Hành thiền giúp thanh lọc cảm thụ
Cảm thụ dù tốt, dù xấu, dù thô hay tế thì cũng làm chướng ngại cho sự tịnh chỉ. Khi bước vào thực tập thiền, các cảm thụ bắt đầu được thanh lọc, đầu tiên là loại bỏ những sự rung động, những cảm xúc thuộc thân, tất cả những cảm giác thuộc thân đều phải làm lắng dịu.
> Kinh nghiệm hành thiền của Đức Phật
Một công việc khác của thiền là thanh lọc cảm thụ, cảm thụ dù tốt, dù xấu, dù thô hay tế thì cũng làm chướng ngại cho sự tịnh chỉ. Khi bước vào thực tập thiền, các cảm thụ bắt đầu được thanh lọc, đầu tiên là loại bỏ những sự rung động, những cảm xúc thuộc thân, tất cả những cảm giác thuộc thân đều phải làm lắng dịu, theo Ànàpànasati, hành giả theo dõi hơi thở cho đến khi cảm xúc về thân lắng xuống, và cảm xúc về tâm như chán chường, yêu ghét… cũng vơi đi, tiếp tục theo dõi hơi thở cho đến khi chúng biến mất, chỉ còn giữ lại những cảm thọ đẹp, vi tế để bắt đầu đi vào sơ thiền.
Đã vào được sơ thiền rồi, không dừng lại ở đó, thiền bắt đầu phát huy tác dụng đặc biệt vốn có của mình, loại bỏ luôn những cảm thọ vi tế thuộc năm thiền chi để nhường chỗ cho sự an tịnh. Dưới đây là phần trình bày việc thanh lọc các cảm thụ qua bốn cấp độ thiền.
Ở sơ thiền:
Trước khi chứng sơ thiền, thiền giả đã làm sạch các cảm xúc thuộc thân và thuộc tâm ở dạng dễ thấy (thô), để dọn đường vào tầng thiền thứ nhất này, cảm thụ trong giai đoạn này là hỷ lạc do ly dục sinh, thay cho cảm thụ về dục lạc, có đầy đủ năm thiền chi tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm trong đó tầm và tứ giữ vai trò chủ đạo, là thành phần giữ tâm không rơi lại năm triền cái, nhất là hôn trầm thụy miên.
Ở tầng thiền này, cảm thụ về lạc thú giác quan xem như tạm chấm dứt, đã được thanh lọc, hành giả bấy giờ làm chủ về quán sát cũng như về sự hướng tâm (tầm, tứ), làm chủ năm yếu tố của thiền. Đã thanh lọc phần thô còn lại phần tế, hành giả có thể nhận ra ở phần tế này vẫn bị đe doạ, không hoàn toàn an tịnh vì nó quá gần với các triền cái, gần với thô cảm thụ, cho nên không bằng lòng với sự thanh lọc của sơ thiền mà tiến liên nhị thiền.
Ở nhị thiền:
Trong năm phần còn lại của thiền (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm) được biết rằng tầm tứ bấy giờ là ở dạng thô, vì còn dao động (ở sơ thiền), lên nhị thiền tầm tứ sẽ được tịnh chỉ để nhường phần chủ đạo cho hỷ, lạc, định, trạng thái này được gọi là hỷ lạc do định sinh ở nhị thiền. Dĩ nhiên ở sơ thiền cũng có định nhưng phạm vi hoạt động của nó yếu hơn tầm và tứ, qua đến nhị thiền tầm tứ cần được lắng xuống và định giữ vai trò mạnh trong thiền này. Tuy vậy, hành giả ở nhị thiền vẫn còn thấy nhị thiền có khuyết điểm, mặc dù định vững, những tầm tứ đã được thanh lọc nhưng vẫn quá gần gũi với nó, vả lại, hỷ lạc vẫn còn ở dạng thô. Hành giả đi vào tam thiền để tiếp tục loại bỏ những cảm thụ thô này.
Ở tam thiền:
Xin nhắc lại phần định nghĩa: “Ly hỷ, trú xả, chánh niệm tĩnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba”. Ở thiền này, hỷ bắt đầu rơi rụng, vì đó là niềm vui ở dạng thô đốùi với thiền này. Đến đây, năm phần thiền chi đã rụng hẳn ba phần tầm, tứ và hỷ, còn lại lạc và nhất tâm. “Xả niệm lạc trú” tức “người có xả và chánh niệm thì trú trong an lạc”, xả này có nghĩa là nhìn ngắm sự vật khi chúng xảy ra, xảy ra như thế nào thì nhìn nó như thế ấy, nhìn một cách thản nhiên, không thêm bớt, không thành kiến. Ở hai thiền đầu cũng có mặt của xả nhưng do vị trí và thế lực của ba thiền chi trước mạnh hơn, xả lại chưa đứng vững nên không được đặt lên hàng đầu, ở thiền này vi tế hơn, phạm vi hoạt động của xả hiện rõ ràng nên xả được nói đến trong thiền thứ ba.
Ở thiền nầy luôn cần sự chánh niệm tĩnh giác, dĩ nhiên chánh niệm tĩnh giác ở cấp độ nào cũng cần nhưng đặc biệt ở đây cần nó cao độ, ngài Buddhaghosa ví người ở thiền này như đi trên kiếm bén, nếu không chánh niệm thì sẽ hại thân. Thành tựu thiền thứ ba rồi, hành giả hướng lên, vượt khỏi thiền này, vì trong định bất cứ cái gì còn quan hệ với lạc thì vẫn còn thô, hơn nữa thiền này ở gần với hỷ, hỷ và lạc gần nhau dĩ nhiên dễ bị rơi trở lại, để thanh lọc những phần này hành giả hướng lên thiền thứ tư.
