Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 06/04/2016, 08:07 AM

Hạt giống nảy mầm - tin yêu (P.1)

Sống chánh niệm ở giây phút hiện tại là khi ta bật đèn ở cầu thang, ta biết đã bật; ta ăn đồ ăn ngon, ta cảm nhận được ngon; bật tivi coi xong biết đã tắt; ở với người thương, biết ở với người thương; ăn cơm, biết ngon. Đó là chúng ta đang thực tập thảnh thơi cho cuộc sống của chính mình. 

1. DẪN NHẬP

Tựa cuốn sách này được lấy ý từ: lòng từ bi hỉ xả; lòng tin yêu, yêu thương và bác ái; sự an lành, tự do và hạnh phúc trong mọi đời sống xã hội của chúng ta. 

Niềm tin – sự yêu thương là chủ đề hấp dẫn nhất trong việc bảo vệ, gìn giữ và duy trì niềm tin mang đến hạnh phúc cho muôn loài nên tôi mạn phép hoan hỉ kết hợp ba ý trên để tiếp tục mang đến chủ đề “Tin yêu” trong bộ sách “Hạt giống nảy mầm” đến với các bạn.

Tin được chúng ta hiểu là sự tự tin, sự tin cậy, niềm tin. Tin cũng được hiểu là tin tưởng có sự tự do, sự an lạc và chuyển hóa trong tâm thức khỏi sự ưu phiền, vô minh và khổ đau. Và tin cũng được hiểu là sự xác tín trong các hành vi, cử chỉ, thái độ tâm ý trong việc giải quyết hoặc nhìn nhận một vấn đề. Nếu chúng ta có sự lệch lạc trong niềm tin sẽ tạo ra cho chúng ta các hành động lệch lạc và các ý niệm khác tiếp theo cũng bị lệch lạc.

Yêu là sự thương yêu trong việc mang nỗi khổ đi, niềm vui đến với thái độ không vướng mắc, không kỳ thị, thực hiện với tình thương và bác ái. 

Một cách tổng quát: Tin yêu là sự tin tưởng vào hạnh phúc thực sự cho đối tượng nhận thức.

Ở đây, đối tượng được hiểu là một thực thể, một khái niệm hữu hình hoặc một mục đích có thể cảm nhận được.

Chúng ta luôn tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm thành công. Hạnh phúc và thành công chỉ có được khi: ta tự tin yêu chính bản thân mình, ta tự tin yêu các giá trị nền tảng đạo đức xã hội, ta hết lòng phục vụ cho các giá trị niềm tin thông qua các hoạt động cụ thể hàng ngày trong mỗi chúng ta. 

Tự tin yêu chính mình bằng các hành động có ích lợi, hành động hướng thượng; lời nói có ích lợi, lời nói hướng thượng; tư duy có ích lợi, tư duy hướng thượng. Tin yêu chính mình chúng ta sẽ phát triển được khả năng tự đứng dậy bước tiếp và sống tốt khi chúng ta gặp những khó khăn trở ngại. Chúng ta sống tốt hơn, hoàn thiện bản thân mình hơn cũng có nghĩa là chúng ta đang tiếp tục gieo một hạt giống tốt, hạt giống lành, hạt giống thiện lên mảnh đất tươi đẹp của cuộc sống.

Niềm tin yêu trong tình yêu, trong từ bi, trong sự bác ái luôn vượt thoát không gian - thời gian và nó chính là chìa khóa đa năng mở tất cả mọi cánh cổng của đối tượng tâm ý. Tin yêu thường được biểu hiện dưới dạng như tự cân bằng hành động tốt hơn, tâm ý tốt hơn và có những giá trị sống cao hơn. Giá trị cao quý nhất mà chúng ta hướng đến phải là tin yêu, phải là từ bi và rồi chúng ta sẽ đạt đến hạnh phúc thực sự trong đời sống của chúng ta.

2. GIÁ TRỊ CHO CUỘC SỐNG

Yêu thương bản thân

Học thuyết về nhu cầu cá nhân của Maslow phân loại ra các tầng nhu cầu cơ bản của một cá nhân bao gồm: thể lý, an toàn, giao lưu, tôn trọng và thể hiện bản thân. Nhưng với thuyết ERG thì phân ra các nhu cầu: tồn tại, giao tiếp và phát triển. Việc phân loại các nhu cầu trên cũng chỉ do cách quan niệm, cách nhìn nhận về nhu cầu của một cá nhân trong tâm lý học hiện đại nhưng rõ ràng rằng nhu cầu của một cá nhân thì vô cùng phức tạp. Chúng ta không thể nhìn vào nhu cầu của người này mà cho rằng người khác cũng có nhu cầu tương tự. Tốt nhất là tự mình nhìn nhận ra chính nhu cầu của mình, yêu thương chính bản thân mình hơn là việc so sánh các nhu cầu của người khác với nhu cầu mình. 

Nhận biết về mình cần phải có căn cứ và nền tảng cơ bản. Giáo lý đạo Phật quan niệm Bạn có sáu căn: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Thương yêu chính bản thân mình là thương yêu chính sáu trần là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và ý niệm của mình. Điều này cũng không có gì là ích kỷ, hẹp hòi hay nhỏ mọn. Đôi khi chỉ cần mua vài thứ nhỏ nhỏ xinh xinh như cái kẹp tóc, nấu một bữa ăn ngon, cắm vài bông hoa vào bình, trang điểm nhẹ, ngồi vẽ một cảnh đẹp hoặc đi xem phim với những người bạn thân,.. là ta đã thương yêu chính bản thân mình. Khi yêu bản thân mình, chúng ta sẽ thấy mọi điều xung quanh đáng yêu đến kỳ lạ.

Khi thương yêu và tôn trọng bản thân, chúng ta sẽ biết mình sẽ làm hoặc không làm gì, nhận được gì hoặc cho được gì, cái gì xứng đáng hoặc không xứng đáng. Thương yêu và tôn trọng bản thân như thế nào chúng ta cũng sẽ đối xử và quan tâm đến người khác cũng như thế. Biết cách yêu thương mình chúng ta sẽ biết cách yêu thương người khác. 
 
Chúng ta cần sự yêu thương của người khác nhưng cũng không quá mong chờ vào điều đó. Quá mong chờ vào yêu thương của người khác làm cho mình bị bám víu và chờ đợi. Bám víu (từ này thường khó tiếp nhận với người mới thực tập thiền, nhưng đây là từ diễn tả đúng chân tướng của vấn đề, chúng ta đừng quá câu nệ như cách hiểu thông thường) và chờ đợi làm mất đi chính bản thân mình. Mất đi chính bản thân mình thì mình không thể nào yêu thương mình được. Chúng ta phải hiểu rõ và sâu sắc vấn đề này. Ngộ nhận, nhận định sai trái sẽ đưa ta vào những tình huống gút mắc và cũng làm cho chúng ta thoát ra khỏi các ngộ nhận và thành kiến đó lâu hơn và khó hơn.

Ví dụ, cũng chỉ là cái kẹp tóc thôi. Người bạn nữ nói với bạn nam mua cho cái kẹp tóc. Sáng nói, đến chiều tối mới có được cái kẹp tóc, như vậy là ta đang chờ đợi người khác yêu thương ta chứ không phải chính ta yêu thương ta. Cũng như vậy với các vấn đề tình cảm, khi chúng ta yêu, chúng ta hãy thành thật với chính mình và người khác. Một sự lấp lửng và không rõ ràng trong vấn đề tình cảm của mình sẽ gây tổn thương đến người khác. Khi gây tổn thương người khác, ta cũng không vui gì. Ta không vui là ta làm tổn thương chính ta. Chúng ta xử sự ra sao trong vấn đề tình yêu (đôi lứa) là tùy thuộc vào mỗi người và mỗi đối tượng khác nhau. Vấn đề quan trọng là ta phải hành động trong sự thương yêu chính mình.

