Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 16/10/2023, 12:31 PM

Hoà thượng Tuệ Sỹ: “Chén trà lão Triệu mà chưng hoa ngàn"

Thị giả của Thầy Tuệ Sỹ nhắn tin tôi: Thầy Tuệ Sỹ đang ở Sài Gòn. Mời Bác đến Hương Tích chơi. Tôi đến. Tuệ Sỹ gầy ốm, xanh xao lắm. Nhưng vui vẻ, hoạt bát, thông tuệ như bao giờ!

Audio

Thầy viết tặng tôi tập Thơ song ngữ: Dreaming the Mountain do Nguyễn Bá Chung và Martha Collins dịch (2023), cùng với cuốn Phạm Công Thiện của Nohira Munehiro (Võ Thị Vân Anh dịch) và Phật Học Luận Tập, số mới nhất.

Phần tôi, gởi tặng Thầy bản thảo “Một ngày kia… đến bờ” vừa mới viết xong. Trong đó tôi viết: Phật cũng già, cũng bệnh và… cũng chết; viết về Phật là Như Lai nhưng… Như Lai không phải Phật; về Thiền và những hormones hạnh phúc; về “Chất lượng cuộc chết”…

Thầy đưa tôi coi mấy phiếu xét nghiệm và cười, nói: “Chỉ còn một nửa”. Đúng. Chỉ còn một nửa. Hématocrite chỉ còn 17%, Hémoglobine còn 7g/dL…

Mấy ngày sau tôi nghe sức khoẻ thầy đang rất yếu. Đã phải vào bệnh viện và được truyền 3 đơn vị hồng cầu lắng.

Thầy Tuệ Sỹ và Đỗ Hồng Ngọc (ảnh Quảng Ngộ, 9.2023)

Thầy Tuệ Sỹ và Đỗ Hồng Ngọc (ảnh Quảng Ngộ, 9.2023)

Trong bản thảo “Một ngày kia… đến bờ”, tôi có nhắc Je pense donc je suis của Descartes: Tôi tư duy, vậy có tôi. Vậy không tư duy là không… có tôi! Ta cũng có thể nói như một thầy thuốc: “Tôi thở, vậy có tôi”. Nghĩa là tôi không thở thì không có tôi. Nhưng cái thời tôi còn ở trong bụng mẹ, tôi cũng không thở mà vẫn có tôi đó thôi. Vậy phải chăng cái thời tôi… hết thở, tôi ngừng thở, thì tôi không còn nữa? Còn chứ! Tôi lúc đó lại trở về bào thai Mẹ, bào thai Như Lai (Tathagata-garbha) đó chứ!

Tuệ Sỹ viết trong Tổng quan về Nghiệp (2021), thời kinh nói: “Thời gian đến, chúng sinh chín muồi; thời gian đi, chúng sinh bị hối thúc. Thời gian thức tỉnh chúng sinh…” Đây là tri giác về thời gian theo chu kỳ sống chết của sinh loại. Tri giác về thời gian cũng là tri giác về sự chết. Thời gian được biết đến từ tri giác về sự sinh thành và hủy diệt của một đời người.

Rồi khép lại hàng mi về cõi mộng

Như sương mai, như bóng chớp, mây chiều. 

Thì ra là lời của kinh Kim Cang đó:

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng, huyễn, bào, ảnh

Như lộ diệc như điện.

Ưng tác như thị quán!

Thành ngữ kālaṃ karoti, “nó tạo tác thời gian”, nghĩa là nó chết. Đây không phải là tri giác mà là ám ảnh về thời gian như một thứ định mệnh không thể tránh, rồi ai cũng phải chết. Cho nên, về mặt ngữ nguyên, kāla, nghĩa là thời gian mà cũng có nghĩa là màu đen tối, màu của đêm tối, của sự chết. Kāla cũng được hiểu là do gốc động từ kal (kalayati) thúc giục, hối thúc, sự chết đang hối thúc ta (Tổng quan về Nghiệp,Tuệ Sỹ).