Ở tứ thiền
Ở thiền này, tất cả những cảm thụ của lạc, khổ, hỷ, ưu, đã cảm thụ trước được loại bỏ chỉ còn lại duy nhất là xả “xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thụ trước, vị ấy chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, có sự thanh tịnh của niệm nhờ xả”. Như vậy, đến thiền này tất cả các cảm thụ đã cảm thụ trước đó và đã diệt trước đó được khẳng định lại là xả bỏ, kể cả chi lạc tồn tại ở thiền thứ ba đến đây cũng được tịnh chỉ, đoạn văn sau đây đã khẳng định điều này:
“Và ở đâu khổ căn đã khởi được diệt tận không có dư tàn? Này các tỳ kheo, hoàn toàn ly dục, ly bất thiện pháp, một tỳ kheo chứng và trú sơ thiền … do ly dục sinh, chính ở đây mà khổ căn được diệt tận không có dư tàn. Ở đâu ưu căn được diệt tận không có dư tàn? ở nhị thiền. Ở đâu lậu căn tận diệt không có dư tàn? ở tam thiền, ở đâu hỷ căn tận diệt không có dư tàn? Ở đây này các tỳ kheo, với sự từ bỏ lạc và khổ, với sự biến mất từ trước của hỷ và ưu, tỳ kheo chứng và trú tứ thiền, có niệm được thanh tịnh nhờ xả. Chính ở đây, hỷ căn khởi được diệt tận không dư tàn”. Đó là sự tận trư toàn bộ các căn khổ, ưu, lậu,…các kiết sử.
Trên đây là sự trình bày về những trạng thái thiền thanh lọc các cảm thụ, các thiền chi từ thấp đến cao, từ sơ thiền cho đến tứ thiền, ta có thể tóm tắt như sau:
Thiền thứ nhất có đủ năm thiền chi tầm, tứ, hỷ lạc, nhất tâm.
Thiền thứ hai còn lại hỷ, lạc, nhất tâm.
Thiền thứ ba còn lạc, nhất tâm.
Thiền thứ tư loại bỏ tất cả còn lại xả và nhất tâm.“Ở đây này Udàyi, Tỳ kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất …. Có tầm có tứ; Thiền này ta nói ở trạng thái dao động, ở đây chính tầm tứ chưa đoạn diệt, chính tầm tứ trong tình trạng dao động. Tỳ kheo diệt tầm diệt tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm; thiền này ta nói ở tình trạng dao động, cái gì dao động? Chính hỷ lạc. Tỳ kheo ly hỷ trú xả chánh niệm tĩnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba; thiền này ta nói ở trong tình trạng dao động, chính hỷ lạc trong tình trạng dao động. Tỳ kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Udàyi, Ta nói thiền này không ở trong trạng thái dao động”.
Từ trạng thái thô đến trạng thái tế, các cảm thụ dù tốt dù xấu đều được coi là đối tượng thanh lọc của thiền, khi chưa vào được thiền định các cảm thọ về thân được xem là thô, nhưng khi vào các tầng thiền, lần lượt các cảm thụ dù được xem là vi tế cũng trở thành thô, và vì vậy để đến sự tịnh chỉ không còn dao động, thiền đã loại bỏ hết tất cả khi dừng lại ở thiền thứ tư. Đến đây, quá trình thanh lọc cảm thụ cũng được dừng để nhường chổ cho sự tịnh chỉ hướng đến giải thoát. Như vậy, hành thiền là một quá trình không ngừng nghỉ để hoàn thiện một cá nhân, từ một kẻ phàm phu với đầy đủ tâm yêu, ghét, sợ, si, giận hờn, ham muốn… trải qua quá trình thanh lọc cảm thụ, các tâm lý xấu lắng dần, hướng con người đến chổ thuần tịnh, giải thoát.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thế nào là viên tịch, tân viên tịch và thuận tịch?
Kiến thức 09:00 25/12/2024Nhân có học Tăng, khi đọc bài viết bàn về chữ "Tân viên tịch" không hiểu chắc là nói như vậy đúng hay sai....Chúng tôi cũng thấy cần nói rõ.
Luân hồi trong thần chú Lăng Nghiêm: Năng lực thần chú
Kiến thức 08:46 25/12/2024Thần chú Thủ Lăng Nghiêm còn gọi là Phật Đỉnh Quang Minh Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát Ra hay Bạch Tán Cái tức chỉ cho cái thể dụng rộng lớn của bản lai tự tánh. Bạch là trí tuệ. Tán cái là lòng từ bao la rộng lớn.
Đại sư, Pháp sư, Thái sư nghĩa là gì?
Kiến thức 20:26 24/12/2024Đại sư, Pháp sư, Thái sư là những danh từ chúng ta thường gặp trong các sách về Phật giáo, Đạo giáo và lịch sử.
Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni (bản tiếng Việt)
Kiến thức 10:00 24/12/2024Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni còn gọi là Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú, được đức Thế Tôn thuyết trong kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni. Thần chú này rất mầu nhiệm, oai lực bất khả tư nghì, độ thoát chúng sinh trong sáu đạo luân hồi và lần lượt đều được chứng quả giải thoát.
Xem thêm