Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 10/02/2023, 18:56 PM

Hành trình đến với ăn chay

Con đường dẫn đến Thuần chay của mỗi Phật tử là một cuộc hành trình thú vị cần chia sẻ và lan tỏa cho cộng đồng. Bài chia sẻ của Phật tử Trần Thị Thúy Hạnh (pháp danh Diệu Thảo) là một cuộc hành trình đến với Thuần chay đầy ý nghĩa.

Mùa hè 2023 này là tôi bén duyên đến với trường chay được 8 năm. Hồi đó, nhà hàng chay không nhiều, đa dạng và phong phú như bây giờ nhưng tại thời điểm đó, tôi vốn là người hay di chuyển nhiều vì công việc nên cũng không thấy trở ngại gì trong việc tìm kiếm các nhà hàng chay phù hợp.

Đôi khi vô tình vì biết tôi ăn chay, ai cũng hỏi chung một vài câu hỏi: Vì sao ăn chay? Còn trẻ đẹp thế sao lại ăn chay? Và dĩ nhiên cũng không ít người cho tôi là người không theo số đông.

 Tác giả trong chuyến hành hương về đất Phật tháng 10 năm 2022

Vậy vì sao tôi ăn chay? 

Mùa hè năm đó, một hôm tôi mời cô giáo dạy đàn piano của con gái tôi đến nhà chơi để thăm dò xem thằng em trai của tôi vì sao nó ghét ăn chay mà giờ lại chuyển sang ăn chay.

Cô giáo là một phật tử, tuổi còn trẻ, chưa lấy chồng, và biết đến phật pháp từ năm 9 tuổi. Lúc tôi biết cô giáo, cô đã ăn chay trường gần 6 năm rồi. Vì em trai tôi và cô cùng ăn chay, tôi lấy cớ mời cô giáo đến nhà chơi. Hôm đó là cuối tuần, tôi gọi thằng em sang nhà ăn cơm, lúc đó nó sống 1 mình trong căn hộ chung cư mà hồi xưa 2 chị em ở chung cùng nhau.

Lúc cô giáo đến nhà cũng là lúc tôi vớt miếng thịt luộc ra để chuẩn bị cho bữa trưa cuốn bánh tráng. Thấy cô vào nhà, tôi chào cô rồi nói: "Xin lỗi người ăn chay, hôm nay người ăn mặn ăn thịt luộc nha".

Cô giáo nói: "Không sao chị. Cứ bình thường thôi chị". Rồi cô lấy ra 2 hộp bánh cuốn chay cho cô và thằng em để cùng dùng trưa với gia đình.

Tôi nhấm nhí nhỏ với cô rồi nói: "Em ráng tìm hiểu xem vì sao nó ăn chay, nó có thất tình hay bị gì không nhé". Đó là cách nghĩ thông thường của một người chị lo lắng cho thằng em vì nó không nói nguyên nhân vì sao nó ăn chay mà bà chị thì đang muốn tìm hiểu.

Khi tôi ăn đến cuốn thịt luộc thứ 2 thì tự nhiên không muốn ăn nữa, cảm giác nhờn nhợn như người ốm hay là kiểu như bà bầu đang kỳ thai nghén nên ráng ăn hết 2 cuốn là ngưng. Tôi vốn thích húp nước thịt luộc thêm chút muối và thêm tí hành ngò cho thơm nhưng lạ thay, khi húp miếng nước thịt luộc thì cơ thể như bị nước lạnh dội vào người, nhờn nhợn, lành lạnh khó tả và không thể tiếp tục được nữa.

Lúc ấy, trên bàn ăn có món cá điêu hồng kho mà bà cô tôi thích ăn đầu và đặc biệt thích ăn mắt cá. Tôi nhìn vào đĩa cá thì lại thêm một sự khác lạ so với ngày thường thấy 2 mắt con cá nó long lanh sống động cứ nhìn chằm chằm vào mình, tôi lấy cái tô canh che đi đĩa cá mà hai mắt con cá vẫn cứ nhìn tôi. Thế là tôi kết thúc bữa ăn.

Sau bữa ăn, cô giáo và tôi tâm sự riêng. Cô nói: "Em chị không bị gì cả, anh đang tìm hiểu về phật pháp và người thầy mà có sức ảnh hưởng là ngài Tuyên Hóa".

Tôi hỏi: "Hèn chi lúc ăn trưa có nghe hai anh em nhắc đến ngài Tuyên Hóa mà nói thiệt chị không hiểu gì cả, cũng không biết ngài Tuyên Hóa là ai, cũng không biết pháp môn tịnh độ là gì, tu gì thế nào nữa. Chị nghe rối lắm".

Cô giáo nói: "Chị yên tâm, anh không thất tình gì đâu, cũng không chán gì đâu, đến với Phật Pháp là hay lắm đó chị". Tôi nghe cũng biết vậy thôi chứ không cảm thụ hay là thế nào. Rồi cô giáo hẹn tôi hôm nào đi ăn chay.

