Hạ mình khiêm tốn
Một thời Phật ở Kỳ Viên tinh xá nhân ngày tán hạ. Ngài Xá Lợi Phất xin phép Phật vào rừng tham thiền. Tăng chúng tới tiễn chân rất đông. Sự niềm nở của Ngài không được cùng khắp làm phật lòng một thanh niên Tỳ-kheo. Thầy giận lắm: “Ông Xá Lợi Phất khinh ta quá, không thèm hỏi gì đến ta”.
Đợi ngài đi xa, Thầy vào hầu Phật, thưa: “Ngài Xá Lợi Phất ỷ mình là đại đệ tử, trước khi đi, tạt tai con thật đau”. Phật không nói gì. Hôm sau sai người đi gọi ngài Xá Lợi Phất trở về. Đức Anan biết chắc đây là chuyện vu oan, rộng mở cửa, mời Tăng chúng tới dự xem bậc đại trí Xá Lợi Phất trong trường hợp này xử sự ra sao?
Phật theo thường lệ cho hai bên đối diện rồi hỏi. Ngài Xá Lợi Phất đảnh lễ Phật thưa: “Thân con như đất, như nước, như gió, như lửa, như khăn lau chân, như chiên đà la, như bò rụng sừng, con mang thân này nặng nề cực nhọc như mang thân rắn. Con mong tập thân này như chén mỡ đặc. Xin Thầy Tỳ-kheo tha lỗi cho con, nếu Thầy thấy con có lỗi”.
Ngài vừa dứt lời, trái đất rung động, toàn chúng được mục kích sự hạ mình khiêm tốn của bậc Thánh trong hàng Thánh. Thầy thanh niên Tỳ-kheo vội vàng quỳ lạy phát lồ sám hối.
Người giữ tâm khiêm hạ ắt có phúc báo lớn
Lời bàn:
Chỉ có nhẫn nại từ bi mới hàng phục được sân giận oán thù. Ai trồng bông thơm hoa đẹp trên mặt đất, đất không vui. Ai trồng ớt cay mướp đắng trên đất, đất không buồn. Tha hồ dày xéo giẫm đạp. Đất nhẫn nại chở mang nuôi dưỡng muôn loài không quản tốt xấu.
Nước cũng vậy, thản nhiên, ai rửa mặt cũng được, ai dội cầu tiêu cũng được. Để vào ve tròn thì nước tròn, để vào hộp vuông thì nước vuông. Không đợi cám ơn, không cần khinh bạc, không chống trái ai.
Bà la môn thờ lửa, lửa không mừng. Người Ấn Độ dùng lửa thiêu tử thi, lửa không giận. Không kén chọn vật để cháy. Không vì vật sang hèn mà lửa thành nhơ sạch. Gió cũng vậy thổi khắp mười phương chẳng kén chọn là Nam hay Bắc.
Thân con người là đất, nước, gió, lửa. Tâm con cũng nên tập đức bình đẳng, an định trước khen, chê, suy, thịnh.
Chiên-đà-la là giai cấp hèn nhất thời cổ Ấn Độ. Ai muốn đánh chửi mắng nhiếc cho đến giết chết vẫn vô tội trước pháp luật và tôn giáo.
Bò là vật nặng nề, bốn chân thô cứng chậm chạp, chỉ có đôi sừng để tự vệ lại rụng mất rồi thì còn dám gây gổ với ai.
Mang thân ngũ uẩn sanh, già, bệnh, chết nguy hiểm như mang rắn độc. Người trí tuệ lo thoát ly sanh tử, đâu còn tranh giành trái phải. Nên ngài Xá Lợi Phất cố tập thân ngài như mỡ đặc, đừng chọc xước ai.
Phương ngôn thường nói: Gặp Phật thì tu, gặp quỷ thì trừ.
Thánh nhân gặp Phật thì tu, gặp quỷ thì nhẫn (nghĩa là càng phải tu hơn).
Ánh đạo màu muốn được mở khai
Tâm tánh phải hôm mai bừng tỉnh.
Lúc nào cũng dặn lòng nên nhẫn
Nhẫn tiếng đời, nhẫn tánh muốn ham.
Nhẫn thói quen theo lối tục phàm.
Nhẫn cay đắng khi làm đạo đức.
Nhẫn cho được lúc người chọc tức.
Nhẫn những điều thử thách của đời.
Nhẫn chừng nào khỏi nhẫn mới thôi
Lúc còn phải nhẫn thì ráng nhẫn.
Nhẫn càng mạnh, nghiệp càng chóng hết
Sức nhẫn nhiều, sớm định tâm nhiều.
Tội lỗi dù lớn mấy cũng tiêu.
Ráng nhẫn được những điều khó nhẫn.
Nam mô Hoan Hỷ Mười Phương Phật.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm