Tối 01/07/Mậu Tuất (11/08/2018) tại sân khấu trung tâm thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, BTS GHPGVN huyện Cát Bà phối hợp cùng chính quyền, nhân dân địa phương tổ chức Đại lễ Vu lan Báo Hiếu PL.2562 – DL.2018, dự kiến trong tương lai hoạt động này sẽ là một hoạt động được tổ chức thường niên và sẽ trở thành một lễ hội truyền thống của người dân miền đảo Cát Bà.
Đông đủ Chư tôn đức tăng, ni nội ngoại thành của Tp.Hải Phòng, Chư tôn đức tăng ni sinh HVPGVN tại Hà Nội; đại diện lãnh đạo chính quyền các cấp
và hơn một vạn phật tử, du khách thập phương gần xa, du khách quốc tế về tham dự lễ hội.
Huyện Cát Bà hiện có lễ hội chính là Lễ hội Làng Cá Cát Bà được tổ chức vào ngày 1 tháng 4 Dương lịch hàng năm và theo TT.Thích Tục Khang cho biết: Trong tương lai có thể chính quyền huyện sẽ phối hợp cùng Ban Trị sự huyện đưa Lễ hội Vu Lan Báo Hiếu trong Phật giáo trở thành lễ hội thứ 2 của huyện, cùng với đó là các hoạt động Phật giáo như: Thuyết Pháp, tụng kinh, triển lãm trưng bày văn hóa phẩm Phật giáo, văn nghệ Phật giáo…
Đại lễ Vu Lan tại thị trấn Cát Bà đã được BTS GHPGVN huyện Cát Bà phối hợp cùng các cấp chính quyền địa phương duy trì liên tục trong suốt 4 năm vừa qua, được tổ chức với quy mô lớn, đón hàng vạn phật tử, du khách trong nước và quốc tế về tham dự, việc tổ chức đại lễ Vu lan Báo hiếu tại trung tâm huyện cũng là một hình thức xã hội hóa lễ Vu lan báo hiếu vì như chúng ta thường thấy thì lễ vu lan theo thông lệ sẽ được tổ chức tại các chùa, các tu viện, tịnh thất, tinh xá, các tổ chức tôn giáo… chứ ít khi được tổ chức tại những nơi công cộng, các địa điểm du lịch tập trung đông dân cư, khách du lịch.
Hơn thế nữa, tổ chức vu lan tại đây cũng là cách để hoằng pháp, đưa mọi người đến gần với đạo Phật hơn, thông qua đó cũng giúp cho mọi người nhận thức được chữ “HIẾU” trong đạo Phật bởi “Tâm Hiếu là tâm Phật, hạnh Hiếu là hạnh Phật”, hiếu dưỡng với ông bà cha mẹ là cách thiết thực nhất để cùng dàng lên mười phương chư Phật.
|
TT.Thích Tục Khang truyền đăng cho các phật tử tại Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu |
TT.Thích Tục Khang, Trưởng BTC phát biểu khai mạc Đại lễ Vu Lan báo hiếu tại thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng: “Cách đây hơn 2500 năm lịch sử, đức Mục Kiền Liên nặng lòng hiếu đạo đã cứu mẹ hiền thoát khỏi địa ngục khổ đau. Gương hiếu hạnh Ngài như một tiếng chuông thức tỉnh đã vang vọng hơn 25 thế kỷ qua cho đến ngày hôm nay. Ôn lại lịch sử, nhớ gương hiếu hạnh của người xưa, lòng chúng ta rung động vì mối cảm hoài nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Bên cạnh những giá trị nhân văn của một triết lý siêu việt và vĩnh cửu, đạo Phật cũng đã gần gũi đi vào cuộc sống dân tộc bằng một phong thái dung dị, hòa ái đậm đà. Vu Lan với lòng báo ân cha mẹ chính là dấu hiệu chứng tỏ sự dung hợp gắn bó giữa giá trị luân lý ngát thơm đạo vị với trái tim tình ái quê hương.”
