Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 28/06/2015, 15:47 PM

Hồ Chí Minh với công tác tôn giáo và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc

Trong di sản Hồ Chí Minh để lại cho nhân loại ngày nay thì vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo luôn chiếm một vị trí quan trọng. Từ  những lời căn dặn, những cử chỉ, hành động cho đến phong cách ứng xử của Người đối với các tôn giáo nói chung, với các Chức sắc, tín đồ và nhà tu hành nói riêng luôn là những bài học quý giá cho công tác tôn giáo hiện nay và mai sau.

1. Tôn trọng và đảm bảo quyền quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là nền tảng xuất phát trong công tác tôn giáo.      

Cách mạng tháng Tám thành công, dù bộn bề với nhiều công việc cấp bách nhưng chỉ một ngày sau khi đọc “Tuyên ngôn độc lập”, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời ngày 3 tháng 9 năm 1945, với quan điểm kiên định: "tự do tôn giáo", Người đã đề nghị tuyên bố: "tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết"1.       

Đứng ở vai trò là người chủ trì xây dựng Hiến pháp năm 1946, tại điều 10, Người đã khẳng định: "Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng". Từ đó, đã có nhiều văn bản được sự chỉ đạo trực tiếp của Người liên quan đến việc khẳng định, hướng dẫn thi hành vấn đề tôn giáo ra đời, cụ thể như; tại Điều thứ 7 Điểm 1 trong Chính cương của Mặt Trận Liên Việt có ghi; "Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng của mọi người"; Điều 8 của Chính cương Đảng Lao Động Việt Nam viết: "Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của mọi người dân''. Kết thúc buổi lễ ra mắt của Đảng Lao Động Việt Nam, Người cũng đã phát biểu: ''Vấn đề tôn giáo thì Đảng Lao Động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người”2.      
  
Về  vấn đề ruộng đất của tôn giáo tại chương III, Điều 25 của Bộ luật Cải cách ruộng đất được Người ký vào ngày 19 tháng 12 năm 1953 đã quy định: "Những đối tượng được chia trong đó có nhà chung, nhà chùa, từ đường và các cơ quan tôn giáo được để lại  một phần ruộng đất để dùng vào việc thờ cúng."      

Để tiếp tục có sự định hướng đúng đắn cho công tác tôn giáo, ngày 14 tháng 6 năm 1955, Người đã ký sắc lệnh: 234/SL về vấn đề tôn giáo. Với 5 chương 16 điều, trong đó ở chương I điều 1 đã viết: "Chính phủ phải đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy, mỗi người dân Việt Nam đều có quyền theo và không theo một tôn giáo nào. Các nhà tu hành được tự do giảng đạo tại các cơ quan tôn giáo (như nhà thờ, chùa, thánh thất, trường giáo lý)…" 
     
Ngoài các văn bản pháp luật, để quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo được thực tế hoá trong cuộc sống, bằng hành động cụ thể, không chỉ được khẳng định về mặt pháp lý mà luôn được đảm bảo cả trên thực tế. Ở Người chúng ta luôn thấy được sự nghệ thuật ứng xử lịch lãm, chân thành của một người cách mạng, nhà mác xít "không hề có kẻ thù cá nhân'' đối với những người theo tôn giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo: "Chính quyền, quân đội và đoàn thể phải tôn trọng tín ngưỡng, phong tục, tập quán của đồng bào'', phải chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng đối với tất cả các tôn giáo. Người cũng gửi đến các tín đồ Phật giáo: "lời chào đại hoà hợp"; thư chúc mừng thăm hỏi đồng bào Công giáo, Tin Lành trong mỗi dịp lễ Noel.        
 
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong một điều kiện lịch sử cụ thể khi mà niềm tin tôn giáo còn là điều thiêng liêng, là nhu cầu chân chính của nhân dân thì tất yếu phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đúng như Giám mục Lê Hữu Từ - một chức sắc có uy tín lớn trong đồng bào Công giáo, người từng có thời gian kích động đồng bào Công giáo chống Chính Phủ đã thừa nhận rằng: "Đối với Hồ Chí Minh các lời lẽ của cụ phê phán Giáo hội không bao giờ chạm đến đức tin, mà chỉ nằm ở phạm vi các vấn đề cơ chế và chính trị"

"Hội hè, tín ngưỡng, báo chương
Họp hành đi lại có quyền tự do"      
 
Trong bài "Tự do tín ngưỡng" với bút danh M.H được đăng tải trên báo Nhân dân ngày 26 tháng 1 năm 1952, Người viết: "Những tôn giáo chính ở nước ta là Đạo Phật và Đạo Thiên Chúa. Phật Thích Ca là một người Quý tộc, Người đã bỏ hết công danh, phú quý để đi cứu vớt chúng sinh. Tức là cứu vớt những người lao động nghèo khổ. Chúa Giêsu là người lao động, Người vui lòng hy sinh tính mạng để cứu vớt những người lao động nghèo khổ chống lại bọn Pharidieng (tức bọn bóc lột). Mục đích cao cả của Phật Thích Ca và Chúa Giêsu đều giống nhau: Thích Ca và Giêsu đều muốn mọi người có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng, tự do và thế giới đại đồng" . Đối với Bác, tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo, nắm bắt tình cảm, thấu hiểu tâm lý chức sắc tín đồ, tránh sự công kích, đa nghi, chế giễu là viên gạch đặt nền móng đầu tiên cho công tác quan hệ với các Tôn giáo.    
 
Là  một nhà cách mạng, người Mácxit phương Đông chân chính kiên định: "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất và cách mệnh nhất chủ nghĩa Lênin"3. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đuờng nào khác con đường cách mạng vô sản. Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ, nhưng như lời  của Sainteny - một quan chức cao cấp của chính phủ Pháp, nhân vật đối thoại chủ yếu với chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1945 - 1946 trong cuốn đối diện với Hồ Chí Minh (Face a Ho Chi Minh) lúc bấy giờ đã nhận xét: "Về phần tôi, phải nói rằng, chưa bao giờ tôi có cơ sở để nhận thấy trong chương trình của Hồ Chí Minh một dấu vết nào, dù nhỏ của sự công kích, đa nghi hoặc chế giễu đối với một tôn giáo bất kỳ" chúng ta không bao giờ tìm thấy sự phân biệt đối xử, bài xích các tôn giáo trong tư tưởng của Người.    
    
Giáo sư Nhật Bản Furuta Môtô từng nói: ''Chủ tịch Hồ Chí Minh đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng biết tiếp thu cái hay của đạo Phật, Khổng Tử, M.Gandhi… Người có tài hoà mình vào dòng sông lớn của văn minh nhân loại. Chính quan điểm rộng rãi này đã giúp Người tập hợp được các tầng lớp nhân dân rộng rãi, xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc"4 
     
Hiện nay, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta nên việc thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật, hướng cho các tôn giáo hoạt động bình đẳng trong khuôn khổ pháp luật. Từ đó tạo nên sự phấn khởi của Chức sắc và quần chúng tín đồ, củng cố niềm tin của họ vào Đảng và Nhà nước, để họ ủng hộ và tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hiện nay cũng chính là thể hiện được sự kế thừa, học tập và vận dụng linh hoạt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện và thời đại lịch sử mới - thời đại đưa cả nước vững bước tiến lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

2. Đề cao sự tương đồng, khắc phục dần sự khác biệt giữa các tôn giáo để phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. 
     
- Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiểu rõ những tồn tại, hạn chế trong học thuyết các tôn giáo nhưng thay vì tìm cách khoét sâu vào đó để chê bai, bài trừ với tinh thần gạn đục khơi trong, tiếp thu có chọn lọc tìm ra hạt nhân hợp lý, Người luôn đánh giá cao tinh thần trọng đạo đức, lòng bác ái, từ bi, thương người trong giáo lý các tôn giáo, trên cơ sở tìm ra những điểm tương đồng, gặp gỡ giữa các tư tưởng để hình thành và xây dựng nên khối đoàn kết dân tộc, phục vụ cho công cuộc kháng chiến kiến quốc, mưu cầu hạnh phúc no ấm cho nhân dân. Người từng nói: ''Mục đích chính phủ ta theo đuổi là chiến đấu vì nền độc lập và đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Song để đạt tới hạnh phúc đó cho mọi người cần phải xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu đức Chúa Giê su sinh ra vào thời đại chúng ta và đặt mình trước những nỗi khổ đau của người đương thời, chắc ngài sẽ là một người xã hội chủ nghĩa đi tìm con đường cứu khổ loài người"5. Điều này có nghĩa là giữa tôn giáo và chủ nghĩa xã hội có cùng chung mục đích hướng đến. Người coi tôn giáo như là nơi gửi gắm nguyện vọng thiết tha của một bộ phận quần chúng lao động mong chờ  sự giải thoát khỏi áp bức, bất công, nghèo khổ, từ đó cổ vũ họ tham gia kháng chiến, kiến quốc. 
     
Người chỉ ra những giá trị tương đồng giữa đạo đức tôn giáo và đạo đức cộng sản. Khi đề cập đến chúa Giêsu: "Gần hai mươi thế kỷ trước, một vị thánh nhân đã ra đời. Cả đời người chỉ lo cứu thế độ dân, hy sinh cho tự do bình đẳng. Phật Thích ca là một người quý tộc. Người đã bỏ hết công danh phú quý để cứu vớt chúng sinh" Điều này có những điểm tương đồng với các đặc trưng về văn hoá, đạo đức trong xã hội Xã hội chủ nghĩa, con người có đời sống tinh thần phong phú, người với người là ban bè, là anh em, là đồng chí.
     
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: "Ở con người Hồ Chí Minh mỗi người đều thấy hiển hiện của nhân vật cao quý nhất, bình dị nhất  và được yêu quý nhất trong gia đình mình... Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng Bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên"6
     
- Đại đoàn kết là truyền thống quý báu, một sức mạnh vĩ đại đã được thử thách qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Với tầm nhìn của một lãnh tụ chính trị thiên tài và sáng suốt, từ rất sớm chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được vai trò to lớn của đồng bào các tôn giáo, thấy được sự tác động tích cực trên nhiều mặt của họ đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, đối với Người đoàn kết tôn giáo cũng chính là đoàn kết dân tộc - là mục tiêu, nhiệm vụ nhưng đồng thời cũng chính là vấn đề chiến lược, đưa đến những thắng lợi của cách mạng Việt Nam.      
 
Trong bất cứ thời điểm nào, trên cơ sở đánh giá đầy đủ, đúng mức vai trò của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội, Người cũng đặt tôn giáo trong quan hệ với dân tộc, để chỉ ra : ''dân tộc giải phóng thì tôn giáo mới được giải phóng"7. Dân tộc được độc lập, nhân dân được tự do thì đạo pháp mới được thực hiện.  
     
Tư tưởng đại đoàn kết của Người không chỉ bó hẹp trong phạm vi giữa người có đạo và không đạo mà còn đi sâu mở rộng vào việc đoàn kết trong nội bộ đồng bào các tôn giáo khác nhau.
     
Như lời Người dạy: "Học thuyết Khổng tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê-su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng...Khổng Tử, Giê-su, Mác...chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn hạnh phúc cho loài người, cho xã hội. Nếu nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định sống chung với nhau như những người bạn thân thiết..."      
 
Hay khi phát biểu trong bữa tiệc đoàn kết Lương - Giáo tại chùa Bà Đá chiều ngày 16 tháng 10 năm 1945, Người nói: "Mặc dầu hai tôn giáo có hai lý tưởng khác nhau nhưng tôn giáo nào cũng ở từ bi, nhân đạo mà ra, thì không lý gì lúc này cũng là con dân Việt Nam, lại không thể có sự đoàn kết giữa hai tôn giáo được" Người  nhấn mạnh: "Tín đồ Phật giáo tin ở Phật; tín đồ Gia - tô tin ở đức Chúa Trời, cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng.
       
Người nói: Dân tộc giải phóng thì Tôn giáo mới được giải phóng. Lúc này chỉ có quốc gia mà không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc. Người kêu gọi các Tôn giáo hãy xoá bỏ hiềp khích, đoàn kết cùng toàn dân lo cho nền độc lập của nước nhà: "Công giáo hay không Công giáo, Phật giáo hay không Phật giáo đều phải nên nỗ lực đấu tranh cho nền độc lập của nước nhà. Nhiệm vụ của toàn thể chúng ta là phải giữ vững nền độc lập".

Theo Người, độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho toàn dân là mẫu số chung để đoàn kết mọi người, trong đó đồng bào các Tôn giáo cũng không thể là ngoại lệ, Hơn nữa đối với Người xây dựng Đoàn kết các tôn giáo từ đó hình thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc còn để chống lại sự lợi dụng của các thế lực thù địch. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng dân tộc, chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để dễ thống trị. Tôi đề nghị chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết... Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành bức tường xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo huyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại. Sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân, không phân biệt thành phần xã hội, giai cấp, tôn giáo, dân tộc là sức mạnh vô song, nhấn chìm bè lũ cướp nước và bán nước trong cuộc đấu tranh chung vì độc lập dân tộc..."  
     
Nét độc đáo trong tư tưởng này là Người không những “đã cố gắng tạo ra cơ sở lý thuyết làm nền tảng của sự đoàn kết đó hết sức mềm dẻo mà vẫn cương quyết bảo đảm những điều kiện thực sự cho sự đoàn kết ấy"8 Với chính sách đoàn kết tôn giáo của Người – lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp thì đó luôn là sự chân thành, chiến lược và nhất quán trong tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày nay, tôn giáo và công tác tôn giáo đang được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, hướng vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Làm cho lương giáo một lòng, vì sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp đổi mới của đất nước. Thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh. 
 
Phạm Văn Hòa
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3/2015

-
Chú  thích:
1. Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb, H, 2002, t6, tr. 184.
2. Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb, H, 2002, T4, tr. 9.
3. Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb, H, 2002, t2, tr. 268.
4. GS. Song Thành, Hồ Chí Minh nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb LLCT, H, 2005, tr.94.
5. Tạp chí nghiên cứu tôn giáo, số 5. 2009 tr. 10.
6. Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb sự thật, 1990, tr. 19.
7. Tạp chí Lịch sử đảng, số 11/2006, tr. 23.
8. Tạp chí Lịch sử đảng, số 11/2006, tr. 23.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm