Trong khuôn khổ tổ chức chương trình Vu Lan “Đạo hiếu & Dân tộc” năm 2017, Ban tổ chức tôn vinh một số tấm gương đạo hiếu tiêu biểu. Đó là những tấm gương đại diện, là nhân tố để thúc đẩy các hành động và tư tưởng đạo hiếu trong toàn xã hội diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội tối ngày 31/08/2017.
Ni trưởng Huyền Trang
Ni trưởng chính là nguyên mẫu của nhân vật cán bộ giao liên và trinh sát trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn”, nhân vật đã đi vào ký ức của mọi người: người phụ nữ VN kiên cường gan dạ, bị địch tra tấn đến cùng cực nhưng bà vẫn bền lòng chắc dạ với đồng đội và đất nước.
Chứng kiến cảnh bà con nghèo đói, bị áp bức, đàn áp đau thương, Ni trưởng đã quyết định xả thân đánh đuổi kẻ thù, đòi lại độc lập tự do cho dân tộc.
Người đã tham gia nhiều cuộc tranh đấu của sư sãi chống lại chế độ Ngô Đình Diệm, trở thành 1 trong những người tổ chức vận động của phong trào, lập nên nhiều kỳ tích. Trong suốt 21 năm 8 tháng công tác, Ni sư lập nên nhiều kỳ tích, góp phần quan trọng trong quá trình đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của Lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Ni trưởng đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng. Đến nay, Ni trưởng đã gần 90 tuổi, dù mang trong mình những căn bệnh do hậu quả của thời chiến để lại và cả bệnh của tuổi già hành hạ, nhưng Ni sư vẫn không đòi hỏi bất cứ thứ gì cho bản thân.
Hễ nghe ai nghèo đói, bệnh tật là Ni trưởng lại tự nguyện chia sẻ và giúp đỡ, dùng triết lý nhà Phật để khuyên mọi người sống theo “chân, thiện, mỹ”. Có thể thấy, Ni trưởng là 1 người đã sống trọn đạo hiếu với quê hương, tổ quốc và con đường tu hành của mình.
PGS.TS Nông Văn Hải, Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn Lâm KH & CN VN.
- Hiếu đạo với gia đình: PGS.TS Nông Văn Hải sinh ra trong một gia đình nghèo, gồm 9 anh em người dân tộc Tày ở Yên Bái, ngay từ nhỏ đã nỗ lực học tập, được cử đi du học ở Liên Xô, Đức và mời sang làm nghiên cứu tại Nhật.
- Hiếu với tổ quốc: Mặc dù có điều kiện làm việc ở nhiều nước, với thu nhập cao và cơ hội định cư ở nước ngoài nhưng PGS TS Nông Văn Hải đã quyết định trở về quê hương, nơi “chôn rau cắt rốn” để phụng sự cho nền khoa học nước nhà, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ gen.
Hành động này chính là biểu hiện đạo hiếu của người tri thức đối với quốc gia, thể hiện cụ thể bằng việc phụng sự quê hương, đất nước bằng con đường trí tuệ, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy “Trung với nước, hiếu với dân”.
Sơ Trần Thị Lý là UV BCH T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nhiệm kỳ 2012-2017.
Bác Hồ từng nói: “Một tấm gương sống còn giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”. Sơ Trần Thị Lý là một tấm gương sáng, làm lan tỏa những giá trị cuộc sống nhân văn tốt đẹp đến cả cộng đồng.
Là trưởng Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền từ thiện Hy Vọng tại huyện Củ Chi, phòng khám của Sơ đã điều trị cho hơn 1.700 bệnh nhân bằng châm cứu và thuốc Đông y.
Sơ âm thầm làm việc thiện mà chẳng cần sự báo đáp hay cảm ơn. Sơ cũng không nhớ nổi đã giúp bao nhiêu người, nhưng mỗi lần được nhìn thấy niềm vui, hạnh phúc ánh lên trong đôi mắt, lộ rõ trên khuôn mặt họ thì với Sơ, đó chính là liều thuốc bổ quý giá nhất, giúp Sơ sống vui, sống khỏe, tiếp tục duy trì công việc từ thiện của mình.
Sơ còn nhiệt tình kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ và giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn tại địa phương và chăm lo cho các Bà mẹ VN anh hùng. Dù đã có tuổi, nhưng Sơ còn tham gia thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu các cấp như phục hồi di chứng bại não nơi trẻ em...
Những hành động nhân văn của Sơ đã phần nào giúp sưởi ấm cho những mảnh đời khó khăn, là động lực để họ mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống.
Thượng tọa Thích Minh Thông, Trụ trì Am Thụy Ứng.
Năm 1963, Thượng tọa khi ấy là Võ Đình Tọa, anh lính phụ trách truyền tin và dịch công điện cho Tổng thống Ngô Đình Diệm.