Ngày hôm sau tôi đi chợ, một cảm giác lạ chưa từng có. Sao hôm nay chợ bán nhiều giò heo thế, mà cái nào cái nấy cứ dựng ngược lên như mơ mơ ảo ảo, nhìn đâu cũng thấy hàng thịt đầy bàn đỏ hồng mà thấy ớn ớn nên chuyển sang hàng cá.

Tôi vốn thích cá tươi, ăn cá còn sống nhiều hơn cá biển. Chọn 1 con cá điêu hồng rồi bỗng dưng tôi thấy mình có tội lỗi khi nhìn người ta lấy ống sắt đập vào đầu con cá làm nó chết dãy đành đạch mà như chính mình đang đập đầu cá. Một cảm giác chưa bao giờ có trước đó. Lúc trước, mỗi lần mua cá tôi mặc kệ, cứ mua rồi để họ làm cá, muốn đập muốn cắt đầu cắt đuôi gì thì làm mà tôi không chút sợ hay suy nghĩ gì.

Sau ít ngày, hai chị em tôi đi ăn chay như đã hẹn. Tôi hỏi em một số câu hỏi: "Ăn chay có ăn ớt không? Có ăn hành không?".

Tôi nghe em trai tôi giải thích cũng hiểu đôi chút rồi về tìm hiểu "chị Google" xem ăn chay là ăn cái gì, kiêng cái gì? Có ăn trứng hay sữa gì không?

Tôi ngấu nghiến hết tất cả thông tin mình cần trên mạng trong một thời gian rất ngắn và chuyển sang ăn chay một cách nhẹ nhàng và bắt đầu nghén các thức ăn mặn. Cảm giác khó chịu khi mùi đồ ăn thịt cá tôm cua bốc lên y như hồi tôi có bầu 2 đứa nhỏ. Mất 3 tháng để tôi bớt khó chịu và tập quen dần với nó.

Lòng từ bi đối với con vật xuất hiện

Rồi những ngày sau đó tôi chỉ mua đồ về nấu chay cho mình, mỗi lần đi chợ, cứ thấy tôm cá bơi ngoe nguẩy trong chậu là cảm giác tội lỗi đầy mình, ôi bao nhiêu con tôm con cá đang sống thế kia mà lại bị mình ăn thịt nó. Lòng từ bi của tôi đối với con vật xuất hiện từ đó.

Việc ăn chay của tôi không mấy khó khăn từ phía gia đình và cho chính bản thân mình vì tôi đã tìm ra lời giải thích hợp lý và khoa học cho việc ăn chay. Nấu món mặn sao thì tôi nấu chay cũng tương tự như vậy.

Tôi thấy việc ăn chay đến với tôi rất nhẹ nhàng, và cơ thể trở nên thanh thoát hơn. Vì thế, tôi khởi ý niệm chia sẻ các món chay bình dị của mình đến với mọi người để cho mọi người biết đến ăn chay nhiều hơn. Qua facebook, tôi chia sẻ việc ăn chay đến với mọi người, giúp họ nhận ra nhiều món chay dễ làm chứ không khó như mọi người thường nghĩ. 

Ban đầu tôi lấy tên trang fanpage là Bếp chay Hạnh không ngũ vị tân. Cái chữ Bếp làm cho mọi người hiểu nhầm là tôi kinh doanh vì các món ăn của tôi chụp làm hấp dẫn con mắt nhiều người, thế là tôi chuyển sang trang fanpage mang tên Hạnh ăn chay không ngũ vị tân, tôi cảm thấy hạnh phúc khi fanpage được nhiều người hưởng ứng, trao đổi thông tin rất vui và có ích sau mỗi lần đăng bài.

Tôi đã đến với ăn chay như thế đó.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Trăm năm thương nhớ cơm chay Tín Nghĩa giữa Sài Gòn

Thuần chay 09:32 29/10/2024

Lặng lẽ suốt 100 năm trên con đường náo nhiệt, cơm chay Tín Nghĩa không quá đông khách, nhưng ai đến đây đều sẽ quay lại vì… nhớ ngày xưa.

Đến Việt Nam ăn chay có dễ không?

Thuần chay 10:56 28/10/2024

Hằng năm Việt Nam đón hàng triệu lượt khách quốc tế, trong số đó có nhiều người ăn chay, vậy nên 'ăn chay ở Việt Nam có dễ không?' là câu hỏi mà nhiều du khách quan tâm khi đặt chân đến đất nước hình chữ S.

Ăn rau muống mỗi ngày mà tốt quá chừng

Thuần chay 15:49 27/10/2024

Rau muống giúp ngừa táo bón, tăng khả năng miễn dịch, chống mệt mỏi... khi ăn thường xuyên.

Những món chay thơm ngon dễ làm từ đậu phụ

Thuần chay 10:10 24/10/2024

Đậu phụ là một nguyên liệu quen thuộc trong ẩm thực chay. Không chỉ bổ dưỡng, đậu phụ còn dễ chế biến thành nhiều món ăn phong phú. Dưới đây là một số món chay thơm ngon, dễ làm từ đậu phụ mà bạn có thể thử tại nhà.

Xem thêm