Lửa đã tắt từ buổi đầu sáng thế

Một kiếp người ray rứt bụi tro bay 

(Ngồi giữa bãi tha ma)

Trong bài “Phương nào cõi tịnh”, Tuệ Sỹ viết từ cảm hứng khi đọc cuốn “Cõi Phật Đâu Xa” của tôi về Kinh Duy Ma Cật (2017), ông dẫn 4 câu thơ, trích từ Giấc Mơ Trường Sơn:

Ta hỏi kiến nơi nào Cõi Tịnh,

Ngoài hư không có dấu chim bay?

Từ tiếng gọi màu đen đất khổ,

Thắp tâm tư thay ánh mặt trời. 

(Giấc Mơ Trường Sơn)

Phải, chỉ có Trí Tuệ (thắp tâm tư thay ánh mặt trời) mới có thể Từ Bi giúp ta vượt thoát màu đen đất khổ đó vậy!

Tuệ Sỹ cho rằng, “vì trình độ ngôn ngữ và năng lực tư duy của chúng ta vốn hữu hạn, cho nên bằng con đường nghệ thuật mà đi vào ngõ đạo có thể tương đối dễ hơn” (Phương nào cõi tịnh), ông chủ trương thơ, nhạc, vũ, kịch… có thể là “ngõ đạo”.

Ông thường nói về vở nhạc vũ kịch Duy Ma Cật, ở đó có hình tượng một Thiên nữ rải hoa trời tán thưởng một lời không nói (của Duy Ma…) và cõi của một lời không nói đó chính là cõi thơ.

Giữa thế giới Ta-bà và cõi Phật Chúng Hương, tòa sư tử và thành Tì-la-da, cái vô cùng lớn đến trong cái vô cùng nhỏ, và cái nhỏ đi vào trong cái lớn: đây cũng là cặp phản diện bối cảnh làm lộ rõ thể tính tồn tại của thế gian, vũ trụ. Bằng hình ảnh đó mà tập luyện cho tư duy vượt ngoài khuôn sáo ước lệ, vượt qua thế giới thường nghiệm để vươn lên cảnh giới siêu nghiệm, bất khả tư nghị.

Như thế, đọc Duy-ma-cật sở thuyết như đang xem một kịch bản, với những nhân vật và bối cảnh phản diện, với những biến cố mang đầy kịch tính, đó là cách tự huấn luyện và tự trang bị cho mình một công cụ định hướng tư duy để vươn lên chiều cao của giác ngộ.

Da mồi tóc trắng, chính là cảnh giới của Duy Ma. Cảnh giới đó là cõi đối biện thượng thừa; cõi im lặng vô ngôn bát ngát của cư sĩ Duy Ma Cật. Và cũng là cõi tịch mặc nhưng tráng lệ của thi ca.

Cười với nắng một ngày sao chóng thế

Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ

Bụi đường dài gót mỏi đi quanh 

(Khung trời cũ)

Tâm Thiền thì không có ngôn ngữ gì khác biệt với ngôn ngữ thường tình. Nhưng còn ngại rằng khi đã cạo tóc mà tình thơ vẫn còn. Thôi thì, thiền đạo và thi ca là đồng hay là khác, cũng chớ nên nghi ngờ mà tra hỏi.

Có lẽ “Những phím dương cầm” là bài thơ rất tình của ông tay em run trên những phím lụa ngà, anh trĩu nặng núi rừng trong đáy mắt, nhưng ông đã dặn “chớ nên nghi ngờ mà tra hỏi” rồi đó!

Tự hôm nào suối tóc ngọt lời ca

Tay em run trên những phím lụa ngà

Lời em ca phong kín nhụy hoa hờn

Anh trĩu nặng núi rừng trong đáy mắt

Mờ phố thị những chiều hôn mái tóc

Sóng ai ngồi so phím lụa đàn xưa 

(Những phím dương cầm)

Bởi theo ông, đạt tới cõi thượng thừa của Thơ, như người học Thiền chứng chỗ Không tịch của Đạo; cái đó vừa khó vừa dễ. Học Thiền ba mươi năm, ba mươi năm đày đọa thân tâm, mà không thành. Phẫn chí, bỏ đi; bất chợt thấy một cánh hoa rơi, cõi Không tịch cũng hoát nhiên, đột ngột mở ra. Chỗ ảo diệu đó, khó giảng cho thông! Muốn cho lời thơ tuyệt diệu, thì phải là đừng gò ép, vừa Không và vừa Tĩnh. Tĩnh cho nên thâu tóm hết mọi vọng động. Không cho nên bao hàm vạn cảnh. Ngắm nhìn sự đời, bôn ba giữa đời, mà thấy mình như nằm trên chóp đỉnh mây cao. Đủ hết các thứ mặn nồng, chua chát; trong đó có cái hương vị tuyệt vời. Thơ và Pháp (Đạo) không chống trái nhau, không hại nhau. (Tô Đông Pha, những khung trời viễn mộng, Tuệ Sỹ)

Đọc thơ Tuệ Sỹ, tôi thường ngẫm ngợi tại sao thơ ông thường nhắc đến ngày hội lớn, cung trời hội cũ?

Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ

Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang 

(Khung trời cũ).

Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn

Khóe môi cười nắng quái cũng gầy hao 

(Một thoáng chiêm bao)

Ngày hội lớn đó ở đâu? Cung trời hội cũ ở chỗ nào đó vậy? Sao nghe thấy quen quen!

A, có phải buổi hôm đó, dưới cội Bồ đề nơi Đức Phật thành đạo, Ngài nói đó là “quả an vui”, ở Hội thứ nhất của Avatamsaka, một thế giới hoa tạng mở ra bát ngát, Như Lai đã hiện tướng thành một vị Phật mắc biếc, ngây thơ, tủm tỉm cười… như hồi còn là chú bé 7, 8 tuổi ngồi xem Lễ Hạ Điền mà nhập định không hay?

Còn cung trời hội cũ kia phải chăng là Hội thứ chín, nơi rừng Thệ Đa, khi người ta nhập pháp giới, đi vào cuộc Lữ, để thấy được pháp giới thể tính mà thõng tay vào chợ?

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở

Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan 

Trên đỉnh Hy-mã-lạp-sơn kia là những vỏ sò và dưới đáy biển sâu thẳm nọ là những hạt muối lâu đài thành quách…

Cõi thơ, có đến và có đi, nhưng không hề có dấu vết. Một cánh chim Nhạn, một cánh chim Hồng ngoài ven trời vạn dặm.

Tôi vẫn nghĩ, chính cõi thơ “không hề có dấu vết” kia đã “cứu rỗi” Tuệ Sỹ, một cánh chim Nhạn, một cánh chim Hồng ngoài ven trời vạn dặm, để ông được trở về với mái nhà tranh quen thuộc của mình mà “nâng chén trà lão Triệu”. (Phương nào cõi tịnh, Tuệ Sỹ).

(Saigon, tháng 9.2023)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ơn nước luôn tròn đầy

Góc nhìn Phật tử 07:51 05/05/2024

20 năm trước, khi cùng một người bạn đăng ký dự một khóa thiền do Thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai hướng dẫn ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), tôi bỡ ngỡ vì làm bất cứ việc gì cũng có một bài kệ để thực tập.

Chỉ có tâm người là đáng sợ

Góc nhìn Phật tử 20:07 04/05/2024

Có một người đến vấn hỏi thiền sư, “Để phòng ngừa tai họa, xin thầy từ bi cho biết cái gì đáng sợ nhất trên cõi đời này?”

Có một cảnh giới mà chúng ta sẽ cùng nhau đoàn tụ vĩnh viễn

Góc nhìn Phật tử 11:45 04/05/2024

"Thầy xin các con tâm niệm: Chẳng sáng thì chiều, chẳng hôm nay thì ngày mai, chẳng tháng này thì tháng khác, chẳng năm nay thì năm sau, Thầy cũng như ba má và tất cả những người các con nương tựa thế nào cũng phải có ngày khuất bóng."

Tâm tham

Góc nhìn Phật tử 07:51 03/05/2024

Tâm tham là một trong những loại tâm bất thiện (Tâm chẳng lành, tâm xấu,…). Khi chưa là A La Hán thì tâm này vẫn chi phối chúng ta, khiến chúng ta tạo tác và luân hồi sinh tử trong nhiều kiếp. Tâm này do huân tập từ nhiều đời cho nên khi gặp cảnh tốt đẹp, hài lòng thì sinh ham muốn.

Xem thêm