- Hiếu với đạo: Nhận được mật lệnh tối khẩn về việc tiêu diệt Phật giáo ở tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, anh lính Võ Đình Tọa đã dũng cảm bí mật tiết lộ tin cho các chư tăng, kịp thời cứu được hàng nghìn phật tử, tăng ni,… thoát khỏi kiếp nạn lịch sử.
Khoảnh khắc đó là sự sống và cái chết. Anh lính Võ Đình Tọa chọn việc cứu tăng ni, phật tử là trách nhiệm của bản thân.
Nghĩa cử cao đẹp ấy sẽ sống mãi với thời gian và ghi dấu trong lịch sử giữ gìn và hộ trì Phật pháp.
Nhân duyên với đạo Phật, năm 1988, ông Võ Đình Tọa xuất gia, pháp danh là Thích Minh Thông.
- Hiếu với đời: Để tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân, suốt 10 năm nay, hàng tháng Thượng tọa đều tổ chức lễ cầu siêu theo nghi thức Phật giáo cho AHLS tại nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9.
Thượng tọa còn thỉnh 6.000 hương linh AHLS về thờ tại am Thụy Ứng.
Chị Hà Thu Hương là Chi Hội trưởng Chi Hội Phụ nữ quận 8, TP.HCM.
Chị một tay vừa chăm lo cho gia đình, một tay chăm sóc, phụng dưỡng cho người mẹ ruột (82 tuổi) bị bệnh tim nặng và mẹ chồng (80 tuổi) nhưng người phụ nữ ấy chưa một lần than phiền mệt mỏi.
Hàng ngày chị vẫn đều đặn đến chùa Lâm Quang để lo cơm nước, tắm rửa cho hơn 100 cụ già neo đơn.
Đối với chị, ngoài mẹ ruột và mẹ chồng cần chăm sóc, chị còn có 100 người mẹ, người cha mà chị hết mực yêu thương và ân cần săn sóc bằng tất cả trái tim của một người con với cha mẹ mình.
Chính tình thương bao la và trái tim nhân hậu đã tiếp thêm sức mạnh cho chị để làm tròn bổn phận hiếu đạo của mình, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
Ni sư Thích nữ Nhựt Thành: trụ trì chùa Vĩnh Xương, Trưởng Ban Từ thiện xã hội GHPGVN quận 3 TP.HCM.
Ở quận 3 TP.HCM, nhắc đến Ni sư Nhựt Thành, không ai là không biết Ni sư, một tấm gương sáng về những nỗ lực trong công tác từ thiện tại địa phương, với biết bao nghĩa cử cao thượng làm xúc động lòng người.
Hàng ngày, Ni sư âm thầm thực hiện chương trình “bếp ăn tình thương” cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố, mỗi ngày trung bình gần 1000 suất cơm chay miễn phí. Căn bếp tình thương ấy suốt 14 năm nay chưa một ngày tắt lửa.
Đây không phải việc mà ai cũng có thể làm được, mà phải làm với cái tâm chân thành, xả thân cầu đạo, luôn tâm niệm mang lại niềm an vui cho xã hội, hòa mình vào thế giới nhân sinh.
Ni sư đã gắn cả sự nghiệp tu hành của mình với công việc giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Lặng lẽ giúp đời, cứu người bằng cái tâm từ bi, chẳng quản ngại đường xa hay nề hà gian khó. Tấm lòng của vị Ni sư áo nâu ấy xứng đáng nhận được sự trân trọng của tất cả cộng đồng.
Anh Nguyễn Văn Tác
Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phước cứu cho một người
Ở miền Tây Nam Bộ, người đàn ông tên là Nguyễn Văn Tác được sinh ra trong gia đình có truyền thống Phật giáo, suốt 22 năm qua luôn miệt mài xây những tòa tháp, nhưng đó không phải là tòa tháp thờ Phật theo nghĩa đen, mà anh Tác đã xây những tòa tháp: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”.
Máu là một trong những thứ quý giá nhất trong cơ thể con người, nhưng hơn ¼ cuộc đời của mình, bản thân anh Tác đã tình nguyện hiến máu hơn 65 lần để cứu giúp bệnh nhân.
Anh đã vận động các người thân, bạn bè cùng tham gia hiến máu tạo nên khí thế rất sôi nổi trong phong trào hiến máu tại địa phương.
Ý thức được sự quan trọng của việc cấp cứu kịp thời có thể cứu sống được tính mạng của bệnh nhân, anh Tác còn chắt bóp, vận động gia đình mua một xe cấp cứu từ thiện để phục vụ miễn phí, giúp đỡ những gia đình khó khăn.
Thông qua việc hiến máu cứu người, chuyên chở bệnh nhân miễn phí để thể hiện tấm lòng nhân ái, cao cả, giúp đỡ mọi người để góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện việc an sinh xã hội và đó cũng chính là phương châm của đạo Phật, sống “tốt đời đẹp đạo”.
Thầy Thích Đạt Ma Phổ Giác, Phó trụ trì chùa Linh Xứng, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Sinh ra trong 1 gia đình có truyền thống Phật giáo nhưng Thầy lại trải qua thời tuổi trẻ ngang tàng, làm phiền lòng gia đình và người thân, có lúc chính bản thân cũng muốn tự tử để kết thúc cuộc sống.
Sau khi quy ngưỡng Phật đà, Thầy hồi sinh thành con người khác, thành tâm tu hành nhằm sám hối những lỗi lầm đã gây ra, để đền đáp những thâm ân sâu nặng của chư Phật đã cứu thầy thoát khỏi vũng bùn của quá khứ và bày tỏ lòng biết ơn đối với gia đình đã cưu mang ngay cả trong lúc Thầy lầm đường lạc lối.
Thầy nỗ lực trong công cuộc hoằng pháp, tham gia các hoạt động từ thiện xã hội và hăng say học hỏi kiến thức Phật pháp, viết trên 70 tác phẩm nghiên cứu Kinh, Luật, Luận.
Phật pháp chính là chiếc thuyền cứu vớt chúng sinh, giúp chúng ta vững niềm tin nơi chính mình, từ đó có thể tự đứng lên, vượt qua số phận sau khi vấp ngã.
Sư cô Thích nữ Diệu Cúc, Phó trụ trì chùa Phước Hưng (huyện Thới Bình).
Sư cô là tấm gương sáng hiếu đạo, hiếu đời
- Hiếu đạo: Sư cô xuất gia khi tuổi đời còn rất trẻ. Vào chùa, phải cố gắng làm quen với nếp sống thiền gia còn nhiều bỡ ngỡ nhưng Sư cô đã tình nguyện chăm sóc cho 4 vị ni sư lớn tuổi sống tại đây.
Đối với Sư cô, việc chăm sóc ấy cũng giống như đang được chăm sóc cho 4 người mẹ của mình và cũng chính là 4 vị thầy đầu tiên đã dìu dắt, dẫn bước Sư cô trên con đường học đạo.
Có cơ duyên biết đến đạo Phật nhưng không chỉ lo tu tập cho bản thân mình, Sư cô còn khiến cho ánh sáng của Phật pháp được lan tỏa mạnh mẽ, Sư cô đã gieo duyên cho 3 người thân của mình là cha và hai chị gái xuất gia theo Phật.
Không quên bổn phận làm con, Sư cô còn chăm lo cho người mẹ già bị tai biến gần 10 năm qua.
- Hiếu đời: Với trách nhiệm của một người xuất gia thuộc Giáo hội, Sư cô đã thành lập và xây dựng mới chùa Phước Hưng, tham gia tích cực vào công tác an sinh xã hội, đồng thời giảng dạy tại các ngôi chùa trong tỉnh.
Những việc làm đầy nghĩa tình ấy của Sư cô cứ âm thầm và bền bỉ, không cầu danh vụ lợi, không mưu mô tính toán, tất cả không ngoài mục đích của người xuất gia: “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”.
Chị Bùi Thị Tính
Chị Bùi Thị Tính là một người nông dân chân phát, đôn hậu, gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng thấu hiểu đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và trân trọng sự hy sinh của các Mẹ VNAH, gần 10 năm nay chị đã tình nguyện phụng dưỡng cho Mẹ VNAH Đỗ Thị Nuôi (97 tuổi) như mẹ ruột của mình.
Công việc thầm lặng, vất vả nhưng chị Tính chưa hề than vãn hay mệt mỏi, bởi theo chị: Dù nghèo đói 1 chút nhưng ông trời cho chị sức khoẻ và còn có các con ở bên. Làm sao so sánh được với nỗi đau khôn nguôi của những Mẹ VNAH, các Mẹ đã mất chồng, mất con, hy sinh cả cuộc đời và tuổi thanh xuân trong chiến tranh khốc liệt; trái tim của Mẹ đã héo mòn vì cô quạnh, đến cuối đời lại phải sống trong sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Chị đau lòng vô cùng.
Chị khiêm tốn coi hành động của mình chỉ là 1 việc nhỏ bé, thể hiện tấm lòng, sự tri ân đối với các Mẹ - người đã hy sinh tất cả vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Hạnh phúc chính là sự cho đi, đó là tấm lòng tương thân tương ái, là sự đồng cảm, sẻ chia, là dòng máu nóng tận đáy tim tuôn chảy để tri ân đến những Bà Mẹ VNAH.
BTC