Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 29/08/2019, 13:29 PM

Hai ngôi chùa cổ ở Đồng Nai và ba Công chúa nhà Nguyễn

Trên Cù lao Phố, TP. Biên Hòa có ngôi chùa Đại Giác, là một trong những ngôi chùa cổ nhất Nam Bộ xưa. Không biết từ bao giờ, ngôi chùa này gắn liền với giai thoại kể về mối tình bi thương giữa một Công chúa của nhà Nguyễn với Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành, sư đời thứ 35 của dòng thiền Lâm Tế…

>>Những ngôi chùa Việt độc đáo 

Chuyện tình Hoàng tộc bi thương

Chùa Đại Giác

Chùa Đại Giác

Chùa Đại Giác được các sư dòng Lâm Tế xây dựng từ năm 1665. Cho đến ngày nay báo chí vẫn không ngừng viết về “câu chuyện tình hoàng tộc bi ai nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam” này...

Người ta kể rằng, năm 1801 khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh trên đường chạy trốn đã từng dừng chân tại chùa Đại Giác. Trong bầu đoàn thê tử của Nguyễn Ánh có Công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Anh là người sắc nước hương trời. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long. Công chúa Ngọc Anh trở về kinh thành. Trải qua nhiều thăng trầm, chứng kiến nhiều cảnh loạn ly, công chúa Ngọc Anh đã nguyện sẽ không lấy chồng mà thành tâm ăn chay niệm Phật.

Bài liên quan

Nhưng Công chúa cũng không thoát khỏi chữ “tình”. Thuở đó đất phương Nam có vị Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành, người đầu tiên ở miền Nam được phong quốc sư. Khi vua Minh Mạng lên ngôi, Thiền sư Liễu Đạt được vời về kinh thành Huế để làm tăng chùa Thiên Mụ và giảng dạy Phật pháp cho Hoàng tộc. Ngay khi gặp Thiền sư Liễu Đạt, Công chúa Ngọc Anh đã đem lòng say đắm.

Để tránh mối tình này, Thiền sư xin về chùa Từ Ân ở Gia Định để trụ trì. Công chúa Ngọc Anh bèn xin với vua cho vào chùa Từ Ân cúng dường. Hay tin Công chúa sắp đến, Thiền sư Liễu Đạt kiên quyết lẩn tránh, ông bèn lên chùa Đại Giác nhập thất. Sư ở trong tịnh thất không ra, Công chúa đứng ở ngoài cầu xin được gặp mặt Thiền sư nhưng ông im lặng. Cuối cùng, Công chúa chỉ xin nhìn thấy bàn tay của sư. Thiền sư đã đưa bàn tay qua cái ô cửa nhỏ, Công chúa bèn “nắm chặt lấy tay Thiền sư và hôn say mê bàn tay Thiền sư, vừa hôn vừa khóc sướt mướt, nước mắt nhỏ xuống tay Thiền sư”.

Đêm hôm đó, khi cả chùa Đại Giác đang yên giấc, bỗng tịnh thất của Thiền sư Liễu Đạt phát hỏa. Mọi người chạy ra dập lửa thì thấy tịnh thất đã cháy rụi. Nhục thân của Thiền sư cũng cháy đen. Ở lại lo xong xuôi lễ nhập thất cho Thiền sư rồi ba ngày sau, Công chúa uống thuốc độc tự vẫn ngay tại hậu viện chùa Đại Giác, kết thúc một mối tình đơn phương bi thương. Đó là ngày mồng 2 tháng 11 năm Quý Mùi (1823).

Một thuyết khác, theo sư Thích Thanh Từ kể trong sách Thiền sư Việt Nam (Thành hội Phật giáo TP. HCM xuất bản, 1991) và Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Đức Hiền, lại cho rằng người say mê Thiền sư Liễu Đạt là Thái trưởng Công chúa Long Thành, chị ruột Nguyễn Ánh. Theo đó, năm 1821, Thiền sư trở về chùa Từ Ân (Gia Định), những tưởng tránh được nghiệp duyên, nào ngờ vị Hoàng cô tìm đến tận nơi. Cuối cùng nhà sư tự thiêu và Hoàng cô quyên sinh. Trong Thiền sư Việt Nam (tr. 466), Hòa thượng Thích Thanh Từ phỏng đoán: “Có lẽ Hòa thượng Liên Hoa (Liễu Đạt) lúc mất cũng đã hơn 60 tuổi, vậy có thể ngài sinh khoảng năm 1755 – 1760”.

