học phật pháp là để đem lại lợi ích cho cuộc đời này, để cho nó có nhiều người được hưởng lợi ích từ việc thực hành theo giáo pháp ấy. Giáo dục Phật giáo là đào tạo nên những con người biết phụng sự người khác.
Từ hơn hai ngàn năm trước đức Phật đã ra đời để chỉ dạy cho chúng sinh hiểu được căn nguyên của những nổi khổ đau muôn thuở của con người và cách vượt qua những nỗi khổ đau đó nhằm mang lại thái bình và an lạc cho mỗi con người, cho cộng đồng xã hội và cho toàn nhân loại.
Bản chất của nền giáo dục Phật giáo là Từ bi hỷ xả, là tất cả vì con người, vì hòa bình và an lạc cho mọi chúng sinh.
Giáo dục Phật giáo, theo quan điểm của đức Phật, TT.Thích Nhật Từ nói rằng trong Kinh Pháp Cú chương 11 đức Phật đã chỉ ra 4 nội dung giáo dục cho giới trẻ:
– Giáo dục trí tuệ: Giáo dục trí tuệ giúp cho những người trẻ tuổi luôn luôn biết tư duy và hành động một cách đúng đắn.
– Giáo dục đạo đức: nhằm giúp cho người trẻ tuổi biết về các chuẩn mực đạo đức trong xã hội, biết đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
– Giáo dục về sức khỏe: giúp tuổi trẻ hiểu rõ về thân và đóng góp của thân cho nhân loại.
– Giáo dục thiên hướng nghề nghiệp: Một người trẻ tuổi khi đến tuổi trưởng thành thì phải thông thạo nghề nghiệp để nuôi sống mình và góp phần phụng dưỡng cha mẹ và người thân.
Theo Nguyên Hảo, nền tảng của sự tu tập trong Phật giáo chính là Giới, Định và Tuệ.
– Giới là những nguyên tắc đạo đức do đức Phật chế định để giúp con người tự giác kiềm chế sự phóng túng của hành động, lời nói và ý nghĩ. Từ đó mà tâm đạt tới trạng thái tập trung, an trụ để sẵn sàng cho sự khai mở tuệ giác.
– Trí tuệ là mục đích và thiền định là tiến trình thiết yếu để đạt đến trí tuệ. Tuân giữ giới luật là phương pháp giúp tâm yêu ổn, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình thiền định. Khi tâm được định thì trí tuệ sẽ thể hiện một cách tự nhiên.
Nền giáo dục Phật giáo có hai bước: 1/ Tạo niềm tin vào giáo pháp để phát tâm thực hành giáo pháp, tức tu tập Giới, Định Và Tuệ; 2/ Hướng dẫn phương pháp thực hành Giới, Định, Tuệ để tiến sâu vào trí tuệ chân thật.
Giá trị của giáo dục Phật giáo là hướng đến sự phát triển toàn diện của con người qua các mặt của đời sống, đặc biệt là tâm thức, nhằm kiến tạo một đời sống trí tuệ và hạnh phúc thật sự ngay tại con người này và cuộc đời này.
Theo Platon, giáo dục Phật giáo là con đường đưa con người đến một viễn cảnh của sự toàn chân (Sophon), toàn thiện (agathon) và toàn mỹ (kalon).
Tóm lại, mục tiêu của giáo dục Phật giáo là đạt đến trí tuệ cứu cánh hay trí tuệ chân thật, giúp con người thoát khỏi sự đau khổ, mục đích tối hậu của cuộc sống. Với Phật giáo, khổ là vì không hiểu biết. Vì vậy, muốn thoát khổ thì phải có trí tuệ, tức là có sự hiểu biết. Khổ bớt dần với mức độ hiểu biết tăng dần. Khi “cái biết” đạt đến chỗ toàn triệt thì khổ cũng hoàn toàn chấm dứt. “Cái biết” của Phật giáo là biết về bản chất, về ý nghĩa chân thật của đời sống, của vũ trụ. Nội dung cốt lõi của “cái biết” đó là nhận rõ tính chất vô thường và duyên khởi của tất cả hiện tượng, hết thảy chúng sinh. Cái biết cứu cánh là cái biết rốt ráo, toàn thể, không thiên lệch. Nó cân xứng và hài hòa của cái tổng trí, tình và ý.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Nhất tâm niệm Phật
Góc nhìn Phật tử 10:07 21/11/2024Trong giáo lý của đạo Phật, pháp môn niệm Phật được xem là con đường dễ hành trì, nhưng lại mang đến lợi ích lớn lao cho những ai chí tâm tu tập.
Nhớ về một người Thầy
Góc nhìn Phật tử 09:12 21/11/2024Trong cuộc sống, ắt hẳn rằng mỗi người ai trong chúng ta cũng mong muốn có một cuộc sống thật tốt đẹp và hạnh phúc nhưng đối với tôi một cuộc sống hạnh phúc đã không còn tồn tại vào năm tôi lên ba tuổi khi thần chết đã cướp đi người mẹ mà tôi yêu quý và người cha mà tôi luôn kính trọng.
Những người Thầy khả kính
Góc nhìn Phật tử 21:55 20/11/2024Sự thật thì làm cha mẹ, ai cũng muốn con của mình được sống hạnh phúc, thành công. Họ chấp nhận hy sinh mọi thứ để đánh đổi cuộc đời cho những đứa con thơ, bởi lẽ không có cha mẹ nào mà chẳng thương núm ruột của mình dứt ra.
Đồng tiền có thể tạo ra sự tham lam và sự bất mãn vô tận
Góc nhìn Phật tử 18:30 20/11/2024Trong xã hội hiện đại, đồng tiền đã trở thành một yếu tố quan trọng quyết định đến cuộc sống của chúng ta. Không thể phủ nhận rằng tiền bạc mang lại sự tiện ích và tiến bộ, nhưng khi ta bị chi phối quá mức bởi nó, tiền bạc có thể trở thành cơn ác mộng và làm chúng ta trở thành nô lệ.
Xem thêm