Thực tập yêu thương bản thân cần có sự hiểu biết về tình cảm tâm lý, môi trường sống xung quanh và các chuẩn mực đạo đức chung của xã hội hiện tại. Chúng ta tin tưởng và yêu thương bản thân mình, nhưng cũng phải hiểu được điều gì là giới hạn cho phép và không cho phép chúng ta hành động hoặc suy nghĩ quá mức. 

Ví dụ, chúng ta ăn đồ ăn mà gây ra ngộ độc cho cơ thể thì chúng ta phải tìm cách thải các chất độc đó ngay ra khỏi cơ thể. Niềm tin mù quáng và không hiểu biết về chính mình có thể gây nguy hại cho chúng ta ngay lúc bị ngộ độc. Khi chúng ta chưa đạt đến mức cao của thiền định là tự loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể nên chúng ta hãy dùng thuốc để loại bỏ độc tố. Cơ thể lúc đó đang mất nước, nhiễm độc và cân bằng nên chúng ta điều khiển chính ta bằng thiền định sẽ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Điều này thường hay gặp ở những người mới thực tập thiền định.

Chúng ta tự yêu thương cái mắt, mắt nhìn không rõ nên ta biết phải đeo kiếng hoặc đi khám Bác sĩ; cái tai không nghe được, tai không nghe được là do ta làm việc trong môi trường ồn ào, các chấn động tâm lý hoặc ngoại cảnh nào đó chăng! Cái mũi ta không ngửi được, không cảm nhận được các mùi thơm, mùi lạ là do vấn đề môi trường, hoặc ngoại lực nào tác động,... 

Chính chúng ta là chúng ta, chính sáu trần đó là của ta nên ta cảm nhận và nhận diện được chúng. Chúng ta biết rõ ràng về nó, hiểu sâu sắc và thường xuyên quán chiếu về nó. Nó là của ta. Chúng ta có thể ngồi yên lặng trong thiền tịnh để nghe về những gì thân thể mình đang có, đang hoạt động. Chúng ta quán chiếu trong thiền tịnh để có được sự yêu thương chính bản thân mình.

Thật tai hại và bị trách móc nếu chính ta không hiểu về ta; chính ta không thương yêu ta; chính ta không nâng niu và chăm sóc cho tâm và thân của ta! Chúng ta không phải cần là một Bác sĩ giỏi để định bệnh cho mình, không cần là một nhà tâm lý trị liệu giỏi để biết tất cả các phương pháp trị liệu, không cần là một nhà hiền triết để lý luận về cuộc sống, không cần là một ai đó để quyết định và nhận định được chính mình. 

Một ví dụ đơn giản. Khi mình vui, thấy mình vui. Chính chúng ta cảm nhận được niềm vui là trước nhất, hiển nhiên rồi. Mình vui và đưa niềm vui đó đi chia sẻ với người khác. Người khác là người thứ hai, biết sau mình về niềm vui. Mình vẫn là mình. Chúng ta vẫn là chỉ là “chúng ta” trừ phi chúng ta chung một mục đích là tự nhận định, tự yêu thương chính bản thân.

Yêu thương chính mình với một chút trang điểm nhẹ làm cho người chồng yêu thương và quý trọng người vợ hơn; một bữa ăn ngon với các thành viên trong gia đình cùng tham gia; một món ăn ngon ta mua về cho gia đình; một cuốn sách hay cho các thành viên trong gia đình; một buổi picnic cùng các thành viên tham gia… 

Chúng ta thực tập thường xuyên tự yêu thương mình sẽ thành một thói quen tốt cho chính chúng ta nhưng không gây hiểu lầm cho các thành viên khác trong gia đình và xã hội. Thực tập cũng phải từng bước, chúng ta không quá nóng vội để đạt được cái này, để đạt được cái khác. Tất cả phải xuất phát từ tâm hồn từ bi và lòng hướng thượng của mình. Khi thực tập chúng ta cũng phải truyền đạt thông điệp yêu thương, sự sẻ chia và mạch thông tin rõ ràng đến các thành viên trong gia đình. Thực tập không tốt sẽ làm đổ vỡ niềm tin của chính mình với mình và người khác với mình. Việc thực tập trong tình yêu thương hướng thượng là chính ta đang yêu thương ta vậy. 