Đi tìm sự thật

Tháp Phổ Đồng hiện có bia quốc ngữ về Công chúa Ngọc Vạn - Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Tháp Phổ Đồng hiện có bia quốc ngữ về Công chúa Ngọc Vạn - Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Trao đổi với ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh, hậu duệ của vua Gia Long, vua Minh Mạng, một chuyên gia về lăng mộ nhà Nguyễn thì biết rằng, không có tư liệu nào nói như vậy, không biết báo chí lấy thông tin từ đâu. 

Bài liên quan

Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, Công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Anh, sinh năm Canh Tuất - 1790, là Hoàng nữ thứ ba của vua Gia Long với bà Chiêu dung Lâm Thức. Năm Mậu Thìn – 1808 bà được gả cho Vệ úy Trương Phúc Đặng, con của Cai cơ Trương Phúc Tuấn. Năm Đinh Hợi – 1827, ông Trương Phúc Đặng vì bắt người trái phép nên bị cách chức, nghị tội, do sợ hãi mà tự tử chết. Về sau được khai phục nguyên hàm. Năm Canh Tý - 1840 bà được phong là Bảo Lộc Công chúa. Năm Canh Tuất – 1850, bà qua đời, thọ 61 tuổi, được ban thụy là Trinh Hòa. Tẩm mộ của Bảo Lộc Công chúa đặt tại khu vực cầu Lim, Thuỷ Xuân, Huế.  

Như vậy hoàn toàn không có chuyện bà quyên sinh ở chùa Đại Giác vì “mối tình bi thương” vào năm 1823 như báo chí thêu dệt. 

Về Thái trưởng Công chúa Long Thành Nguyễn Phúc Ngọc Tú cũng sai tương tự. Bà sinh năm 1759, là trưởng nữ của Hưng tổ Nguyễn Phúc Côn, chị cùng mẹ với vua Gia Long. Mùa xuân năm Kỷ Hợi – 1779 bà vào Gia Định với gia quyến rồi được gả cho Cai cơ Lê Phúc Điển. Năm Quý Mão – 1783, khi giao tranh với quân Tây Sơn ở đảo Diệp Thạch, trong lúc nguy nan, ông Điển phải đổi áo cho Nguyễn Ánh thoát thân. Bị địch bắt, ông chửi mắng quân địch cho đến chết. Năm đó  bà mới 25 tuổi, chưa có con, nhưng thủ tiết thờ chồng. Bà nói: “Điển là bề tôi giữ nghĩa mà chết, ta làm vợ há lại đổi tiết sao. Khi nào lấy lại kinh đô cũ ta sẽ xuất gia thờ Phật”. Đầu đời Gia Long, vua làm nhà cho bà ở làng Dương Xuân. Bà thường xin xuống tóc đi tu nhưng vua không cho.

Ông Vĩnh Khánh bên lăng mộ Long Thành thái trưởng Công chúa - Ảnh: Vĩnh Khánh

Ông Vĩnh Khánh bên lăng mộ Long Thành thái trưởng Công chúa - Ảnh: Vĩnh Khánh

Bà mất tháng 11 năm Quý Mùi - 1828, thọ 65 tuổi. Khi bà bệnh nặng, vua Minh Mạng đến thăm, bà khóc mà nói bà muốn cắt tóc đi tu mà không được, nên sau khi chết xin được cắt tóc, mặc áo cà sa. Vua rất cảm động, nhưng sau đó theo lời bàn của Kiến An công, không thực hiện ước nguyện đó của bà.

Bà được ban tên thụy là Trinh Tĩnh, tặng Long Thành Thái trưởng Công chúa, tẩm mộ ở làng Định Môn, Hương Trà, gần lăng Thoại Thánh của bà Hưng tổ và  lăng Gia Long. Mộ bà được xây theo kiến trúc của tăng ni.

Bài liên quan

Liên  quan đến sư Liễu Đạt, theo Bulletin des Amis du Vieux Huê - BAVH, Tập 3 (Juillet-Septembre), 1915, trong bài La Pagode Quốc-Ân - Les Divers Supérieurs do linh mục Léopold Cadière viết, trang 308, 309, ghi: "Sự trùng tu chùa Quốc-Ân (Quốc Ân) ở Huế lúc trước được gắn liền với tên của một vị công chúa nhà Nguyễn, Công chúa Ngọc Tú hay Long Thành Công chúa… Bà mất chồng khi còn trẻ, không có con và không muốn tái giá. Bà hay đi lễ chùa Từ Ân, ở đây trú trì Liên Hoa, còn gọi là Thiệt Thành hay Liễu Đạt khuyên nên giữ tam quy, ngũ giới… Theo các tài liệu biên niên còn lưu trữ ở chùa, Hòa thượng Liên Hoa có dặn dò bà, khi nào hoàn cảnh cho phép trở về Huế, thì đừng quên lo cho chùa Quốc - Ân. Bà về Huế khoảng năm 1801 và mất năm 1823, thọ 65 tuổi. Năm 1805, bà chỉ định hai đại sư Trí Hải và Chính Văn xây lại chùa Quốc-Ân, cùng triệu tập một số tăng chúng cho chùa. Nhân đó, bà cúng 300 quan tiền… Vì thế, tên của trụ trì Liễu Đạt và Công chúa Long Thành được ghi một cách trịnh trọng trong sổ ghi danh các vị sư và các ân nhân của chùa....".