Nhân dịp này, thay mặt cho BTS GHPGVN thị trấn Cát Bà, thay mặt cho các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, TT.Thích Tục Khang, trụ trì chùa Linh Quang thị trấn Cát Bà đã trao số tiền 100 triệu đồng ủng hộ cho các cháu học sinh nghèo vượt khó, có hoàn cảnh khó khăn đang học tập và sinh hoạt tại thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.
|
BTS PG huyện Cát Bà trao 100 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó huyện Cát Hải |
Thay mặt cho các phật tử có mặt tại buổi lễ, một phật tử đang tu học tại chùa Linh Quang – Thị trấn Cát Bà đã lên tuyên đọc ý nghĩa Vu Lan: “Vu Lan bồn là ngày lễ báo hiếu vô cùng cao đẹp của Phật giáo nói riêng và là ngày lễ hội báo hiếu nói chung của mọi người con hiếu trên thế gian này. Lễ Vu Lan mang một ý nghĩa thật thiêng liêng cao cả, giúp cho con cái nghĩ nhớ đến công ơn cha mẹ, khơi dậy trong lòng họ một tinh thần báo hiếu đáng quý, đáng trân trọng. Người con Phật nhận thức sâu sắc lời Phật, mùa Vu Lan về càng nỗ lực tinh tấn thực hành hạnh hiếu để báo đáp thâm ân của cha mẹ. Thờ kính cha mẹ đã trở thành một đạo lý sống của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là đạo lý sống của hàng Phật tử khi khẳng định đạo Phật là đạo hiếu.”
Một nghi thức không thể thiếu trong mỗi chương trình vu lan báo hiếu đó là nghi thức “Bông hồng cài áo”, ai còn mẹ sẽ được diễm phúc cài lên ngực trái của mình một bông hồng đỏ thắm, còn những ai mất mẹ rồi thì sẽ cái lên ngực mình một bông hồng trắng trinh nguyên. Hàng vạn phật tử, du khách về tham dự đại lễ đều được cài lên trái tim của mình một bông hồng tượng trưng cho sự bất diệt của cha và mẹ. Dù cha mẹ mất, hay cha mẹ còn thì chúng ta vẫn luôn phải nghĩ nhớ đến công ơn của cha mẹ.
Tiếp đó, Chư tôn đức tăng, ni, quý phật tử và đông đảo du khách thập phương gần xa đã cử hành nghi lễ niêm hương bạch Phật, tụng kinh Vu Lan Báo Hiếu với mục đích giúp các bạn trẻ cũng như các Phật tử và du khách thập phương, nhân dân địa phương hiểu được công ơn của cha mẹ từ khi mẹ mang thai đến khi chúng ta trưởng thành, khôn lớn, để từ đó có những suy nghĩ và hành động thiết thực nhằm báo đáp thâm ân của hai đấng sinh thành.
|
Phật tử tụng kinh Vu Lan Báo Hiếu |
Thời khắc linh thiêng nhất của buổi lễ đã tới khi chư tôn đức chứng minh đón nhận ánh sáng của tình thương và sự hiểu biết từ ban Phật rồi truyền sang cho các bạn thanh thiếu niên, quý quan khách, quý Phật tử, du khách thập phương gần xa. Hơn 10 ngàn ngọn hoa đăng đã được thắp sáng giữa biển đảo thân yêu, làm xua tan đi màn vô minh si ám, tri ân ông bà cha mẹ hiện tiền, ông bà cha mẹ đã quá vãng và tri ân các anh hùng liệt sỹ, đồng bào tử nạn đã hy sinh cho độc lập tự do của Đất nước. Hơn 10 ngàn ngọn nến lung linh, huyền ảo đó đã được chư tôn thiền đức tăng ni, quý Phật tử, quý quan khách và khách du lịch thả xuống biển đảo Cát Bà, mang theo đó là tình yêu thương của con cái đối với ông bà cha mẹ và lời cầu nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền được phúc thọ tăng long, ông bà cha mẹ đã quá vãng, cũng như các anh hùng liệt sỹ, chiến sỹ trận vong, đồng bào tử nạn sớm được siêu sinh về miền Cực Lạc.
|
Hàng ngàn phật tử về tham dự Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu |
|
Thả hoa đăng tại cảng Cát Bà |
|
Đại lễ Vu Lan được tổ chức tại sân khấu trung tâm thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải |
Nguyễn Thành Trung