Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ở Tây Ninh
Đến khoảng thập niên 1950, đã có các tổ chức Phật giáo tại Tây Ninh, trong đó tiêu biểu có Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã tạo mối gắn kết trong toàn đại chúng cùng tu học trên tinh thần lục hòa, nhập thế, hộ quốc an dân… sinh hoạt Phật giáo trở nên quy củ.
I. BUỔI ĐẦU THÀNH LẬP GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM Ở TÂY NINH
1.1. Phật giáo Tây Ninh trước khi có các tổ chức Giáo hội
Cùng với các lưu dân trong cuộc Nam tiến đi khai hoang mở đất, từ rất sớm các vị sư đã rộng truyền Phật giáo khắp Nam bộ và có mặt nơi vùng đất Tây Ninh đến nay gần 300 năm. Hơn 31 năm khai sơn hóa đạo tại Tây Ninh, đặc biệt là lập nên ngôi chùa Linh Sơn Tiên Thạch ở vùng núi Bà Đen vào năm Quý Mùi (1763) – thế kỷ XVIII, Hòa thượng Đạo Trung – Thiện Hiếu (Tổ Đỉa) thuộc thế hệ thứ 38, phái Thiền, chi phái Lâm Tế, dòng đạo Liễu Quán ở Đàng Trong đã đặt nền tảng ban đầu cho việc phát triển Phật giáo ở Tây Ninh và Linh Sơn Tiên Thạch là ngôi tổ đình của dòng phái Lâm Tế Liễu Quán (dòng Tế Thượng) một phái thịnh hành ở vùng đất Tây Ninh.
Công cuộc khai phá vùng đất Tây Ninh của người Việt phải đến đầu thế kỷ XIX mới được tiến hành một cách mạnh mẽ, nhất là sau khi triều đình cho đắp con đường Thiên lý (đường Sứ). Nhiều đợt di dân từ nhiều nơi đến Tây Ninh và một số làng mới được lập nên. Song song với việc hình thành các làng mới thì hàng loạt các ngôi chùa đã được xây dựng lên nhằm đáp ứng cho nhu cầu tinh thần của lớp cư dân Việt đi khai phá đồng thời khẳng định công cuộc định cư của họ, đặc biệt là sau khi nhà Nguyễn lập nên phủ Tây Ninh vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836). Những ngôi chùa được xây dựng trong nửa đầu thế kỷ XIX phần lớn tập trung ở khu vực Trảng Bàng, Gò Dầu, thành phố Tây Ninh(1).
Trong đó, Trảng Bàng là địa phương có nhiều ngôi chùa được thành lập từ rất sớm cùng với những sự kiện lịch sử quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển Phật giáo, những đóng góp to lớn cho đạo pháp và dân tộc của chư tổ và cư dân, Phật tử ở Trảng Bàng đã cho thấy đây là vùng đất trung tâm của Phật giáo Tây Ninh xưa(2). Năm Canh Tý (1900), chính quyền Pháp thành lập tỉnh Tây Ninh, đặt Trảng Bàng làm quận trung trâm ở phía Nam của tỉnh, chùa Phước Lưu trở thành chùa trung tâm lớn nhất của quận Trảng Bàng và vùng Nam Tây Ninh lúc bấy giờ(3).
Tây Ninh buổi đầu, hoàn cảnh xã hội khá phức tạp, dân cư thưa thớt phải quy tụ nhau lại để khai hoang lập ấp, sản xuất sinh sống và chống trả với thiên tai, thú dữ và ngoại xâm. Sinh mạng con người bị nhiều mối đe dọa, họ phó thác cho trời Phật phù hộ và việc thờ trời, cúng Phật là việc không thể thiếu được trong cuộc sống của người dân lúc ấy(4). Chính Phật giáo lúc bấy giờ là niềm tin cho cư dân nơi vùng đất mới, giúp người dân cầu an khi đau yếu và cầu siêu khi có người thân qua đời.
Trước khi có các tổ chức giáo hội, mọi sinh hoạt Phật giáo ở Tây Ninh đều theo tông phong dòng phái truyền thừa và suy cử vị Tăng là bậc thạch trụ tòng lâm làm trưởng tông phong hướng dẫn Tăng chúng tu học. Nhất là vào những dịp giỗ kỵ các môn đồ đệ tử ở các chùa vân tập về ngôi tổ đình tưởng niệm tổ sư, thực hiện nghi thức tảo tháp nhằm ôn lại truyền thống của chùa và công lao của chư vị tổ sư tiền bối, qua đây càng thêm thắt chặt mối quan hệ giữa các chùa với nhau theo từng dòng phái. Ở Tây Ninh tiêu biểu với những ngôi tổ đình, chùa tổ của các dòng phái như chùa Linh Sơn Tiên Thạch, chùa Phước Lâm (Vĩnh Xuân), chùa Linh Sơn Phước Trung ở thành phố Tây Ninh, tổ đình Phước Lưu ở thị xã Trảng Bàng thuộc dòng Lâm Tế Liễu Quán; chùa Huỳnh Long, chùa Hội Phước (thị xã Trảng Bàng) thuộc dòng Lâm Tế Tổ Đạo; chùa Thiền Lâm Cổ (thành phố Tây Ninh), chùa Phước Lâm (thị xã Trảng Bàng), chùa Thiền Lâm (Gò Kén, thị xã Hòa Thành), chùa Linh Sơn Thanh Lâm (huyện Gò Dầu) thuộc dòng Lâm Tế Bổn Ngươn;… Đây là những ngôi chùa tiêu biểu góp phần mở rộng các dòng phái truyền thừa Phật giáo ở Tây Ninh.
Việc sinh hoạt Phật giáo tại các chùa theo quy củ thiền môn. Hoằng pháp độ sanh buổi đầu ở Tây Ninh rất được chư tổ chú trọng, các chùa mở lớp Gia giáo dạy về kinh, luật, luận, bên cạnh đó còn chuyên tâm về ứng phú, Nho học, y học… tổ chức trường hương, trường kỳ nhằm đào tạo nên các thế hệ Tăng tài. Các vị sư hướng dẫn Phật tử công phu, bái sám theo các thời khóa thiền môn, tổ chức thuyết kinh, nói pháp cho tín đồ tại địa phương, vào những ngày rằm, ngày tết, ngày vía… các chùa thường tổ chức cúng để cư dân đến chùa lễ Phật. Tinh thần Phật giáo nhập thế cũng được chư tổ ứng dụng rất tốt để rộng truyền đạo Phật trong nhân gian.
1.2. Thành lập Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ở Tây Ninh
Đến những năm 1950, đã có các tổ chức Phật giáo tại Tây Ninh. Bước chân du hóa của Tổ sư Minh Đăng Quang cùng đoàn du Tăng đến hóa đạo tại vùng đất Tây Ninh, tại đây tổ sư thuyết pháp cho người dân và các tín đồ, thu nhận đệ tử xuất gia và tại gia. Năm 1952, người dân đã hiến đất để tổ sư Minh Đăng Quang dựng ngôi tịnh xá lấy hiệu là Ngọc Thạnh (nay thuộc phường 1, thành phố Tây Ninh), từ đó cũng đặt nền tảng cho Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam có mặt ở Tây Ninh.(5) Năm 1964, ‘Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước vùng Tây Nam bộ’ được thành lập và hoạt động với tư cách là tổ chức thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam(6), các chùa Nam tông Khmer ở Tây Ninh cũng tham gia trong tổ chức này. Với các chùa Bắc tông ở Tây Ninh tham gia vào hai tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (1964); sớm hơn hết có Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam (Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam) ra đời vào năm 1952 và có mặt ở Tây Ninh từ năm 1957 là tổ chức giáo hội có phần đông các chùa tham gia.
Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam là sự tiếp nối của các tổ chức Hội Lục hòa Liên xã (1922), hệ thống các chùa và chư sơn thiền đức ở miền Đông Nam bộ tham gia Hội Lục hòa Liên xã rất nhiệt tình trong công cuộc chấn hưng Phật giáo(7), đây cũng chính là cái nôi khởi nguồn của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam sau này.
Năm 1931, sau khi Hòa thượng Từ Văn viên tịch thì Hội Lục hòa Liên xã ngừng hoạt động. Sau Cách mạng tháng 8, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn – Gia Định, sau đó lan ra khắp các tỉnh thành miền Nam, nhân dân Nam bộ một lần nữa bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai. Trong bối cảnh như vậy, các tổ chức cứu quốc ở miền Nam ra đời, đặc biệt có tổ chức Phật giáo cứu quốc Nam bộ. Khởi đầu vào năm 1946, tại các địa phương như Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Mỹ Tho, Tây Ninh, Tiềng Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Long Xuyên, Bạc Liêu, Rạch Giá… các Hội Phật giáo cứu quốc lần lượt ra đời với phương châm hoạt động: “Cải cách Tăng đồ, đề xướng tự do, tuyên chánh pháp/ Duy tân Phật học, thực hành bình đẳng, độ quần sanh”. Sau một năm hoạt động sôi nổi đều khắp, mang lại nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên do yêu cầu thực tế cần phải thống nhất lãnh đạo trong các tổ chức Phật giáo cứu quốc, nên vào năm 1947, chư tôn đức lãnh đạo các tổ chức Phật giáo cứu quốc tại các tỉnh, thành Nam bộ đã tập hợp tại chùa Thiền Kim (Đồng Tháp Mười) tiến hành thành lập Ban chấp hành Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ(8). Chư tôn đức xuất thân từ Hội Lục hòa Liên xã về sau đều là lãnh đạo chủ chốt của các tổ chức Phật giáo cứu quốc tại Nam bộ, nên có thể nhận định rằng Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ là hậu thân của Hội Lục hòa Liên xã.