Ví như một người chồng, không bao giờ thấy vợ mình trang điểm từ khi cưới về đến nay. Bữa nay, tự nhiên thấy trang điểm và đi ra ngoài vui nhộn với bạn bè. Người vợ về, nũng nịu chồng mà xưa đến nay người chồng không thấy như thế. Sự hoài nghi và những ý nghĩ khác trong đầu người chồng sẽ phát sinh. Cũng như vậy với người chồng, người vợ tự nhiên thấy quần áo chồng chỉnh tề hơn, đầu tóc bóng lưỡng, xe bóng lộn; người vợ phát sinh ý nghĩ tiêu cực. Sự truyền thông giữa hai người phải được thể hiện rõ trong trường hợp này. Yêu thương chính mình để yêu thương gia đình mình hơn. Thực tập dần dần, sự thấu hiểu, cảm thông của gia đình sẽ hướng đến ấm êm, hoàn thiện và hạnh phúc.

Chúng ta cũng thực tập bằng cách chọn lọc xem các chương trình trên tivi hoặc trên internet mang tính giáo dục và nhân bản. Những chương trình đùa cợt, giải trí gây bực tức, xỉ vả và lăng mạ người khác chúng ta nên tránh xa và không nên xem các chương trình đó chỉ vì tiếng cười tẻ nhạt. Cũng như vậy với sách vở, tạp chí và mạng xã hội. Mạng xã hội thực sự tốt khi chúng ta tiếp nhận được tri thức và phát huy lòng yêu thương trong chúng ta. Chúng ta không phải lúc nào cũng nhắm máy tính hoặc điện thoại và mạng internet. Chúng ta còn có cây đàn, quyển sách, cọ vẽ,... Trên các trang mạng xã hội với vô số các hình ảnh, các lời chia sẻ vô nghĩa, vô vọng, hờn oán, căm phẫn, đả phá, chỉ trích làm cho chúng ta hòa vào môi trường như thế sẽ rất gây nguy hại bản thân. Tham gia vào các tổ chức, các nhóm, các hình thái xã hội khác mà gây hiềm thù, kích bác, đối chọi, hủy diệt bất kỳ một nhóm nào khác, một xã hội nào khác thì tốt nhất không nên tham gia. Chúng ta chọn lọc những gì có thể học hỏi và phát huy được tuệ giác; đó mới là điều thực sự có lợi cho bản thân.

Sống có ích

Cuộc sống dù có ngắn đến mười, hai mươi năm, ba mươi năm, bốn mươi năm hoặc hơn thế nhưng phải sống có ích lợi cho chính mình và người khác. Sống không phải như một cái bóng dưới ánh trăng. Ánh trăng chỉ là ánh trăng soi cho chúng ta bước đi để đến được nơi luôn có ánh sáng. Chúng ta chưa chắc gì đi đến được mặt trăng, nhưng ánh trăng đang soi cho ta, để ta biết được đó là con đường đang có ánh sáng.

Sống có ích phải thực sự sống cho chính mình. Hiển nhiên điều đó không ích kỷ. Một người sống có ích, hai người sống có ích và nhiều người sống có ích thì chúng ta sẽ vươn tới một xã hội tương đối hoàn thiện về thân thể, tâm linh và cấu trúc xã hội. 

Sống có ích cũng không có gì khó khăn với mỗi người. Chúng ta biết các quy tắc về đạo đức xã hội, hãy sống đúng chuẩn mực của xã hội đó; chúng ta hiểu về tự do của con người, ta hãy sống đúng với các chuẩn mực tự do đó; chúng ta biết và thấm nhuần các đạo nghĩa, giáo lý của đạo mình, ta hãy sống đúng với chuẩn mực và tiến tới sự hoàn thiện của chính ta trong giáo lý đó. Chúng ta có trách nhiệm phải bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sự sống của muôn loài; hãy bảo vệ sự sống, hãy bảo vệ muôn loài trong khả năng có thể của ta. 

Trong vấn đề gia đình, chúng ta cũng phải có ích lợi trong cuộc sống gia đình. Chúng ta đang sống, phải sống và sẽ còn sống. Chúng ta phải bảo vệ được các giá trị cốt lõi của gia đình như tình yêu thương với con trẻ, với người phối ngẫu; tình yêu thương với các thành viên khác trong gia đình như cha mẹ - ông bà, với họ hàng, với hàng xóm. Nếu chúng ta quá ích kỷ hoặc vượt qua mọi điều đó để sống thì chúng ta sống không có ý nghĩa gì, không có ích gì cho chính gia đình mình, chính hàng xóm mình. 

Chúng ta thực tập việc chào hỏi của mình với người khác, thực tập nở nụ cười khi nhìn thấy người khác và hướng con trẻ đến giá trị cao quý trong việc chào hỏi và mỉm cười. Chúng ta hướng con trẻ đến các trò chơi hướng thiện, phát triển tư duy và nhân cách của trẻ. Tránh xa và dạy dỗ cho trẻ tránh xa các hành vi bạo lực và các trò chơi bạo lực; hướng đến sự toàn vẹn của văn – thể - mỹ trong trẻ em.

Với xã hội bên ngoài, chúng ta có các hành động, suy nghĩ và nhận biết về cái tốt và không tốt cho môi trường xã hội. Chúng ta không chấp nhận sự vô kỷ luật, vô ý hoặc cố ý của người khác để phá hoại môi trường sống chung. Chúng ta không chấp nhận các hành vi thiếu đạo đức để gây hại cho môi trường sống và xã hội chung mà ta đang sống. Chúng ta không chấp nhận các hành vi bạo hành trong gia đình, bạo hành trẻ em và phụ nữ, phản đối lạm dụng tình dục trẻ em, phản đối các hành động phá hoại tự nhiên thái quá. Chúng ta không thể thay đổi được ngay các quan niệm và các hành vi cư xử của xã hội ở thời điểm hiện tại. 

Cũng như vậy, chúng ta phải ý thức rõ ràng, không vướng mắc cá nhân vào các vấn đề đó cũng có nghĩa là chúng ta đang sống rất có ích lợi cho cho cộng đồng. Sự tranh đấu và hành động ôn hòa của chúng ta phải mang lại lợi ích cho mình và người khác; cho các sinh linh khác. Nếu các hành động phản đối và tranh đấu không mang lại ích lợi gì thì việc tranh đấu, phát huy, tinh tấn của mình hoàn toàn không có ý nghĩa. Các hành vi phá rối, gây hiềm thù kích bác, gây ra bạo động, bạo loạn giữa một số nhóm người gây ra sự hủy hoại và phá vỡ trật tự xã hội đều đáng bị lên án.

Sống có ích cũng là chúng ta luôn hướng đến sự an lành và tốt đẹp cho chính bản thân mình và người khác. Con giun sống còn có thể mang lại màu mỡ cho đất, con ong sống còn mang lại mật ngọt cho đời, le lói vài ánh trăng trong đêm còn mang lại cảm hứng cho các nhà thi sĩ, các nhà thiên văn; nóng nhất như mặt trời còn vẫn tỏa nhiệt lượng ra cho các sự sống quanh mình,.. Sống có ích cho chính mình phải hướng đến sự cao thượng, tốt đẹp và an lành. Mọi cách sống thiếu trách nhiệm và lãng phí cuộc sống của chính mình, không mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội thì được coi như là sống không có ích.

Cũng tốt nếu ta có được các hình ảnh mẫu mực về các danh nhân, các vĩ nhân, các nhà lịch sử, các nhà tiến bộ học trong nghiên cứu khoa học. Các công trình về khảo cổ, các học thuyết, tư tưởng,.. đã có rất nhiều. Chúng ta hiểu rõ và mưu cầu ích lợi cho chính mình và người khác về những giá trị của các bậc tiền nhân đã mang lại. Chúng ta không phủ nhận, không bác bỏ, không hằn thù, không khinh miệt hoặc chê bai. Chúng ta hiểu rằng mỗi mốc lịch sử, mỗi thời gian lịch sử, mỗi môi trường sống, mỗi con người sống trong xã hội thì hoặc phải có cái này hoặc cái khác, không ai giống ai. Hiểu như thế cho mình đừng cố chấp, cho lòng mình vị tha và từ bi hơn, hoàn thiện mình hơn. Đó là hạnh phúc. Hạnh phúc của người khác đã qua đi rồi; hạnh phúc ở hiện tại và tương lai là hạnh phúc của chính mình đang và sẽ có. Hạnh phúc là chúng ta đang được tồn tại, đang sống có ích, đang suy nghĩ và hiểu biết về hiện tại.

Sống hạnh phúc

Hạnh phúc của mỗi người và mỗi sinh linh là khác nhau. Ví như một bông hoa đang hiện diện, ta nhận diện được bông hoa đó, ta hạnh phúc, ta thảnh thơi và am hiểu. Nhưng chắc gì bông hoa đó cảm thấy hạnh phúc. Cũng giống như một người, khi sinh ra là hạnh phúc, là niềm vui của cha mẹ, gia đình và dòng họ. Nhưng giả sử, cũng với một người sinh ra như thế chưa chắc là hạnh phúc của người khác, của gia đình khác, của xã hội khác.

Sống hạnh phúc làm cho chúng ta cảm nhận được những giá trị cốt lõi của tình yêu và niềm tin mà cuộc sống mang lại cho chính bản thân mình. Chúng ta không ảo tưởng về hạnh phúc, hạnh phúc là có thật, chúng ta chuyển biến cảm giác về hạnh phúc và nhận diện chính xác là điều quan trọng. Với một người, hạnh phúc có thể chấm cho thang điểm ba trên mười. Người khác, cũng với hạnh phúc như thế có thể chấm cho thang điểm mười trên mười. Thang điểm ba hoặc mười cũng chỉ là cảm nhận của sự hạnh phúc, nhưng chỉ có vậy thôi, hạnh phúc đã đang tồn tại.

Hạnh phúc cũng không phải là đạt đến sự đầy đủ trong thuyết nhu cầu của Maslow hoặc của thuyết ERG, cũng không phải cứ hẳn là diệt hết được toàn bộ khổ đau rồi mới đạt đến hạnh phúc. Hạnh phúc trong đời thường là sự thảnh thơi, bình dị và an lành. 

Mưu cầu hạnh phúc là mưu cầu chung của xã hội. Cố gắng đạt đến hạnh phúc là cố gắng chung của nhân loại từ xưa đến nay. Rất nhiều lý thuyết, rất nhiều cách và rất nhiều con đường để đạt đến hạnh phúc của chính mình. Chính mình nhận diện được cái gì là hạnh phúc với mình, cái gì mang tính hướng thượng và từ bi với mình và người khác thì đó là hạnh phúc.

Hạnh phúc không hoàn hảo. Hạnh phúc cũng là sự trải qua các cảm nhận, nhận diện của những gì thuộc về không hạnh phúc. Cũng như một cây viết chì, chúng ta có đầu cây viết và đuôi cây viết; mà có đầu thì có đuôi. Đó là sự thật. Sự thật trong Giáo lý đạo Phật vô cùng tinh vi và vi diệu. Chúng ta không nhận diện được sự thật thì hạnh phúc của ta cảm nhận chỉ là hạnh phúc viển vông, giả tạo và vô minh. Cũng như thế, chúng ta cũng hiểu rằng, hạnh phúc là những gì ta đang có, đang tồn tại, đang chiêm nghiệm và chánh niệm. Chỉ cần một bài thực tập thiền hơi thở trước khi đi ngủ năm mười phút là ta đã có hạnh phúc.

Hạnh phúc cũng không quá xa với bất kỳ một cá nhân nào. Chúng ta đừng nghĩ rằng mình không hạnh phúc hoặc chưa bao giờ hạnh phúc. Điều đó chỉ là cảm giác làm cho tâm trí mình u mê, luẩn quẩn và rơi vào trạng thái vô vọng. Chúng ta tồn tại, chúng ta đọc những dòng chữ này là ta đã hạnh phúc rồi. Chúng ta nghĩ và nhận thấy rằng có biết bao nhiêu người muốn đọc và do nhiều điều kiện, hoàn cảnh mà người ta không đọc được. Chúng ta biết được chữ cái Latinh, biết phiên âm và hiểu được từ, hiểu được ý mà có biết bao nhiêu người không hiểu được,.. 

Chúng ta cũng biết được rằng chữ viết, ý tứ của một từ, một bài viết, một cuốn sách là tâm ý của tác giả truyền đạt. Nhưng để hiểu rõ hết sự truyền đạt đó đến với người đọc là gì, ngôn ngữ không diễn tả hết được; có khi ta phải đọc đi đọc lại. Hạnh phúc là ta hiểu được những gì đang có và đang hiện diện. Một sự hiện diện là tốt, cảm giác của hạnh phúc là tốt; một sự hiện diện không tốt, cảm giác của hạnh phúc là không tốt. Hạnh phúc mang trong mình các cảm nhận và nhận diện của tâm ý được trải qua thời gian và không gian nào đó.

Từ bi hỷ xả được coi là sự giác ngộ cao nhất của Đạo Phật. Khi đã không còn khổ đau, không còn vướng bận, không vướng mắc vào bất kỳ điều gì khác thì chúng ta đạt đến khổ diệt. Khi đã diệt được cái khổ, ta thảnh thơi và an lạc. Chúng ta sống trong sự thảnh thởi và an lạc khi đã có sự toàn vẹn của duyên khởi trong chính bản thân.

Trong bộ sách “Hạt Giống Nảy Mầm” có tập sách về thiền hướng dẫn phương pháp chúng ta thực tập tinh tấn, tuệ giác, thảnh thơi và an lạc. Hiển nhiên rằng hạnh phúc mà thiền mang lại cũng chưa đủ cho mỗi cá nhân khi chúng ta mới thực tập thiền. Mỗi một cá nhân phải thực tập nhiều, phải hiểu biết, vị tha, bao dung, bác ái và hiểu biết về yêu thương nhiều qua bộ sách này và các kiến thức ngoài cuộc sống khác.

Không thể diễn tả hết được về hạnh phúc và cũng không thể sách vở, tư tưởng nào diễn tả hết hạnh phúc là gì. Hạnh phúc là bạn đang tồn tại, bạn đang đọc sách; hạnh phúc là bạn dẫn gia đình mình đi công viên, nhà sách; hạnh phúc là bạn được ngồi ăn với người mình thương; hạnh phúc là có được sự chăm sóc, tin yêu của người khác,.. Nhưng hạnh phúc là khi ta diệt được hết nỗi khổ niềm đau, không còn nỗi khổ niềm đau. Đó mới là hạnh phúc thực sự trong thảnh thơi và an lạc, hạnh phúc nơi chân đế.

Sống thảnh thơi

Chúng ta sống cuộc sống thảnh thơi vì cuộc sống là vô thường. Vì sự vô thường nên chúng ta hay bị luẩn quẩn về hạnh phúc và thảnh thơi. Khi nhận định được sự vô thường, vô ngã và khổ đau thì chúng ta đi tới thảnh thơi và an lạc.

Thảnh thơi có được là do hành động và tâm ý của chính chúng ta. Chỉ cần một vài hơi thở vào – hơi thở ra chúng ta cũng có được sự thảnh thơi ngay giây phút hiện tại. Sự thảnh thơi đó có được là do chúng ta đang quan sát hơi thở. Thân và ý đang tồn tại cùng với hơi thở. Chúng ta chỉ có một cái thân, chỉ có một cái ý thì khi tập trung vào với hơi thở, chúng ta không còn suy nghĩ đến các vấn đề bên ngoài khác. Chúng ta không suy nghĩ về quá khứ, không suy nghĩ đến tương lai mà chỉ tập trung vào hơi thở và quan sát nó. Chính vì vậy ta đã thảnh thơi ngay giây phút hiện tại, ngay lúc ta tập trung thân và ý.

