Thiền trong mỗi phút giây
Chúng ta nên đưa sự thực tập trong thiền đường vào trong đời sống hàng ngày. Thực tập như thế nào để hiểu được cảm thọ, tri giác của mình. Chúng ta không chỉ xử lý cảm thọ, tri giác trong lúc ngồi thiền mà phải xử lý chúng suốt ngày.
Chúng ta phải pháp đàm với nhau làm thế nào để thực hiện được điều đó. Chúng ta có thực tập hơi thở ý thức khi gọi điện thoại không? Chúng ta có mỉm cười khi lặt rau, làm bếp không? Chúng ta có thực tập buông thư sau mỗi giờ làm việc không? Những câu hỏi này rất thiết thực. Nếu chúng ta biết ứng dụng đạo Bụt vào bữa cơm tối, vào thời gian rảnh rỗi và ngủ nghỉ thì đạo Bụt sẽ đi vào đời sống hàng ngày của ta. Và như vậy sẽ có những ảnh hưởng lớn đến những mối quan tâm của xã hội. Bụt, Pháp, Tăng trở thành những vấn đề hàng ngày của ta trong mỗi giây, mỗi phút mà không phải là những lời giảng giải xa xôi.
Tâm chúng ta như một dòng sông, trong đó có những tư tưởng, cảm thọ luôn trôi chảy không ngừng. Thực tập thi kệ nhắc nhở chúng ta ý thức về những gì đang xảy ra. Khi chúng ta tập trung tâm ý vào thi kệ thì ngay giây phút đó thi kệ là tâm. Thi kệ tràn ngập tâm thức ta trong vòng nửa giây, mười giây hay một phút. Sau đó ta có thể đọc một bài thi kệ khác cho những công việc tiếp theo. Ăn cơm im lặng, tôi cũng đọc thi kệ trước rồi mới bắt đầu ăn. Ăn xong, tôi đọc một bài thi kệ khác và uống một tách trà. Giả sử ta có một giờ ngồi thiền và sau đó là năm giờ không ngồi thiền, rồi đến ba giờ ngồi thiền thực tập chuyên sâu. Thì giữa thời gian thực tập và thời gian không thực tập ấy có dính líu gì với nhau không? Tâm lúc thực tập và tâm lúc không thực tập có liên quan gì với nhau? Ngồi thiền giống như một bài thi kệ vậy, một bài thi kệ im lặng dài. Cái quan tâm chính của tôi là làm thế nào để việc thực tập thi kệ ảnh hưởng đến tâm thức ta lúc không thực tập thi kệ.
Những tài xế lái xe đôi khi cũng cần những bảng chỉ đường. Bảng chỉ đường và đường là một, bởi vì bảng chỉ đường sẽ giúp mình đi một quãng đường dài cho đến khi bảng chỉ đường kế tiếp xuất hiện. Không có sự khác biệt nào giữa bảng chỉ đường và đường. Đó là điều ta nên làm khi thực tập thi kệ và ngồi thiền. Thi kệ giúp ta trở về với chính mình và khi đọc thi kệ xong ta vẫn tiếp tục thực tập theo như một dòng chảy. Nếu chúng ta không nhận ra được sự hợp nhất giữa thi kệ và thời gian còn lại của ngày, giữa bảng chỉ đường và đường thì chúng ta sẽ bị ngăn cách hoàn toàn (absolute compartmentalization), cái mà tiếng Pháp gọi là cloisons étanches, nghĩa là không có liên hệ gì giữa hai thứ, không thể hòa nhập được. Tâm lúc thực tập thi kệ và tâm lúc không thực tập thi kệ hoàn toàn khác biệt, tâm lúc ngồi thiền và tâm lúc không ngồi thiền không dính líu gì với nhau cả.
Làm thế nào để thi kệ ảnh hưởng lên đời sống hàng ngày của ta, kể cả những lúc ta không thực tập thi kệ? Làm thế nào để thời gian ngồi thiền thâm nhập được vào đời sống hàng ngày của ta, vào những giờ ta không ngồi thiền? Chúng ta phải học hỏi phương pháp thực tập để mỗi bài thi kệ, mỗi phút ngồi thiền, mỗi bước chân thiền hành ảnh hưởng đến suốt ngày của ta. Mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi dòng tư duy đều có ảnh hưởng của nó. Cho dù chỉ một cái vỗ tay của tôi thôi cũng ảnh hưởng khắp mọi nơi, ảnh hưởng đến cả những tinh hà. Mỗi cái ngồi, mỗi bước chân, mỗi nụ cười đều ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của ta và của những người khác. Sự thực tập của ta phải được dựa trên nền tảng đó.
Khi ngồi thiền hay đi thiền hành, chúng ta phải để ý đến chất lượng mà không phải là số lượng. Chúng ta phải thực tập một cách thông minh. Phải chế tác ra những phương pháp thực tập thích ứng, phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta.
Tôi muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện về một người phụ nữ chuyên niệm danh hiệu Bụt A Di Đà. Mỗi ngày bà đều dùng chuông mõ để niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” ba thời, mỗi thời một tiếng đồng hồ. Khi niệm đến một ngàn lần thì bà thỉnh chuông. Mặc dù đã thực tập như thế cả 10 năm rồi nhưng bà vẫn là một người khá hẹp hòi, ích kỷ và hay chửi mắng người khác.
Người láng giềng của bà thấy vậy, muốn dạy cho bà một bài học, nên một ngày nọ sau khi bà ta dâng hương, thỉnh ba tiếng chuông và bắt đầu tụng: “Nam Mô A Di Đà Phật” thì ông ta đến ngay cửa nhà bà và gọi: “Bà Nguyễn, bà Nguyễn”. Bà rất bực mình vì đây là lúc bà đang tu mà ông ta cứ đứng trước nhà gọi tên bà. Bà tự nhủ: “Mình phải chiến thắng cơn giận của mình mới được, mặc kệ ông”. Rồi bà tiếp tục: “Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật…”
Người đàn ông tiếp tục gọi lớn tên bà. Cơn giận của bà càng lúc càng dữ dội hơn. Bà đấu tranh với nó rồi tự hỏi: “Liệu mình có nên ngưng tụng mà ra mắng cho ông ta một trận không?” Tuy thế bà ta vẫn tiếp tục tụng và đấu tranh gắt gao hơn. Ngọn lửa giận dữ bốc lên nhưng bà vẫn tiếp tục: “Nam Mô A Di Đà Phật”. Người đàn ông biết được và tiếp tục kêu lớn: “Bà Nguyễn, bà Nguyễn”.
Không chịu được nữa, bà quăng chuông mõ, chạy ra cửa và la lên: “Ông không biết tôi đang niệm Phật hả? Sao ông cứ gọi tên tôi hoài vậy? Ông đang làm cái trò gì thế?” Người đàn ông cười và nói: “Tôi mới gọi tên bà có mười phút mà bà đã nổi giận đùng đùng như vậy, thử hỏi bà gọi tên Bụt cả mười năm nay thì Bụt giận đến cỡ nào?”
Do đó, vấn đề không phải là làm nhiều mà là làm đúng. Nếu thực hành đúng chúng ta sẽ trở nên tử tế hơn, dễ thương hơn, có hiểu biết và thương yêu hơn. Khi ngồi thiền hay đi thiền hành chúng ta nên để ý đến chất lượng mà không phải đến số lượng. Nếu chỉ để ý đến số lượng thôi thì chúng ta chẳng khác gì bà Nguyễn. Tôi nghĩ rằng bà đã học được bài học của mình và sẽ làm tốt hơn.
Trích từ sách Muốn an được an
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thiền trong mỗi phút giây
Kiến thức 14:37 15/11/2024Chúng ta nên đưa sự thực tập trong thiền đường vào trong đời sống hàng ngày. Thực tập như thế nào để hiểu được cảm thọ, tri giác của mình. Chúng ta không chỉ xử lý cảm thọ, tri giác trong lúc ngồi thiền mà phải xử lý chúng suốt ngày.
Hóa nhân thuyết pháp
Kiến thức 10:52 15/11/2024Vua Đường Văn Tông rất thích ăn sò ốc, dân chúng ven biển ngày nào cũng bắt dâng nộp triều đình. Có một lần, người đầu bếp đang luộc ốc, thấy có một con ốc hả miệng ra, trong vỏ có hình dáng giống như Bồ-tát Quán Âm, đầy đủ tướng thanh tịnh, hết sức trang nghiêm.
Một lần nổi giận, ba ngày chưa hồi phục
Kiến thức 10:30 15/11/2024Có người ra bên ngoài nói lời thị phi hủy báng tôi, có đồng tu đến nói với tôi, người đó nói xấu thầy, hủy báng thầy. Họ vừa mở lời, tôi liền không cho họ nói thêm nữa, họ cảm thấy vô cùng kinh ngạc! Họ hỏi, vì sao vậy?
Tu ba loại nhân, nhất định cảm được ba loại quả báo
Kiến thức 09:00 15/11/2024Trước lúc thiên tai chưa xảy ra, nên cố gắng tu nhân, như vậy mới là hành động đúng đắn nhất. Nên giữ tâm cho tốt, làm việc tốt, nói lời hay, làm người tốt. Như vậy nhất định có quả báo tốt đẹp.
Xem thêm