Năm 1949, xứ ủy Nam kỳ chỉ đạo cho giải tán Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ và chuyển hướng sang hoạt động công khai hợp pháp. Ngày 09-02-1952, chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo cứu quốc ở Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định phối hợp cùng Phật giáo cứu quốc các địa phương như Tiền Giang, Biên Hòa, Thủ Dầu Một và khu vực lân cận đã quy tập về chùa Long An, số 136 đường Cộng Hòa (Sài Gòn) mở hội nghị thành lập Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam với một bảng Điều lệ Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam gồm có 9 Chương và 44 Điều, chính thức được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa công nhận, hợp thức hóa tại Quyết định số 93/BNV/ NA/P5, Bộ Nội vụ ký ngày 01-10-1957. Ban chức sự lâm thời lúc bấy giờ gồm có Hòa thượng Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh) làm Đại Tăng trưởng, Hòa thượng Thành Đạo (chùa Phật Ấn) làm Tăng giám, Hòa thượng Thiện Đức (chùa Thiên Tôn) làm Phó Tăng giám… Văn phòng Trung ương Hội đặt tại chùa Trường Thạnh, số 97 đường Bác sĩ Yersin, Sài Gòn, sau một thời gian trụ sở văn phòng Trung ương Hội dời về chùa Giác Lâm(9).
Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam thành lập nên hai tổ chức Hội Lục hòa Tăng do Hòa thượng Thành Đạo (chùa Phật Ân) làm Tăng trưởng, trụ sở đặt tại chùa Phật Ân (sau dời về chùa Giác Lâm) và Hội Lục hòa Phật tử do Hòa thượng Minh Thành làm Chánh Hội trưởng, trụ sở đặt tại chùa Long Vân trực thuộc hoạt động theo tôn chỉ định hướng của Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam(10).
Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam phát triển đều khắp các tỉnh, thành vùng Nam bộ, Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam tại các địa phương cũng được thành lập, trong đó có Tỉnh hội Lục hòa Tăng Tây Ninh.
Từ ngày 06 đến ngày 09 tháng 4 năm 1957 (nhằm ngày 07 đến ngày 10 tháng 3 năm Đinh Dậu), chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam cùng chư Tăng toàn tỉnh đến tổ đình Phước Lưu ở làng Gia Lộc, châu thành quận Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh (nay thuộc khu phố Lộc Du, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) chứng minh và làm lễ suy tôn Hòa thượng Huệ Tánh (trụ trì tổ đình Phước Lưu) làm Tăng trưởng tỉnh Tây Ninh, Hòa thượng Thiện Hòa (chùa Vĩnh An, Trảng Bàng) làm Phó Tăng trưởng kiêm Tăng giám và đặt văn phòng Tăng trưởng Tỉnh hội Lục hòa Tăng Tây Ninh tại tổ đình Phước Lưu.
Trích trong thiệp thỉnh lễ suy tôn(11) có đoạn viết: “Chư Tăng toàn tỉnh tổ chức lễ suy tôn thầy trụ trì chùa Phước Lưu làm vị Hòa thượng Tăng trưởng tỉnh Tây Ninh ngõ hầu chỉnh đốn trong thiền gia Tăng lữ được phần trật tự trang nghiêm và chư thiện tín thêm nền đạo lý”.
Chương trình lễ diễn ra trong 4 ngày rất trang trọng với đầy đủ các nghi thức theo nghi lễ Phật giáo cổ truyền:
Ngày 6-4-1957, 15 giờ là nghi thức thỉnh sắc phong Tiên hiền Đặng Vừa (Thành hoàng bổn cảnh làng Gia Lộc, người đã có công khai hoang mở đất, lập nên làng Gia Lộc ở Trảng Bàng xưa) từ Tiên Hiền từ (đền thờ ông Cả, nay thuộc khu phố Lộc Thành, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng) về tổ đình Phước Lưu chứng lễ, qua đây thể hiện được tinh thần “uống nước nhớ nguồn” – một nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam ta.
Ngày 07-4-1975, 05 giờ nghi thức Hưng tác; 08 – 09 giờ cung nghinh chư Tăng và đón tiếp quan khách cùng Phật tử; 10 giờ Khai mạc lễ suy tôn Tăng trưởng Tỉnh hội Lục hòa Tăng Tây Ninh (có chương trình riêng); 11 giờ nghi thức cúng Ngọ, tiến bá tánh; 12 giờ thọ trai; 14 giờ khoa nghinh bá tánh; 15 giờ thuyết pháp; 16 giờ công phu chiều; 18 giờ nghi thức Khai kinh nhiễu đàn; 20 giờ nghi thức Phát tấu; 22 giờ Tịnh độ cầu siêu chiến sĩ.
Ngày 08-4-1957, 07 giờ nghi thức Nhiễu đàn bái sám; 09 giờ thuyết pháp; 11 giờ nghi thức cúng Ngọ, tiến bá tánh; 12 giờ thọ trai; 15 giờ thuyết pháp; 16 giờ công phu chiều; 20 giờ nghi thức Trình thập cúng; 22 giờ tụng kinh cầu an cho bá tánh.
Ngày 09-4-1957, 07 giờ nghi thức Bái sám; 09 giờ thuyết pháp; 11 giờ cúng Ngọ, tiến bá tánh; 12 giờ nghi thức Trai tăng; 14 giờ Đại đàn Chẩn tế; 16 giờ Bế mạc.
Trong buổi lễ suy tôn Tăng trưởng Tỉnh hội Lục hòa Tăng Tây Ninh có sự chứng minh của Hòa thượng Đại Tăng trưởng Lục hòa Tăng Việt Nam Thích Thiện Tòng, các vị giáo phẩm Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam, chư Tăng trong toàn tỉnh, có sự tham dự của chính quyền địa phương và đông đảo tín đồ Phật tử đồng tung hô “Hoan hô Hòa thượng Tăng trưởng”(12).
Đến ngày 14-10-1963, theo Sắc lệnh số 124/NV của Tổng thống Ngô Đình Diệm thì tỉnh Hậu Nghĩa được thành lập. Tỉnh Hậu Nghĩa bao gồm các quận Đức Hòa, Đức Huệ, Trảng Bàng và Củ Chi, tỉnh lị là Khiêm Cương đặt ở Bàu Trai (Hậu Nghĩa ngày nay)(13). Khi Trảng Bàng tách khỏi tỉnh Tây Ninh, nhập vào tỉnh mới Hậu Nghĩa, Hòa thượng Huệ Tánh giữ chức Tăng trưởng liên tỉnh Tây Ninh – Hậu Nghĩa và văn phòng đặt tại chùa Phước Lưu. Sau đó, Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam suy cử Hòa thượng Giác Nguyên (trụ trì chùa Thiên Phước) làm Tăng trưởng Tỉnh hội Lục hòa Tăng Tây Ninh, đặt trụ sở văn phòng Tăng trưởng tại chùa Thiên Phước (nay thuộc khu phố 5, phường 4, thành phố Tây Ninh) và suy cử Hòa thượng Huệ Tánh (trụ trì chùa Phước Lưu) làm Tăng trưởng Tỉnh hội Lục hòa Tăng Hậu Nghĩa, Hòa thượng Thiện Hòa (chùa Vĩnh An, Trảng Bàng) và Hòa thượng Trí Huệ (chùa Địa Tạng, Hóc Môn) làm Phó Tăng trưởng và đặt văn phòng Tăng trưởng Tỉnh hội Lục hòa Tăng Hậu Nghĩa tại tổ đình Phước Lưu. Tuy giữ chức Tăng trưởng tỉnh mới nhưng Hòa thượng Huệ Tánh cùng các vị tôn đức lãnh đạo Tỉnh hội luôn có nhiều gắn bó mật thiết với Phật giáo Tây Ninh thời bấy giờ.
Ngày 09-7-1968, nhằm để tránh tai mắt chính quyền Đệ nhị Cộng hòa, Hòa thượng Huệ Thành và Hòa thượng Bửu Ý vận động thêm 36 tỉnh thành và 80 quận hội cùng tham gia phong trào yêu nước và tiến hành đại hội thống nhất chuyển tên Giáo hội Lục hòa Tăng và Lục hòa Phật tử thành ‘Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam’ có hiến chương, chia thành hai Hội đồng: Viện Tăng thống và Viện Hoằng đạo(14). Hòa thượng Huệ Tánh (tổ đình Phước Lưu, Trảng Bàng) là thành viên trong Viện Tăng thống.
Từ khi có tổ chức Giáo hội, mọi sinh hoạt Phật giáo ở tỉnh dần được quy củ, đồng nhất, tạo sự gắn kết giữa các chùa, tinh thần phụng sự đạo pháp và dân tộc càng thêm sôi nổi qua các hoạt động Phật sự.
II. NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM TỈNH TÂY NINH
Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tỉnh Tây Ninh có hoài vọng tập hợp chư sơn thiền đức lại nhằm cùng duy trì nền tảng cổ truyền, lấy sáu pháp hòa y theo lời Phật dạy cùng nhau tu học và hòa hợp đại chúng. Sáu pháp hòa là ‘Giới hòa đồng tu’, hòa đồng trên nguyên tắc kỷ luật; ‘Thân hòa đồng trụ’, hòa đồng trên nguyên tắc hành động; ‘Khẩu hòa vô tránh’, hòa đồng trên nguyên tắc ngôn luận; ‘Lợi hòa đồng quân’, hòa đồng trên nguyên tắc quyền lợi; ‘Ý hòa đồng duyệt’, hòa đồng trên nguyên tắc ý chí; ‘Kiến hòa đồng giải’, hòa đồng trên nguyên tắc nhận thức.
Trong hoằng pháp độ sanh, Tỉnh hội Phật giáo cổ truyền Tây Ninh chú trọng đến việc đào tạo nên các thế hệ Tăng tài cho Phật giáo. Khuyến khích các chùa mở lớp Gia giáo giảng dạy về kinh, luật, luận, ứng phú, ngoài ra còn dạy về Nho học, y học để làm phương tiện độ sanh. Hòa thượng Tăng trưởng Huệ Tánh duy trì lớp Gia giáo tại tổ đình Phước Lưu vốn là trung tâm ứng phú đạo tràng vùng Trảng Bàng, Tây Ninh được mở từ thời Hòa thượng Trừng Lực – tổ khai sơn tổ đình Phước Lưu và được duy trì qua các đời trụ trì của chùa, đây cũng là lớp Gia giáo duy trì hoạt động giảng dạy lâu nhất ở tỉnh Tây Ninh. Năm 1966, Ni trưởng Diệu Quang và Ni trưởng Diệu Tâm mở lớp Gia giáo Ni tại chùa Hưng Quang (nay là tịnh xá Ngọc Quang, khu phố Lộc Du, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng), đây cũng là lớp đào tạo cho Ni giới duy nhất ở Tây Ninh lúc bấy giờ, qua đây cũng đã khẳng định được vai trò và những đóng góp của Ni giới Phật giáo Cổ truyền với Phật giáo tỉnh nhà(15).
Bên cạnh đó, các vị Sư mở lớp chuyên đào tạo về nghi lễ thiền môn, ứng phú đạo tràng ở tại chùa đã thu hút nhiều Tăng sinh đến tham học, như ở Trảng Bàng trước có Hòa thượng Hoằng Chiếu, Hòa thượng Huệ Trang, Hòa thượng Tịnh Huệ ở chùa Giác Nguyên, Hòa thượng Quảng Định ở chùa Linh Sơn, Hòa thượng Quảng Chí, sư Thiện Chánh ở tổ đình Phước Lưu;… ở thành phố Tây Ninh trước đây có Hòa thượng Giác Điền ở chùa Thiền Lâm Cổ; ngoài ra, còn có các vị Yết ma Thiện Từ ở Gia Bình, Yết ma Pháp Lý ở Gia Lộc vùng Trảng Bàng mở lớp dạy nghi lễ tại tịnh thất. Hòa thượng Quảng Vân, Hòa thượng Giác Điền, Giáo thọ Thiện Huê cũng thường đi dạy học ở nhiều chùa trong vào ngoài tỉnh. Nhiều vị Tăng sĩ ở Sài Gòn đến Tây Ninh dạy học như Hòa thượng Thiện An (thường gọi là thầy Mười Chỉ) từ tổ đình Giác Viên đến mở lớp dạy tại chùa Phước Thạnh (thị xã Trảng Bàng)(16).
Tổ chức trường hương cho Tăng, Ni an cư kiết hạ và trường kỳ để truyền trao giới pháp cho giới tử được chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền tỉnh đặc biệt quan tâm. Việc tổ chức được quy củ theo nghi thức cổ truyền của thầy tổ ngày trước, chùa tổ chức trường hương, trường kỳ hoặc cũng có chùa tổ chức trường kỳ sau khi vừa mãn khóa trường hương đều phải xin phép và được sự đồng ý của Hòa thượng Tăng trưởng Tỉnh hội. Trong khoảng thời gian này tiêu biểu với các trường kỳ tại chùa Từ Lâm (nay thuộc thị xã Trảng Bàng) vào năm Ất Mùi (1955) tôn Yết ma Diệu Chúc làm Đường đầu Hòa thượng, Hòa thượng Huệ Tánh làm Chánh chủ kỳ; trường kỳ tại chùa Phước Lâm (Vĩnh Xuân, nay thuộc thành phố Tây Ninh) vào năm Bính Thân (1956) tôn Yết ma Giác Điền làm Đường đầu Hòa thượng; trường kỳ tại chùa Cẩm Phong (huyện Gò Dầu) vào năm Canh Tuất (1970) tôn Hòa thượng Giác Điền làm Đường đầu Hòa thượng; trường kỳ ba năm liên tiếp từ 1971-1973 tại chùa Thiên Phước – trụ sở văn phòng Tăng trưởng Tỉnh hội Phật giáo Cổ truyền Tây Ninh (nay thuộc thành phố Tây Ninh) tôn Hòa thượng Giác Nguyên – Tăng trưởng Tỉnh hội Phật giáo Cổ truyền Tây Ninh làm Đường đầu Hòa thượng. Đặc biệt, trường kỳ vào năm Nhâm Thân (1992) do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh tổ chức tại chùa Quan Âm (thuộc huyện Gò Dầu) theo quy cách của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền, tôn Hòa thượng Huệ Quang làm Đường đầu Hòa thượng, Thượng tọa Chơn Nghĩa làm Yết ma A-xà-lê, Thượng tọa Tịnh Cẩn làm Giáo thọ A-xà-lê(17). Tiếp nối đến ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh đã tổ chức được 9 lần đại giới đàn mang tên tổ Tâm Hòa, cùng với sự tham gia của các bậc tôn đức có xuất thân từ Giáo hội Phật giáo Cổ truyền vào Ban Trị sự tỉnh, Ban tổ chức giới đàn nên việc tổ chức giới đàn về sau này cũng theo quy cách của thầy tổ, đúng như luật, như pháp.
Ở Tây Ninh trong giai đoạn này tiêu biểu với các trường hương tại chùa Cẩm Phong (huyện Gò Dầu) vào năm Canh Tuất (1970) do Hòa thượng Giác Điền làm Thiền chủ có Tăng và Ni đồng tham gia rất đông nên nhà thiền được cất riêng ở hai bên chùa, lập ra hai ban chức sự trường hương và Hòa thượng Thiền chủ phải qua lại hai bên nhà thiền để bố tát nói giới(18); ba năm liên tiếp từ 1971-1973, tổ chức trường hương tại chùa Thiên Phước – trụ sở văn phòng Tăng trưởng Tỉnh hội Phật giáo Cổ truyền Tây Ninh (nay thuộc thành phố Tây Ninh) do Hòa thượng Huệ Phương (chùa Phước Lâm, nay thuộc thành phố Tây Ninh) làm Chánh Chủ hương, Hòa thượng Giác Nguyên (Tăng trưởng tỉnh Tây Ninh) làm Chánh Hóa chủ, Hòa thượng Thiện Hòa (Phó Tăng trưởng tỉnh Hậu Nghĩa) làm Hòa thượng Thiền chủ. Về sau này, những trường hạ đầu tiên do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh tổ chức như trường hạ năm Nhâm Thân (1992) tại chùa Quan Âm (huyện Gò Dầu); trường hạ năm Đinh Hợi (2007) tại chùa Phước Thành (thị xã Trảng Bàng) thỉnh Hòa thượng Quảng Kim (chùa Tịnh Thành, thị xã Trảng Bàng) làm Hòa thượng Thiền chủ, Thượng tọa Thiện Chánh (tổ đình Phước Lưu, thị xã Trảng Bàng) làm Chánh na, cả hai trường hạ này đều tổ chức theo quy cách của trường hương xưa (hay còn gọi là hạ cổ), đây cũng do ban chức sự trường hạ có các bậc tôn đức xuất thân từ Phật giáo Cổ truyền(19).
Ngoài ra, trước đây Hòa thượng Giác Nguyên – Tăng trưởng Tây Ninh – trụ trì chùa Thiên Phước cùng với các vị trụ trì chùa Hồng Phước (nay thuộc thành phố Tây Ninh), trụ trì chùa Phước Lâm (Vĩnh Xuân, nay thuộc thành phố Tây Ninh), trụ trì chùa Cẩm Phong (huyện Gò Dầu) và chư sơn thiền đức trong tỉnh lập nên ‘Hội Trường hương – trường kỳ’ do các ngài làm ban chức sự nhằm tổ chức trường hương, trường kỳ trong và ngoài tỉnh. Huê lợi từ các khóa trường hương, năm 1970, Hòa thượng Tăng trưởng cùng chư Tăng đứng ra mua đất và cất nên ngôi chùa đặt hiệu là “Tứ Phước”, trong đó chữ “Tứ” với ngụ ý chùa do bốn ngôi chùa Thiên Phước, Hồng Phước, Phước Lâm và Cẩm Phong đồng lập nên, hiện ngụ tại ấp Thanh Sơn, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành(20).
Qua đây, đã cho thấy được các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ở tỉnh Tây Ninh đặc biệt chú trọng đến đào tạo nên các thế hệ Tăng tài cho Phật giáo. Cùng với các bậc tôn đức về sau tiếp tục tham gia vào Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh lâm thời đã áp dụng những quy cách của Phật giáo Cổ truyền từ những buổi đầu để tiếp Tăng độ chúng. Do đó, ở Tây Ninh Giáo hội Phật giáo Việt Nam có ảnh hưởng nhiều từ Giáo hội Phật giáo Cổ truyền.
Vốn từ xưa, chư tổ ở Tây Ninh luôn chú trọng đến biên soạn kinh sách. Từ những năm 1930 trở về trước, các tổ biên soạn kinh sách bằng chữ Hán Nôm, về sau này chư vị tôn đức, đặc biệt là Hòa thượng Tăng trưởng Huệ Tánh rất quan tâm đến biên soạn lịch sử Phật giáo địa phương, kinh sách bằng chữ Quốc ngữ để tiện phổ biến trong đại chúng, nhiều khoa nghi Phật giáo Cổ truyền được phiên âm, dịch nghĩa, trong đó tiêu biểu có tác phẩm ‘Nhị thời khóa tụng và Nghi thức Tịnh độ Cổ truyền’ do Giáo thọ sư Quảng Chí ở tổ đình Phước Lưu (nay thuộc thị xã Trảng Bàng) biên soạn vào năm 1971, có sự chứng minh của Hòa thượng Tăng trưởng Huệ Tánh và được Sư cô Diệu Thành trụ trì chùa Phước Khánh (chợ Bà Quẹo – Tân Kỳ II, Tân Sơn Nhì, Gia Định, nay là chợ Võ Thành Trang – quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) in ấn tống 1.000 quyển.
'
Cùng với việc tiếp Tăng, chư tổ đặc biệt quan tâm đến việc độ chúng, bằng các phương tiện, tùy duyên trên tinh thần nhập thế để hoằng pháp lợi sanh. Với Phật giáo trong thời gian này, chủ yếu tổ chức các khóa lễ, thuyết kinh, nói pháp, công phu, bái sám tại chùa, trong các đám trai đàn, Phật sự để nhóm họp cư dân và Phật tử để truyền bá đạo mầu.
Đặc biệt, Phật giáo Cổ truyền gắn bó với đại chúng qua loại hình ứng phú đạo tràng. Trong ngũ minh Phật giáo gồm nội minh, nhân minh, thanh minh, công xảo minh và y phương minh. Các nhà sư ở Tây Ninh chuyên tâm về thanh minh (âm thanh sắc tướng); công xảo minh (ứng phú đạo tràng), các khoa nghi ứng phú của Phật giáo hiện diện trong các lễ cúng ở chùa, đình, miếu, tư gia với các đám trai đàn, cúng chợ, chúc thọ, cầu an, cầu siêu, tang ma, trai tuần, nhương tinh, giải hạn, tam nguyên cùng nhiều nghi lễ thuộc Phật giáo như trai Tăng, tống Tăng, kỵ tổ, các lễ chính của Phật giáo như Phật đản, Vu lan… bằng các giọng tán tụng, điệu bộ khoa nghi hòa với âm nhạc Phật giáo vốn có nguồn gốc từ âm nhạc dân tộc các vị Sư đã truyền tải những giáo lý của nhà Phật đến với đại chúng, lồng trong chương trình các khoa nghi ứng phú còn có phần các vị Sư nói kinh, thuyết pháp, các chùa ở Tây Ninh lúc bấy giờ thường cung thỉnh Hòa thượng Tăng trưởng Huệ Tánh, Hòa thượng Pháp Lan (chùa Khánh Hưng ở Sài Gòn, nay thuộc quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) làm pháp sư; y phương minh (bốc thuốc chữa bệnh theo y học), bên cạnh tinh thông về Phật học, các nhà sư còn giỏi về Nho học, y học Đông phương hay “thừa Nho hóa y” mà đa số các chùa ở Tây Ninh đều có bắt mạch, bốc thuốc chữa bệnh từ thiện cho cư dân địa phương, tiêu biểu trước đây có các chùa Phước Lưu, chùa Huỳnh Long ( thị xã Trảng Bàng), chùa Phước Lâm (thành phố Tây Ninh), các ngài còn quan niệm rằng bằng phương tiện này trước chữa khỏi thân bệnh bằng thuốc rồi đến chữa lành tâm bệnh bằng cách hướng mọi người quy y Tam bảo.
Những phong tục, sinh hoạt và lễ nghi dân gian ở Tây Ninh đều được Giáo hội Phật giáo Cổ truyền “khế lý khế cơ” tiếp nhận. Tiếp nối cách hành đạo của chư vị tổ sư tiền bối, trước là để hội nhập cùng với dân tộc, kế đến là đưa chánh pháp của nhà Phật lồng vào trong những sinh hoạt, nghi lễ để hoằng pháp độ sanh trên tinh thần nhập thế. Đặc biệt với vùng đất Tây Ninh, Linh Sơn Thánh Mẫu là vị nữ thần cai quản đất đai, xứ sở và bảo hộ cho cư dân, năm Bảo Đại thứ 10 (1935) được vua sắc phong với mỹ tự “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù chi thần”(21). Gắn liền với Phật giáo từ những buổi đầu, Linh Sơn Thánh Mẫu được chư tổ tôn phong là “Bồ-tát” và trở thành vị hộ pháp trong các chùa vùng Tây Ninh và cả Nam bộ. Hằng tháng vào các ngày sóc, vọng có thực hành nghi thức chúc tán Linh Sơn Thánh Mẫu, trên các pháp phái, văn sớ cầu an xưa của Phật giáo Tây Ninh có đề “Nam mô Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ tát chứng minh”(22). Lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu– núi Bà Đen thực hiện theo nghi thức Phật giáo cổ truyền và dân gian được gìn giữ, duy trì hơn trăm năm nay đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2019(23). Bên cạnh đó, các vị thần trong dân gian như Thành Hoàng Bổn Cảnh, Quan Công, Ông Tà, Cậu Bảy Tây Ninh, các vị nữ thần… cũng được phối thờ vào trong chùa thể hiện sự giao thoa văn hóa, hòa đồng các dân tộc Việt – Chăm – Hoa – Khmer trong ngôi chùa Phật giáo.
Trong lễ Kỳ yên ở các đình, miếu đều có thỉnh chư Tăng đến để thực hiện nghi thức cầu an cho bá tánh và cầu siêu cho chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn. Nhất là ở Trảng Bàng, phát tích từ đình Gia Lộc rồi lan tỏa sang các đình khác, bên trong đình ở tiền điện có lập ba bàn hương án, tế I là Phật giáo, tế II là Công giáo, tế III là Cao Đài giáo và có thực hành nghi thức của các tôn giáo trong dịp lễ Kỳ yên. Với Phật giáo, hòa chung lời tán tụng của chư Tăng còn có nhạc lễ góp phần cho lễ cúng thêm trang trọng, với âm điệu du dương, trầm bổng khiến cho lời kinh, câu kệ dễ đi vào lòng người.
Trong ứng phú đạo tràng từng lời, từng nghĩa, từng câu, từng chữ nói ra đều là sự giải thoát. Nên chư tôn đức Phật giáo Cổ truyền đã dùng ứng phú đạo tràng làm phương tiện để chia sẻ những vui, buồn cùng nhân dân, dùng phương tiện này để tiếp cận các giới rồi từ đó mới lan truyền ý nghĩa của Phật giáo. Chung quy lại những nhà sư Phật giáo Cổ truyền có tập tính sống gần gũi nhân dân, lo việc quan, hôn, tang, tế vui buồn cùng dân làng, chữa bệnh bốc thuốc cho người dân thể hiện lòng từ bi, là lãnh đạo tinh thần của họ ở từng địa phương cụ thể. Đó là thiên hướng bản chất của một nhà Sư cổ truyền là sống với dân, lo cho dân, gánh vác cho dân về lĩnh vực tâm linh đạo đức(24).
Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nói chung và ở Tây Ninh nói riêng là một tổ chức giàu lòng yêu nước và gắn bó sắc son một lòng với dân tộc. Trong thời chiến để bảo vệ tổ quốc, nhiều ngôi chùa là nơi ẩn náu, nuôi giấu bộ đội, cán bộ cách mạng, nhiều nhà sư “cởi áo cà sa khoác chiến bào” cùng dân tộc gìn giữ nền độc lập, hòa bình. Đa số tín đồ Phật tử có truyền thống yêu nước, một lòng tin Đảng và theo Đảng làm cách mạng chống ngoại xâm(25).
