Hạt giống đức hạnh
Một tuần, một tháng, một năm, và mãi khi thành vị Thầy lớn, chú vẫn luôn lấy hạnh của Thầy làm tấm gương phản chiếu, Thầy luôn mãi trong chú... Còn đêm nay, đêm đầu tiên trước đại hùng bảo điện trang nghiêm này, tâm hồn chú thật bình yên với những lời dạy của Thầy đang vang, vang mãi!
Trong thời quả đường đầu tiên ở trường nội trú, khi vừa bưng chén cơm lên, Tiểu Tâm đã rơi nước mắt. Chẳng một ai hiểu chuyện gì xảy ra. Người người đều đoán chắc do lạ chỗ, lạ chúng nên chú Sa-di này cảm thấy buồn tủi. Có vị đồng cảm song cũng có vị dè bỉu bảo sao nam nhi lại yếu đuối thế kia!
Tiểu Tâm - tên gọi thân thiết mà Thầy hay gọi chú. Chú là đệ tử lớn. Thầy cùng bốn chú tiểu sống với nhau nơi quê nghèo. Năm nay, Tiểu Tâm đã 18 tuổi rồi. Sau khi tốt nghiệp 12, Thầy quyết định cho chú lên thành phố tham học Phật pháp. Ở nơi thành phố xa hoa đèn lung sáng tỏ, người người rộn ràng, xe cộ náo nhiệt, có gì đó làm chú nhơ nhớ không khí yên bình nơi vùng quê thân thương, nơi chú lớn lên trong sự dạy dỗ và yêu thương của Thầy, nơi có sự sẻ chia gian khó vui buồn cùng huynh đệ. Chú tuy lớn tướng, cũng ra dáng vị Thầy chững chạc oai nghiêm, thế nhưng sâu thẩm nơi tâm hồn chú, mỗi khi có gì đó gợi lên hình ảnh về Thầy là chú trở nên nhỏ bé chẳng khác nào đứa trẻ con. Thật ra, hôm đó chú khóc không phải chú yếu đuối khi sống ở nơi mới, mà là vì “chén cơm” chú sắp ăn. Chén cơm ấy thơm làm sao, trắng làm sao, dẻo làm sao mà chẳng mấy khi năm Thầy trò được ăn, mà hơn thế là nhớ tới chén cơm ngày ngày của Thầy chú.
Nhìn chén cơm thơm trắng nơi đất lạ, chú nhớ lại bài học sâu sắc mà Thầy đã dạy chú, lại nhớ sự hy sinh âm thầm của Thầy rồi hình ảnh chén cơm khô cháy của Thầy hiện lên. Chú sống với Thầy từ khi chú mới 6 tuổi, nên mọi sự dạy dỗ của Thầy chú tiếp thu rất nhanh. Thầy, chú cùng ba chú khác ở dưới ngôi tịnh thất nhỏ, đất nơi đây khó cho sự phát triển. Hằng ngày, Thầy cùng các chú trồng rau để dùng, cơm thì nấu bằng bếp củi, thế nên chuyện cơm cháy vẫn là chuyện thường tình. Ấy vậy, từ đó tới giờ, không hiểu sao mỗi khi bới cơm cho Thầy, Thầy lại hỏi nay cơm có khét có cháy không, và nếu có thì Thầy bảo các chú lấy cho Thầy ăn, dần thành thói quen và các chú đều nghĩ là do Thầy thích ăn cơm cháy.
Lần đó, bà Mười là một vị Phật tử neo đơn gần chùa, nhờ Thầy với Tiểu Tâm qua sửa đèn rồi bà mời cơm Thầy. Thấy thế, Thầy ở lại dùng cơm cho bà đỡ ngại. Khi bà Mười bới cơm, Thầy cản lại và giành làm. Có lẽ Thầy biết, vì tôn kính thì bà Mười sẽ bới cho Thầy phần ngon nhất. Rồi chú thấy Thầy bới cho bà Mười và chú phần cơm ngon, còn phần mình là cơm dưới đáy nồi. Lần đó, sau khi về, chú quyết định hỏi Thầy: “Con thấy mỗi lần Thầy ăn cơm cháy xong là dạ dày Thầy đều khó chịu, nhưng sao lần nào cũng...”.