Có lẽ vì chuyện này mà dân gian nhầm lẫn, thêu dệt ra câu chuyện ly kỳ, từ Long Thành Công chúa đến Bảo Lộc Công chúa với Thiền sư Liễu Đạt.

Công nữ Ngọc Vạn

Bia mộ Bảo Lộc công chúa - Ảnh: Vĩnh Khánh

Bia mộ Bảo Lộc công chúa - Ảnh: Vĩnh Khánh

Ở Đồng Nai còn có một ngôi chùa gắn với Công nữ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, đó là chùa Kim Cang ở xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. 

Theo Nguyễn Phước tộc thế phả, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả hai con gái cho hai quốc vương lân bang để mở rộng ảnh hưởng. Công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Khoa được gả cho vua Chiêm Thành là Pôrômê năm Tân Mùi – 1631. Nhờ có cuộc hôn nhân này, quan hệ giữa hai nước Việt - Chiêm khi đó rất tốt đẹp.

Trước đó, Công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II vào năm Canh Thân – 1620. “Về sau nể tình bà, vua Chey Chetta II đã cho người Việt lập dinh điền tại Mô Xoài ( Bà Rịa) ngày nay”.

Bài liên quan

Theo Phan Khoang trong Việt sử xứ Đàng Trong, sử sách Cao Miên do các học giả Pháp biên soạn đều ghi chép về sự kiện này. Từ đầu thế kỷ XVII, đã có nhiều người Việt đến hai xứ Đồng Nai và Mỗi Xuy của Chân Lạp (Biên Hòa và Bà Rịa ngày nay) để khai khẩn. Vua Chân Lạp là Chey Chetta II khi đó muốn tìm đối lực để chống lại Xiêm La nên xin cưới một Công nữ nhà Nguyễn làm Hoàng hậu. Cuộc hôn nhân này có ảnh hưởng lớn lao đến vận mệnh Chân Lạp, sau này bà Hoàng hậu đem nhiều người Việt đến, có người giữ trọng trách trong triều, bà lại lập xưởng thợ và nhiều nhà buôn bán gần kinh đô. Năm 1623, một sứ bộ của Chúa Nguyễn sang Chân Lạp, yêu cầu được mở cơ sở ở Prey Kôr, tức Sài Gòn, đặt ở đấy một sở thuế và được chấp nhận.

Sau khi Chey Chetta II chết, triều đình Chân Lạp có nhiều hỗn loạn, tranh giành quyền lực, bà Ngọc Vạn về ở Sài Côn (Sài Gòn). Do ảnh hưởng lớn của bà và can thiệp của Chúa Nguyễn, vương quốc Chân Lạp không bị rơi vào tay của nước Xiêm La đang bành trướng về phía Đông, đồng thời lưu dân Việt đến Gia Định, Mỗi Xuy, Đồng Nai ngày càng đông, dân Chân Lạp nhường đất, lánh đi nơi khác… Có thể nói trong công cuộc mở cõi về phương Nam, Công nữ Ngọc Vạn có vai trò và đóng góp đặc biệt.

Trong bài “Công nữ Ngọc Vạn - người mở lối phương Nam” đăng trên báo Đồng Nai ngày 3/3/2018 thì Hòa thượng Thích Minh Chánh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Đồng Nai, cho biết trong khuôn viên chùa Kim Cang hiện có hai ngôi bảo tháp, một bảo tháp có di cốt vị Thiền sư sáng lập là Nguyên Thiều, bảo tháp còn lại là tháp Phổ Đồng, chính là mộ Công nữ Ngọc Vạn. 

Mộ Công chúa Ngọc Vạn ở Huế - Ảnh: Vĩnh Khánh

Mộ Công chúa Ngọc Vạn ở Huế - Ảnh: Vĩnh Khánh

Theo Hòa thượng Thích Minh Chánh, chùa Kim Cang do thiền sư Nguyên Thiều thuộc dòng Lâm tế thứ 33 lập nên vào năm 1695. Công nữ Ngọc Vạn là phật tử thuần thành đóng góp lớn lao trong việc xây dựng chùa Gia Lào (ở núi Chứa Chan, nay thuộc huyện Xuân Lộc) nên khi bà qua đời tại Đồng Nai đã được Thiền sư Nguyên Thiều đưa di cốt vào tháp Phổ Đồng. Tháp xây bằng gạch thẻ nung, phía ngoài phủ bằng ô dước - vật liệu xây dựng đặc trưng của vùng đất Đồng Nai, hình dạng tháp là bầu hồ lô tròn, trước mặt có tấm bia ký bằng chữ Hán. Do chiến tranh, chùa bị phá hủy nên văn tự chữ Hán trên tấm bia ký tháp Công chúa đã hoàn toàn bị mất, hiện được thay thế bằng tấm bia chữ Việt. Hòa thượng Thích Minh Chánh khẳng định thông tin về tháp Công chúa là do các đời trụ trì chùa Kim Cang truyền cho nhau. 

Bài liên quan

Trao đổi với ông Vĩnh Khánh, chúng tôi được biết tẩm mộ bà Công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, còn được biết đến với danh xưng Tống Sơn quận chúa, nằm ở núi Bằng Lãng, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy. Mộ kiểu hình yên ngựa rất cổ kính, trên mộ bia ghi: “Hoàng triều cáo thụ Tống Sơn quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Vạn quý nương, Dực bảo Trung hưng tôn thần chi mộ”. Người dân địa phương cũng cho biết, xưa khu mộ rất lớn và có lính canh. Làng Dã Lê Thượng, cách khu mộ khoảng 7 km, có miếu thờ Tống Sơn quận chúa  và còn giữ được hai đạo sắc phong. Như vậy, ngôi tháp ở chùa Kim Cang, Đồng Nai có lẽ chỉ là tháp tưởng niệm, không phải tháp mộ của bà Ngọc Vạn.

Ở một khía cạnh khác, các nhà nghiên cứu Võ Vinh Quang, Nguyễn Đình Đính trong bài “Tống Sơn quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Vạn qua sắc phong, lăng mộ và tín ngưỡng thờ phụng ở Huế” đăng  ở Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, số 9.2015, vẫn thận trọng nhận định: “Công lao của bà Ngọc Vạn đối với vùng đất Dã Lê là có thật, thể hiện rõ nét trong tín ngưỡng văn hóa của cư dân nơi đây. Còn câu chuyện có hay không việc công nữ Ngọc Vạn là Hoàng Thái hậu Chân Lạp – người đặt nền móng cho tiến trình khai mở biên cương chúa Nguyễn ở toàn cõi Nam Bộ ngày nay– chính là câu hỏi cần được tiếp tục tìm hiểu kỹ càng dựa trên các cứ liệu khoa học khách quan thuyết phục”.

Lớp bụi thời gian phủ mờ nhiều sự thật lịch sử nhưng những câu chuyện hư hư thực thực đó phản ánh đa diện hành trình tiến về phương Nam của các chúa Nguyễn năm xưa. Trong đó có máu và nước mắt, có mất mát hy sinh và thành tựu vẻ vang, làm lên một dải non sông gấm vóc ngày nay.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Chiêm ngưỡng những tượng Phật lớn nhất Việt Nam

Chùa Việt 11:55 25/04/2024

Việt Nam là quốc gia có bề dày văn hóa Phật giáo và cũng là nơi có nhiều tượng Phật lớn nhất. Những tượng Phật này không chỉ là điểm hành hương tâm linh mà còn là kiệt tác nghệ thuật đáng kinh ngạc.

Về Bình Thuận, viếng thăm ngôi chùa trên núi Tà Cú

Chùa Việt 14:40 23/04/2024

Nằm trên núi Tà Cú, chùa Linh Sơn Trường Thọ thu hút du khách bởi không gian thanh tịnh, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Một vài đặc điểm kiến trúc của ngôi chùa Việt

Chùa Việt 10:25 16/04/2024

Ngôi chùa được xem là bảo tàng nghệ thuật, là nơi lưu giữ nhiều di sản Phật giáo có giá trị. Bản thân kiến trúc chùa còn chuyển tải nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và tôn giáo.

Ngôi chùa cổ nằm chênh vênh trên vách núi hơn 500 năm

Chùa Việt 08:30 15/04/2024

Tương truyền, chùa Vô Vi được khởi dựng từ thời Đinh (thế kỷ X), sau nhiều biến cố của lịch sử, chùa được dời lên vách núi như ngày nay đã hơn 500 năm.

Xem thêm