Tỉnh Tây Ninh là địa bàn quan trọng của cách mạng miền Nam Việt Nam. Là hậu phương căn cứ địa trực tiếp của Trung ương Cục. Từ đây nối liền với các khu căn cứ khác, như chiến khu Đ, Đồng Tháp Mười…
Trong năm 1960, cuộc đồng khởi của nhân dân toàn miền Nam bùng nổ làm sụp đổ chiến lược chiến tranh kiểu mới và làm cho chính quyền tay sai thời bấy giờ trở nên bị động, tình hình này đã tác động mạnh mẽ đến tình hình đấu tranh tại Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và các địa phương khác. Đến ngày 20-12-1960, tại một vùng giải phóng thuộc tỉnh Tây Ninh(26), đại biểu các đoàn thể, tôn giáo, đảng phái và các dân tộc ở miền Nam Việt Nam, họp Đại hội thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Hòa thượng Thiện Hào lúc bấy giờ là đại diện của Giáo hội Lục hòa Tăng và Lục hòa Phật tử đã được đại hội bầu làm Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại hội thông qua chương trình 10 điểm với nội dung cơ bản là đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của Mỹ và bọn tay sai bán nước gia đình trị Ngô Đình Diệm, nhằm xây dựng một miền Nam Việt Nam hòa bình, trung lập, dân chủ và phồn vinh, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc(27). Trong những lần đi họp ở Tây Ninh, Hòa thượng Thiện Hào đều có ghé qua văn phòng Tỉnh hội Lục hòa Tăng Tây Ninh ở tổ đình Phước Lưu, bàn công việc với Hòa thượng Tăng trưởng Huệ Tánh trước khi đến căn cứ Trung ương Cục miền Nam(28) (nay thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh)(29).
Trong năm 1960, những chiến dịch càn quét, gom dân vào ấp chiến lược của Mỹ – Ngụy. Chúng đóng bốt ở ngoài Cầu Ván ngày đêm lùng sục, vậy mà trong chùa Long Tiên (dân gian hay gọi là chùa thầy Khuyến, nay thuộc khu phố Lộc Chánh, phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng) vẫn có những chiến sĩ cách mạng bền gan bám trụ giữa nhân dân. Một vài người còn nhớ được tên các ông Hai Bình, ông Hai Dương, Lê Đình Nhơn, Ba Văn, Tám Cao, Ba Bá… từng ở tại chùa. Bà Phan Thị Hiền kể lại, hầm bí mật ở chùa Long Tiên bố trí ngay ở giữa chùa, trong gầm bàn thờ. Đến bữa, má (tức bà Hồ Thị Năm, Phật tử thường trụ ở chùa Long Tiên, mẹ của bà Hiền) nấu cơm xong dọn mâm đưa vào, các chú ăn xong thì đẩy mâm ra, nhiều đêm thanh vắng, từ trong hầm vọng ra tiếng đánh máy chữ nghe rất rõ. Đến khoảng giữa những năm 1960, quân Mỹ có kế hoạch cô lập nhằm xóa sổ chiến khu Bời Lời, vừa đánh phá bằng phi pháo xe tăng, vừa dùng máy ủi làm cho tan nát hết thì dân mới chịu chạy, không thì chết cả, trâu bò thì lùa ra ruộng, còn người thì gạt sang bên mấy xóm Hố Tre, Bàu Rồng, nay thuộc khu phố Lộc Tân (Lộc Hưng), còn Lộc Chánh nơi có chùa Long Tiên trở thành bình địa, ngày nay xung quanh chùa vẫn còn những hố bom như những chứng tích tàn ác của chiến tranh(30). Sau hòa bình về, ngôi chùa được các vị Sư và người dân địa phương dựng lại tiếp tục phụng thờ Tam bảo và tu tập hoằng pháp. Nhưng ở gần chùa Long Tiên vốn có chùa Long Hưng (dân gian thường gọi là chùa Mọi, nay thuộc khu phố Lộc Chánh) đã bị mất hẳn trong chiến tranh, ngôi chùa cũng từng là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, mà ngày nay chỉ còn trong ký ức những người lớn tuổi, hiệu chùa “Long Hưng” được đặt cho một ngôi chùa khác cùng ở phường Lộc Hưng, tên “Chùa Mọi” được đặt cho một cây cầu ở khu phố Lộc Chánh, đây cũng là một cách để ghi nhận những đóng góp của chùa nói riêng và của Phật giáo nói chung cho dân tộc(31).
Với sự kiện đàn áp Phật giáo, Tăng, Ni và Phật tử các chùa ở Trảng Bàng, tiêu biểu là Phật tử chùa Phước Lâm (nay thuộc khu phố Lộc Du, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng) biểu tình vào dinh quận trưởng Trảng Bàng đòi quyền tự do và bình đẳng tôn giáo của Phật giáo trong dịp đại lễ Phật Đản năm 1963(32). Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Phước Lâm là nơi trú ẩn bí mật của các chiến sĩ cách mạng. Các mẹ, các chị thường xuyên vận động bà con thị trấn bí mật mang gạo mắm, thực phẩm đến nấu cơm, chăm lo cho bộ đội(33). Đặc biệt, vào lúc 16 giờ ngày 29-4-1975 quân và dân Trảng Bàng đã cắm lá cờ giải phóng lên nóc dinh quận trưởng Trảng Bàng (nay là vị trí Ủy ban Nhân dân thị xã Trảng Bàng và hội trường 29/4). Lúc bấy giờ, đã có bài báo cho biết lá cờ giải phóng này do tín đồ Phật tử chùa Phước Lâm may(34).
Ngoài ra, còn có chùa Tứ Phước (ấp Thanh Sơn, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) do Hòa thượng Giác Nguyên làm Tăng trưởng tỉnh Tây Ninh đại diện thành lập, chùa Phước Thạnh (hay còn gọi là chùa Bàu Lớn, khu phố Gia Tân, phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng) khi đó do Hòa thượng Huệ Tánh làm Tăng trưởng liên tỉnh Tây Ninh – Hậu Nghĩa trụ trì, chùa Vĩnh An (khu phố Lộc An, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng) khi đó do Hòa thượng Thiện Hòa làm Phó Tăng trưởng kiêm Tăng giám liên tỉnh Tây Ninh – Hậu Nghĩa trụ trì… cùng nhiều ngôi chùa Phật giáo trong tỉnh đào hầm bí mật làm nơi nuôi giấu các chiến sĩ hoạt động cách mạng(35).
Trong thời kỳ chiến tranh, nhiều Tăng, Ni của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền ở Tây Ninh tham gia hoạt động cách mạng. Trong đó tiêu biểu có, Hòa thượng Thiện Hòa (chùa Vĩnh An, nay thuộc phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng) tham gia Phật giáo yêu nước, đi tập kết ở chiến khu Bời Lời (nay thuộc ấp Trảng Sa, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng), với uy tín của Hòa thượng lúc làm Phó Tăng trưởng tỉnh Hậu Nghĩa, ngài đã giúp nhiều tu sĩ Phật giáo bị bắt quân dịch được hoãn trở về chùa tiếp tục tu học(36). Hòa thượng Quảng Kim (chùa Tịnh Thành, nay thuộc phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng), Hòa thượng Trí Định (chùa Phước Thành, nay thuộc phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng) làm giao liên. Sớm giác ngộ cách mạng, Ni trưởng Diệu Nghĩa (Viện chủ hệ thống các chùa núi Bà Đen) từ năm 17 tuổi đã tham gia hội Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng, năm 1957, khi đó Ni trưởng 36 tuổi xuất gia đầu Phật với Hòa thượng Huệ Phương, tại núi Bà Đen, Ni trưởng cùng đại chúng bám trụ ở núi trong chiến tranh với chí nguyện dù hy sinh vẫn giữ Tam bảo(37).
Chiến tranh ác liệt gây nên nhiều đau thương cho đất nước, nhiều người đã ngã xuống để gìn giữ độc lập, tự do, nhiều ngôi chùa bị bình địa, sụp đổ hay ảnh hưởng nghiêm trọng. Những bom, đạn từng là công cụ của chiến tranh, thứ vũ khí giết người hàng loạt và là nỗi sợ hãi của mọi người trong thời ấy đã được các nhà Sư cải tạo thành hồng chung, chuông, khánh sử dụng trong thiền môn vang lên những tiếng cảnh tỉnh thế gian biết hồi đầu hướng thiện, tu tập, hành trì để có được sự an vui, hạnh phúc ở hiện tại và tiến đến sự giác ngộ giải thoát, tiêu biểu là hai hồng chung của chùa Long Tiên và chùa Phước Hưng ở phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng nơi từng chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh và cũng là nơi hun đúc nên những con người giàu lòng yêu nước, trong đó có các vị tu sĩ Phật giáo. Qua đây, đã cho thấy được vật chất vốn vô tri, với ý niệm ác đã biến chúng trở thành những công cụ để hủy diệt nhưng với ý niệm thiện được khởi lên khiến chúng trở thành phương tiện hoằng pháp độ sanh và còn là thông điệp về mưu cầu cuộc sống hòa bình mà chư tôn đức Phật giáo nói chung và Phật giáo Cổ truyền nói riêng muốn nhắn gửi.
Ngày 30-4-1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cuối năm 1975, tỉnh Hậu Nghĩa giải thể và huyện Trảng Bàng (nay là thị xã) trở về tỉnh Tây Ninh(38).
Phật giáo Việt Nam với nguyện vọng hợp nhất các Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo trong cả nước thành một khối thống nhất. Được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nhất là sự tích cực làm việc không ngừng nghỉ của chư tôn đức trong Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, tâm huyết và sự nỗ lực của chư tôn đức trong 9 Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo đương thời đã dẫn đến một sự kiện quan trọng, đó là Hội nghị thống nhất Phật giáo toàn quốc được tổ chức trọng thể tại chùa Quán Sứ (Thủ đô Hà Nội) từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 11 năm 1981(39). Sau khi toàn thể Đại biểu thảo luận và thống nhất thông qua bản Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thông qua chương trình hoạt động và hoàn tất việc giới thiệu và suy tôn Hội đồng Chứng minh, cũng như giới thiệu thành phần và thực hiện suy cử Hội đồng Trị sự xong, thời khắc trọng đại Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được ra đời, đánh dấu một sự kiện lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng thiết tha bao đời của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên Phật giáo thống nhất trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên một Giáo hội Phật giáo Việt Nam lấy “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” làm phương châm hành động(40).
Nhiều bậc thạch trụ tòng lâm của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền ở Tây Ninh tham gia và giữ vai trò quan trọng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh như Hòa thượng Quảng Chí (tổ đình Phước Lưu, thị xã Trảng Bàng) nguyên Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh; Hòa thượng Quảng Kim (chùa Phước Thành, thị xã Trảng Bàng) nguyên Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh, Phó trưởng ban thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ IV, Trưởng ban Nghi lễ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ III, Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã Trảng Bàng, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã Trảng Bàng nhiệm kỳ III, IV, V; Hòa thượng Thông Nghiêm (chùa Phước Thạnh, thị xã Trảng Bàng) Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh, nguyên Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh qua V nhiệm kỳ; Thượng tọa Thiện Chánh (tổ đình Phước Lưu, thị xã Trảng Bàng) nguyên Ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trưởng ban Nghi lễ thị xã Trảng Bàng nhiệm kỳ IV, V, cả bốn vị đều là đệ tử của Hòa thượng Huệ Tánh nguyên là Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền liên tỉnh Tây Ninh – Hậu Nghĩa. Hiện nay, Hòa thượng Niệm Thới (chùa Linh Sơn Tiên Thạch, thành phố Tây Ninh) đương vi Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ VI… Những bậc tu sĩ Phật giáo có gốc từ Giáo hội Phật giáo Cổ truyền ở Tây Ninh tiếp nối mạng mạch Phật pháp theo lối cổ truyền của thầy tổ, hoằng pháp độ sanh, tham gia tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam và làm các công tác an sinh xã hội trên tinh thần “hộ quốc an dân”
III. THÂN THẾ, SỰ NGHIỆP CHƯ TÔN ĐỨC LÃNH ĐẠO TIÊU BIỂU CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM TỈNH TÂY NINH
Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền ở Tây Ninh là những bậc thạch trụ chốn tòng lâm, có nhiều đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, trong đó tiêu biểu với các vị Hòa thượng Huệ Tánh, Hòa thượng Giác Nguyên và Hòa thượng Thiện Hòa.
3.1. Hòa thượng Thích Huệ Tánh – Tăng trưởng liên tỉnh Tây Ninh – Hậu Nghĩa
Hòa thượng Thích Huệ Tánh (1912 – 1988), được sinh ra trong một dòng họ nhiều đời kính tin Tam bảo ở làng Gia Lộc (nay thuộc phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng). Từ nhỏ Hòa thượng ở chùa Phước Thạnh (dân gian thường gọi là chùa Bàu Lớn) ở làng Gia Lộc (nay thuộc phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng). Hội đủ duyên lành, ngài đến xuất gia với Giáo thọ Nguyên Tấn ở tổ đình Phước Lưu (trước thuộc làng Gia Lộc, nay thuộc phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng) có pháp húy Quảng Thủ nối đời thứ 45 dòng Lâm Tế Liễu Quán (Tế thượng), sau ngài đến cầu pháp với Quốc ân Đại Hòa thượng Từ Nhẫn được ban pháp tự Hồng Thủ nối đời thứ 40 dòng Lâm Tế Bổn Ngươn. Ngoài ra, ngài còn cầu học với Hòa thượng Pháp sư Bửu Chung, Hòa thượng Ứng phú sư Thiện An (thường gọi là thầy Mười Chỉ) cùng nhiều bậc danh tăng ở Nam bộ.
Năm 1930, ngài thọ Sa-di giới tại trường kỳ ở chùa Linh Sơn Tiên Thạch (núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh). Năm 1933, thọ Bồ-tát giới lúc tham gia sơ hạ tại trường hương, trường kỳ ở chùa Giác Hoàng (nay thuộc huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh). Tham gia trường hương lần thứ hai tại chùa Chúc Thọ (tỉnh Đồng Nai). Thọ Đại giới Tỳ-kheo tại tổ đình Phước Lưu (tỉnh Tây Ninh) và tấn phong ngài là trưởng tử của Giáo thọ Nguyên Tấn, buổi lễ có sự chứng minh của Đại Hòa thượng Từ Nhẫn (chùa Sắc tứ Thới Bình, tỉnh Long An).
Năm 1937, Giáo thọ Nguyên Tấn viên tịch, Hòa thượng Huệ Tánh kế thế trụ trì tổ đình Phước Lưu. Ngài mở lại lớp Gia giáo đào tạo Tăng tài và nối tiếp nghiệp tổ hành y chữa bệnh cho cư dân địa phương. Duy trì hội “Tịnh độ liên hoa” do Giáo thọ Nguyên Tấn thành lập, kết nối chư Tăng ở các chùa hướng dẫn Phật tử tu học. Ở chùa, ngài tổ chức các hoạt động Phật sự, thuyết kinh, nói pháp cho tín đồ, Phật tử và cư dân trong vùng, lan tỏa Phật pháp đến nhiều tầng lớp trong đại chúng. Nhiều bậc Tăng sĩ Phật giáo đến tham học cùng ngài. Là bậc danh Tăng khả kính nên Hòa thượng Huệ Tánh có đông đệ tử xuất gia và tại gia, các đệ tử của ngài đều có nhiều đóng góp cho đạo pháp và dân tộc. Ngài còn chú trọng biên soạn kinh sách, khoa nghi ứng phú bằng chữ Hán, Nôm và chứng minh cho đệ tử là Hòa thượng Quảng Chí biên soạn quyển “Nhị thời khóa tụng và Nghi thức Tịnh độ Cổ truyền” vào năm 1971 bằng chữ Quốc ngữ.
Hòa thượng là vị Ứng phú sư, Pháp sư có tiếng ở miền Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng. Năm 1950, ngài nhận lời thỉnh cầu của nhân dân trong vùng chứng minh và làm sám chủ trong lễ trai đàn cầu an tại chợ Trảng Bàng (chợ cũ Trảng Bàng ngày nay), cũng nhân dịp này ngài làm lễ ra mắt Thầy cả trai đàn chẩn tế.
Năm 1938, ngài tham gia trường kỳ tại chùa Phước Thạnh (chùa Bàu Lớn) tôn Giáo thọ Thiện Toàn lên Đường đầu Hòa thượng. Năm 1939, ngài nhận chức Giáo thọ bàn nhất tại trường kỳ ở chùa Phước Thạnh (dân gian còn gọi là chùa Cây Dương, nay thuộc xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng) tôn Yết ma Quảng Vân làm Đường đầu Hòa thượng. Năm 1950, ngài nhận chức Yết ma tại trường kỳ ở chùa Giác Ngộ (nay thuộc quận 10, thành phố Hồ Chí Minh) tôn Hòa thượng Đạt Thanh làm Đường đầu Hòa thượng. Năm 1955, ngài giữ chức Chánh chủ kỳ tại trường kỳ ở chùa Từ Lâm (nay thuộc phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng) tôn Yết ma Diệu Chúc làm Đường đầu Hòa thượng. Năm 1956, ngài chứng đàn tại trường kỳ ở tổ đình Phước Lâm (Vĩnh Xuân, nay thuộc thành phố Tây Ninh) tôn Yết ma Giác Điền làm Đường đầu Hòa thượng. Năm 1970, ngài giữ chức Hòa thượng Tuyên luật sư tại trường kỳ ở tổ đình Giác Lâm (nay thuộc quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh). Năm 1971, ngài giữ chức Hòa thượng Bố tát tại trường hương ở tổ đình Giác Viên (nay thuộc quận 11, thành phố Hồ Chí Minh). Ngoài ra, Hòa thượng Huệ Tánh còn giữ các cấp bậc quan trọng các trường hương, trường kỳ ở các chùa Phụng Sơn, chùa Sùng Đức (thành phố Hồ Chí Minh), chùa Long Thiền (Biên Hòa)…
Năm 1957, Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam đến tổ đình Phước Lưu chứng minh làm lễ suy tôn Hòa thượng Huệ Tánh làm Hòa thượng Tăng trưởng Tỉnh hội Lục hòa Tăng Tây Ninh. Năm 1963 tỉnh Hậu Nghĩa được thành lập, Hòa thượng Huệ Tánh làm Tăng trưởng Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam liên tỉnh Tây Ninh – Hậu Nghĩa. Năm 1968, tiến hành Đại hội thống nhất chuyển tên Giáo hội Lục hòa Tăng và Lục hòa Phật tử thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam có hiến chương, chia thành hai Hội đồng: Viện Tăng thống và Viện Hoằng đạo. Hòa thượng Huệ Tánh được công cử làm ủy viên trong Viện Tăng thống.Là người thầy mẫu mực, tu hành tinh tấn, giới đức tinh nghiêm. Hòa thượng Huệ Tánh luôn nghiêm khắc trong việc giáo dục đệ tử, với tính cách hòa nhã, ân cần nên được mọi người kính trọng, quý mến. Những người đệ tử xuất gia với ngài về sau noi theo hạnh ngài trở thành những vị Tăng tài có nhiều đóng góp cho Phật giáo, những vị cư sĩ quy y với ngài như thầy giáo Đỗ Văn Vấn, lương y Nguyễn Văn Kiềm, lương y Quách Tập Năng, cư sĩ Trần Tình, cư sĩ Lê Văn Sâm… cùng nhiều nam nữ Phật tử là những bậc nhân sĩ trí thức có nhiều đóng góp cho xã hội. Hòa thượng Tăng trưởng Huệ Tánh là bậc long tượng Phật giáo Tây Ninh, một trong những tấm gương sáng của Phật giáo Nam bộ cho hàng hậu học noi theo.
3.2. Hòa thượng Thích Giác Nguyên – Tăng trưởng tỉnh Tây Ninh.
Hòa thượng Thích Giác Nguyên (1877-1980), Hòa thượng pháp húy Hồng Hữu thuộc thế hệ thứ 40 dòng Lâm Tế Bổn Nguơn, ngài xuất gia với chí nguyện kiên định trên bước đường tu học và hoằng pháp độ sanh.
Hòa thượng khai sơn nhiều ngôi chùa ở Tây Ninh như chùa Thiên Phước, chùa Thiên Đức, chùa Thiên Thắng, chùa Thiên Ân, chùa Thiên Giác và đặc biệt chùa Tứ Phước do Hòa thượng Giác Nguyên cùng chư sơn thiền đức trong ‘Hội Trường hương – trường kỳ’ ở Tây Ninh với các chùa Hồng Phước, chùa Phước Lâm, chùa Cẩm Phong đồng lập nên.
Với vai trò là vị Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền ở Tây Ninh, ngài rất chú trọng hoằng truyền Phật pháp đến đại chúng, đào tạo Tăng tài. Ba năm liên tiếp từ 1971-1973, Hòa thượng Giác Nguyên tổ chức trường hương, trường kỳ tại chùa Thiên Phước – trụ sở văn phòng Tăng trưởng Tỉnh hội Phật giáo Cổ truyền Tây Ninh (thành phố Tây Ninh) do ngài làm Chánh Hóa chủ – Đường đầu Hòa thượng truyền giới cho giới tử. Ngài còn lập nên ‘Hội Trường hương – trường kỳ’ do chư sơn thiền đức trong Tỉnh hội Phật giáo Cổ truyền và các bậc Tăng già ở các chùa vùng Tây Ninh làm ban chức sự nhằm tổ chức trường hương, trường kỳ trong và ngoài tỉnh. Sự gắn kết của Hòa thượng Giác Nguyên và Hòa thượng Huệ Tánh rất mật thiết trong mọi công tác Phật sự nên hai Tỉnh hội Phật giáo Cổ truyền tỉnh Tây Ninh và tỉnh Hậu Nghĩa luôn tương trợ lẫn nhau.
Hòa thượng Tăng trưởng Giác Nguyên có tính cách giản dị, mộc mạc của bậc chân tu, là bậc danh Tăng khả kính ở Tây Ninh được nhiều người kính trọng.
3.3. Hòa thượng Thích Thiện Hòa – Phó Tăng trưởng kiêm Tăng giám liên tỉnh Tây Ninh – Hậu Nghĩa
Hòa thượng Thiện Hòa (1905 – 1986), ngài là người gốc ở làng Gia Lộc đến chùa Linh Sơn Tiên Thạch ở núi Bà Đen (Tây Ninh) xuất gia học đạo với Hòa thượng Tâm Hòa được ban pháp húy Nguyên Mi nối đời thứ 44 dòng Lâm Tế Liễu Quán (Tế thượng). Sau Hòa thượng Thiện Hòa qua vương quốc Campuchia, đến tỉnh Svay Rieng lập chùa Phước Quang và hoằng pháp độ sanh.
Năm 1948, nơi quê nhà Hòa thượng Phát Huệ ở chùa Vĩnh An (trước ở làng Gia Lộc, nay thuộc khu phố Lộc An, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng) tuổi cao sức yếu, Hòa thượng cho gọi sư Thiện Hòa về cùng với chư huynh đệ lo cho chùa và hậu sự cho Hòa thượng. Hòa thượng Phát Huệ viên tịch, trưởng tử của Hòa thượng thường gọi là thầy Tư Hương thỉnh Hòa thượng Thiện Hòa về trụ trì chùa Vĩnh An có sự chứng nhận của Hương chức Hội đồng xã Gia Lộc thời bấy giờ là các ông chủ Hên, ông cả Chính và ông Bảy Phúc trong ban Hội tề.
Từ ngôi chùa đơn sơ, với công đức của Hòa thượng Thiện Hòa đã trở thành một trong những ngôi chùa có đông tín đồ, Phật tử vùng Trảng Bàng thời bấy giờ. Ở chùa, Hòa thượng thuyết kinh, nói pháp cho tín đồ, dạy khoa nghi ứng phú cho Tăng sĩ Phật giáo, cho khắc mộc bản… Nhiều người xưa còn biết đến ngài là người giỏi chữ và viết chữ Nho rất đẹp, những hoành phi, liễn đối ở chùa hiện nay vẫn còn là chữ viết của Hòa thượng.
Năm 1957, Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam đến tổ đình Phước Lưu chứng minh suy tôn Hòa thượng Thiện Hòa làm Phó Tăng trưởng kiêm Tăng giám Tỉnh hội Lục hòa Tăng Tây Ninh. Năm 1963 tỉnh Hậu Nghĩa được thành lập, Hòa thượng Thiện Hòa làm Phó Tăng trưởng kiêm Tăng giám Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam (sau là Giáo hội Phật giáo Cổ truyền) liên tỉnh Tây Ninh – Hậu Nghĩa.
Ngài đặc biệt chú trọng đến việc độ chúng, đào tạo Tăng tài và tạo điều kiện cho Tăng chúng tu học. Trong thời gian Hòa thượng làm Phó Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền tỉnh Hậu Nghĩa, ngài đã giúp nhiều Tăng sĩ Phật giáo trong tỉnh không bị bắt đi quân dịch mà an tâm ở chùa tu học. Hòa thượng tham gia nhiều trường hương, trường kỳ ở Nam bộ. Năm 1970, tại trường kỳ ở chùa Thới Hòa (nay thuộc quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh) cung thỉnh Hòa thượng Thiện Hòa làm Đường đầu Hòa thượng truyền giới cho giới tử, cùng đi với ngài từ Trảng Bàng đến trường kỳ có các vị bô lão như thầy Nho Trần Ngọc Côn (Ba Côn), lương y Nguyễn Văn Kiềm… Năm 1971, tại trường hương ở chùa Thiên Phước (nay thuộc thành phố Tây Ninh) cung thỉnh Hòa thượng Thiện Hòa làm Hòa thượng Thiền chủ.
Hòa thượng tham gia Phật giáo yêu nước, đi tập kết ở chiến khu Bời Lời (nay thuộc ấp Trảng Sa, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng), chùa Vĩnh An của ngài cũng là nơi nuôi giấu các chiến sĩ hoạt động cách mạng.
Hòa thượng Thiện Hòa là bậc danh Tăng khả kính ở Tây Ninh được nhiều người kính trọng.
KẾT LUẬN
Từ sinh hoạt theo tông phong dòng phái truyền thừa, chư tôn thiền đức Phật giáo ở Tây Ninh tham gia vào các tổ chức Phật giáo ở Nam bộ và tiến đến sự thống nhất thành Giáo hội Lục hòa Tăng và Lục hòa Phật tử, sau là Giáo hội Phật giáo Cổ truyền. Do quá trình tách nhập địa giới hành chính, Trảng Bàng trở thành một quận của tỉnh mới Hậu Nghĩa, do đó mà hai Tỉnh hội Phật giáo Cổ truyền Tây Ninh và Hậu Nghĩa càng thêm gắn kết mật thiết trong mọi sinh hoạt Phật sự.
Giáo hội Phật giáo Cổ truyền ở Tây Ninh đặc biệt chú trọng đến hoằng pháp độ sanh, đào tạo Tăng tài cho Phật giáo trên tinh thần lục hòa, dùng khoa nghi ứng phú để nhập thế và sinh hoạt theo quy củ thiền môn, lối xưa của thầy tổ. Phẩm chất tốt đẹp của Phật giáo Cổ truyền là luôn luôn có truyền thống gắn bó keo sơn với nhân dân và dân tộc. Hòa trong dòng chảy lịch sử, tinh thần “hộ quốc an dân” được thể hiện rõ nét qua hình ảnh các nhà Sư trở thành người chiến sĩ, những ngôi chùa là nơi ẩn náu, nuôi giấu bộ đội, cán bộ hoạt động cách mạng để gìn giữ nền độc lập, tự do cho tổ quốc.
Những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc đã góp phần để Phật giáo Cổ truyền ở Tây Ninh tồn tại và phát triển, cùng với tổ chức giáo hội và các hệ phái Phật giáo hình thành nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền ở Tây Ninh đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng đồng bào Phật tử và cư dân tại địa phương, là những bậc thạch trụ tòng lâm, tấm gương mô phạm của Phật giáo vùng Tây Ninh và cả Nam bộ.
CHÚ THÍCH
1 Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh (2006), Địa chí Tây Ninh, tr. 513.
2 Phí Thành Phát (2020), Trảng Bàng – Vùng đất trung tâm của Phật giáo Tây Ninh, tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 358, ngày 15-12-2020, tr. 81.
3 Lúc bấy giờ quận Trảng Bàng bao gồm cả Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu ngày nay. Theo Vương Công Đức (2016), Trảng Bàng phương chí, tái bản lần thứ nhất, Nxb Tri thức, Hà Nội, tr. 645-646.
4 Trương Minh Hiếu (chủ biên) (1986), Lược sử Tây Ninh, Ban Tổng kết Chiến tranh xuất bản, tr. 43.
5 Nhiều tác giả (2020), Tây Ninh đất và người, Nxb Thanh Niên, tr. 499.
6 Bạch Thanh Sang (2020), Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước vùng Tây Nam bộ, Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Tôn giáo học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr. 1.
7 Thích Huệ Thông (2019), Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hóa – Văn nghệ TP. HCM, tr. 100.
8 Hòa thượng Thích Huệ Thông (2020), Sự hình thành và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (Lục hòa Tăng và Lục hòa Phật tử), trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, ngày 16-6-2020, tại Tổ đình Hội Khánh, tr. 178.
9 Hòa thượng Thích Huệ Thông (2020), Sự hình thành và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (Lục hòa Tăng và Lục hòa Phật tử), Tlđd, tr. 149-150.
10 Sđd, tr. 150 .
11 Thiệp thỉnh lễ suy tôn Hòa thượng Tăng trưởng Lục hòa Tăng tỉnh Tây Ninh hiện còn được lưu giữ tại tổ đình Phước Lưu (thị xã Trảng Bàng), là tài liệu do thầy Thích Thiện Chánh (tổ đình Phước Lưu, thị xã Trảng Bàng) cung cấp.
12 Phí Thành Phát (2019), Phước Lưu cổ tự, Tập san Thông tin Khoa học lịch sử, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương, số 55, tháng 7-2019, tr. 54.
13 Vương Công Đức (2016), Trảng Bàng phương chí, sđd, tr. 304.
14 TS. Nguyễn Quốc Tuấn, TT.TS. Thích Đồng Bổn (chủ biên) (2018), Hòa thượng Khánh Hòa với Phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nxb Hồng Đức, tr. 339.
15 Thích Nhật Từ (chủ biên) (2021), Phật giáo các tỉnh và thành phố tại vùng Nam bộ, Nxb Hồng Đức, tr. 328.
16 Sđd, tr. 328-329.
17 Phí Thành Phát, Tài liệu điền dã (2021).
18 Phí Thành Phát (2020), Trường hương ở Nam bộ xưa, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 348, ngày 15-7, tr. 15.
19 Thông tin do thầy Thích Thiện Chánh (tổ đình Phước Lưu, thị xã Trảng Bàng) và thầy Thích Huệ Trí (chùa Linh Sơn Thanh Lâm, huyện Gò Dầu) cung cấp.
20 Thông tin do thầy Thích Huệ Trí (chùa Linh Sơn Thanh Lâm, huyện Gò Dầu) cung cấp.
21 Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường (2018), Đình Nam bộ xưa và nay, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, TP. HCM, tr. 150.
22 Xem thêm Phí Thành Phát (2018), Linh Sơn Thánh Mẫu ở Tây Ninh, Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 1007, ngày 1-8, tr. 9-13.
23 Nhiều tác giả (2020), Tây Ninh đất và người, sđd, tr. 721.
24 TT.TS. Thích Đồng Bổn (2020), ‘Ứng phú đạo tràng phải chăng là nền tảng duy nhất của Phật giáo Cổ truyền?’, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, Tlđd, tr. 227.
25 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trảng Bàng (1997), Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và quân dân huyện Trảng Bàng anh hùng (1945 – 1975), Ban Tuyên giáo Huyện ủy xuất bản, tr. 12.
26 Thuộc Trảng Chiêng, xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).
27 Hòa thượng Thích Huệ Thông (2020), Sự hình thành và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (Lục hòa Tăng và Lục hòa Phật tử), Tlđd, tr. 152.
28 Căn cứ Trung ương Cục miền Nam gồm ba phân khu: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
29 Thông tin do thầy Thích Thiện Chánh (tổ đình Phước Lưu, thị xã Trảng Bàng) cung cấp.
30 Trần Vũ (2008), Kỷ niệm về Long Tiên cổ tự, Báo Tây Ninh, ngày 23-10-2008, tr. 11.
31 Phí Thành Phát, Tài liệu điền dã (2019).
32 Thông tin do thầy Thích Thiện Chánh (tổ đình Phước Lưu, thị xã Trảng Bàng) cung cấp.
33 Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tây Ninh (2020), Lịch sử phong trào cách mạng của phụ nữ Tây Ninh (1945-2015), tr. 25.
34 Thông tin do thầy Thích Thiện Chánh (tổ đình Phước Lưu, thị xã Trảng Bàng) cung cấp.
35 Thông tin do thầy Thích Tịnh Minh (chùa Vĩnh An, thị xã Trảng Bàng) cung cấp.
36 Thông tin do thầy Thích Tịnh Minh (chùa Vĩnh An, thị xã Trảng Bàng) cung cấp.
37 Thông tin do thầy Thích Nghiêm Đạo (chùa Linh Nghĩa, huyện Dương Minh Châu) cung cấp.
38 Vương Công Đức (2016), Trảng Bàng phương chí, sđd, tr. 377.
39 HT. Thích Huệ Thông (2021), Kỳ 4: Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam, https:// tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/8979, truy cập ngày 01-7-2021.
40 HT. Thích Huệ Thông (2021), Kỳ 5: Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, https:// tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/9378, truy cập ngày 01-7-2021
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Bạch Thanh Sang (2020), Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước vùng Tây Nam bộ, Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Tôn giáo học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
-
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trảng Bàng (1997), Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và quân dân huyện Trảng Bàng anh hùng (1945 – 1975), Ban Tuyên giáo Huyện ủy xuất bản.
-
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tây Ninh (2020), Lịch sử phong trào cách mạng của phụ nữ Tây Ninh (1945-2015).
-
HT. Thích Huệ Thông (2021), Kỳ 4: Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam, https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/8979, truy cập ngày 01-7-2021.
-
HT. Thích Huệ Thông (2021), Kỳ 5: Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/9378, truy cập ngày 01-7-2021.
-
Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường (2018), Đình Nam Bộ xưa và nay, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, TP. HCM.
-
Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, ngày 16-6-2020, tại tổ đình Hội Khánh.
-
Nhiều tác giả (2020), Tây Ninh đất và người, Nxb Thanh niên.Phí Thành Phát (2018), Linh Sơn Thánh Mẫu ở Tây Ninh, Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 1007, ngày 1-8-2018.
-
Phí Thành Phát (2019), Phước Lưu cổ tự, Tập san Thông tin Khoa học lịch sử, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương, số 55, tháng 7-2019.
-
Phí Thành Phát (2020), Trảng Bàng – Vùng đất trung tâm của Phật giáo Tây Ninh, tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 358, ngày 15-12- 2020.
-
Phí Thành Phát (2020), Trường hương ở Nam bộ xưa, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 348, ngày 15-7-2020.
-
Phí Thành Phát, Tài liệu điền dã (2018-2021).Thích Huệ Thông (2019), Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hóa – Văn nghệ TP. HCM.
-
Thích Nhật Từ (chủ biên) (2021), Phật giáo các tỉnh và thành phố tại vùng Nam bộ, Nxb Hồng Đức.Trần Vũ (2008), Kỷ niệm về Long Tiên cổ tự, Báo Tây Ninh, ngày 23-10-2008.
-
Trương Minh Hiếu (chủ biên) (1986), Lược sử Tây Ninh, Ban Tổng kết Chiến tranh xuất bản.
-
TS. Nguyễn Quốc Tuấn, TT. TS. Thích Đồng Bổn (chủ biên) (2018), Hòa thượng Khánh Hòa với Phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nxb Hồng Đức.
-
Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh (2006), Địa chí Tây Ninh.Vương Công Đức (2016), Trảng Bàng phương chí, tái bản lần thứ nhất, Nxb Tri thức, Hà Nội.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần
Nghiên cứu 14:00 30/11/2024Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.
Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước
Nghiên cứu 08:45 25/11/2024Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Xem thêm