Hiểu về 'hạnh tinh tấn' trong đạo Phật
Với cái đức tinh tấn này, người tu diệt sự giải đãi, biếng nhác trong tâm. Nhờ tinh tấn, sốt sắng, dũng mãnh, chuyên cần, người tu chẳng biết mỏi mệt chút nào hoặc về thân, hoặc về tâm.
> Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Đức Phật tại đây
Những kẻ lười biếng tìm đủ dịp, lấy đủ cớ mà trốn tránh, chối từ phận sự. Hoặc họ bảo rằng sớm lắm, chưa phải lúc; hoặc họ bảo rằng muộn lắm, không thể làm. Hoặc họ nói nắng, nói nực, nói lạnh, nói mưa, nói đau, nói yếu, chê trách người vật, than phiền hoàn cảnh. Còn người tinh tấn thì bao giờ cũng nhặm lẹ, sẵn sàng, không bỏ qua dịp phải, chú ý đến cơ hội, rất tiết kiệm thì giờ, lại còn tự tạo nên những cảnh thuận tiện nữa. Không làm bằng tay thì làm bằng trí, không làm cho mình thì làm cho người, chẳng hề biết nghỉ ngơi như thường tình.
Người tinh tấn tỷ như dòng nước, dẫu cho nhỏ yếu, nhưng chảy mãi thì cũng xoi thủng được, làm mòn được hòn đá to. Kẻ giải đãi tỷ như người đào giếng, dầu có sức mạnh, nhưng đào được nửa chừng rồi ngán mà bỏ, thì làm sao có nước mà uống?
Người tinh tấn về đạo bao giờ cũng sốt sắng mà bố thí cho đời, lo cho chúng sanh về tài vật và về pháp lý. Người tinh tấn bao giờ cũng sốt sắng mà trì giới, lo cho thân tâm trong sạch, chẳng chút bợn nhơ vì sở dục. Người tinh tấn bao giờ cũng sốt sắng mà nhẫn nhục, cam chịu các sự đắng cay, khổ não, hoạn nạn, lãnh lấy các điều oan uổng vì chúng sanh. Người tinh tấn bao giờ cũng sốt sắng mà tham thiền, lắm người trọn đời chẳng ngủ, ngồi yên một chỗ mà định thần tu niệm. Cho nên tinh tấn cũng là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định và trí huệ. Thực hành tinh tấn tức là thực hành các hạnh nguyện kia; và thực hành tinh tấn cho hoàn toàn thì hành mấy nền đức kia cũng được hoàn toàn nữa.
Người tinh tấn có bốn đại nguyện mà trải qua nhiều đời đều tận tâm gìn giữ, thực hiện.
1. Bao giờ cũng quyết diệt các mối phiền não trong người, diệt các sự tham ác, sân hận, si mê. Tức là diệt thất tình: mừng, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, tham; và lục dục.
Phiền não khi chưa phát khởi nơi ta, thì ta phải phòng bị xa lánh chúng nó trước. Đến chừng có cơ hội, chúng nó phát động nơi ta, xúi giục ta, thì ta phải diệt trừ chúng nó, vượt khỏi sức quyến rũ, sức chế ngự của chúng nó vậy.
Một đàng khác, chúng ta phải tu tập pháp lành. Khi trong tâm ta thiếu những đức lành, ta phải phát khởi những đức lành ấy. Và mỗi khi ta có được những đức lành nào, ta cố sức mà duy trì và bồi dưỡng chúng nó.
Xa lánh phiền não, vượt khỏi phiền não, phát khởi những đức lành, duy trì đức lành, đó là bốn phận sự hằng ngày của người tinh tấn chân chánh. Vậy tinh tấn tức là:
Điều ác chớ làm,
Điều lành giữ lấy.
2. Bao giờ cũng quyết học hết các pháp môn. Pháp Phật đã là vô tận, mênh mông, giải không cùng, nói không xiết, bao la, rộng lớn như cát sông Hằng. Song người tinh tấn quyết định phải cho thông hết mới nghe, dầu là pháp môn Hiển giáo hay là pháp môn Mật giáo, dầu là pháp môn thế gian hay là pháp môn xuất thế gian. Ngoài ra, người tinh tấn cũng học hỏi và nghiên cứu các pháp môn của ngoại đạo, các pháp thiện xảo về văn chương, khoa học kỹ nghệ, toán số, y học, âm nhạc, thiên văn.. Vì bậc đại Bồ-tát cần phải biết tất cả đặng tùy duyên mà độ đời. Chính Phật là bậc hiểu biết tất cả, vì ngài đã tinh tấn học hết các pháp môn vậy.
3. Bao giờ cũng quyết độ tất cả chúng sinh. Người tinh tấn sẵn lòng mà giúp người, cứu đời, không trừ bỏ một chúng sanh nào. Bao giờ người cũng hết sức lo cho chúng sanh. Trong khi tu học lục độ, người đã dũng mãnh đem lục độ ra mà độ chúng sanh rồi: Những lúc cần phải bố thí, thì người bố thí cho chúng sanh, đem thân thể mà cung phụng, đem tiền của mà chu cấp. Người cũng độ đời bằng sự trì giới, tự mình hộ trì giới luật dường như bảo châu, đem gương trì giới mà soi cho đời, dạy dỗ cho đời biết giới hạnh, phong hóa, đạo nghĩa. Người lại khuyên đời bằng sự nhẫn nhục, đem những lẽ nhu hòa thiện thuận mà giáo hóa những kẻ nóng nảy, tham mê. Người cũng dùng đức tinh tấn mà thực hiện trong đời, khiến người diệt trừ phiền não và tăng tấn đức lành. Người cũng tự mình thiền định, đắc pháp thiền định và nung chí cho những người tu học về pháp ấy. Người được trí huệ sáng suốt, đem sự sáng suốt của mình mà soi tỏ cho người khác, đem sự hiểu biết của mình mà khai hóa cho đời. Đó là tinh tấn mà làm hạnh tự độ độ tha, tự giác giác tha; tinh tấn mà độ cho vô lượng chúng sanh thành Phật trước mình. Bậc tinh tấn dùng các phương tiện trong lục độ mà độ cho chúng sanh trong khi mình còn tu học chớ chẳng chờ đến lúc mình thành Phật rồi mới độ sau. Vì thời kỳ đó còn xa, mà hiện thời chúng sanh vẫn đau khổ, mê lầm, mình há làm ngơ sao?
4. Bao giờ cũng quyết thành Phật. Người tinh tấn Đại thừa để cái mục đích mình vào sự thành Phật. Dõng mãnh mà thi hành giới luật, cố công mà học các pháp môn, gắng sức mà thẩm xét, tham thiền. Người tinh tấn hành tất cả lục độ một cách triệt để. Người bình tĩnh và sáng suốt mà thấy rằng mình có Phật tánh, Như Lai tánh. Người tự nhận rằng hiện thời mình là một đức Phật lý, một đức Như Lai lý, và trong một đời sau, về thuở tương lai thế nào mình cũng đạt cả lý và sự, chừng ấy mình sẽ lên ngôi Chánh giác, Phật, Như Lai, Thế Tôn.
Đó là bốn điều nguyện lớn, mà lúc nào người trì tinh tấn Ba-la-mật cũng dõng mãnh mà thi hành.
Trong kinh Pháp Hoa, đức Thích Tôn phán rằng ngài nhờ thọ trì tinh tấn mà chóng thành Phật. Có một đời kia, ngài với A-nan đều phát tâm Bồ-đề cùng một lúc, tức là hai người trong một lúc quyết ý tu cho thành Phật. Ngài bèn trì tinh tấn, A-nan lo hộ trợ pháp Phật. Từ buổi phát tâm tới sau, ngài quả quyết, phấn chấn trong sự tinh tấn, nên ngài đã thành Phật. Còn A-nan hiện làm Bồ-tát, cũng còn hộ trợ Pháp tạng, chứ chưa lên ngôi Phật.
Trích sách "Đạo lý nhà Phật"
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm