Giàu mà không được hưởng
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Rồi vua Pasenadi nước Kosala, vào buổi trưa đi đến, đảnh lễ Thế Tôn. Thế Tôn nói với vua Pasenadi đang ngồi một bên:
Thưa Đại vương, Đại vương đi từ đâu đến trong giữa trưa như thế này?
Ở đây, bạch Thế Tôn, có triệu phú gia chủ ở Sàvatthi bị mệnh chung, và con đến để xem tài sản của vị không có con ấy được chở vào nội thành. Bạch Thế Tôn, có đến tám triệu đồng tiền vàng, không nói đến tiền bằng bạc. Bạch Thế Tôn, tuy vậy đồ ăn của triệu phú gia chủ ấy lại chỉ gồm có cháo tấm chua ngày hôm qua để lại. Còn vải mặc chỉ mang vải gai may thành ba tấm. Còn xe thì đi xe nhỏ, cũ kỹ và hư nát, có gắn tán che bằng lá.
Thật như vậy, thưa Đại vương! Một kẻ không phải chân nhân, dầu cho có được tài sản lớn cũng không đem lại an lạc cho mình, cha mẹ, vợ con, các người phục vụ, bạn bè thân hữu; đối với các vị Sa môn, Bà la môn, không thiết trí các sự cúng dường hướng thượng, có khả năng đưa lên thượng giới, đưa đến lạc quả, hướng đến thiên giới. Các tài sản của người ấy nếu không thọ dụng chơn chánh, thời vua chúa sẽ cướp đoạt, hay trộm cắp cướp đoạt, hay bị lửa đốt, hay bị nước cuốn trôi, hay bị con cháu thừa tự thù nghịch cướp đoạt. Sự việc là như vậy, thưa Đại vương, các tài sản nếu không thọ dụng chơn chánh, đưa đến tổn giảm, không đưa đến thọ hưởng.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 2, phần Không con [lược], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.200)
Lời bàn:
Một đại phú gia ở Sàvatthi chết đi, để lại gia sản khổng lồ. Vua Pasenadi nước Kosala, một trong những đại vương hùng mạnh nhất, phải đi xem khối gia sản ấy thì biết rằng nó to lớn dường nào. Ấy vậy mà đại phú gia kia lúc sinh thời vẫn sống trong nghèo khổ, không chỉ bản thân ông ta mà gia đình, dòng tộc và xã hội đều không được chút lợi ích.
Thì ra vị đại phú gia vô phước ấy chỉ biết làm lụng, tích lũy, cất chứa tiền của cho tràn đầy kho lẫm mà không biết tiêu tiền và thọ dụng tài sản một cách chính đáng. Với cách xử lý tài sản keo kiệt, của cải tuôn vào mà không hề rỉ ra, theo Thế Tôn, đại phú gia ấy không phải là người có trí, bậc chân nhân.
Chúng ta vẫn thường nghe, người làm ra của chứ của không làm ra người. Vì thế, một khi làm ăn khấm khá, trước phải chăm lo cho bản thân, gia đình, thân thuộc và những cộng sự. Sau cần phải chung sức xây dựng xã hội, phát triển cộng đồng. Quan trọng hơn, phải biết cúng dường Tam bảo, vun bồi thiện nghiệp, tích lũy phước báo cho đời này và đời sau.
Làm ra tiền vốn khó nhưng biết cách tiêu tiền hợp lý, có ý nghĩa lại càng khó hơn. Theo tuệ giác Thế Tôn, nếu biết cách xài tiền, thọ dụng tài sản do mình làm ra một cách chính đáng thì phước báo cũng như tài sản ngày càng tăng thêm, không tổn giảm. Ngược lại, nếu làm ra của cải mà chỉ bo bo cất giữ, không dám ăn tiêu, không giúp đỡ mọi người cũng như làm phước thiện thì rốt cuộc vẫn trắng tay và không có chút phước báo nào.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tâm lìa tướng ngôn ngữ
Kiến thức 13:20 14/11/2024Tâm, lìa tất cả tướng, lìa tướng văn tự, lìa tướng ngôn ngữ, lìa tất cả tướng của động tác (nhướng mày chớp mắt) và lìa tất cả tướng tâm duyên hư vọng. Tâm thể lìa tất cả tướng ấy, nói có cũng không đúng, nói không cũng sai luôn.
Cháo và trà
Kiến thức 10:24 14/11/2024Thiền sư Triệu Châu rất chú trọng Phật giáo trong sinh hoạt, sư ở bất cứ nơi nào cũng thể hiện thiền phong trong cuộc sống sinh hoạt.
Tinh thần nhập thế của Phật giáo thời Trần
Kiến thức 09:30 14/11/2024Phật giáo đời Trần thật xứng đáng với vai trò của hệ tư tưởng chủ đạo tích cực và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thời đại, phù hợp với truyền thống yêu nước, tạo nên một triều đại vàng son trong lịch sử nước nhà.
Thấy rõ sự thật về già bệnh để không quá buồn lo
Kiến thức 09:15 14/11/2024Trải qua thời gian thân này bị già là sự thật tất yếu. Già suy thì bệnh tật phát sinh cũng là tất nhiên. Ai rồi cũng như vậy, mọi sự vật hiện tượng đều như thế. Vậy thì chấp nhận sẽ an yên hơn chạy trốn hay chối bỏ hoặc lo sầu.
Xem thêm