Như hiểu được sự thắc mắc của chú, Thầy cười, rồi nói:
- Chú cũng đủ trưởng thành rồi, cũng đủ năng lực phán đoán và chịu trách nhiệm với đời sống bản thân, cần nên góp sức mình nhiều cho đạo pháp và Tăng đoàn. Ăn uống, ngủ nghỉ, tiền tài, danh lợi, tình cảm là những thứ xưa nay khiến con người ta điên đảo. Ai cũng mong mình có được cái tốt nhất, đẹp nhất và mong hưởng thành công. Năm thứ ấy, nếu được mỹ mãn thì người vui vẻ, nếu xấu hoại thì người buồn lo. Trong bữa ăn, ai cũng mong phần hấp dẫn, ngon ngọt về phía mình, đó cũng là điều dễ nhất để nhìn rõ bản chất một con người. Vì thế, ai xa lìa được sự ham muốn ấy thì luôn thấy an lạc, ai thành toàn cho người đều tốt đẹp thì bản thân luôn cảm thấy an vui...
Nói tới đây, Thầy tiếp:
- Các chú đang tuổi lớn thì phải được chăm sóc đầy đủ, sau này còn dùng năng lực, sức khỏe, trí tuệ làm lợi lạc cho nhiều người. Nơi quê nghèo này, Thầy không đủ điều kiện cho các chú ăn uống dư dả, những món ngon vật lạ, Thầy cũng ngại.
Với tư chất thông minh cộng thêm việc sống lâu với Thầy, nên khi Thầy chỉ cần nói qua là chú hiểu hết sự tình. Thật ra, Thầy không hề thích cơm cháy như những gì các chú nghĩ. Mỗi lần Thầy dùng xong đều là hành bao tử, song cứ đều đặn như thế mà ăn chẳng than thở. Chú học được từ việc đó là sự hy sinh của Thầy. Những điều đó là thân giáo. Qua đó, chú hiểu ra được rằng, một đời người tranh giành nhau từng miếng ăn, lựa chọn cho mình phần tươi tốt ngọt ngon... nếu như không toại ý hay chẳng may ăn phải phần dở, họ lại cau có mặt mày khó chịu, trong lòng quở trách. Thầy nói thật đúng, ngon dở, tốt xấu, được mất mới thấy được bản chất con người. Khi con người ta rơi vào cái mất, cái dở, cái thiệt, cái thua v.v… lúc đó, bản chất họ mới hiện rõ ra, cơ hội nhìn thấu một người cũng chính là khi ấy. Riêng với người mà chẳng xao động, không bị những thứ có và được của cuộc đời tác động thì người ấy mới xứng đáng có được tất cả điều tốt lành trong cuộc đời.
Từ ngày ở Sài thành, thức ăn của đại chúng đều rất ngon, cơm trắng và thơm, chẳng hề cháy, đồ ăn cũng hấp dẫn đầy đủ vị, mùi, màu sắc, chú nhớ Thầy, không biết bữa cơm của Thầy hôm nay thế nào, không biết các sư đệ có lo cho Thầy chu toàn không? Chú nhớ chén cơm của Thầy - chén cơm mang yêu thương, chứa đựng sự bảo bọc và hy sinh. Chú hứa với lòng là luôn sống đúng với những gì Thầy dạy, lúc nào chú cũng nhường người phần ngon. Chú hiểu ra rằng mình bớt ăn một chút, tuy có thể ốm nhưng không đến nổi thiếu chất hoặc gầy trơ xương. Chú nhường người một chút ngon, người vừa hoan hỷ, chú lại được phước. Thật ra, những gì chú làm không phải cầu phước mà là để đền đáp công ơn dạy dỗ của Thầy. Hiếu đạo trọn vẹn của một người đệ tử chính là đem lời dạy của Thầy Tổ ra thực hành.
Một tuần, một tháng, một năm, và mãi khi thành vị Thầy lớn, chú vẫn luôn lấy hạnh của Thầy làm tấm gương phản chiếu, Thầy luôn mãi trong chú... Còn đêm nay, đêm đầu tiên trước đại hùng bảo điện trang nghiêm này, tâm hồn chú thật bình yên với những lời dạy của Thầy đang vang, vang mãi!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tuổi nào cho em
Góc nhìn Phật tử 13:43 22/11/2024Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.
Đạo Phật là lối sống đẹp để hướng đến việc hoàn thiện bản thân
Góc nhìn Phật tử 10:24 22/11/2024Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.
Để Sư nấu
Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.
Nói xấu người
Góc nhìn Phật tử 09:51 22/11/2024Đã nhiều lần tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ nói xấu người khác, thế nhưng đâu cũng lại vào đó, cứ hễ tụm năm tụm ba là không nói chuyện của người này cũng nói người khác, hoặc khi ai đó nói về chuyện của người khác dù không nói ra nhưng vẫn có những ý nghĩ xấu, không tốt về họ.
Xem thêm