Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 16/11/2024, 20:49 PM

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Có người hỏi rằng: Vì sao gọi thầy mình là Hòa thượng và A-xà-lê?

Trả lời: Do trong tiếng Hán không có từ ngữ thích hợp hoặc tương đương để diễn đạt, nên căn cứ vào nội hàm của từ ngữ để dịch ra.

Trong Thiện kiến luật nêu: “Vô tội mà chỉ ra được tội và quở trách thì gọi là thầy của ta; do cùng ở trong thiện pháp mà dạy dỗ khiến cho hiểu biết thì đó là bậc A-xà-lê của ta”. (1)

Vô tội mà chỉ ra được tội là chỉ cho người đệ tử tu tập, bên ngoài dường như hoàn toàn thanh tịnh, không có lỗi lầm gì, nhưng dưới con mắt của vị thầy có đủ đức độ, có thể phát hiện ra người đệ tử ấy vẫn còn tồn tại những sai lầm. Thầy tức là thân giáo sư, còn gọi là Hòa thượng. Thiện kiến luật nêu: Hòa thượng nghĩa là người thông hiểu giáo lý, biết rất rõ những quy định của giới luật, có đủ khả năng tùy thời mà điều chỉnh những ngôn ngữ và hành vi của người đệ tử, khiến cho người đệ tử ít phạm tội hoặc không phạm tội. A-xà-lê nghĩa là Giáo thụ sư, người có thể dạy dỗ đệ tử về uy nghi phép tắc…, khiến cho người đệ tử biết được thế nào là thiện pháp, đồng thời hướng dẫn người đệ tử tu tập.

Trong Luận và Truyện nêu: “Hòa thượng là tiếng nước ngoài, tiếng Hán có nghĩa là người chỉ ra việc phạm tội và không có tội, đó gọi là Hòa thượng”. (2)

Luận ở đây chính là Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa, còn Truyện thì đại đa số các nhà chú thích cho rằng, đó là Pháp Hiển truyện. Trong hai bộ đó nêu: Hòa thượng là tiếng nước ngoài, nghĩa là người có khả năng thấy được những hành vi và ngôn ngữ của người đệ tử có tội hay không có tội, tức là có phạm giới hay không phạm giới, người ấy gọi là Hòa thượng. Trách nhiệm của một vị Hòa thượng, một mặt là hiểu rõ về những quy định khai-giá-trì-phạm của giới luật, mặt khác là luôn luôn chú ý quan sát những hành vi và ngôn ngữ của người đệ tử, nếu đúng như pháp thì kịp thời động viên khích lệ, còn không đúng như pháp thì có phương pháp ngăn chặn bằng cách phê bình và dạy dỗ.

Tứ phần luật nêu: “Trong pháp khuyên răn của đệ tử đối với Hòa thượng cũng giống như vậy.” (3)

Ảnh: Trưởng lão HT.Thích Thiện Nhơn - Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN

Ảnh: Trưởng lão HT.Thích Thiện Nhơn - Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN

Trong Tứ phần luật đề cập: Hòa thượng ắt phải hiểu rõ hành vi ngôn ngữ của người đệ tử có đúng như pháp hay không, có phạm tội hay không, đồng thời phải kịp thời dạy dỗ uốn nắn. Ngược lại, nếu như Hòa thượng không đủ khả năng hoặc không răn dạy được thì người đệ tử phải nên từ bỏ mà ra đi, bởi vị thầy đó sẽ không giúp gì cho người đệ tử. Trong Luật nêu ra năm trường hợp người đệ tử nên từ bỏ Hòa thượng:

Người đệ tử như pháp tu hành nhưng Hòa thượng không biết.

Người đệ tử không như pháp tu hành, Hòa thượng vẫn không biết.

Người đệ tử phạm giới, Hòa thượng không quở trách, uốn nắn.

Người đệ tử không phạm giới, Hòa thượng cũng không biết.

Người đệ tử phạm giới nhưng đã sám hối, Hòa thượng vẫn không biết.

Gặp một trong năm trường hợp như trên, hiển nhiên vị Hòa thượng đó không quan tâm dạy dỗ, hoặc không có khả năng dạy dỗ đệ tử, nên vị ấy không đủ tư cách làm thầy. Đã như vậy, việc nương tựa vào Hòa thượng để tiến tu đạo nghiệp chẳng có tác dụng gì, người đệ tử nên tìm vị minh sư khác để y chỉ.

Luật nhị thập nhị minh liễu luận nêu: “Ưu-ba-đà-ha dịch là nương học, do nương vào người này để học về ba môn giới, định và tuệ, người đó chính là Hòa thượng, nhưng do ngôn ngữ khác nhau nên có cách gọi khác mà thôi” (4). Hòa thượng được dịch từ tiếng Phạn Upādhyāya (dịch âm là Ưu-ba-đà-ha hoặc Ổ-ba-đà-da), nghĩa là nương học, tức là y chỉ vào thầy để học về giới, định và tuệ. Đây là cách căn cứ vào nội hàm của từ ngữ để dịch ra. Sở dĩ có những bất đồng về tên gọi như vậy là bởi sự khác nhau về ngôn ngữ.

“Tương truyền rằng: Hòa thượng có nghĩa là lực sinh (đạo lực của người đệ tử do Hòa thượng mà thành tựu); A-xà-lê nghĩa là chính hạnh (hướng dẫn chính hạnh cho đệ tử). Hai nghĩa trên không xuất phát từ kinh luận”.

Ý nghĩa của Hòa thượng là lực sinh được truyền dạy này, tức nói đạo lực của người đệ tử được sinh khởi là do sự hướng dẫn tu tập của Hòa thượng. Còn ý nghĩa A-xà-lê là chính hạnh, tức là người thầy uốn nắn những hành vi, ngôn ngữ của người đệ tử. Theo nội hàm của ngôn ngữ thì cơ bản ý nghĩa là trùng khớp nhau. Tuy nhiên Luật sư Đạo Tuyên (596-667) đã chỉ ra, hai cách giải thích trên hoàn toàn không có trong kinh luận. “Trong Tạp A-hàm chép, ngoại đạo cũng gọi thầy mình là Hòa thượng”.

Căn cứ vào sự ghi chép trong Tạp A-hàm kinh thì thấy được, những người ngoại đạo cũng thường gọi vị thầy của mình là Hòa thượng. Như vậy, cách xưng hô này hoàn toàn không phải chỉ riêng Phật giáo mới có.

Đệ tử: Người học sau mình thì gọi là đệ; sự hiểu biết của họ là nhờ mình chỉ dạy, gọi là tử.

Từ “đệ tử” được hình thành từ hai tầng nghĩa: theo thầy để tu học thì gọi là đệ; những hiểu biết về Phật pháp đều do thầy hướng dẫn và dạy dỗ mà có, gọi là tử. Cho nên, đệ tử là người nương tựa vào thầy để tu học, hoàn toàn nhờ vào thầy dạy dỗ mà có được hiểu biết về Phật pháp. Do mối quan hệ giữa thầy trò như thế, nên người đệ tử phải xem người thầy của mình như người anh, như người cha, phải biết cung kính, phải biết hầu hạ và vâng lời, cho nên tiếng Hán gọi là sư phụ. “Sự hiểu biết của họ là nhờ mình chỉ dạy” cũng tức là nói “giới thân huệ mạng của người đệ tử được phát sinh cũng từ người thầy”, tức là do Hòa thượng truyền trao mà đắc được giới thể.

Chú thích: 

1. Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa, quyển 1. Đại chính tạng, tập 24, tr.681a.

2. Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa, quyển 17. Đại chính tạng, tập 24, tr.792c.

3. Tứ phần luật, quyển 59. Đại chính tạng, tập 22, tr.1004b.

4. Luật nhị thập nhị minh liễu luận, quyển 1. Đại chính tạng, tập 24, tr.672a.

(Trích dịch từ Vấn đề giáo dục Tăng-già, tác giả Thích Tế Quần, Nxb Đại Thiên, Đài Bắc, 2023)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Kiến thức 20:49 16/11/2024

Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Săn sóc cha mẹ khi già bệnh

Kiến thức 19:00 16/11/2024

Không có nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau của người con khi mất cha mất mẹ, và cũng không có nỗi xót xa nào bằng nỗi xót xa khi hồi tưởng lại những năm tháng cha mẹ còn sống, mình đối xử chưa trọn vẹn đối với các đấng sanh thành.

Lãnh đạo bằng tâm không

Kiến thức 14:45 16/11/2024

Lãnh đạo bằng tâm không là một phong cách lãnh đạo độc đáo, trong đó người lãnh đạo không chỉ tập trung vào việc phát triển bản thân mà còn chú trọng đến việc giúp đỡ, hỗ trợ và định hướng nhân viên dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về họ và tôn trọng tâm hồn của từng cá nhân.

Cái gì là “hồn” của Trúc Lâm?

Kiến thức 09:00 16/11/2024

Có một người khách khác tới chùa, ông thầy Tri khách tiếp chuyện. Họ khen Thiền viện Trúc Lâm đẹp, ông Tri khách liền nói: Quí vị thấy chùa Trúc Lâm đẹp, đó là cái xác của Trúc Lâm, chưa phải hồn của Trúc Lâm...

Xem thêm