Dĩ nhiên, chúng ta còn nhiều vấn đề trong cuộc sống nhưng thảnh thơi được cho chính mình ở giây phút hiện tại, ngay lúc thiền, là đã có hạnh phúc và an lạc. Khi ta uống trà, uống cà phê, ta biết mình đang uống trà hoặc cà phê; khi đi với con trong công viên, ta biết đang đi chơi với con trong công viên; khi ngồi bên người mình thương, ta biết ta đang ngồi với người mình thương; khi rửa chén ta biết đang rửa chén; khi ăn cơm ta biết ta đang ăn cơm,.. đã là thảnh thơi rồi. 

Thảnh thơi chỉ có thể nhận biết và cảm nhận nhận qua giây phút hiện tại. Nếu chúng ta đánh mất giây phút hiện tại cho những việc làm, những hành động, những ý nghĩ của mình ở giây phút hiện tại thì thật nguy hiểm. Chúng ta đã tắt đèn mà không biết mình đã tắt đèn chưa; đang nấu ấm nước, không biết mình đang nấu ấm nước; đang chạy xe, không biết mình đang chạy xe,.. là tâm ý và hành động của chúng ta không có mặt ở giây phút hiện tại. Hậu quả thật không lường hết!

Sống chánh niệm ở giây phút hiện tại là khi ta bật đèn ở cầu thang, ta biết đã bật; ta ăn đồ ăn ngon, ta cảm nhận được ngon; bật tivi coi xong biết đã tắt; ở với người thương, biết ở với người thương; ăn cơm, biết ngon. Đó là chúng ta đang thực tập thảnh thơi cho cuộc sống của chính mình. Thảnh thơi được chúng ta hiểu như mọi suy nghĩ, mọi ưu phiền, những khổ đau ở hiện tại và quá khứ được bỏ qua, được buông bỏ; chúng ta không màng gì đến sự sinh diệt và vướng bận hoặc đau đáu suy nghĩ về các vấn đề ở tương lai. Chúng ta thực tập thảnh thơi trong sự hiểu biết về chính bản thân mình, về gia đình mình, về xã hội mình và về các giá trị tinh thần khác mà chúng ta đang cảm nhận, đang nhận diện. Thảnh thơi khác với vô trách nhiệm.

Cũng như thế, sự thảnh thơi trong tuổi tác. Ta không còn khuất tất hoặc vướng bận gì về cách mà ta đã sống ở hiện tại cũng như quá khứ, ta thảnh thơi, an nhàn và thanh tịnh. Đó mới thực sự thảnh thơi. Thảnh thơi trong hiện tại chúng ta phải dùng vào mục đích hướng thiện, hướng đến sự tin yêu và không để phí giây phút thảnh thơi. Chúng ta cũng phải chắc chắn rằng sự thảnh thơi không mang tính tiêu cực và cũng phải chắc chắn rằng sự tự do, thảnh thơi và an lạc là các danh từ để chỉ mức độ cảm nhận, nhận diện khác nhau về hạnh phúc. Có như vậy thảnh thơi là thực sự của thảnh thơi. Thảnh thơi càng nhiều, hạnh phúc càng nhiều.

Chúng ta càng hạnh phúc, chúng ta phải càng biết giữ gìn và duy trì hạnh phúc. Hạnh phúc ở trong chính ta. Hạnh phúc có được là công việc làm mang lại, ăn uống, vận động thân thể và hướng đến một giá trị tâm linh tốt đẹp. Vì vậy chúng ta phải luôn luôn chăm sóc thân và tâm ở ngay giây phút hiện tại để có thảnh thơi và hạnh phúc.

Nguyễn Trường Giang
Trích trong Hạt giống nảy mầm - tin yêu
Còn nữa...
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm